892 – Độc quyền quyền lực và vấn đề đạo đức

Câu trả lời mà La Boétie tìm ra nằm ở trong mấy chữ này: “sự nô lệ tự nguyện”. Ông chỉ ra rằng sức mạnh của kẻ bạo chúa được thiết lập trên sự hèn yếu và khiếp nhược của những người tự nguyện chấp nhận ách cai trị của hắn. Chính là do được những người dân tình nguyện ủng hộ mà kẻ độc tài có thể củng cố và mở rộng quyền lực vô giới hạn của hắn.
…. “Chính là nhân dân đã tự nguyện chịu khuất phục và tự cắt cổ mình.” “Nếu mọi người không tuân lệnh nữa thì kẻ chuyên chế sẽ thất bại.”

Độc quyền quyền lực và vấn đề đạo đức

23 tháng 4 2016
160423121238_nguyen_thi_tu_huy_640x360_bbc
TS. Nguyễn Thị Từ Huy cho rằng có vấn đề về mặt đạo đức nếu một thể chế một đảng, và chế độ chuyên chính nắm quyền lực độc tôn quá lâu dài

Việc nắm giữ quyền lực chính trị một cách độc tôn và quá lâu dài trong xã hội ngày nay có thể là một vấn đề về đạo đức đối với những chủ thể độc quyền quyền lực trong các thể chế một đảng và chế độ chuyên chính, theo một nhà nghiên cứu triết học chính trị từ Paris, Pháp.

Một chính thể ‘độc tài độc đảng’ ngày nay, để bảo tồn quyền lực chính trị, có thể rơi vào trường hợp ‘vi phạm đạo đức’, khi dùng Hiến pháp để quy định quyền lãnh đạo tuyệt đối và bất biến của đảng mình, vẫn theo ý kiến này.

Trong cuộc phỏng vấn qua văn bản dành cho BBC hôm 23/4/2016, Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy, nhà nghiên cứu chính trị – xã hội Việt Nam, từ Đại học Paris Diderot, Pháp cũng đưa ra cảnh báo về hậu quả xã hội đối với một nền thống trị ‘độc tài toàn trị’ nếu sử dụng thủ đoạn ‘nói dối’ để nắm, giữ quyền lực.

“Dối trá mang tính chất căn nguyên của chế độ, một chế độ mà Hiến pháp tuyên bố rằng nhân dân có quyền làm chủ, nhưng quyền lực lại chỉ thuộc về một đảng chính trị duy nhất. Và sự dối trá này sẽ dẫn tới đâu?”, Tiến sỹ Từ Huy đặt vấn đề.

“Dẫn tới sự xói mòn dần tất cả các tiêu chuẩn đạo đức, sự sụp đổ mọi tiêu chí của sự tử tế, và sự hủy diệt trên diện rộng niềm tin vào những giá trị như sự thật, trung thành với nguyên tắc, sự thật thà, vị tha và danh dự…”

Vì sao còn tồn tại?

Mở đầu cuộc trao đổi với BBC, nhà nghiên cứu triết học chính trị trả lời câu hỏi: Tại sao các thể chế được cho là các nền độc tài, và chế độ chuyên chính vẫn còn tồn tại ngày nay ở một số nơi trên thế giới, hay là vì vẫn có những hình thức ‘độc tài’ hay ‘chuyên chính’ chấp nhận được với nhân loại?

Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy: Để trả lời câu hỏi này của ông cần phải làm một seminar nhiều kỳ, do tính phức tạp của vấn đề. Ở đây tôi xin phép chỉ nêu một trong số các nguyên nhân khiến cho các nền độc tài vẫn đang tiếp tục tồn tại. Nguyên nhân này không phải do tôi tìm ra, mà nó đã được trình bày trong bản luận văn nổi tiếng, “Luận văn về sự nô lệ tự nguyện” (Discours de la servitude volontaire), được Etienne de La Boétie viết vào thế kỷ XVI. Tôi nhắc lại nguyên nhân này, vì nó vẫn còn đúng cho cả thế giới hiện tại nơi chúng ta đang sống.

Etienne de La Boétie đưa ra câu trả lời cho chính cái câu hỏi mà ông đặt ra cho tôi ngày hôm nay. Chàng trai 18 tuổi ấy viết luận văn này nhằm tìm hiểu một hiện tượng xã hội đã khiến cho một đầu óc tự do vô cùng ngạc nhiên: đôi khi trong lịch sử nhân loại đã xảy ra việc hàng bao nhiêu con người, bao nhiêu đô thành, bao nhiêu quốc gia lại chịu phục tùng một kẻ chuyên chế duy nhất, trong khi mà kẻ đó chỉ có thể có quyền lực khi những người bị áp bức chấp thuận trao quyền ấy cho hắn, và bao nhiêu người đã trao quyền lực cho kẻ chuyên chế để hắn làm hại mình. Thật ngạc nhiên khi thấy hàng triệu, hàng triệu người bị chế ngự, cam chịu cúi đầu phục tùng một người duy nhất. Tại sao có thể xảy ra một chuyện như vậy ?

Câu trả lời mà La Boétie tìm ra nằm ở trong mấy chữ này: “sự nô lệ tự nguyện”. Ông chỉ ra rằng sức mạnh của kẻ bạo chúa được thiết lập trên sự hèn yếu và khiếp nhược của những người tự nguyện chấp nhận ách cai trị của hắn. Chính là do được những người dân tình nguyện ủng hộ mà kẻ độc tài có thể củng cố và mở rộng quyền lực vô giới hạn của hắn.

La Boétie viết: “Chính là nhân dân đã tự nguyện chịu khuất phục và tự cắt cổ mình.” “Nếu mọi người không tuân lệnh nữa thì kẻ chuyên chế sẽ thất bại.”

Điều quan trọng mà La Boétie chỉ ra là: Nhân dân không cần phải đấu tranh, không cần dùng tới bằng bạo lực, chỉ cần không phục tùng, không tuân lệnh thôi là chế độ độc tài đã không thể tồn tại được nữa.

Chẳng phải điều này ngày nay vẫn đúng hay sao ? Hãy nhìn vào một sự việc vừa xảy ra: Hội nghị cử tri và hiệp thương vòng 3 của bầu cử Quốc hội kỳ này. Chẳng phải những người dân địa phương, và nhất là ban tổ chức bầu cử địa phương, Mặt trận Tổ quốc, đã tuân lệnh trên và dùng thủ đoạn để loại gần như tất cả ứng viên tự do, kể cả những người mà uy tín trong cộng đồng dân cư là không thể phủ nhận, và nếu xét từ quan điểm của chính quyền, họ không bị xếp vào hàng ngũ bất đồng, như Trần Đăng Tuấn, Nguyễn Cảnh Bình (việc cử tri của Nguyễn Cảnh Bình làm kiến nghị về kết quả bỏ phiếu là một việc có rất nhiều ý nghĩa)?

Trong khi nếu người dân và Mặt trận Tổ quốc bỏ phiếu cho những người đó thì họ cũng chẳng mất gì, có chăng chỉ mất xiềng xích nô lệ.

Thông tin về sự kiện này đã có nhiều, không cần phải nhắc lại. Ở đây, khi đề cập đến điều này tôi chỉ muốn xác nhận rằng những gì mà La Boétie nói từ thế kỷ XVI vẫn còn đúng cho thế giới hiện nay. Chỉ cần công dân làm đúng bổn phận của mình, chỉ cần như thế thôi (chứ không cần phải dùng đến bạo lực) thì quyền lực độc tài đã có thể bị vô hiệu hóa. Và cũng chẳng ai có thể trừng phạt họ được, bởi chẳng có lý do gì để trừng phạt họ khi họ làm việc theo bổn phận và lương tâm. Nhưng thực tế thì La Boétie nói hoàn toàn chính xác: quyền lực độc tài được củng cố bởi vì mọi người bị chìm đắm trong “sự nô lệ tự nguyện”.

Cũng theo La Boétie, muốn thoát khỏi sự nô lệ tự nguyện này, để đi tới thoát khỏi ách cai trị của kẻ độc tài, chỉ cần có một điều thôi: chỉ cần nhân dân muốn có tự do. Chỉ cần có ý muốn tự do.

Tại sao La Boétie cho rằng chỉ cần người dân muốn có tự do là đủ để khiến cho hệ thống độc tài sụp đổ ? Có lẽ chúng ta sẽ trở lại với ý tưởng này vào một dịp khác.

Sản phẩm của ‘cầm tù’?

BBCPhải chăng thể chế, chế độ độc tài, ở một góc độ nào đó, là sản phẩm của tư duy bị ‘cầm tù’ và sự cầm tù của tư duy con người?

Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy: Trở lại với vụ việc hội nghị cử tri và hiệp thương vòng 3 của bầu cử Quốc hội ta sẽ thấy rằng: Khi ta chứng kiến những người dân ở một xã nghèo không bầu cho luật sư Lê Luân, với những lý do hết sức ấu trĩ, do bị ảnh hưởng bởi hệ thống tuyên truyền các cấp, ta có cảm giác gần như là xót xa, bởi họ bị giới hạn trong một nhận thức nhất định nên mới làm như vậy.

Hiện tượng người dân ủng hộ chế độ độc tài do sự hạn chế của nhận thức có thể trùng hợp với điều mà ông gọi là “tư duy bị cầm tù”, xét từ phía nạn nhân, và “sự cầm tù tư duy con người”, xét từ phía những người cố tình tạo ra xiềng xích cho tư duy của người dân. Điều đáng nói là những người muốn trói buộc tư duy của người khác dường như không biết rằng chính tư duy của họ cũng bị cầm tù.

Nhưng khi ta chứng kiến cảnh đấu tố của những luật sư, của những người thuộc giới trí thức, khi ta chứng kiến cảnh kiểm phiếu diễn ra trong một ngôi miếu hoang, bất chấp mọi chuẩn mực hành chính, luật pháp, lương tâm và đạo lý, thì cảm giác được gợi lên chắc chắn không còn là xót xa nữa, mà là phẫn nộ. Đó cũng có thể là phản ứng xảy ra khi ta phải nghe những phát biểu của một đại biểu Quốc hội nhấn mạnh “cái hay” của hoạt động vi hiến do Quốc hội khóa 13 thực hiện khi bãi nhiệm toàn bộ chính phủ không có lý do.

Trong những trường hợp này, vấn đề không còn ở chỗ “tư duy bị cầm tù” nữa, mà vấn đề phải được gọi tên đúng như cách mà Hannah Arendt đã gọi (khi bà lý giải vì sao chủ nghĩa toàn trị có thể vận hành): sự vô liêm sỉ.

Sự vô liêm sỉ của những người tạo nên cái mạng lưới hỗ trợ cho trung tâm quyền lực toàn trị. Vô liêm sỉ, bởi những người đó hiểu rõ sự thối nát và phản nhân đạo của hệ thống, nhưng vẫn bảo vệ nó bất chấp sự hiểu biết của chính họ.

Vậy, để trả lời câu hỏi này của ông, có thể nói, chế độ độc tài là sản phẩm kết hợp giữa kiểu tư duy nô lệ và sự vô liêm sỉ của những người hưởng lợi từ hệ thống. Theo La Boétie thì hai yếu tố này có liên quan đến nhau, trong một chừng mực nào đó, cái này là nguyên nhân của cái kia: Thói hám lợi và sự vô liêm sỉ dẫn đến tư duy nô lệ, và ngược lại.

BBCMột nền độc tài kéo dài trên dưới một thế kỷ, hay gần như thế, trong thế giới ngày nay, mà không cho phép một lực lượng chính trị nào khác trong nhân dân và xã hội được cạnh tranh chính thức, hoặc chia sẻ quyền lực, thì có vấn đề gì đáng bàn về đạo đức hay không?

Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy: Ông đặt vấn đề rất đúng: điều đó quả là thuộc về phạm trù đạo đức. Các chế độ độc tài cổ điển, mà La Boétie bàn đến trong bản luận văn đã nêu ở trên, khác với một số nền độc tài trong thế giới đương đại của chúng ta ở điểm căn bản mà tôi sẽ đề cập tới sau đây.

Những kẻ chuyên chế cổ điển, dù đoạt được quyền lực theo cách nào (do được dân bầu lên, do dùng vũ lực – thắng trận trong chiến tranh hoặc trong các cuộc tranh đoạt quyền lực, do được kế thừa theo dòng dõi), và dù sử dụng quyền lực theo ý muốn cá nhân bất chấp luật pháp, thì giữa lời nói và hành động cũng còn có sự trùng hợp. Bởi vì những kẻ độc tài cổ điển quan niệm rằng mình có quyền lực tối cao, còn người dân buộc phải phục tùng. Và nhân dân, một khi chấp nhận sự cai trị thì cũng thừa nhận mình bị cai trị.

Điều này khiến cho một vị vua như Louis XIV có thể tuyên bố: “Nhà nước chính là ta”. Như vậy, trung tâm quyền lực được xác định rõ, và kẻ độc tài tự nhận mình là độc tài. Sự việc được gọi đúng tên của nó.

Đạo đức bị hủy diệt

Nhưng một chính thể độc tài độc đảng ngày nay, để bảo tồn quyền lực chính trị, có thể rơi vào trường hợp vi phạm đạo đức, khi dùng Hiến pháp để quy định quyền lãnh đạo tuyệt đối và bất biến của đảng mình. Mặt khác, cũng trong Hiến pháp, lại quy định rằng nhân dân có quyền làm chủ, lại quy định rằng Nhà nước là của dân, do dân, và vì dân.

Nghĩa là chính đảng độc tài không thừa nhận tính chất độc tài của quyền lực do mình nắm giữ, và muốn nhân dân tin rằng đây là một chính thể dân chủ trong đó người dân có quyền tự do quyết định. Nhưng trên thực tế, nhân dân bị lệ thuộc vào quyền lực của đảng độc tài. Như vậy, trung tâm quyền lực không được xác định rõ, và đảng độc tài chối bỏ tính chất độc tài của mình. Sự việc không được gọi đúng tên của nó.

Hiến pháp 2013 của Việt Nam là một ví dụ điển hình cho trường hợp này. Điều 2 và điều 3 của Hiến pháp này quy định quyền lực thuộc về nhân dân. Nhưng điều 4 lại quy định quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản. Những điều luật này, trên thực tế, loại trừ nhau, điều luật này khiến cho điều luật kia bị vô hiệu hóa. Và điều luật này sẽ khiến cho điều luật kia trở thành dối trá.

Nếu nhân dân có quyền làm chủ thì quyền lãnh đạo của đảng cộng sản không thể là tuyệt đối và vĩnh viễn. Bởi vì trong trường hợp này, nhân dân có thể lập nhiều đảng khác nhau và có thể chọn bất cứ đảng nào làm lãnh đạo, theo ý muốn của mình. Ngược lại, nếu đảng cộng sản có quyền lãnh đạo tuyệt đối và vĩnh viễn thì có nghĩa nhân dân không có quyền chọn lãnh đạo cho mình. Trường hợp Việt Nam cho thấy điều 2 và điều 3 Hiến pháp 2013 chỉ là những lời nói dối.

Vì thế, đúng như cách đặt vấn đề của ông, việc một nền độc tài dùng hiến pháp để chính danh hóa quyền lực của mình là một sự vi phạm đạo đức, do tính chất dối trá của nó. Đây là sự dối trá mang tính chất căn nguyên của chế độ, một chế độ mà Hiến pháp tuyên bố rằng nhân dân có quyền làm chủ, nhưng quyền lực lại chỉ thuộc về một đảng chính trị duy nhất. Và sự dối trá này sẽ dẫn tới đâu?

Nó chỉ có thể “dẫn tới sự xói mòn dần tất cả các tiêu chuẩn đạo đức, sự sụp đổ mọi tiêu chí của sự tử tế, và sự hủy diệt trên diện rộng niềm tin vào những giá trị như sự thật, trung thành với nguyên tắc, sự thật thà, vị tha và danh dự. Cuộc sống – trong quá trình đồi phong bại tục như thế, tức là quá trình có xuất xứ từ việc người ta mất hết mọi hy vọng và mất hết niềm tin rằng cuộc sống có một ý nghĩa nào đó – phải chìm xuống mức tồn tại sinh học, chẳng khác gì cây cỏ. […] Giá phải trả là tinh thần bị tê liệt, tình thương không còn và cuộc đời bị tàn phá. […] Giá phải trả là sự khủng hoảng cả về mặt tinh thần lẫn đạo đức.”

Kết luận này tôi trích lại của Vaclav Havel, bởi ông ấy nói quá chính xác, nếu ta quy chiếu nhận định này về thực tế của chúng ta ngày nay. Hãy nhìn những đàn cá đang chết trên quê hương. Cá phải chết là bởi đời sống tinh thần của con người đã chết, trách nhiệm đã chết, đạo đức của con người đã bị hủy diệt.

Khủng hoảng tinh thần và đạo đức vẫn sẽ còn tiếp tục, cho đến một ngày người dân Việt Nam tự nhủ: đủ rồi, dối trá thế đủ rồi, tự hủy diệt mình như thế đủ rồi, chúng ta cần một cuộc sống đúng nghĩa, sống trong sự trung thực, lương thiện và với phẩm giá xứng đáng.

Hoặc là cho đến một ngày những người lãnh đạo hiểu ra những nguy hiểm, những sự hủy diệt mà họ đang gây ra cho dân tộc, cho chính họ, và cho con cháu của họ, để đi tới quyết định áp dụng một nền chính trị cho phép phục hồi các giá trị đạo đức và tinh thần, đảm bảo một đời sống trong sạch và lành mạnh cho toàn xã hội, cho phép xây dựng và phát triển quốc gia một cách vững mạnh; nghĩa là đi tới một quyết định sáng suốt như quyết định mà ông Thein Sein đã thực hiện ở Miến Điện.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy có bằng tiến sĩ văn chương bảo vệ tại Pháp năm 2008 và từng giảng dạy tại một số trường đại học ở Việt Nam. Hiện bà đang làm luận án tiến sĩ về triết học chính trị tại Đại học Paris Diderot, Pháp.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/04/160423_nguyenthituhuy_vn_regime_view?SThisFB

891 – Nỗi lo con trẻ xứ ta và xứ người chốn học đường!

P1020832

Lễ khai giảng duy nhất trong đời học sinh ở xứ tây lông là vào năm lớp 1 – năm đầu tiên đứa trẻ rời mẫu giáo lớn tới trường. Trẻ đến tuổi đi học (6 tuổi) bất kể lành, ngẫn hay đao đều phải tới trường đó là bắt buộc, bất kể sang hèn, không ngoại lệ ai. Trẻ khuyết tật nhà nước cho xe bus nhỏ tới tận nhà đón tới trường đặc biệt. Về nhà bố mẹ còn được cấp tiền sinh hoạt phí để chăm nuôi trẻ một cách tử tế… (Ảnh Phạm Cường – 2009)

Nỗi lo con trẻ xứ ta và xứ người chốn học đường!

“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” đó là câu thành ngữ nói về nghề “gõ đầu trẻ” ở xứ ta. Vậy mà cái nghề bất đắc dĩ ấy muốn vào dạy hợp đồng đã phải “chạy” hàng trăm triệu đồng (như báo chí QD nêu). Chính tình trạng “nén bạc đâm toạc tờ giấy” đã biến cái nghề “kỹ sư tâm hồn” cao đẹp trở nên nhem nhuốc. Ở các xứ TB bóc lột, muốn lọt vào được trường nghề dạy học (Sư phạm), ngoài sự yêu nghề, người thầy tương lai phải có học lực và hạnh kiểm tốt suốt 12, 13 năm học phổ thông. Khi đứng trên bục giảng, người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy học trò cả về kỹ năng, nếp sống và nhân cách làm người. Thấy một vết xước, vết tím trên má trẻ, thầy cô bằng mọi cách tìm bằng được nguyên nhân để bảo vệ đứa trẻ. Đã không ít nạn bạo lực gia đình đối với trẻ vị thành niên đã được thầy cô giáo can thiệp. Nếu trường hợp nghiêm trọng, với sự trợ giúp của nhà trường, Jungenamt (Sở Thanh Thiếu niên) sẽ đưa sự vụ ra toà để tước quyền nuôi con của chính cha mẹ đẻ đứa bé. Trường hợp trẻ đánh nhau, đứa trẻ sai trái sẽ bị kỷ luật Schulverboten (đuổi học) từ 2-4 tuần tùy theo mức nặng nhẹ và cấm bén mảng tới trường, cấm tới gần các bến xe hay trên dọc đường đối tượng (liên quan) trong vòng 150m. Trường hợp nhẹ nhất thì bị phạt lao động công ích như quét lá khu vực sân hay bãi để xe sau buổi học từ 1-2 tiếng.

P1180996_

Em học sinh lớp 6 này can tội đánh nhau, bị phạt lao động công ích quét lá sau giờ học. Mọi quyết định kỷ luật do hiệu trưởng ký, gia đình và thầy cô chủ nhiệm và đương sự phải chấp hành nghiêm chứ không ý kiến ý cò được gì… (Ảnh Phạm Cường – 2012)

Nhờ kỷ luật nghiêm mà trò rất kính nể thầy cô, tôn trọng thầy cô và coi thầy cô như bạn thân có thể tâm sự và nhờ vả như những người “bạn lớn” tin cậy trong tất cả mọi việc, kể cả chuyện riêng tư nhất. Xứ người họ không cấm trẻ đói giở bánh mỳ ra ăn trong giờ học. Ngay cả buồn đại, tiểu tiện, học sinh không cần xin phép mà chỉ cần lặng lẽ đi ra ngoài. Tới trường học sinh không phải mặc đồng phục, thầy cô muốn bận trang phục nào tùy sở thích. Vào tiết học, học sinh ai ngồi chỗ đó, thầy cô vào lớp bao giờ cũng chào học sinh trong lớp trước và học sinh chào lại mà không cần đứng lên…
Sơ qua vài nét chính thế để thấy, xứ người chà cần khẩu hiệu hay phát động thi đua 2-3-4 tốt gì nhưng rất chi nề nếp qui củ, thầy ra thầy, trò ra trò…
Nghề gõ đầu trẻ xứ người lương cũng không cao lắm. Nhưng chưa bao giờ bị thất nghiệp và hầu như không (hay vô cùng hãn hữu) thầy cô vướng kỷ luật cho dù, ngoài công đoàn, chả có đảng phái chính trị nào được mang vào trường mà hoạt động cả. Có môn Politic (Chính trị) nhưng không bao giờ có tiết chào cờ (kể cả ngày khai giảng cả đời học sinh có đúng 1 lần), không đoàn TN, không đội TNTP, không ngày “hiến cam”, không dạy phù đạo thêm ở nhà nên học sinh không biết nhà thầy cô mình ở đâu…
Buông lỏng chính chị chính em như thế thì bao giờ mới đào tạo xong đội ngũ “con người mới” để xây dựng thành công CNXH được đây, hỡi bọn TB “giãy (mãi không) chết” kia?

Phạm Cường

Nỗi lo của bố mẹ trong vụ cô giáo ngược đãi học sinh cho uống nước bẩn

Vụ cô giáo ngược đãi học sinh bằng cách cho uống nước giẻ lau bảng đậm đặc được phanh phui khiến nhiều bố mẹ đứng ngồi không yên về thực trạng đến lớp hiện nay của con cái mình.

Cả ngày nay, cứ lên mạng là em lại thấy mọi người xôn xao bàn tán về vụ cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương mới về trường mà đã cả gan phạt học sinh bằng một cách động trời là bắt uống nước giẻ lau bảng. Nói thật với các mẹ chứ em ngồi đọc tin, nghĩ nát óc cũng chẳng thể hiểu nổi tại sao cô giáo đó lại dám hành xử một cách bẩn thỉu và thiếu đạo đức như vậy luôn. Nhưng có đôi điều em ngẫm thế này ạ:

Thứ nhất:

Bé gái ấy chỉ mới học lớp 3 thôi, bằng tuổi với con em, mà con em cũng có cái tật xấu hay nói chuyện trong lớp. Trường hợp bé ấy là con em thì không biết em có chịu nổi cú sốc này không đây. Tìm hiểu kĩ em mới phát hiện ra lý do vì sao cô giáo ấy dám làm việc kinh khủng đó. Các mẹ nghĩ xem, trong thời buổi khó xin việc, nghề giáo viên bị bão hòa phải dạy hợp đồng là chính thì thử hỏi một cô gái sau khi tốt nghiệp một trường đại học kinh tế, học thêm văn bằng của trường sư phạm làm sao xin vào dạy trong một ngôi trường lớn của huyện với phong thái cao ngạo, đường đường chính chính như thế? Trong khi đó theo thông tin mới nhất, cô giáo trẻ tên Nguyễn Thị Minh Hương không ai khác chính là con gái ruột của bà Tạ Thị Ng. (bà Ng. lại là Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện An Dương, TP Hải Phòng). Phải chăng chính vì một giáo viên không có nghiệp vụ, không đủ tâm và không đủ tầm được cho đi dạy nên mới gây ra vụ việc tày đình này chăng? Hy vọng việc xử phạt cô giáo ngược đãi học sinh này là điều sẽ phải làm cho ra lẽ chứ không thể “một con sâu làm rầu nồi canh” được.

safe_image

Chân dung cô giáo ngược đãi học sinh khiến dân mạng xôn xao

Thứ hai:

Nếu đơn thuần chỉ là bắt uống nước bẩn thôi thì vẫn còn có thể dung thứ. Đằng này, cô Hương thấy ly nước còn trong nên vắt giẻ lau bảng thêm cho nước thật bẩn, thật đậm đặc rồi bắt học sinh của mình uống cho hả lòng hả dạ. Đây không còn là hình phạt răn đe đơn thuần nữa mà là cách đối xử nhẫn tâm, coi rẻ nhân phẩm con người và nghèo nàn tình thương yêu của người làm nghề giáo. Mặt khác, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Theo ông nội bé kể thì sự việc không chỉ xảy ra 1 lần, mới đây mà nó đã có tiền lệ và được lặp lại nhiều lần như một hình phạt chung cho tất cả học sinh trong lớp. Và nếu nó là thứ nước đậm đặc được vắt từ giẻ lau bảng bám đầy bụi phấn thì không biết theo thời gian, nếu sự việc không bại lộ thì sức khỏe các bé còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức nào.

noi-lo-cua-bo-me-trong-vu-co-giao-nguoc-dai-hoc-sinh-cho-uong-nuoc-ban-02

Bé P.A. thuật lại hành động bị cô giáo ngược đãi học sinh bằng việc ép uống, súc miệng nước giặt giẻ lau bảng

Điều đáng nói, khi đến xin lỗi gia đình, cô Hương chỉ xin lỗi bằng lời. Cô bảo với ông nội bé P.A. là đã xử sự không đúng mực và một phần hành động là do bức xúc chuyện cá nhân gia đình. Đến khi ông nội bé yêu cầu viết giấy xin lỗi thì cô kiên quyết từ chối, không chịu làm theo. Thái độ này liệu có được xem là lời xin lỗi chân thành không đây???

Các thầy các cô vẫn thường dạy học sinh của mình câu: “Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó, còn có tài mà không có đức thì chỉ là người vô dụng”. Thiết nghĩ, cô giáo Hương đã đứng trên bục giảng, tuy không có bằng nhưng ít nhiều sẽ hiểu được câu nói này. Nghiệp vụ có thể trau dồi qua thời gian nhưng đạo đức mà không có gốc như thế thì liệu có xứng đáng đứng tiếp trên bục giảng? Các thế hệ học sinh sẽ ra sao khi được một người cô như thế dạy bảo mỗi ngày? Chỉ nghĩ tới thôi đã thấy rùng mình lo sợ. Cho dù có bị đình chỉ giảng dạy ở ngôi trường này đi nữa thì ai chắc rằng sau khi vụ việc nguội dần đi, cô Hương không đứng lớp ở một ngôi trường khác nữa với gia thế “không phải dạng vừa” như vậy.

noi-lo-cua-bo-me-trong-vu-co-giao-nguoc-dai-hoc-sinh-cho-uong-nuoc-ban-03

Bản kiểm điểm của cô giáo ngược đãi học sinh

Thứ 3:

Theo bà Hiệu trưởng trường, mẹ bé Phạm P.A. đi làm ăn xa, cháu ở với ông bà từ lúc 3 tháng tuổi đến nay. Sau khi vụ việc được phát giác. Ông nội cháu bé còn tiết lộ thêm một thông tin kinh khủng nữa là cháu P.A. có kể với ông rằng mình bị cô phạt từ đầu năm học đến giờ. Nghĩa là bé ấy bị cô Hương cho uống nước giẻ lau bảng từ đầu năm đến giờ. Điều này được chính cô Hương thừa nhận với ông vào ngày 3/4 tại nhà ông khi đến trực tiếp xin lỗi gia đình về vụ cô giáo ngược đãi học sinh này. Ông ngậm ngùi nói: “Cháu tôi quá sợ nên không dám nói với ai. Cho đến khi nghe bạn của cháu kể lại, tôi mới biết cháu mình bị phạt uống nước giặt giẻ từ lâu, ngay từ đầu năm học cho đến bây giờ. Khi đến xin lỗi tôi, cô Hương cũng nói với tôi đã phạt cháu tôi nhiều lần theo hình thức này”.

Bé P.A. còn kể đây là hình phạt được áp dụng cho học sinh trong lớp, nếu ai nói chuyện riêng, lớp trưởng sẽ ghi lại danh sách để đưa cho cô giáo phạt súc miệng bằng nước giặt giẻ lau. Các bạn trong lớp có ai bị chưa thì không rõ chứ chắc chắn bé P.A. đã bị nhiều lần. Chính vì sợ câm lặng của những đứa trẻ sống trong sợ hãi như bé P.A. mà những vụ bạo hành, ngược đãi học đường càng ngày càng nhiều. Ngoài ra, có thông tin còn cho biết, chính miệng bé P.A. hồn nhiên kể: “Hôm đó, con nghịch nên cô bảo con uống thì con uống thôi. Nước chỉ hơi bẩn một tí. Hiện tại, các bạn trong lớp toàn bảo lỗi tại con. Các bạn không bênh con nên con rất buồn”. Rõ ràng chưa ai đứng ra giải thích cho các học sinh hiểu bản chất của sự việc là gì. Và việc một học sinh bị cô lập sẽ để lại những hậu quả ra sao. Ai dám chắc rằng ở những ngôi trường khác không có những cảnh tương tự xảy ra? Vụ này làm em nhớ lại clip về vụ bạo hành trẻ em ở trường mẫu giáo mà trước đây em có xem. Đúng là bây giờ bố mẹ cho con đi học dù là gửi trẻ, mẫu giáo hay cấp 1, cấp 2, cấp 3 cũng đều lo lắng đứng ngồi không yên. Nếu bạn của bé gái bị cô giáo ngược đãi học sinh cho uống nước giẻ lau bảng không mách với mẹ bé thì vụ việc này còn kéo dài và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ đến mức nào.

Những hình phạt mang tính chất ngược đãi, hành xác, làm nhục trẻ như ép uống nước giẻ lau bảng, liếm nhà vệ sinh, đứng khoanh tay ngoài nắng hàng tiếng đồng hồ, đánh mạnh vào người, để cho bạn khác đánh trẻ thay giáo viên… đều ảnh hưởng nặng nề đến thể chất và nhất là tâm lý của trẻ lâu dài về sau. GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ quan điểm rằng: Bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng là xâm phạm thân thể con người. Ông bức xúc nói rằng: “Chúng ta vẫn kêu gọi phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các cháu không ăn quà vặt ở cổng trường mà cô giáo lại bắt học sinh uống nước bẩn. Tôi tự hỏi, giờ cho cô giáo thử uống nước giẻ lau bảng đó xem có dám không, hay chỉ cần dính một tý bẩn vào chén nước là cô phải đổ bỏ? Dứt khoát không thể chấp nhận được hành động này”. Còn GS. Hạc thì bảo: “Không ai bắt học sinh, nhất là còn nhỏ tuổi như thế uống nước bẩn từ giẻ lau bảng ra cả. Việc này rất nguy hiểm và không ai có thể chấp nhận được hành vi này của cô giáo. Đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm hành vi này của cô giáo để làm gương trong toàn ngành”.

noi-lo-cua-bo-me-trong-vu-co-giao-nguoc-dai-hoc-sinh-cho-uong-nuoc-ban-04

Giáo sư Phạm Tất Dong chia sẻ về vụ cô giáo ngược đãi học sinh

Lãnh đạo Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện An Dương cho biết cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương là giáo viên trẻ, đang dạy hợp đồng và do vào lớp thấy học sinh mất trật tự nên nóng giận, bộc phát mới có hành động cô giáo ngược đãi học sinh như vậy. Còn GS Phạm Tất Dong khẳng định dù có biện minh thế nào đi nữa thì hành vi của cô giáo này là sai, không bao giờ được xuất hiện trong ngành giáo dục.

Vậy với các mẹ, các bố thì sao? Hành động này có đáng nhận được sự tha thứ, bao dung không???

(Nguồn: https://www.webtretho.com/forum/f4656/noi-lo-cua-bo-me-trong-vu-co-giao-nguoc-dai-hoc-sinh-cho-uong-nuoc-ban-2649750)

870 – Mạng xã hội – hai mặt của tấm huân chương

862 – Kỷ Niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam!

856 – Nên giành lại vỉa hè cho người đi bộ thế nào cho đúng?

833 – Vài nét về lịch sử Lễ Hội Halloween

11220472_501422650017640_2851065253823958244_nNgày lễ Halloween nhằm ngày 31 tháng mười dương lịch. Ngày lễ này thực ra phải được coi như ngày Hội Halloween hay ngày Tết Halloween bởi vì nó vô cùng ấn tượng. Nhất là đối với trẻ em.

Tối hôm trước của ngày lễ Halloween, tức là 30 tháng 10, được gọi là “đêm ma quỉ” (devil’s night). Ngày này các thanh thiếu niên thường hay phá phách mà không bị bắt tội. Nên các nhân viên công lực khá vất vả để giữ trật tự an ninh trong “đêm ma quỉ.” Các bậc phụ-huynh cũng được nhắc nhở canh chừng con trẻ trong đêm kinh hoàng này.

Tết Halloween bắt nguồn từ ngày lễ “The Celtic Festival of Samhain” của dân-tộc Celts. Dân tộc Celts sống cách đây khoảng hai ngàn năm ở phần đất bây giờ gọi là nước Anh (Great Britain), Ai-Nhĩ-Lan (Ireland), và phía bắc nước Pháp (France). Tết của dân tộc Celts nhằm ngày 1 tháng 11 dương lịch. Buổi lễ “The Celtic Festival of Samhain” được tổ chức vào tối đêm trừ tịch, đêm trước của năm mới, tức là 31 tháng 10 dương lịch để tưởng nhớ và vinh danh Thánh Samhain, vị chúa tể cai quản những linh hồn người chết. Người Celts tin rằng Thánh Samhain cho phép các linh hồn người chết trở về dương thế thăm gia đình và ăn tết vào đêm trừ tịch trong ngày tết của họ.

Vào năm 43 dương lịch, dân tộc Celts bị người La Mã chinh phục và cai trị trong khoảng 400 năm. Thời kỳ này, hai ngày Hội Mùa Thu của người La Mã với ngày hội kỷ niệm Thánh Samhain của dân tộc Celts có chung một thời điểm. Một trong hai ngày Hội Mùa Thu này có tên là Feralia được tổ chức vào cuối tháng 10 dương lịch để vinh danh người chết. Ngày hội thứ hai dùng để vinh danh Thần Pomona, tức là Nữ Thần Hoa Quả và Cây Cối.

Nhà thờ Thiên Chúa Giáo lấy ngày 1 tháng 11 dương lịch để thiết lập Ngày Các Chư Thánh (All Saints’ Day). Ngày này là một ngày linh thiêng để vinh danh các Thánh của đạo Thiên Chúa, đặc biệt đối với những Chư Thánh không có ngày dành riêng để kỷ niệm.

12186847_501422656684306_8609408550446014459_oỞ Anh trước đây, đêm Halloween đã từng được gọi là “Nutcrack Night” hay “Snap Apple Night” tức là một đêm dành cho gia đình ngồi bên đống lửa hồng để nghe kể chuyện, ăn các hạt trái cây và táo.

Vào Ngày Các Chư Thánh, những người nghèo đi ăn xin, tiếng Anh gọi là A-Souling, thường được người ta cho một thứ bánh gọi là bánh linh hồn (soulcakes) với điều kiện là những người ăn mày này phải cầu nguyện cho người chết.

Khi người Tô-Cách-Lan (Scots) và người Ai-Nhĩ-Lan (Irish) đến định cư ở Bắc Mỹ, họ mang theo những phong tục của họ. Tuy nhiên, ở Bắc Mỹ, Tết Halloween mới được thịnh hành kể từ thế kỷ thứ 18 trở đi mà thôi.

Các trò chơi trong ngày Tết Halloween, “Trick-or Treating” được coi là một trò chơi chính của trẻ nhỏ. Các em trong các bộ trang phục hóa trang truyền thống và đeo mặt nạ, đi từ nhà này qua nhà khác, gõ cửa để gặp chủ nhà và nói “trick-or-treat.” Câu này có nghĩa là: “Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi”. Ngay lập tức chủ nhà đãi chúng kẹo, bánh trái, và đôi khi cho cả tiền nữa.

Trong ngày Tết Halloween mỗi nhà thường trang trí cây đèn lồng làm bằng quả bí ngô pumpkin. Người ta mua những quả pumpkin về khoét rỗng ruột, đẽo vỏ ngoài thành hình một cái mặt có đủ mắt mũi mồm để khi đốt nến (đèn cầy) bên trong, ánh sáng có thể tỏa ra giống như cây đèn. Cây đèn làm bằng quả bí pumpkin trong ngày Tết Halloween được gọi là Jack-o’-Lantern. Có nhiều người mua cây đèn Jack-o’-Lantern làm bằng nhựa màu vàng da cam có bán sẵn ở các cửa tiệm.

Ngày xưa ở Anh và Ai-Nhĩ-Lan, người ta dùng củ cải đỏ, khoai tây và củ cải tây để làm lồng đèn trong ngày Tết Halloween. Sau khi phong tục này được du nhập vào Bắc Mỹ, những quả bí ngô pumpkin mới bắt đầu được sử dụng làm lồng đèn như hiện nay.

12189191_501422880017617_5133045481149276814_oTheo chuyện thần-thoại Ai-Nhĩ-Lan, Jack-o’-Lantern là biệt hiệu của một người đàn ông tên là Jack. Anh Jack này khi chết không thể lên thiên đàng vì lúc còn sống anh là người bần tiện và bủn xỉn. Anh ta cũng không thể xuống địa ngục vì anh ta đã chế riễu quỉ sứ ma vương. Bởi vậy linh hồn anh chàng Jack phải đi lang thang trên dương thế với cái đèn lồng cho đến Ngày Phán Xử (Judgment Day).

Theo sách Tân-Ước (New Testament), Ngày Phán Xử là ngày tận cùng của một thời đại. Theo Gospels và sách Book of Revelation, vào ngày này quả đất và bầu trời ở trong tình-trạng ồn ào hỗn độn, người chết trỗi dậy từ những nấm mồ, và Chúa Jesus hiện ra để phán xét hạnh kiểm tất cả những người sống cũng như người chết. Chúa xem xét những hành động mà con người đã làm cho nhau, cả điều tốt cũng như điều xấu.

Halloween cũng là dịp dùng thuật bói toán để đoán tương lai. Phong tục này đã hình thành ở Âu Châu từ hàng trăm năm trước đây. Người ta lấy những đồng tiền xu, nhẫn đeo tay và cái đê (cái đê dùng để đeo ở đầu ngón tay trong khi khâu cho kim khỏi đâm vào), đem bỏ vào bánh nướng hay đồ ăn khác. Với niềm tin rằng trong khi ăn, nếu ai ăn trúng vào cái bánh trong có đồng tiền xu sẽ trở nên giầu sang, gặp chiếc nhẫn sẽ sớm có vợ hay chồng và gặp cái đê sẽ ở góa suốt đời. Ngày nay, ngoài cách bói toán cổ truyền trên, người ta còn dùng phương pháp bói bài Tây hay xem chỉ bàn tay để đoán tương lai trong dịp Tết Halloween.

Tục lệ đoán vận mệnh tương lai được sử dụng trong trò chơi thi nhau cắn quả táo treo ở đầu một sợi dây hay thi nhau cắn quả táo được thả trong chậu nước vào ngày lễ Halloween có thể có xuất xứ từ ngày Hội Mùa Thu mà ra. Trò này bắt đầu ở Anh sau lan ra các nơi. Ngày nay người ta còn gắn tiền vào quả táo để tưởng thưởng cho ai cắn được táo. Nhiều người còn tin là vào ngày Tết Halloween, ma quỉ đi lang thang khắp nơi trên dương thế và các mụ phù thủy cũng họp nhau vào ngày 31 tháng 10 dương lịch. Đối với những người không mê tín dị đoan, họ vẫn coi những trang phục có vẽ hình dáng phù thủy và ma quỷ là tượng trưng cho Halloween.

905556_501423443350894_4957773484273010361_oTrong Tết Halloween, người ta cầu nguyện cho những người chết giống như trong tục lệ Tết Trung Nguyên, tức là Tết Rằm Tháng Bảy hay Lễ Vu Lan. Vì cả hai đều là ngày để người ta tưởng nhớ và vinh danh người đã chết. Tết Halloween cũng là dịp để trẻ em vui chơi thỏa thích giống như ngày Tết Trung Thu của ta.

Văn-hóa Đông và Tây gặp nhau ở một điểm là đều công nhận có linh hồn sau khi người ta chết. Nếu như bên ta cúng lễ, cầu siêu, đọc kinh báo hiếu cũng như đốt vàng mã cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên hay cầu nguyện cho những linh hồn của người vô thừa nhận vào dịp Tết Trung Nguyên. Thì ở Âu Mỹ phần lớn theo đạo Thiên Chúa cũng mang hoa tươi, đèn nến ra mộ cầu nguyện cho thân nhân đã qúa vãng.

Người Tây Phương vì quá bận rộn với đời sống vật chất cá nhân nên đời sống đại gia đình có vẻ lỏng lẻo. Chính vì thế người ta mới đặt ra “Ngày của Bố” (Father’s Day) và “Ngày của Mẹ”(Mother’s Day) để tri ân bố mẹ ngay từ khi đang tại thế. Còn quê Việt ta thì tuần rằm giỗ tết nào cũng có nội hàm báo hiếu cho bố cho mẹ ông bà tổ tiên đã khuất mà không có ngày đặc biệt nào dành cho bố cho mẹ đang sống như người ở Âu-Mỹ. Nhưng xu thế toàn cầu hóa, dần dà người Việt cũng biết tiếp thu những cái hay của thế giới. Do đó hiện nay, ngoài mùa Vu Lan báo hiếu (Tết Trung Nguyên), người Việt cũng bắt đầu tri ân các bậc sinh thành ngay từ khi đang còn vào các ngày “Mother’s Day” và “Father’s Day” nữa. Nhờ đó các bậc làm cha mẹ cũng được an ủi phần nào trong thời buổi “văn-minh vật chất làm mờ phai nhân nghiã cương thường” này.

Gocomay

  • Tham khảo nguồn: Vietsciences-KCPKT
  • Foto: safaripark.de

832 – Người dân có nên quan tâm đến chính trị hay không?

10846283_880974438603263_2331074068298314940_n

Xin chép lại đây câu chuyện của người bạn già vừa gửi cho GCM!

 *  *  *

Cách đây hơn năm, ông chủ tịch Câu lạc bộ (Sức khoẻ ngoài trời) của tôi gặp và nhắc nhở thế này:

– CLB Sức khoẻ ngoài trời mọc ra chỉ để tập thể dục buổi sáng; tham quan thăm viếng và sinh hoạt thơ phú thôi, vậy mà có người phản ảnh rằng cụ lại đưa một số tin và hình ảnh có tính “nhạy cảm“ lên Phây cá nhân để làm gì, khiến họ thắc mắc cho rằng như thế là trái với điều lệ của CLB ta là không làm chính trị chính em đấy cụ ơi!

– Tôi hỏi: Vậy cụ chủ tịch hiểu như thế nào về hai chữ chính trị?

– Ông ta bảo: Chính trị bẩn thỉu lắm cụ ơi. Chỉ có tụi phản động mới hay quan tâm thôi. Các anh an ninh Quận và Phường luôn nhắc nhở tôi rằng CLB của chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của đảng. Mọi việc quốc gia đại sự đã có đảng và nhà nước lo. Tuổi già mình chỉ động viên con cháu chấp hành mọi chủ trương chính sách và tiếp nhận thông tin theo đúng định hướng của đảng và nhà nước. Chớ nghe thông tin xuyên tạc của các thế lực phản động trong nước và quốc tế nhằm “diễn biến hòa bình“ chia rẽ quần chúng với đảng, gây bất ổn, kích động bạo lực hòng xóa bỏ các thành qủa cách mạng và lật đổ chế độ như các cuộc CM màu đã từng diễn ra ở Đông Âu và Bắc Phi…

– Thưa cụ Chủ tịch thế cụ hiểu thế nào là nhà nước của dân, do dân và vì dân như loa Phường ra rả bấy nay? Thế nào là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra như các vị lãnh đạo nhiều lẩn cổ súy trên TV? Thế nào là hào khí Diên Hồng trước họa ngoại xâm của các cụ bô lão?…

– Những điều này cụ phải kiến nghị lên cơ quan chức năng như Ban Tuyên giáo chứ tôi chỉ biết truyền đạt ý kiến của phản ảnh của nhân dân để cụ quán triệt để đừng làm mất điểm thi đua và ảnh hưởng tới uy tín của CLB đối với Quận và Thành phố thôi, thế nhá, thế nhá….

Để cho hết nhẽ, suốt năm qua, tôi đã 3 lần viết các bản kiến nghị gửi lên Bí thư cùng BTG Quận và Thành Ủy. Nhưng suốt cả năm nay chả thấy nơi nào hồi âm. Chán chường chưa thưa bà con?
Nay vào mạng tìm hiểu xem cái gọi là “Chính trị bẩn thỉu…. Chỉ có tụi phản động hay quan tâm“ mới vỡ lẽ ra nhiều điều khá lý thú!

• Theo định nghĩa của Từ Điển Bách Khoa Việt Nam: Chính trị là tất cả những hoạt động, những vấn đề gắn với quan hệ giai cấp, dân tộc, quốc gia và các nhóm xã hội xoay quanh một vấn đề trung tâm đó là vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước.

• Hiện nay, trên thế giới đã hình thành 4 cách hiểu khác nhau về chính trị:

1) nghệ thuật của phép cai trị
2) những công việc của chung
3) sự thỏa hiệp và đồng thuận
4) quyền lực và cách phân phối tài nguyên hay lợi ích

Nếu quan niệm rằng chính trị chỉ là những hoạt động xoay quanh vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước thì, theo lý luận của chủ nghĩa Marx, trong xã hội cộng sản tương lai sẽ không có chính trị bởi vì lúc đó nhà nước đã tiêu vong. Nói cách khác, chính trị sẽ dần dần trở nên thừa thãi và mất hẳn trong xã hội lý tưởng của nhân loại – xã hội cộng sản.

Chính trị theo nghĩa rộng hơn là hoạt động của con người nhằm làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung mà những luật lệ này tác động trực tiếp lên cuộc sống của những người góp phần làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung đó. Với cách hiểu như thế này thì dù trong xã hội cộng sản, chính trị vẫn còn tồn tại và vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng đối với từng con người cũng như toàn xã hội. Trong bất kỳ xã hội nào thì cũng cần những luật lệ chung để hoạt động nhịp nhàng và khoa học, tránh tình trạng vô tình hay cố ý xâm phạm quyền lợi, lợi ích, tài sản, sức khỏe hay thậm chí tính mạng của người khác hay của cộng đồng. Một ví dụ đơn giản, xã hội dù có phát triển đến đâu thì cũng cần có luật giao thông để con người có thể lưu thông một cách trật tự và hiệu quả. Hay, con người không thể sống trong một xã hội mà tình trạng an ninh không đảm bảo (cướp bóc, khủng bố chẳng hạn) do thiếu luật lệ.

Thử ngược thời gian xem thời thượng cổ người ta hiểu như thế nào về hai từ chính trị?

• Theo người Trung Hoa cổ, chữ chính trị (政治) được cấu tạo như sau:

– Chữ chính gồm có hai phần: Bên trái là chữ chính có nghĩa là ngay thẳng, bên phải là bộ phác hám ý hành động. Vậy theo từ nguyên, chính có nghiã: làm cho ngay thẳng

– Chữ trị cũng gồm hai phần: Bên trái là bộ thủynước bên phải là phần âm để đọc là trị. Theo nghĩa đen, trị có nghĩa dùng thuốc chữa bệnh và chữ trị thuộc bộ thủy là vì lúc ban sơ, người Trung Hoa đã dùng thuốc làm bằng các loại thảo mộc nấu trong nước để uống chữa bệnh. Về sau chữ trị được mở rộng ra và mang nội hàm trừng phạt để loại bỏ những cái xấu xa, hủ bại làm lành mạnh xã hội.

Như thế theo nghiã gốc, chính trị nói chung là việc làm cho xã hội ngay thẳng lành mạnh.

• Theo từ ngữ Tây Phương tương ứng với chính trịPolitics, Politique. Có gốc gác từ địa danh thị trấn có tên Polis ở Hy Lạp thời cổ. Đây là thị trấn độc lập và có chủ quyền như một quốc gia hiện nay. Nên người Tây Phương lấy từ nguyên trong ngôn ngữ Hy Lạp (Politicos – nếu dùng ngôi số ít; hay Politica – nếu dùng ngôi số nhiều) để định nghiã về chính trị là “khoa học hoặc nghệ thuật về việc điều khiển quốc gia“

Đến đây thì ai cũng thấy, hai chữ chính trị có nội hàm và dung mạo khá rõ ràng. Chứ không hề mù mờ hay trừu tượng “bẩn thỉu“ cần tránh xa như giọng điệu tuyên truyền của đám chính giới không tử tế mỗi khi dùng hai từ này như con ngáo ộp để doạ dẫm người đời.

Vậy nên, dù ta không làm chính trị hay không tham gia vào một tổ chức chính trị cụ thể nào không có nghĩa chúng ta trùm chăn và bàng quan với tất cả những sinh hoạt chính trị thiết yếu của quốc gia dân tộc mà trong đó có ta và người thân của ta đang sống. Cũng không ai có thể ngăn cấm hay phỉ báng cái quyền bày tỏ thái độ chính trị trước một hiện tượng tốt, xấu của xã hội.

Thay cho lời kết xin dẫn lại lời của nhà quân sự – chính trị kiệt xuất của Pháp trong và sau cuộc cách mạng Pháp như sau:

“Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt” (Napoléon Bonaparte).

Gocomay

__________

Tài liệu tham khảo:

831 – Chúc mừng thế giới ảo – 2015

1489580_809059545778169_859603069_o_gcm

Mềnh chả phải nhà văn mà cũng chưa bao giờ mưu sinh bằng nghề viết. Chỉ có đam mê yêu cái đẹp mà đến với Internet. Mong tìm ở đây những điều hay ý tốt để tự hoàn thiện bản thân. Nhằm “gạn đục khơi trong”. Nhớ lại hơn mười năm trước, có anh bạn đồng hương ở Rostock mỗi lần có việc ghé qua nhà anh thẩy cho cả chồng báo cũ (anh mua ở khu giao hàng trên Berlin – mỗi cuối tuần đi lấy hàng về bán), đọc ngấu nghiến. Hôm tới chơi nhà nhạc sỹ Mai Lâm ở Mölln, anh hỏi đã đọc quyển này quyển kia mới xuất bản (đang xôn xao) chưa. Mềnh cứ nghệt như ngỗng ỉa, khiến anh phải lắc đầu… thật xấu hổ.

Vậy mà từ khi nối được mạng Internet cái sự đọc đã như những trận mưa rào đến với những cánh đồng khô khát lâu ngày. Suốt ba bốn năm trời vào khám phá kho truyện lịch sử ở Việt Nam Thư Quán. Nhiều kiến thức lịch sử bị đứt quãng hàng chục năm trời sống lại. Thế giới Internet còn giúp bạn bè mới cũ khắp nơi tìm được nhau. Cho dù nhiều bạn tâm giao mềnh chưa giáp mặt lần nào. Nhảy vào Quê Choa (từ thời Yahoo) cũng quen biết được bao bạn còm. Từ khi có phong trào chơi “Phây” lại càng nhiều bạn hơn. Ban đầu chưa có kinh nghiệm bất cứ ai xin kết bạn cũng gật hết. Nay nghĩ lại đôi khi cũng thấy phiền. Phiền nhất là khi họ không cùng suy nghĩ, có khi còn cho mềnh “viết linh tinh” làm ảnh hưởng tới sự yên bình (an phận) của họ. Cuộc sống thật muôn màu. Chẳng thể bắt người khác (kể cả ruột thịt) phải ăn các món ăn tinh thần mà người ta không ưa thích.

So với các trang mạnh khác, dù không thiết kế được nhiều giao diện theo ý muốn, nhưng “Phây” vô cùng tiện ích vì đơn giản dễ sử dụng. Bởi thế hấp dẫn được hàng tỷ người trên khắp hành tinh. Người ta có thể thông tin cho nhau một cách nhanh chóng không phụ thuộc không gian thời gian. Khó ai có thể dùng tường lửa mà cản được. Mối lo của các thể chế toàn trị cũng không phải không có lý khi người ta phải gia tăng đàn áp những ngòi bút có tầm  ảnh hưởng trên mạng xã hội. Điều đó cho thấy cuộc đấu tranh sinh tồn giữa tốt – xấu, thiện – ác cùng những lợi ích đối kháng nhau thật khó mà dung hòa. Trong một xã hội còn thiếu minh bạch công khai thì chỉ cần dùng ngòi bút chuyên chở một chút sự thật cũng đắc tội chứ cần gì phải đâm phải xoay như Cụ Đồ Chiểu và Cụ Sóng Hồng (cố TBT Trường Chinh) khuyến dụ từ các thế kỷ trước.

dd8d963f9887f37dc36b5c5920aa71d5Bước sang năm mới 2015, vài dòng lưu bút dã biệt năm cũ, tiễn biệt tất cả xui xẻo không may… để đón một năm mới 2015 hy vọng có nhiều vận hội mới!

Một con én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân. Nhưng cho dù đội quân cung nỏ của kẻ ác có hung tàn tới đâu cũng không thể ngăn được tiết xuân của đất trời đang tới…

Ngày ấy,

“Anh lại tìm em

Em mặc yếm thắm

Em thắt lụa hồng

Em đi trảy hội non sông

Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh

(Hoàng Cầm – 1948)

Chúc tất cả các bạn “Oép”; “Lốc”; “Phây” có một năm mới nhiều hanh thông may mắn!

Gocomay

__________

830 – Tâm sự của một người lớn tuổi nơi xứ người

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhâm Vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

Dịch nghiã:

Thân như bóng chớp chiều tà

Cỏ cây tươi tốt thu qua rụng rời

Xá chi suy thịnh sự đời

Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành

(Thiền sư Thích Vạn Hạnh)

10389546_1431333540482340_5502003386915386140_n

Cách đây mấy tháng, tự dưng thấy có số điện thoại lạ gọi vào máy ở nhà, nhấc máy lên có một anh xưng tên Ý, được sự giới thiệu của chú Tiến Phú, muốn gặp đề bàn chuyện vận động thành lập hội người cao tuổi ở Landkreis (LK) *.

Thấy lập luận của anh ta khá thuyết phục, tôi ủng hộ và hẹn gặp nhau bàn thêm. Lại nhớ cách đây hơn 3 năm, vào ngày 16.07.2011, trong Cuộc biểu tình chống Tàu trước LS quán Trung Quốc tại Hamburg, tôi đã lần đầu nom thấy anh ta từ xa. Hôm đó anh diện giầy giôn thắt cà vạt, khiến tôi cũng như nhiều người cứ tưởng nhân viên ĐSQ VN ở Berlin được cử tới thị sát cuộc BT, hóa ra nhầm to. Anh sang Đức (DDR) theo chương trình học nghề cơ khí, nay xin ở lại định cư, cùng gia đình kinh doanh ngành ẩm thực ở mạn “vùng sâu vùng xa” của Landkreis Harburg, lại khá kín tiếng, nên ít người biết mặt.

Trở lại chuyện vận động thành lập hội người cao tuổi, lúc mới phát động thì gần như 100% bà con nghe tin đều háo hức. Đến khi Ban vận động biểu quyết ấn định ngày ra mắt và bầu ban điều hành hội thì hóa ra ai cũng bận cả. Khách quan mà xét, các cụ chọn “ngày lành tháng tốt” trùng với Đại lễ Vu Lan của nhà chùa. Lại đúng dịp học trò nghỉ hè. Nên nhiều bà con phật tử và các gia đình có kế hoạch Urlaub (nghỉ phép) cùng con cháu là bất khả kháng mất rồi.

Mặc dù vậy, có tới hơn hai chục thành viên tham dự, đại hội đã thành công. Tại đây bà con thảo luận sôi nổi và thông qua bản điều lệ, bầu được Ban chấp hành; các Ban chuyên môn và các Chi hội trưởng ở ba khu vực chính trong LK. Có lúc cả khán phòng tưởng như bế tắc, khi cả hai người khởi xướng (anh Ý và tôi) đều xin rút không tham gia ban chấp hành. Trường hợp của tôi thì ngay từ đầu đã có nhời trước toàn thể anh em Ban vận động (BVĐ) rằng, chỉ dám xin chân “cố vấn” thôi. Qua hai đợt họp trù bị, tưởng đã thoát, phiếu phát ra với 9 đề cử bầu 5, bà con gạch xong và đã nộp gần hết cho Ban kiểm phiếu. Tự dưng tay thư ký đại hội (do bà con bầu) vì vắng mặt trong kỳ họp trù bị gần nhất không quán triệt tinh thần này la toáng lên nói rằng phiếu không hợp lệ bắt hủy phiếu bầu lại. Anh ta yêu cầu phải bổ xung thêm tên của tôi thành 10 đề cử để bà con bầu chọn 5. Đa số thắng thiểu số, hai vợ chồng tôi không thể chống lại đại hội nên đành ôm hận và buộc phải 2 lần phá bỏ lời nguyền. Lần lần thứ nhất là không tham gia là thành viên của bất kỳ hội đoàn nào. Lần thứ hai là không đảm nhận bất kỳ chức vụ nào, cho dù những việc làm mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội vẫn luôn tích cực tham gia.

Ngay từ thời vang bóng ở nhà, có anh bạn đồng môn biết tính tôi không thích bị ràng buộc đã len lén đi họp lớp cảm tình (Đảng), cho tới khi chi bộ mang ra lấy ý kiến quần chúng tôi mới biết. Có người còn trách tôi: “có chuyên môn giỏi mà thiếu “hồng” thì cũng khó mà tiến xa được”. Những lúc ấy, tôi chỉ cười và tự an ủi mình rằng “nhà mình không có mả làm quan nên vào những chỗ bon chen mà làm gì…”

Nay sống tha hương nơi xứ người, thấy tôi có cảm tình với nhà chùa và những vị tu hành khả kính, có người đã ướm hỏi: “thế bao giờ thì anh qui y tam bảo?”. Những hội đoàn “chính chị chính em” cũng đôi ba lần vận động tham gia. Nhưng tôi nghĩ, cái tâm của mình hướng thiện và luôn trăn trở với quê cha đất tổ là được rồi. Đâu cứ nhất thiết phải “đánh trống ghi danh”.

Thấy tôi thi thoảng bày tỏ chính kiến trên trên blog cá nhân có người cạn nghĩ còn lầm tôi đã viết theo đơn đặt hàng của ai đó. Thực tình tôi chỉ viết cho nhu cầu cá nhân, chỉ với tâm nguyện “gạn đục khơi trong” hay cao hơn “ngăn ác khuyến thiện” mộc mạc như những bức tranh tết dân gian Làng Hồ thôi.

Sống ở xứ người hơn hai chục năm tôi đã đi dự được 5 đám tang thì có tới 4 đám đều chết trẻ (hai đám tai nạn; hai đám bị cảm ban đêm). Nhớ đám của cô Oanh người làng Gối (cách làng tôi đúng một cánh đồng), cô bị hung thủ (người Việt) bắn chết trong một vụ cướp nhà hàng Hồng Kông ở Sittensen. Khi lâm nạn cô mang Quốc tịch và sổ Hộ chiếu Việt Nam nên sở cảnh sát ở Rottenburg đã 3 lần gọi cho cán bộ phụ trách lãnh sự ĐSQ Việt Nam ở Berlin, nhưng cán bộ đùn đẩy nhau và không ai nhấc máy. Nghiã tử là nghiã tận, thương cho hoàn cảnh cô còn con nhỏ và song thân còn đang sống ở quê nhà, tôi đã viết giúp chú Dũng Quách (em họ) lời điếu văn. Đám tang lèo tèo qúa, chả có hội đoàn nào đứng ra lo ngoài nhà quàn ở nghĩa trang Sittensen (đương nhiên) cùng vài bà con thân hữu quanh vùng. May có anh Phạm Công Hoàng thỉnh được hai sư chú ở Chùa Viên Giác Hannover về kinh kệ và làm lễ cầu siêu cho người xấu số. Nay tại nơi mình cư ngụ đã có một hội những người lớn tuổi được thành lập, sao lại không vui mừng? 

Đành 2 lần bước qua lời nguyền để đi nốt chặng cuối của cuộc đời. Mà chẳng biết có được toại ý không. Sống ở xứ người “không ai cần ai”; năm người mười làng. Đó là chưa kể cánh tay nối dài của các thế lực hắc ám luôn rắp tâm chống báng!

Buồn….

Gocomay

_____

PS:

DSCN5570

Hình ảnh “Lễ thành lập Hội Người Lớn Tuổi LK. Harburg” ở đây:

https://www.facebook.com/vanph.vanpham/media_set?set=a.320524494774124.1073741858.100004497270167&type=1

Chú thích:

* Landkreis là đơn vị hành chính ở Đức to hơn cấp quận huyện của VN mình

__________________

827 – Thiên chức lương y của Yersin gửi người đời!

Alexandre Yersin (1863-1943)

Alexandre Yersin (1863-1943)

Vào tháng 4 năm 1985, Sau một năm làm việc cật lực, phim “Thuỷ điện nhỏ” đầu tay của tôi không bị đổ như ai đó mong đợi. Được xếp loại khá. Có lẽ do sự hiện diện của rất nhiều ngọn thác lớn và đẹp bậc nhất Tây Nguyên đã làm cho người xem phải trầm trồ. Theo đúng luật, vượt qua ải “vũ môn”, tôi đương nhiên được công nhận chức danh đạo diễn của hãng. Biết không thể cản được quyết tâm vươn lên của tôi, Chef Lương Đức mời tôi lên quán nước ông Chiu, cổng hãng, gọi kẹo lạc nước trà, dùng tình cảm thuyết phục!

Kết thúc tuần trà đầu, “chàng” ân cần bảo tôi:

– Phim đầu tay của cậu không tồi. Nhưng tớ thấy cậu lãng phí thời gian vào nó quá. Nếu không làm đạo diễn, cậu có thể làm quay phim cho 4, 5 phim như những năm trước… chắc chắn cả công và tư vẫn có lợi hơn không?

Từng cộng tác và học hỏi ở “Chef Lùn” trong nhiều phim mấy năm qua, thoáng nghe, lời “chàng” không phải không có lý. Ngay cả thời các Chef tiền nhiệm như: Quốc Ân; Như Ái; Nguyễn Thiệu và Lê Quốc còn trị vì, cái tên Lương Đức vẫn là một tên tuổi lớn trong làng điện ảnh Tài liệu Khoa học. Huống hồ bây giờ “chàng” lại quyền sinh quyền sát. Một lời nói tựa như trái núi, ai mà không ngán. Biết khó có thể chống lại ý muốn của chàng khổng lồ, tôi bèn đưa ra đề nghị “hai bên cùng có lợi”. Tôi vẫn chấp nhận quay phim cho “chàng” và “nàng” (Lệ Mỹ). Nhưng đổi lại cứ sau hai phim quay xong, tôi được tự quay và làm đạo diễn một phim cho mình.

Thấy khó lay chuyển cái quyết tâm làm đạo diễn của tôi, sau phim “Cá Trôi Ấn” quay ở Từ Sơn Bắc Ninh xong, Lương Đức phải giao phim “Bệnh Dịch Hạch” cho tôi. Đề cương của phim này do Lại văn Sinh chắp bút, được duyệt đã lâu, nhưng không ai nhận. Nay “bắn” cho tôi gọi là “thử tay nghề đạo diễn mới”! Thật là “nhất cử mà tam, tứ tiện”!

Chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng đổi lại tôi có sức trẻ và ý chí rất mạnh nên cứ nhận bừa. Khi bắt tay vào cuộc mới thấy thâm ý của các bậc tiền bối thật khôn lường. Cỗ xe tam mã lại từ từ chuyển động vào Miền Trung, để lại phía sau bao nhiêu bề bộn của đời thường.

Vào Nha Trang, có lẽ đó là thời điểm khó khăn nhất của Viện Vệ sinh Dịch tễ, nên ngoài việc giúp chúng tôi vài cảnh cảnh quay sơ sài ở phòng thí nghiệm và các di tích cũ của Yersin ở xóm Cồn, cầu Bóng và Suối Dầu, viện cũng “lực bất tòng tâm” chẳng giúp chúng tôi được như mong đợi. Mặc dù nơi đây là chiếc đầu cầu lây lan bệnh dịch hạch ở Việt Nam hồi cuối thế kỷ 19.

Những ngày làm việc tại Khánh Hoà, được tiếp cận nhiều tài liệu về Yersin, về 3 đợt đại dịch hạch khủng khiếp diễn ra trên thế giới, với con số tử vong bởi “thần chết đen” mỗi đại dịch từ 50 tới 100 triệu người. Trong tôi luôn cộm lên một câu hỏi:

– Tại sao một nhà bác học lớn tầm cỡ như thế, mà lớp hậu sinh như chúng tôi hầu như không hay biết?” Không một bệnh viện nào, không một trường học nào mang tên của ông. Ngay các đường phố ở Hà Nội, Nha Trang và TP Hồ Chí Minh tên của ông cũng được Việt hóa thành: “Y Éc Sanh” nên nhiều người còn nhầm ông này là ông tổ của nghề mổ lợn.

Thắng bệnh dịch hạch, ân nhân của nhân loại, vị tha, quên mình, Yersin là người đã chiếm trọn tình cảm của người dân thành phố biển Nha Trang một cách êm thấm. Đi trước thế kỷ của mình, ông là người mở đầu trợ giúp cho các xứ nhược tiểu, phát triển về trồng trọt, chăn nuôi và y tế.

Nhiều buổi chiều lang thang bên những xóm chài nghèo dưới chân Tháp Bà và cầu Bóng, lắng nghe những người đánh cá già kể với một tấm lòng rất thành kính nhiều kỷ niệm không bao giờ phai về người bác sỹ rất thân thiện với bà con cư dân nơi xóm Cồn.

Họ kể, ông Năm (bác sĩ Yersin) rất cởi mở, gắn bó với người dân Nha Trang, rất yêu quý trẻ em. Ông hay cho chúng tôi kẹo, tiền lẻ để mua quà. Thời bấy giờ, ngư dân tránh được tai họa do bão cũng là nhờ bác sĩ quan sát thiên văn, nghe thời tiết mà báo trước cho họ. Ông Năm thường khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho dân nghèo.

Ngư dân có thói quen hay uống rượu say, kình lộn, gây gổ, chửi nhau, thậm chí ẩu đả. Bác sĩ lặng lẽ lấy máy quay phim, ghi lại những chuyện không hay ấy. Sau đó, mời dân xóm Cồn đến xem phim, hỏi họ có hay không, đẹp không? Ai nấy đều xấu hổ. Nhờ đó mà xóm Cồn thời ấy gần như hết nạn say rượu, đánh chửi nhau.

Ngày ông mất, rất nhiều người dân ở xóm Cồn, ở Nha Trang thương khóc như cha mất. Họ để tang và đoàn người tiễn đưa ông dài hơn ba cây số. Có ở đâu như ở Nha Trang, người dân địa phương thờ cúng ông – một người nước ngoài – như một vị thánh nhân đức!

Trong thư tịch ở tủ lưu niệm tôi còn được biết, lúc sinh thời, một số đồng nghiệp không đồng quan điểm với ông tại viện Pasteur Paris và những người Pháp tại Đông Dương thấy Yersin phân tán tri thức lấy làm gai mắt, cho ông là một người kỳ dị.

Song chính nhờ sự “kỳ dị” đó mà ông đã thành công trên nhiều phương diện, luôn đi tiên phong trong những lãnh vực mới, với nhiều phát minh sáng giá như:

  • Máy phát thu bằng chữ morse để liên lạc Nha Trang, Suối Dầu, Hòn Bà
  • Máy thu thanh tân tiến, bắt được các đài bên Pháp
  • Kính thiên văn

Dù chiếc xe đạp là phương tiện được ông ưa chuộng. ngay từ năm 1910, ông đã muốn tậu một chiếc phi cơ, nhưng vì Đông Dương không có sân bay, ông đành bỏ dự định này.

Trong khi viên Công sứ tại Nha Trang chưa có xe nhà thì Yersin đã gởi mua tại Pháp chiếc Serpollet năm mã lực, chiếc xe Clément và một thuyền máy.

Hai năm sau, ông bán lại chiếc Serpollet năm mã lực cho viên Công sứ Nha Trang, rồi sang Paris tậu chiếc xe Serpollet sáu mã lực đem ra Hà Nội làm lác mắt chẳng những dân cư Hà Nội mà cả chính giới. Viên tướng chỉ huy quân đội Pháp còn nhờ ông đưa xe đi diễu hành qua cầu Long Biên.

Tháng Giêng năm 1905, Yersin bán chiếc Serpollet sáu mã lực, tậu chiếc Serpollet mười một mã lực. Năm 1907, ông mua một chiếc Alcyon. Năm 1912, ông mua chiếc Clément Bayard mười lăm mã lực. Đến năm 1925 ông lại tậu chiếc Zèbre vừa mau vừa êm để tiên cho việc đi lại làm việc giữa Nha Trang, Hòn Bà, Dran và Djiring. Nhưng khi cần tiền cho các công trình nghiên cứu hay giúp người nghèo, ông bán ô-tô và dùng lại xe đạp. Trong các đợt thám hiểm ông dùng ngựa, voi hay đi bộ chứ không dùng võng hay kiệu như các quan lại Pháp hay Việt thường dùng khi đi kinh lý.

Năm 1943, vì phổi yếu, ông dùng xích-lô. Nhắc đến Yersin, ai cũng hình dung một ông cụ già khiêm tốn ăn mặc xuềnh xoàng đi chiếc xe đạp cũ kỹ, quên rằng Alexandre Yersin đã làm bực mình các quan chức chính quyền thời bấy giờ với những chiếc ô-tô tối tân.

Tiên phong trong những lãnh vực mới, năm 1932, khi chuyến bay đầu tiên của hàng không Pháp nối liền Sài Gòn – Paris thì ông dùng máy bay để di chuyển. Tháng 3 năm 1940, Yerin bảy mươi bảy tuổi, lấy máy bay về Pháp để dự buổi họp hằng năm của viện Pasteur Paris. Một cuộc hành trình rất gay go. Ngày 30 tháng 5 năm 1940, chuyến máy bay cuối cùng đưa ông về Việt Nam, trước khi quân đội Đức vào Paris.

Mặc dù vậy, Yersin lại thích sống chung với người dân nghèo chài lưới và đã bỏ tiền tậu lại cái lô-cốt hai tầng lầu bỏ hoang gần xóm Cồn và cửa sông Cái. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí quyển XI về Khánh Hoà, đó là một đồn biên phòng rất lâu đời.

Ngư dân xóm Cồn thường gọi tòa nhà này là “Lầu Ông Tư”, nơi bác sĩ A. Yersin sống và làm việc ngay giữa làng chài bên cửa sông Cái, Nha Trang. Năm 1977, tòa nhà đã bị đập bỏ để xây dựng nhà nghỉ 378 của Bộ Công an hiện nay.

(Tư liệu của PĐQ)

Nhà riêng của A. Yersin bên cửa sông Cái - Nha Trang

Nhà riêng A. Yersin bên cửa sông Cái – Nha Trang

Từ năm 1895, Yersin đã tạo lập cho mình chỗ ở tuyệt vời để hằng ngày quan sát và hoà nhập với thiên nhiên.

Lô-cốt mỗi bề khoảng 7m 50. Mỗi tầng có hành lang rộng bao bọc. Có thể đi dọc hành lang để quan sát. Ông bố trí tầng trệt là phòng ăn, tầng một là phòng làm việc và tầng hai là phòng ngủ. Về sau, nóc nhà làm thêm một vòng tròn để dựng kính thiên văn.

Có người cho ông là con người lập dị, một người không chạy theo danh vọng, quyền lợi cho riêng mình. Một đoạn thư ông viết cho mẹ năm 1890 khi ông hai mươi bảy tuổi: “Mẹ hãy tưởng tượng xem ông Pasteur đã xin được cho con huân chương của Hàn lâm viện. Các thành viên của Viện Đại học Pháp rất mong muốn có được tấm huân chương màu tím này, song bản thân con lại không hề thấy mình xứng đáng được nhận”. Tháng 12 năm 1927, khi nhận giải thưởng Leconte của viện Hàn lâm Khoa học, ông tuyên bố: “Giải thưởng nầy là vinh dự cho viện Pasteur và số tiền nhận được sẽ giúp cho các cuộc thí nghiệm trồng cây quinquina (Canhkina). Ông đầu tư nguồn tiền thưởng hậu hĩnh từ các phát minh vào các công trình đang thực hiện. Tiền từ Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh; Giải Audiffret của Hàn lâm viện Tâm lý và Chính trị có kèm theo 15.000 quan Pháp. Ông dùng số tiền này tiếp trợ cho nền tài chánh Suối Dầu. Giải thưởng Lassen đem lại cho ông 8.000 quan Pháp. Ông dùng ngay tiền đó vào việc mở đường mòn nối liền Suối Dầu – Hòn Bà.

Khi vua Bảo Đại trao tặng Bội tinh Kim Khánh (Long Bội tinh) cho ông, vì phép lịch sự ông buộc lòng phải cho vua Bảo Đại đeo Kim Khánh vào cổ mình, nhưng khi vừa bước xuống, ông đã e lệ dùng chiếc mũ ép lên ngực che hết chiếc huân chương. Năm 1938, trường trung học Đà Lạt muốn có một bức tượng bán thân của Yersin, ông cương quyết từ chối làm mẫu.

Khi toàn quyền Decoux muốn biết tên những người quyền quí, danh tiếng mà Yersin đã gặp, ông trả lời: “Ở Đông Dương tôi ít giao thiệp với những hạng người ấy.”

Thật ra Yersin đã có lần gặp nhiều người danh tiếng. Năm 1896, thống chế Lyantey (lúc bấy giờ là thiếu tá) đến Nha Trang có ghi vào sổ tay: “Vị bác sĩ trẻ này tận tụy với vi trùng học, nghiên cứu, chế tạo “vắc-xe” với một niềm tin tưởng, ý chí đam mê của một nhạc sĩ cao siêu. Những giờ thăm viện của ông làm phấn khởi tinh thần, mặc dầu viện còn thô sơ.”

Bác sĩ Yersin và căn chòi lá, nơi ông tìm ra vi trùng dịch hạch ( (Yersinia pestis) tại Hong Kong năm 1894 - Ảnh tư liệu

Bác sĩ Yersin và căn chòi lá, nơi ông tìm ra vi trùng dịch hạch (Yersinia pestis) tại Hong Kong năm 1894 – Ảnh tư liệu

Sống tha hương, dù ở Pháp, Việt Nam hay Trung Quốc, hầu như tuần lễ nào ông cũng viết thư cho mẹ. Tính đến khi mẹ ông mất, năm 1905, ông đã gởi ngót 1.000 bức thư, cho bà biết sức khỏe và công việc hằng ngày của mình.

Khi mẹ mất rồi, Yersin tiếp tục gởi thư cho người chị ruột, bà Emilie.

Trong thư nhiều khi đầy vẻ hài hước, như khi ông ở Hồng Kông viết cho mẹ: “Con còn nhiều điều nữa muốn thưa với mẹ, nhưng có hai xác chết đang chờ con. Họ muốn ra nghĩa địa cho sớm. Tạm biệt mẹ thân yêu. Mẹ rửa tay sau khi đọc thư này kẻo bị lây dịch hạch, mẹ nhé.”

Noẽl Bernard viết về A. Yersin có câu: “ít có người không vụ lợi như Yersin. Khiêm tốn, giản dị, lịch sự”.

Ông ăn mặc xoàng xĩnh bộ đồ kaki bạc màu cũ kỹ, áo khoác bốn khuy ba túi, áo sơ-mi vải trắng hở cổ, quần kaki trên rộng dưới hẹp giặt sạch mà không bao giờ ủi. Giày vải bố. Trong túi ngực bên trái đựng một cái đồng hồ trái quít đeo bằng một sợi dây gai đỏ. Phải nói rằng Yersin không thiếu đồng hồ. Năm 1945, người ta tìm thấy trong tủ sắt của viện Pasteur Nha Trang rất nhiều đồng hồ trái quít chế tạo tại Thụy Sĩ, phần lớn bằng vàng, dây đeo cũng bằng vàng, bên trong cái nắp đều có dòng chữ: Chế tạo riêng cho Bác Sĩ Yersin.

Ngày 22 tháng 11 năm 1920, ông đáp tàu Paul Lecat đi Marseille. Một phục vụ viên trẻ của tàu không biết ông, cương quyết không cho ông vào phòng ăn. Nội qui của tàu bắt buộc phải thắt cravate khi bước vào phòng khách. Yersin trở về cabine. Sau đó, ông quay lại phòng ăn nói với phục vụ viên: “Chiếc cravate nầy cậu có chấp nhận không ?” Vừa nói ông vừa chỉ tay xuống chỗ hở ở cổ áo nơi ông vừa đút tấm huân chương “Bắc Đẩu Bội Tinh” vào.

Năm 1925, một buổi sáng ông đến hãng xe gặp một người khách sang trọng từ Pháp mới tới. Người nầy thấy ông ăn mặc xoàng xĩnh buột miệng kêu lên: “Tên bụi đời lang thang này làm gì ở đây ?

Bữa ăn của ông thường đạm bạc. Món ăn ông ưa thích thường ngày chỉ là món xúp rau cải ăn với bánh mì hoặc biscotte. Trong thời gian chiến tranh ông phải ăn bánh tráng thay cho bánh mì. Ông thích ăn cá hơn là thịt. Các loại cá được ông ưa chuộng là cá thu, cá mú.

Món rượu khai vị của ông thường chỉ là thứ nước có bột quinquina do ông tự chế. Nước uống đôi khi ông dùng nước lá sả mà ông bảo rằng dễ tiêu hoá. Có lần đi thám hiểm vùng cao nguyên, ông chỉ ăn cơm không trong hai tháng.

Làng chài xóm Cồn (xóm Bóng) nhìn ra Hòn Đỏ.

Làng chài xóm Cồn (xóm Bóng) nhìn ra Hòn Đỏ.

Vì Nha Trang thường có bão táp, Yersin nghiên cứu về khí tượng, thời tiết để giúp ngư dân.

Ông cho làm hai cái bồ to, có đường kính một mét, trên sơn màu đen. Khi có bão, hai cái bồ được kéo lên hai cây cột bằng phi lao trên núi Sinh Trung để báo hiệu.

Tháng 11 năm 1939, đoán biết rằng một cơn bão lớn sẽ đổ vào bờ biển Nha Trang, Yersin vội tập trung tất cả ngư dân xóm Cồn vào trong nhà mình. Cơn bão biển dữ dội đêm ấy đã cuốn trôi nhiều nhà cửa xóm Cồn, nhưng bà con vẫn an toàn.

Từ hôm ấy, Yersin được nhiều người dân xóm Cồn tặng cho biệt hiệu “người đã trị cơn sóng thần”.

Viết về Yersin, và viện Pasteur Nha Trang, Henri Jacotot đã có những lời ca ngợi tốt đẹp:

“Trong những thời điểm quan trọng, Yersin luôn luôn sống trong tình trạng báo động thường trực cả ngày lẫn đêm.” (Yersin et son temps, H. Jacotot-1937)

Chẳng những lo bảo vệ dân chúng tránh tai nạn bão lụt, Yersin còn luôn luôn tỏ ra nhân ái đối với người dân ở Nha Trang, nên ông được người Việt yêu chuộng và kính phục. Ông tự coi mình như một người dân trong làng, một người có phần may mắn hơn người khác, vì vậy ông thấy có bổn phận an ủi và giúp đỡ thuốc men.

Một hôm đi xe đạp từ nhà đến sở, ông bị một tài xế bất cẩn đụng ngã. Không nói một lời nào, ông vội vã dựng xe đạp lên, rồi đi đến viện để băng bó, không đả động gì đến người tài xế có lỗi.

Lần khác ông gặp người nông phu nằm ngủ trong xe bò dưới gốc cây bàng. Mặt trời lên cao, bóng mát thay chiều, ông bảo những người phụ tá đẩy xe bò vào chỗ mát.

Ông rất thương yêu trẻ con xóm Cồn, thường chiếu phim cho chúng xem. Một hôm, chúng đánh vỡ chậu hoa, ông bảo người giúp việc: “Đừng rầy đánh, người ta sợ.”

Ông thường đọc báo chí Việt ngữ. Một hôm đến viện ông trao cho ông Bùi Quang Phương, người cộng sự từ năm 1897, bài thơ “Năm Cụ Ông” chép trong báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng nói về năm bộ trưởng đương kim bị cách chức và thay thế bằng năm người khác do Pháp chỉ định. Bài thơ khó hiểu vì có nhiều nghĩa bóng.

Yersin rất nhẫn nại tử tế với những người cộng sự bản xứ, không bao giờ to tiếng, không bao giờ thị oai.

Người dân Nha Trang gọi ông là Ông Tư (theo cách gọi của người đàng trong, chỉ ông là con thứ ba). Hay Ông Năm vì theo ngạch nhà binh ông là Đại tá quân y. (Một tác giả Pháp Elisabeth Duclosel ghi ông là Nam, bác sĩ Annam, là sai.)

Ông không lấy vợ. Sống thanh đạm độc thân, tiết chế xa hoa nhục dục.

Elisabeth Duclosel thêu dệt cho ông một quan hệ tình ái giữa ông và một công chúa của bộ lạc Rhadé, là hoàn toàn không có cơ sở.

Yersin đến với người Việt Nam bằng một tấm lòng chân thật. Đó là chìa khoá kỳ diệu đã mở cửa cho ông đi vào tình cảm của người Việt Nam.

Ông ra đi rất thanh thản, ngày 01 tháng 03 năm 1943 vào lúc 01 giờ sáng, vừa đúng tám mươi tuổi.

Một ngày trước khi từ giã cõi đời, ông còn ngồi trên ghế xích-đu dùng ống dòm đo mực thủy triều.

Mặc dầu có lời căn dặn của ông trong di chúc muốn được an táng đơn giản, đám tang của ông to lớn chưa từng thấy ở Việt Nam. Ngoài đại diện của chánh quyền còn vô số người Việt, người Pháp, người Chà, người Hoa, người Thượng. Dân chúng bày hương án hai bên đường từ Nha Trang lên tận Suối Dầu nơi ông an giấc ngàn thu. Thể theo chúc thư, đám tang của ông thật giản dị, không có ai đọc điếu văn.

dscn48401Bên cạnh mộ Yersin có xây một cái miếu nhỏ đặt ảnh ông và hương án. Tại chùa Linh Sơn và Long Tuyền có bàn thờ ông bên cạnh bàn thờ Phật, mặc dầu lúc sinh thời, người dân Nha Trang không hề thấy Yersin bước chân vào chùa hoặc nhà thờ.

Mỗi năm đến ngày 01.03 người dân Nha Trang đến đốt hương và nghiêng mình trước mộ Yersin.

Trong năm mươi bảy năm hoạt động khoa học (1886 – 1943) Yersin đã công bố năm mươi lăm công trình và bốn mươi tác phẩm về y học, trong đó có mười ba đề tài chuyên cứu về dịch hạch, và mười lăm đề tài chuyên về nông nghiệp trồng cây quinquina và hévéa (cây cao su).

Yersin mãi mãi đi vào lòng người Nha Trang nói riêng và Việt Nam nói chung. Đó là đền Panthéon của Ông Năm và ông còn sống mãi mãi!

DGku4j7zSI_Saxe9qijHfQBác sĩ A. Yersin đã để lại di chúc: “Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu, yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và những người cộng sự lâu năm. Đám tang làm giản dị, không huy hoàng, không điếu văn”

Theo di chúc, khi khâm liệm người ta đặt Yersin nằm sấp, đầu quay về biển để ông mãi mãi ôm mảnh đất Việt, nơi ông đã chọn làm quê hương! (*)

Rời Nha Trang, tuy phim chưa quay được gì nhiều. Nhưng ấn tượng sâu đậm về Yersin cứ day dứt mãi trong tôi. Nung nấu trong tôi một niềm tin, nguồn năng lượng mới. Giúp tôi nỗ lực không biết mệt trong những lúc khó khăn. Có lúc tưởng như đã tuyệt vọng, bế tắc hoàn toàn. Phim “Bệnh Dịch Hạch” đã thành công. Để 3 năm sau, khi phim mang đi dự LHP Việt Nam lần thứ 8 vào tháng 3.1988 ở Đà Nẵng. Bộ phim đã chiếm được trọn vẹn cảm tình của khán giả. Như lời cố Đạo diễn – NSND Ngọc Quỳnh (Thành viên Ban giám khảo Phim Tài liệu – LHP VN VIII) đã phi lộ với tôi: “Phiếu điểm của dịch hạch là cao nhất. Đúng ra phải Bông Sen Vàng. Nhưng có ý kiến cho rằng, đây là phim của một đạo diễn mới, nên hạ xuống Bông Sen Bạc để tác giả đỡ kiêu, mà nỗ lực thêm… “.

Người ta còn cẩn thận với tôi tới mức, giới thiệu Lại văn Sinh lên nhận giải của phim thay tôi. Tấm bằng này khi ra tới Hà Nội thì Sinh đã giao trả lại cho tôi. Nó vẫn theo tôi sang tận xứ người. Với phim này Sinh còn lên bục lần nữa để nhận giải Bông Sen Vàng về Kịch bản. Nhớ hôm trao giải, người đẹp Sơn Thu – Giám đốc Khách sạn Phương Đông ở Đà Nẵng, người rất hâm mộ tôi từ bộ ảnh cưới tôi chụp ngày nàng lên xe hoa từ 5 năm về trước đã mua bó hoa rất to để lên tặng cho tôi. Nhưng tặng hụt. Nàng lủi thủi đem hoa về nhà, rồi kiếm bằng được chai Johnnie Walker (qúi hiếm dạo đó) quay lại lúc tàn cuộc, chả nói câu nào, nàng dúi chai rượu vào tay tôi và biến mất tăm cứ như sợ ai đó trông thấy vậy?

Từ bấy tới nay, đã ngót 30 năm, không gặp lại người đẹp lần nào, chuyện đánh tráo giải thưởng của Trưởng Ban giám khảo Bùi Đình Hạc tôi cũng đã quên. Song những chiếc kéo sắc oan nghiệt của các chức sắc và các bậc đa đề khoác áo Blouse trắng ở Bộ Y tế xứ “thiên đường” đối với những hình ảnh bác sỹ Yersin mà tôi đã đưa vào trong phim thì tôi không dễ gì quên. “Không quá đề cao những kẻ dù có công nhưng đã theo chân tụi Thực dân sang đô hộ đất nước mình…”. Những lời trái tai đó cứ vang mãi trong tôi.

dscn48321Nay thấy xôn xao chuyện dịch sởi chết người. Lại nghe, vào ngày tận tháng tận năm ngoái, các “đỉnh cao trí tuệ” nhà ta, sau bao nhiêu năm quên lãng đã cấp Quốc tịch Việt Nam cho Alexandre Yersin (truy tặng danh hiệu “Công dân danh dự“). Càng mừng hơn, những cái tên “sát sanh eng éc” (Y Éc Sanh) ở khắp Hà Nội, Nha Trang, Sài Gòn và Đà Lạt đều đã được viết lại và đọc đúng với tên mà các đấng sinh thành ra ông đã đặt: Yersin! Các cơ sở nghiên cứu y khoa mang tên người thầy của Yersin là Louis Pasteur ở cả ba miền, một dạo bị đổi thành Viện Vệ sinh Dịch tễ. Nay đã được “trả lại tên cho em” thành Viện Pasteur. Thật cả mừng!

“Con rất vui thú khi tiếp chuyện những người đến hỏi ý kiến nhưng con không muốn hành nghề bác sĩ, nghĩa là con không bao giờ có thể đòi hỏi bệnh nhân trả công khi săn sóc cho họ. Con xem ngành y như là một thiên chức, tương tự vai trò của mục sư. Đòi tiền công săn sóc bệnh nhân, như có phần nào nói với người ấy: tiền hay cuộc sống. Con biết không phải tất cả các đồng nghiệp của con đều chia sẻ những ý nghĩ này, song đấy vẫn là những điều con nghĩ và sẽ khó lòng mà từ bỏ chúng”. Trong một bức thư, A. Yersin viết cho thân mẫu của ông như thế!

Thì ra, “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Cũng như chiếc Blouse trắng không thể trở thành lương y khi người thầy thuốc còn mờ mắt vì tiền. Liệu có vị “Thầy thuốc Nhân dân” nào xứ mình đã thực sự xem ngành y như là một thiên chức như A. Yersin?

Sau 1975 “nhà nước ta” đã đập phá ngôi nhà của Ông “Năm Yersin” để xây dãy khách sạn 3 tầng của bộ nội vụ. Người dân Nha Trang ai cũng thương tiếc di tích của một vĩ nhân, một người suốt đời hy sinh cho dân nghèo bản xứ, lúc chết cũng muốn nằm lại nơi này. Vậy mà… bao nhiêu ân… đã biến thành… oán! ”

Giá mà “những đỉnh cao trí tuệ” không… ngu đần… đã phá đi ngôi nhà của Ông “Năm Yersin”, thì biết bao nhiêu đồ đạc, kỷ vật… của ông, sẽ hấp dẫn du khách trên thế giới sẽ đổ đến nghiên cứu và thăm viếng…! Nha Trang nói riêng, và Việt Nam nói chung… sẽ được thơm lây vì có công và có tâm gìn giữ di tích của một vĩ nhân của nhân loại… Than ôi… !!!!!

The former French lycee Yersin - Da Lat, Vietnam

The former French lycee Yersin – Da Lat, Vietnam

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt – The former French lycee Yersin Da Lat, Vietnam là 1 trong 1000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới – thế kỷ XX! Chỉ tiếc năm 1976 người ta đã đổi lại và bỏ mất cái tên cũ đi, thật uổng!

… nếu mộ Bs. Yersin nằm ở Tp. Nha Trang thì có khi Ông bị ghép tội thực dân đế quốc rồi cũng nên. Hồng y Spellman là người Mỹ. Hồi sau 1975 người ta kỵ bất cứ cái gì thuộc về “đế quốc Mỹ”…

Đó là những tiếc nuối của một số độc giả ái mộ Yersin (trích ở đây).

Những người trót phạm sai lầm với bậc ân nhân vĩ đại như A. Yersin mà biết hối cải. Biết “quay đầu lại là bờ” thì nên lấy câu châm ngôn: “Những gì của César nên đem trả lại cho César” nằm lòng. Bằng không cũng chỉ là sự đãi bôi trên đầu môi chót lưỡi mà thôi!

Gocomay

___

* Bài này có tham khảo và trích dẫn từ nguồn của Hội Ái Mộ Yersin Nha Trang và Thụy Sỹ.

_______________

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ