353 – Trung Quốc đang nỗ lực may áo mới?

greatwall3-lekyu

Khi các quan chức của đảng CS Trung Quốc đã vớ bẫm nhờ cây đũa thần cải cách kinh tế suốt ba chục thập niên vừa qua. Bây giờ TQ đang đứng trước nhiều nguy cơ bất ổn cả về kinh tế, chính trị, môi trường… Thì những tiếng nói không mới với thế giới văn minh. Nhưng rất mới trong một xã hội toàn trị ở Trung Quốc như: “Một hệ thống không cho người dân được thở không khí tự do và phát huy sức sáng tạo đến mức cao nhất, một hệ thống không lựa chọn những người tốt nhất làm đại diện cho chế độ và nhân dân để đưa vào các vị trí lãnh đạo, hệ thống ấy sẽ đi đến diệt vong” (Lưu Á Châu). Thật cả mừng khi đàn anh đi trước đã nhìn thấu được nguy cơ “diệt vong” của hệ thống như thế! Nếu các đồng chí ấy mà thay xong được tấm áo chật, thì lo gì các đàn em như xứ mình không được “thanh y” (ăn theo)?

Liệu có thể thực thi công cuộc thay “áo mới” một cách xuôi sẻ – khi đảng CS TQ vẫn chủ trương duy trì hệ thống độc đảng. Cũng như bảo kê, hỗ trợ đắc lực cho các chế độ toàn trị vệ tinh xung quanh? Câu hỏi này xin nhường cho các nhà “kiên định” chủ nghĩa Mác-Lê trả nhời dùm. Vì rời cái bùa hộ mệnh đó ra thì các đồng chí đang mạnh mồm ấy… lấy gì để đảm bảo cho những “thành qủa”rực rỡ mà các đồng chí đã gặt hái được nhờ những năm được cơ cấu trong cơ chế quyền lực?… (GCM)

Cải cách chính trị ở Trung Quốc – Chiếc áo đã chật

Ngày càng có nhiều người tin rằng, sẽ sớm diễn ra cải cách chính trị tại Trung Quốc sau những phát biểu gần đây của các nhân vật cấp cao trong giới lãnh đạo đất nước này.    

20091020luguang17.jpg

Ô nhiễm môi trường sống ở Trung Quốc – Ảnh: Lư Quảng (Lu Guang 卢广)-Nguồn: //tarazx.multiply.com/ (*)

Tín hiệu quan trọng  

 Thực ra, lời kêu gọi cải cách chính trị của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Thẩm Quyến ngày 22.8 chỉ là sự nhấn mạnh và chính thức phát tín hiệu cải cách thể chế chính trị cho toàn dân nước này. Theo Tân Hoa xã ngày 5.3.2010, trong báo cáo công tác chính phủ tại Bắc Kinh, ông Ôn Gia Bảo từng nêu rõ: “Cải cách Trung Quốc là cải cách toàn diện, bao gồm thể chế kinh tế, thể chế chính trị và nhiều lĩnh vực khác. Nếu không có cải cách chính trị thì việc cải cách thể chế kinh tế và hiện đại hóa không thể thành công”. Cải cách thể chế chính trị ít nhiều đã được đề cập trong báo cáo thường niên về công tác chính phủ, nhưng về cơ bản được diễn đạt thành “tích cực phát triển ổn định”. Theo phân tích của các chuyên gia nước này, báo cáo công tác Chính phủ Trung Quốc năm 2010 đã đưa ra một tín hiệu quan trọng nhằm thúc đẩy cải cách chính trị.

Trước khi có lời kêu gọi của ông Ôn Gia Bảo, dư luận trong và ngoài nước đã rất chú ý đến bài viết của trung tướng Lưu Á Châu đăng trên tạp chí Phoenix của Hồng Kông (báo Sydney Morning Herald của Úc dẫn lại vào ngày 12.8). Trong bài viết, tướng Lưu kêu gọi nhanh chóng thay đổi mô hình thể chế tại Trung Quốc. “Một hệ thống không cho người dân được thở không khí tự do và phát huy sức sáng tạo đến mức cao nhất, một hệ thống không lựa chọn những người tốt nhất làm đại diện cho chế độ và nhân dân để đưa vào các vị trí lãnh đạo, hệ thống ấy sẽ đi đến diệt vong”, ông viết. Ông Lưu cũng cho rằng Trung Quốc không thể chỉ dựa vào sức mạnh kinh tế mà vươn lên được: “Một quốc gia chỉ chăm chăm vào sức mạnh đồng tiền thì chỉ là một quốc gia chậm tiến và ngu dốt”. Cuối cùng, ông kết luận: “Trong 10 năm tới, sẽ không thể tránh khỏi một sự chuyển đổi từ chính trị quyền lực sang dân chủ”.

Những ý kiến của tướng Lưu khiến dư luận rất quan tâm vì vị thế của ông trong hệ thống chính trị ở Trung Quốc. Sinh năm 1952, ông từng là Phó chính ủy bộ đội không quân Trung Quốc và vừa được thăng lên Chính ủy Học viện Quốc phòng. Ông còn là con rể của cố Chủ tịch Lý Tiên Niệm, một trong “Bát đại nguyên lão” của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Mặt khác, nền kinh tế phát triển quá nhanh của Trung Quốc đã dẫn tới nhiều hệ lụy như khoảng cách giàu nghèo chênh lệch khủng khiếp, xu hướng chạy theo lợi nhuận bất chấp hậu quả dẫn tới nhiều vụ sữa bẩn, sập hầm mỏ, môi trường bị xâm hại, người dân bất mãn chính quyền… Vì thế việc tìm kiếm chiếc áo mới rộng hơn cùng chế độ quản lý phù hợp là một yêu cầu cấp bách của quốc gia đông dân nhất thế giới.

20091020luguang39.jpg

Thôn Cố Tân, huyện Thiệp, tỉnh Hà Bắc, số bệnh nhân ung thư xương hiện có là hơn 50 người; mỗi năm hơn 20 bệnh nhân ung thư chết. Ảnh chụp ngày 18, tháng 3, 2008. (Photo: Lư Quảng)

Nỗ lực may áo mới

Tại phiên họp thứ 3 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 11 khai mạc ngày 5.3.2010, ông Ôn Gia Bảo thừa nhận cơ chế quản lý còn tồn tại rất nhiều vấn đề, bao gồm việc chính quyền can thiệp quá nhiều vào nền kinh tế vi mô, quản lý xã hội và phục vụ cộng đồng còn yếu; ý thức tuân thủ pháp luật của một số cán bộ còn rất kém; một số lãnh đạo xa rời quần chúng, xa rời hiện thực, hình thức chủ nghĩa, quan liêu trầm trọng; nhiều tệ nạn hủ bại xảy ra trong một số lĩnh vực.

Để có được “chiếc áo mới” như ý muốn, ông Ôn Gia Bảo trước mắt đã đưa ra 5 phương pháp: thúc đẩy xây dựng chính quyền theo kiểu phục vụ, duy trì xã hội công bằng; coi trọng hơn việc phục vụ quần chúng và quản lý xã hội; thúc đẩy cải cách thể chế quản lý xã hội và sáng tạo cái mới, điều chỉnh hợp lý quan hệ lợi ích xã hội; nỗ lực nâng cao lòng tin của dân chúng; khoa học hóa, dân chủ hóa quyết sách và đẩy nhanh xây dựng hệ thống thực thi, giám sát lẫn nhau, cùng điều chỉnh cơ chế vận hành hành chính; phải coi trọng việc dẹp bỏ các tệ nạn hủ bại.

Ông Vu Phối – Giám đốc Phòng nghiên cứu Sử thế giới thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc – nhận xét, việc đề ra 5 phương pháp trên khiến việc cải cách chính trị được cụ thể hóa, trực tiếp đối diện với vấn đề mà dân chúng quan tâm như thay đổi thể chế doanh nghiệp, thu hồi và đền bù đất đai, bảo vệ môi trường, tranh chấp về lao động, khiếu kiện của dân, an toàn sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm… Ông Vu kết luận: “Mục tiêu cải cách cần nhắm đúng vào những vấn đề thiết thực mà dân chúng quan tâm, mới có thể bảo đảm quan hệ hòa hợp giữa chính quyền và người dân”.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng tuyên bố cần đảm bảo quyền của người dân, đặc biệt là quyền bầu cử, quyền được biết thông tin, quyền tham gia, quyền diễn đạt, quyền giám sát. Đồng thời, báo cáo tại phiên họp thứ 3 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 11 cũng nêu rõ, cán bộ lãnh đạo – đặc biệt là cán bộ cấp cao – cần thực hiện những quy định quan trọng như báo cáo tài sản và kinh tế cá nhân, bao gồm thu nhập, nhà ở, đầu tư cùng công việc của vợ con; tự giác phối hợp, chấp thuận sự kiểm soát của các ban thẩm tra. Ông Tôn Đoạn Nghiệp – Phó ban Giám sát tỉnh Sơn Đông cho rằng, từ nay về sau người dân Trung Quốc sẽ tích cực đẩy mạnh việc giám sát trên cơ sở lời hứa “tạo điều kiện” để dân phê bình, giám sát chính quyền. Điều này hứa hẹn nhiều hình thức mới mẻ về giám sát dân chủ sẽ xuất hiện tại đại lục.

174346352.jpg

TQ chấp nhận trong Đảng có nhiều phái – Ảnh: Reuters 

 Mâu thuẫn xã hội và lực cản chính trị

Trung Quốc đang giải quyết những mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc trong khi cải cách chính trị vẫn còn nhiều trở ngại. 

Mâu thuẫn xã hội trầm trọng

Theo Tân Hoa xã, hàng loạt vụ tham nhũng lớn với các quan chức cấp cao trong đủ các lĩnh vực như thể thao, pháp luật, môi trường, công an… liên tục bị phanh phui trong 2 năm qua. Có nhiều vụ khiến dư luận Trung Quốc bàng hoàng như: Văn Cường – cựu Giám đốc Sở Tư pháp của Trùng Khánh – bị kết án tử hình với các tội danh: nhận hối lộ 1,77 triệu USD, bảo kê 5 băng đảng xã hội đen, tham gia nhiều vụ hiếp dâm. Diệp Thụ Dưỡng – nguyên Trưởng công an thành phố Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông – bị đưa ra xét xử vào tháng 1.2010 với tội danh nhận hối lộ hơn 34 triệu tệ, bảo kê các hoạt động mại dâm, đánh bạc, buôn bán ma túy, giúp đỡ một số tội phạm thoát lưới pháp luật, mua bán chức quyền trong ngành công an… trong suốt 19 năm đương chức. Ngoài ra, báo chí Trung Quốc cũng thống kê từ khi cải cách mở cửa tới nay, hơn 4.000 quan tham đã trốn sang nước khác, cuỗm theo 50 tỉ USD.

untitled_02.jpg

Những quan tham như Văn Cường khiến người dân TQ mất lòng tin – Ảnh: Sina.com

Ông Trì Cường – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Bắc Kinh – xác nhận riêng tại thủ đô Trung Quốc, các vụ dân kiện quan trong năm 2009 lên tới 7.321 vụ, tăng 32,6% so với năm 2008. Nội dung các vụ kiện trên toàn quốc đều liên quan tới quyền lợi của người dân, đặc biệt nổi cộm các vấn đề: đền bù đất đai, di dời nhà dân, oan sai trong xử án… Chẳng hạn ngày 19.4.2010, 361 người dân thôn Sinh Lợi, huyện Ninh Hải, thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang kiện chính quyền địa phương vì thu giữ của họ hơn 37 mẫu đất mà không hề đền bù sau khi làm giả những bằng chứng về việc nhất trí giao đất của người dân.

Đáng chú ý hơn cả là vụ nông dân Dương Hữu Đức – 56 tuổi, ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc – đã tự chế một hệ thống đạn pháo và xây chòi canh đất nhằm chống trả chính quyền địa phương thu giữ đất của gia đình ông mà theo ông là không bồi thường thỏa đáng. Từ tháng 2 đến tháng 5.2010, ông liên tục dùng vũ khí tự tạo để xua đuổi các đội cưỡng chế của chính quyền địa phương trong những cuộc bao vây có khi lên tới cả trăm người. Ông Dương ghi rõ quyết tâm lên vách tường nhà: “Không có lựa chọn. Chỉ có cách ứng chiến”. Tới cuối tháng 6, liên tục có người rình rập bên ngoài nhà ông Dương và anh trai ông là Dương Nghĩa Đức bị 4 người lạ mặt đột ngột chặn đánh, phải nhập viện. Theo tờ China Daily, chính quyền địa phương hồi tháng 7 năm nay đã phải nhượng bộ và ông Dương được nhận số tiền bồi thường kỷ lục 750.000 nhân dân tệ cho 1,75 ha đất. 

untitled.jpg

Ông Dương Hữu Đức bắn thử khẩu súng tự chế – Ảnh: AFP

Ngoài ra, còn có vụ hai cha con tự thiêu hồi tháng 3 tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô nhằm phản đối chính quyền địa phương phá chuồng heo của gia đình để giải tỏa mặt bằng. Theo China Daily, rốt cuộc chuồng heo vẫn bị giật sập, người con trai 68 tuổi thiệt mạng, còn người cha 92 tuổi bị phỏng nặng. 

“Bình hoa chính trị” và lực cản cải cách

Website Bầu cử Trung Quốc (Chinaelections.org) ngày 10.9 có bài phân tích những hạn chế trong quá trình cải cách chính trị, đặc biệt nổi bật vấn đề “hiệp thương dân chủ”. Theo đó, mặc dù tại Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện ý niệm “hiệp thương dân chủ” thay cho “hiệp thương chính trị” nhưng về căn bản, hiệp thương vẫn chỉ là một “bình hoa chính trị”. Các ủy viên hiệp thương chưa phải là đại biểu đúng ý dân, về cơ bản không có cơ sở quần chúng; không nằm trong thể chế pháp luật, còn tồn tại rất nhiều thứ mang tính tùy tiện, khó có thể thực sự đạt được dân chủ đầy đủ và hiệp thương đầy đủ. Quá trình thực thi hiệp thương còn mang tính chủ quan của các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và chính quyền.

Việc cải cách thể chế, đặc biệt quá trình chuyển sang mô hình “thể chế lớn tập trung” (**) vẫn gặp nhiều lực cản lớn do bộ máy hành chính cồng kềnh, người nhiều hơn việc, chính phủ quản lý không sâu sát, hiệu quả tinh giản cơ cấu chưa cao. Cải cách thể chế còn đụng hàng loạt vấn đề như sự cọ xát quyền lực, phân chia nhân lực… Trong đó, chỉ cần một mắt xích nào bị đứt cũng khiến cả dây chuyền bị ảnh hưởng. Hiện Trung Quốc đang nghiên cứu một số mô hình cải cách thể chế như mô hình Thành Đô, mô hình Trấn Giang hay mô hình Tùy Châu.

Thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đã giải tán Sở Nông canh và gia súc cùng Sở Nông cơ để thành lập Ủy ban Nông nghiệp, lấy điểm nổi bật của đơn vị để cải cách thể chế chức năng đan xen và chia quyền. Ở thành phố Tùy Châu, tỉnh Hồ Bắc, cách làm chủ yếu là sáp nhập những cơ cấu có chức năng tương đối giống nhau, nhưng hoạt động kém hiệu quả, thậm chí có nơi chỉ treo biển, không làm việc. Chẳng hạn hợp nhất Sở Văn hóa, Sở Di sản văn hóa, Sở Thể dục thể thao và Sở Xuất bản thông tin thành Sở Văn thể. Nếu thành công, mỗi mô hình sẽ thúc đẩy năng suất hành chính rất mạnh.

Có thể nhận thấy vấn đề của Trung Quốc hiện nay là cần giúp “hiệp thương dân chủ” không còn là “bình hoa chính trị” và phá bỏ những lực cản trong quá trình thực thi “thể chế lớn tập trung”.

Nguyễn Lệ Chi

———-

(*) Ảnh chụp ở Long Môn thuộc thị trấn Hà Thành, tỉnh Thiểm Tây, nơi phát triển công nghiệp quy mô lớn. Môi trường ở đây bị ô nhiễm hết sức nghiêm trọng. Chụp ngày 8, tháng 4, 2008

(**): là dạng mô hình quản lý chính phủ được sử dụng phổ biến ở những nước có trình tự thị trường hóa tương đối cao. Đặc trưng rõ nét nhất của thể chế này là “chức năng rộng nhưng cơ cấu ít”, nhằm thúc đẩy việc quản lý tổng hợp và nhịp nhàng

_____
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201037/20100912223344.aspx & http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201038/20100915225143.aspx

___________________________

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ