808 – Tiếng đất kêu thương

P1020470Thế là thời gian không còn đui mù câm điếc mãi được nữa. Đêm qua (26/11), mấy tay làm chương trình “Ký ức thời gian” ở Ban Khoa giáo của VTV cũng phải thú nhận thời kỳ Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) mỗi công (một ngày) lao động của xã viên HTX chỉ được chia từ 1 đến 3 lạng thóc. Hôm trước mình cứ lo hão mỗi công lao động được chia 4 lạng thóc ở quê mình là bèo qúa. Hóa ra vẫn tươm chán.

Những “phát minh” vĩ đại của mô hình sản xuất “tiên tiến” ở miền Bắc XHCN thời đó cũng được một nông dân trung thực ở xã Yên Nghiã – Hà Đông (mình đoán tay này chắc phải cỡ chủ nhiệm HTX) thú nhận, ngoài mỗi việc chế ra được máy tuốt lúa (đạp chân hay dùng mô tơ điện) thay dùng cối đá đập lúa. Thì chuyện cải tiến cày 2 lưỡi đã giết chết không biết bao nhiêu trâu khoẻ trâu ngoan. Việc dùng hai người kéo trục đá thay cho trâu bò bừa rơm cũng vậy. Đã làm giập nát những hạt thóc vàng chắc mẩy qúi giá. Đành phải “cải lùi”. Nhớ ở quê mình thời đó có chú Minh Cứ nhà ở xóm Bẫm, không biết nghe cán bộ đi tập huấn về khoa học kỹ thuật ở trên về xui dại. Nói phân trâu non là còn chứa nhiều chất bổ dưỡng. Hệ tiêu hóa của trâu chưa hấp thụ hết có thể đem nấu với cám nuôi lợn rất tốt. Nói là làm, nhà chú Minh có mấy cái nồi bằng đồng và gang to (loại chuyên dùng nấu bánh vào dịp tết) đều được huy động vào cuộc thử nghiệm. Tới bữa, đàn lợn lúc đầu cũng rũi mõm tìm hít những chỗ đặc cám rít ăn. Nhưng sau đấy, dù có chết đói cũng không chịu “sực” cái món “thức ăn tổng hợp” nặng mùi đó. Kết cục đi tong mấy cái nồi (tài sản qúi của nhà nông thời đó) nấu bánh vì khi được đun nóng, mùi phân trâu đã ngấm sâu vào bên trong thành và đáy nồi không tài nào ngâm cọ sạch được nữa…

Thời bao cấp, mỗi khi có con trâu mộng kiệt sức mà chết. Ngoài đồng thì thiếu sức kéo. Nhưng trong làng thì rậm rịch vui phải biết. Trâu ngả thịt được chia theo lao động chính. Mỗi đợt chia, ngoài vài cục xương và mấy miếng lòng sách (dạ dày) ra, mỗi xuất chỉ được khoảng 3 – 4 lạng thịt vụn là cùng. Tôi nhớ sao món thịt trâu xào rau cần tỏi dạo đó thơm ngon thế không biết. Sau này dù có được dự những mâm cao cỗ đầy đến đâu cũng không thấy ngon hơn. Hóa ra, cái câu “Miếng thịt lợn chao ôi là vĩ đại/ Miếng thịt bò (trâu) lại vĩ đại gấp đôi” của thi sỹ Nguyễn Chí Thiện không chỉ đúng trong nhà tù nhỏ mà còn đúng cả ở nhà tù lớn nữa!

Thiếu sức kéo, đội cày bừa máy (mỗi huyện có một đội vài ba cái) lại càng cao giá. Đám “kiêu binh” này mè nheo đủ kiểu. Luật bất thành văn, đám “trâu đỏ” (đầu máy kéo sơn màu đỏ) đi đến đâu cũng được đãi món thịt gà (món ăn thượng đẳng thời bao cấp). Nơi nào thiếu gà chúng cày bừa giả dối, thợ cấy có mà khốn khổ với đám ruộng gồ ghề lồi lõm do chúng tạo ra. Bởi vậy cái câu ca “trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà” có xuất xứ như thế!

P1020468Sẽ không thật công bằng khi chỉ biết phê phán một chiều cái mô hình HTXNN quái đản ở xứ ta. Mà không thấy những cái được của nó trong việc tạo ra được những hệ thống bờ vùng bờ thửa với kênh mương tưới tiêu khá hiệu qủa một thời. Cái cảnh “tát nước chống hạn/ úng” hồi trước thập niên 1960 về cơ bản đã không còn tái diễn thời HTXNN nữa.

Nắng chiều thấp thoáng ngọn cây tre
Sóng lúa mênh mông cuộn đổ về
Anh cùng tôi bước trên đê nhỏ
Áo nâu bạc màu bay với gió
Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh
Vẽ cả ngày mai thành bức tranh

(Anh chủ nhiệm – Hoàng Trung Thông)

Nhưng tiếc thay, cái bức tranh ngày mai mà anh chủ nhiệm HTXNN hay nhà thơ lớn nhưng qúa đỗi ngây thơ chót vẽ vời ra đó nó đã phá sản qúa nhanh. Nhanh chưa bằng nửa cái vỗ tay của đời người. Để những “sóng lúa” mênh mông ấy đã bị chia nhỏ cắt vụn ra thành những ô to nhỏ lớn bé manh mún (thời khoán sản). Tuy chẳng hay hớm gì. Nhưng đã cứu tế. Đã mang lại bát cơm thơm cho người nông dân sau bao ngày không chết đói nhưng đói tới chết“.

Lại nhớ, hồi đầu xuân năm 1983, khi tới cửa sông Ninh Cơ quay cảnh lau sậy, đoàn làm phim tài liệu chúng tôi có đi qua huyện Nam Ninh. Nơi một dạo được đích danh TBT Lê Duẩn về chỉ đạo mô hình “Pháo đài huyện” với sản xuất lớn XHCN – cơ giới hóa 100% trong nông nghiệp. Thì hỡi ôi, những đàn “trâu đỏ” hùng hổ dạo nào nay đã trở thành bãi sắt phế thải hoen gỉ vì các hộ gia đình không ai còn muốn nuôi chúng bằng gà nữa. Với lại với những vạt ruộng khoán dài như những dải phướn bé xíu trên khắp cánh đồng. Thì chả có con “trâu đỏ” nào còn quanh cho được.

Trong khi chờ trời nắng, vào ngủ nhờ ở Đội 202 của cụ Việp (năm đó cụ đã ngót 70). Thấy đám trai gái con cái cụ (mấy chục người) vẫn vác đất bằng vai, sắn kéo bằng tay để quai đê lấn biển như cha ông ta từ ngàn xưa. Không có gà đãi chúng tôi. Cụ Việp chỉ có món “đặc sản” lá sung non gói cá nhạch (trông giống con chạch nhưng biết lắc mình trườn rất nhanh trên bãi bồi), kho tương ăn với xôi đỗ đen được bày ra ven bờ đê ngăn biển trên những tàu lá chuối. Nhưng hương vị của món ăn đồng biển ấy cứ theo tôi mãi tới tận bây giờ. Nhớ cái đêm đang hầu cụ ván cờ ở lán nứa ven đê, thấy có đám thanh niên cả nam lẫn nữ tới khoanh tay xin phép cụ được vào làng xem phim. Chả cần ý tứ (trước mặt khách) cụ vô tư dặn: Hết phim nhớ về ngay đi ngủ để mai lấy sức mà làm cho xong mức khoán đã nhận. Cụ còn dặn với theo là đừng có cấu đít nhau đấy. Đám thanh niên khúc khích cười vâng dạ rồi kéo nhau đi….

ccrd1Sau tìm hiểu kỹ mới biết, nhờ hai bàn tay lao động cần cù, gia đình cụ trước 1954 cũng thuộc hàng khá giả trong vùng. Đùng cái đợt CCRĐ long trời lở đất đã giáng xuống đời cụ những đòn chí tử. Nhà ngói cây mít tự tay cụ làm ra bỗng chốc bị tịch thu. Gia sản tan nát khiến cụ phải tìm về nơi bãi bồi hoang vắng giữa hai cửa sông (sông Đáy và sông Ninh Cơ) để làm lại từ đầu. Đội thủy lợi 202 do cụ làm đội trưởng được hình thành như thế. Từ hai bàn tay trắng, đội quân chân đất của cụ đào đắp hàng tỷ khối đất. Quai đê “biến cải vũng nên đồi” được hàng ngàn Ha bãi sình lầy lau sậy thành những cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” cây trái xanh tươi. Tự lo cho thân, cụ còn cưu mang biết bao cảnh đời cơ nhỡ, những lứa đôi bất hạnh lỡ làng. Ai tới cũng được cụ dung nạp, thương yêu, gọi bằng “các con” trìu mến. Cụ bày cho đám trẻ cách thức làm ăn, dạy chúng đạo lý làm người rồi dựng vợ gả chồng cho nữa. Một tay cụ lo toan cắt đặt đâu đấy. Hết lứa này tới lứa khác. Mãi tới cuối thập niên 1980 người ta “vu” cho cụ được đảng giác ngộ và chỉ đường mới đạt được kỳ tích lớn lao như vậy. Để vụ  “bức cung” được trôi chảy, trước khi phong danh hiệu “Anh hùng lao động” người ta đã ép cụ viết đơn xin ra nhập đảng vào năm cụ tròn 73 tuổi.

Bộ phim tài liệu nhựa 35 mm dài 30 phút về chân dung của cụ Việp có tên “Những người chân đất” đã được đạo diễn Tô Việt Hải hoàn thành để đem đi dự LHP Việt Nam lần VIII ở Đà Nẵng vào tháng 3-1988. Nhưng không được ai chú ý tới. Vì đơn giản Tô đạo diễn dù luôn tự hào đỗ bằng đỏ ở Đại học Điện ảnh Vờ-Gích (Liên Xô cũ) đã không hiểu gì về nông thôn. Không hiểu về nông dân nên không biết cách khai thác cái bi hài ẩn chứa sâu trong vóc dáng gầy khô đen đúa nơi con người cụ Việp. Bi kịch ấy cũng chính là nỗi đau chung của hàng triệu nông dân miền Bắc và cả nước thời “tiến nhanh, tiên mạnh, tiến vững chắc lên CNXH”. Nay cố nhân Tô Việt hải đã về nơi đất Phật. Chắc cụ Việp tròn trăm tuổi cũng đã an nhàn ở cõi vĩnh hằng lâu rồi. Nhưng khát vọng và nỗi đau của đất và người quê ta vẫn còn nguyên đó!

dm4

Không biết đến bao giờ tiếng đất kêu thương mới thấu tới trời?

Gocomay

_____________________

804 – Thời gian lặng câm

Hình minh hoạ: TheStranger (2007)

Hình minh hoạ: TheStranger (2007)

“Trời mây phảng phất nhuốm thời gian

 

 Màu thời gian không xanh

 Màu thời gian tím ngát

 Hương thời gian không nồng

 Hương thời gian thanh thanh…”

 (Đoàn Phú Tứ)

*  *  *

Đi chợ tết (Ảnh minh hoạ)

Đi chợ tết (Ảnh minh hoạ)

Chương trình Ký ức thời gian của VTV đang ôn cố tri tân lại những kỷ niệm khó quên thời bao cấp ở xứ ta. Phần giới thiệu về Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) tối qua, thấy ông cựu Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Trìu tuổi đã ngót cửu tuần (90) mà nom vẫn phong độ. Giọng nói cứ sang sảng, chứng tỏ ông đương kim VAC (Hội làm vườn, một tổ chức phi chính phủ do ông sáng lập) còn minh mẫn và khoẻ mạnh. Ông ca ngợi không tiếc lời sự đóng góp về lương thực thực phẩm của mô hình HTXNN. Cho đó là yếu tố quyết định giành thắng lợi trong cuộc “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Cảnh bán và trồng rau cải bắp trên phim, nếu tôi không nhầm thì được trích từ bộ phim tài liệu “Đi giữa mùa xuân” của Xuân Chân. Phim này được quay bằng phim màu và ống kính màn ảnh rộng (thời đó s/x phim ở VN chỉ có phim đen trắng màn ảnh thường). Phim làm theo chỉ đạo nội dung trực tiếp của Ban tuyên huấn nên từng cảnh quay đều có sự dàn dựng công phu với kinh phí như làm phim truyện. Đó cũng là câu trả lời tại sao ê kíp làm phim lại do bên phim Truyện chứ không phải phim Thời sự Tài liệu như thông lệ.

Trên cái nền bức tranh có tính “tô hồng” tính ưu việt của sự phân phối thực phẩm mậu dịch quốc doanh (MDQD) với những chị công nhân má căng tròn đang hơn hớn xếp hàng (“đi lên CNXH”) trật tự ở quầy bán rau MDQD. Cũng như cánh đồng rau bạt ngàn của HTXNN ngoại thành Hà Nội (ở xã phù Đổng) ấy, ông Trìu khẳng định sự đóng góp to lớn về lương thực và thực phẩm của hậu phương chi viện cho tiền tuyến lớn.

Nếu những nhận định ấy được phát ra từ miệng ông tại thời điểm 1973 thì ai cũng thông cảm được. Tiếc thay, lại diễn ra trong thời buổi thông tin bùng nổ như hiện nay thì thật khó hiểu.

Bởi ai cũng biết cái mô hình bao cấp, tem phiếu, phân phối, xếp hàng từ hạt gạo, mớ rau, chai nước mắm, lạng thịt cá, lít dầu cho tới bánh xà phòng, áo may ô, quạt điện, xe đạp… đã dìm đời sống người công nhân tới tận cùng địa ngục. Nay mỗi khi nghĩ tới, ai (trong cuộc) cũng toát mồ hôi.

Một yêu anh có may ô

Hai yêu anh có cá khô ăn dần…

Là câu ca ám chỉ, những chàng trai cán bộ viên chức mà có áo may ô và cá khô trong các bữa ăn là lý tưởng mơ ước cho các cô gái thị thành theo đuổi để lấy làm chồng.

Đời sống người nông dân ở khắp các hang cùng ngõ hẻm trên Miền Bắc XHCN cũng cơ cực không kém!

Mỗi công (một ngày) lao động của xã viên HTXNN được chia có khoảng 4 lạng thóc thì lấy đâu ra cảnh nô nức gánh rau (gánh lúa) như tuyên truyền trên phim ảnh của thứ “Chủ nghiã hiện thực phải đạo” (chữ của Hoàng Ngọc Hiến) vẽ vời ra kia chứ?

Cái câu ca dao lan truyền thời đó:

Mỗi người làm việc bằng hai

Để cho chủ nghiệm mua đài, tạu xe

Mỗi người làm việc bằng ba

Để cho chủ nhiệm xây nhà, lát sân

Ai mà không thuộc?!

Ảnh minh hoạ của Nguyễn Anh Tuấn (Tuấn Lai)

Ảnh minh hoạ của Nguyễn Anh Tuấn (Tuấn Lai)

Như ở quê tôi, cánh đồng làng “bờ xôi ruộng mật” mà người dân quê không dám ăn cơm gạo mới. Quanh năm phải ăn độn cơm với khoai khô. Chỉ hôm nào giỗ tết mới được ăn cơm gạo trắng. U tôi bảo ăn cơm gạo mới như thế lãng phí. Vì thổi (nấu) cơm gạo mới nhiều nhựa, ít hút nước nên hao cơm. Chịu khó đem ra tỉnh (Hà Nội) đổi lấy gạo mậu dịch (thứ gạo lưu kho lâu ngày) tuy có hơi hôi. Nhưng hút nhiều nước làm dôi cơm làm no bụng người…

Gia cảnh nhà tôi được tiếng là “phong lưu” trong làng vì không những có nhà ngói sân gạch và bể nước mưa ăn quanh năm đã đành. Bố tôi là công nhân có tay nghề giỏi nên được hưởng bậc lương cao. Dạo đó ông được cử đi chụp ảnh hộ chiếu cho học sinh và nghiên cứu sinh ở Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp gần như suốt tháng. Được đãi cơm khách nên xuất gạo và thực phẩm tiêu chuẩn là hầu như không đụng đến. Nhà tôi lại nuôi trâu cày cho hợp tác xã, nuôi lợn giao đủ nghĩa vụ, vượt mức còn được qui đổi ra thóc nữa. Cho nên anh chị em chúng tôi không bị đứt bữa bao giờ. Nhìn ra xóm giềng xung quanh, không bà con xã viên nào đủ ăn cả. Những tháng giáp hạt, nhiều gia đình nồi cơm độn tới 3/4 khoai khô hay ăn cháo rau muống, rau khoai lang thay cơm là chuyện khỏi cần bàn. Trừ những gia đình chịu tiếng xấu “không tán thành chủ trương Hợp tác hoá NN của đảng và nhà nước” mà làm ăn cá thể. Ngoài chuyện bị trù dập bị phê xấu trong lý lịch của con cái đi thoát ly, những bà con không chịu vào HTXNN (ở quê tôi khoảng 10%), họ bị chèn ép đủ thứ như bị đổi ruộng tới những nơi xa hay phải nhận những thửa đất xó xỉnh kém màu mỡ. Để HTXNN qui hoạch lại bờ vùng bờ thửa theo mô hình “Pháo đài Huyện” mà các lãnh tụ chính trị chóp bu thời đó đang theo đuổi. Nhưng dù khó khăn cỡ nào, bà con làm ăn cá thể đời sống kinh tế nói chung vẫn khấm khá hơn.

Đó là lý do mô hình HTXNN sau hơn hai chục năm áp dụng ở Miền Bắc và ngót chục năm áp dụng ở Miền Nam đã bị phá sản hoàn toàn.

“Ở nước mày không ai chết đói… nhưng chúng mày đói tới chết!” Lời nói thật tuy khó nghe của một chuyên gia kinh tế người Hungari nói với một đồng nghiệp VN, cùng chuyến đi khảo sát trong khuôn khổ khối CEP hồi đầu thập niên 80s như thế.

Đó cũng chính là câu chuyện xé lòng trong “Cái đêm hôm ấy… đêm gì?” của Phùng Gia Lộc (Xem ở đây)

Chuyện tưởng ba năm rõ mười như thế. Nay ông cựu UVTW, cựu Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Trìu lại nỡ lập lờ đánh lận con đen nữa hay sao?

Thời 1973, lúc đó ông Trìu còn đang làm Chủ tịch tỉnh Thái Bình (năm 1975 thay Ngô Duy Đông làm Bí thư tỉnh uỷ). Mãi tới 1979, ông mới được điều về TW làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp cho tới 1987 về hưu. Ông căn cứ vào đâu mà dám nói liều rằng nhờ mô hình HTXNN mà thắng Mỹ?

Chuyện Mỹ thua VN là câu chuyện khá dài. Nó có thể được lý giải qua quyết tâm “đánh Mỹ tới người VN cuối cùng” của người láng giềng khổng lồ Phương Bắc. Cũng có thể trắc nghiệm điều ấy qua lời kể rất thành thật của Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain kể lại sau lần gặp Tướng Giáp vào đầu thập niên 1990:

tuonggiap-adc8cÔng Hồ từng nói với người Pháp “Các ông giết 10 người chúng tôi, chúng tôi chỉ giết 1 người các ông, nhưng rốt cuộc các ông sẽ chán nản bỏ cuộc trước”. Tướng Giáp thi hành chiến lược đó với một nghị lực cứng rắn…

Người Mỹ không hề thua một trận chiến nào trước quân Bắc Việt, nhưng thua cả cuộc chiến. Khi thắng được cuộc chiến tranh là một nước chiến thắng, không phải quân đội của nước đó thắng. Ông Giáp hiểu điều đó. Hoa Kỳ không hiểu. Nước Mỹ chán ghét và mệt mỏi vì cảnh chết chóc và bắn giết trước khi người Việt Nam bỏ cuộc. “Khó lòng biện giải cho đạo nghĩa của chiến lược ấy. Nhưng chúng ta không thể chối bỏ sự thành công của nó”! (Xem: ở đây).

Ở góc độ người trong cuộc tôi thấy “công trạng” duy nhất của phong trào Hợp tác hóa NN ở Miền Bắc là đã gián tiếp đẩy hàng triệu thanh niên (cả nam lẫn nữ) vào trận chiến mười đổi một ấy để giành chiến thắng. Số người đã bỏ mạng là bao nhiêu? Một triệu? Hai hay ba triệu? Đến nay vẫn chưa có bất kỳ một tổng kết nào. Nhưng một điều chắc chắn, trên 50% gia đình có con em nhập ngũ đều đã “xanh cỏ” ở khắp mọi nẻo trên bán đảo Đông Dương này…. Chỉ tính ba bốn gia đình bên nội ngoại gần nhất trong nhà tôi, suốt hai cuộc kháng chiến có 7 người tham gia quân ngũ thì 5 người là liệt sỹ. Đó là hai người chú (một chú ruột) của tôi hy sinh trong KC chống Pháp; một người là anh ruột và hai em họ của tôi hy sinh trong KC chống Mỹ. Có ba người đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ phần. Bà cô ruột của bố tôi một mẹ một con, được nhà nước truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng khi bà đã theo về bên con trai liệt sỹ của bà.

Chỉ một góc nhỏ trong vô vàn văn bia ghi danh các Liệt sỹ ở NTLS Trường Sơn mà làng tôi đã có tên 3 người... (số 13; 15 và 16) - Ảnh: Bạch Dương QT

Chỉ một góc nhỏ trong vô vàn văn bia ghi danh các Liệt sỹ ở NTLS Trường Sơn mà làng tôi đã có tên 3 người… (số 13; 15 và 16) – Ảnh: Bạch Dương QT

Nhìn rộng ra cả nước, còn bao gia đình khác nữa? Đến bao giờ người dân lành VN mới biết được con số xác thực về tổn thất nhân mạng lớn nhất trong lịch sử này? Khi ai đó vẫn cho đây là điều “nhạy cảm”, dù gần 40 năm chiến tranh đã đi qua…

Cũng cần bạch hóa rõ xem, có phải tất cả nam thanh nữ tú lên đường đi chiến đấu theo “tiếng gọi thiêng thiêng của tổ quốc”. Mà không kèm theo cả tiếng réo của chiếc dạ dày rỗng luôn thôi thúc. Khi đang tuổi ăn tuổi lớn mà sống với bố mẹ, những xã viên HTXNN, họ không mấy khi được ăn no. Hoạ chung với sự đói nghèo do hợp tác hóa nông nghiệp ở nông thôn gây ra, chính sách quản lý hộ khẩu, tem phiếu và sổ gạo ở thành thị thời bao cấp đã làm đem vinh quang về cho “bên thắng cuộc”. Chớ trêu thay, đám thảo dân nghèo khó lại thuộc “phe nước mắt” cho mãi tận bây giờ.

Ở Thái Bình, thời ông Trìu làm chủ tịch và bí thư, vùng quê lúa đã nổi tiếng như cồn với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân quân không thiếu một người”. Vậy mà lan truyền trên Miền Bắc một dạo lại có câu: “Hà chuồn, Hưng lủi, Thái Bình bay / Nghệ An, Hà Tĩnh có ngày bốc hơi”. Tôi đem thắc mắc ấy hỏi một anh hàng xóm cũ cùng làng với tôi quê ở Đông Hưng-Thái Bình xem thực hư ra sao? Anh cho biết, dưới triều đại ông Đông (Ngô Duy Đông) và ông Trìu việc “bắt lính” ở TB ráo riết tới mức, đang học cấp 3, chưa đủ tuổi mà nhà trường ép buộc 100% học sinh nam phải làm đơn gửi lên Huyện và Tỉnh Đội tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ.

Vợ chồng anh bạn quê ở Đông Hưng-Thái Bình (phía trái) - Ảnh chụp tháng 6.2012 tại Hamburg-CHLB Đức

Vợ chồng anh bạn quê ở Đông Hưng-Thái Bình (phía trái) – Ảnh chụp tháng 6.2012 tại Hamburg-CHLB Đức

Anh tâm sự với tôi, già nửa số các bạn của anh tòng chinh vào cái năm 1974 ấy đã không bao giờ trở về nữa. Với cương vị là bí thư chi đoàn, anh thật khó mà tránh được đợt nhập ngũ “tình nguyện” (bắt buộc) ấy. Nếu không vấp phải sự điên dại vì đau khổ tột cùng của bà mẹ. Chả là lúc sắp sửa lên đường thì được tin người anh cả của anh vừa hy sinh ở Bình Long. Giấy báo tử đã về tới huyện. Nhưng sợ ảnh hưởng đến đợt giao quân, lãnh đạo huyện định ém nhẹm đi. Chờ anh lên đường xong mới báo. Không ngờ chuyện bại lộ, bà mẹ của anh đã phát điên, sắn quần móng lợn kéo anh xềnh xệch kêu thảm thiết từ làng lên huyện. Lại từ huyện tới trường cấp 3. Khiến huyện đội nao núng phải tạm hoãn ngày lên đường của anh. Năm sau, chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông thì hết chiến tranh. Chưa kịp mừng thì lại được tin người anh trai kế của anh vừa hy sinh ở biên giới Tây Nam bởi cuộc đột kích bất ngờ của “người anh em” cùng ý thức hệ – Khơ me đỏ. Hai năm, hai cái tang liên tiếp đổ xuống gia đình anh, không cán bộ nào còn có ý định gọi anh đi bộ đội nữa. Nhờ tiêu chuẩn gia đình liệt sỹ, anh được cử đi học nghề ở Bungari. Anh lấy vợ người Bun. Tường Berlin vỡ anh dắt díu vợ con sang Đức xin ty nạn. Hôm bà mẹ anh qui tiên, giấy tờ chưa xong, anh không về chịu tang được, anh nhờ các Ni sư ở chùa Hamburg cử hành tang lễ vọng. Điều làm tôi ngạc nhiên là cô vợ Bun của anh bạn tôi cũng khăn tang áo sô gai nghiêm cẩn hành lễ chả khác các cô con dâu người Việt mình. Chắc bà mẹ anh ở dưới suối vàng cũng mãn nguyệt lắm thay. Nay gia đình anh đã mua được nhà và có cuộc sống ổn định tại Đức. Mỗi khi nhìn lên ban thờ, anh vẫn thầm biết ơn người mẹ quê quần sắn móng lợn của anh. Chính bà đã tái sinh và là điểm tựa tinh thần vững chắc trong cuộc sống của anh hôm nay.

Quay trở lại câu chuyện HTXNN thời bao cấp. Nếu đúng như lời ông cựu Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Trìu thì VN mình cần gì phải reo lên “Vui gì hơn làm người lính đi đầu” (Tố Hữu). Để phải ngửa tay đón nhận từ vũ khí đạn dược cho tới lương thực quân trang quân dụng… từ đôi dép cao su tới chiếc mũ đội đầu mỗi người lính của cả hai người đàn anh Phương Bắc. Để đánh giặc dùm cho cả họ mà suốt đời vẫn phải mang ân huệ, hệ luỵ năng nề cho tới bây giờ?

Cứ nghĩ thời gian sẽ làm lành những “sẹo đất” hay xóa đi những “vòng trắng” số không treo mãi ở trên đầu con dân nước Việt mình.

Song với những cái đầu say mê quyền lực ở “một bộ phận không nhỏ” trong đám ăn trên ngồi trốc thì thời gian nào có giá trị gì?

Chẳng hương vị mà cũng vô sắc màu. Thời gian như lặng câm trong nỗi đau miên viễn của giống nòi…

Gocomay

_____________________

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ