790 – Vài cảm nghĩ qua bài “Cờ đỏ, cờ vàng và hòa giải” của Huy Đức (*)

Biểu tình chống Tàu trước LSQ Trung Quốc ở Hamburg-CHLB Đức, 16.07.2011 - Ảnh: Gocomay

BT chống Tàu trước LSQ Tr.Quốc ở Hamburg-Đức, 16.07.2011 – Ảnh: Gocomay

Suy cho cùng lá cờ là biểu tượng cho một quốc gia đã đành. Nhưng nó còn gắn với nhiều kỷ niệm mà đã là con người ai chả có.

Biểu đạt về tình yêu quê hương đất nước cũng vậy. Không nhất thiết tất cả mọi người phải hoàn toàn giống nhau. Ở người này là yêu vầng trăng non bên những ngọn cau hay mái hiên ngôi chùa làng. Những ngọn tre, cánh diều, những cánh cò trắng phau trên nền cánh đồng lúa xanh mơn mởn thì con gái cũng là những hình ảnh mà người Việt Nam xa quê nào không yêu, không nhớ? Tình yêu nước có khi chỉ đơn giản là yêu một giọng hát ru, một tiếng hò ven sông, ven đê trong một buổi trưa hè oi nồng hay buổi chiểu tà bảng lảng có khói lam vấn vít trên những mái rạ trong ngõ nhỏ ven làng.

Ở thị thành, nơi ánh điện và nhà cao lấn át ánh trăng. Tình yêu quê hương có khi chỉ là những tiếng rao đêm, tiếng còi tàu, tiếng chim gù trên bankon hay bên khung cửa sổ…

Hình tượng về quốc gia cũng vậy. Ở nơi này thì bao gồm cả dòng sông và ngọn núi (non sông). Ở nơi khác vùng không có núi, thì là đất và nước (Land/Country) là thành tố cấu thành đất nước. Đất nước còn là nơi mẹ ta sinh ra ta (đất mẹ/quê mẹ). Nhưng có khi chỉ là nơi đất lành chim đậu. Nơi loài chim Đỗ Quyên làm tổ và ra rả thấu tâm can suốt 6 tháng hè 3 tháng đông. Vì thế ta mới gọi là Tổ Quốc!

Tóm lại lòng yêu quê hương đất nước không cứ phải to tát phi thường gì nhiều. Có khi là cái tình mộc mạc đơn sơ hay chỉ là những khái niệm mang tính tượng hình, tượng thanh rất cụ thể. Tổ quốc là nơi mà con người ta từng trải nghiệm, gắn bó. Nơi mọi người sống chung trong một mái nhà. Có khế ước, đồng thuận chung được mọi thành viên chấp nhận.

Chuyện lá cờ của một quốc gia cũng vậy. Ngoài mục tiêu để phân biệt vùng miền rộng hơn là nước. Nước này với nước khác. Nó còn bao hàm cả truyền thống lịch sử và khát vọng (lý tưởng) của các nhóm thành viên sinh sống trong đó nữa. Chính vì vậy chuyện một quốc gia tồn tại nhiều lá cờ. Mang dấu ấn của nhiều nhóm người cùng chung sống cũng là chuyện bình thường. Tuyệt đối hóa lá cờ cùng lý tưởng hay ý thức hệ chưa chắc đã hay. Đôi khi mang đến những hệ lụy khó lường.

Gần hai năm trước đây, khi nhiều cuộc biểu tình tự phát chống Trung Cộng gây hấn trên Biển Đông của Việt Nam nổ ra rầm rộ ở cả trong và ngoài nước. Tôi đã đề cập tới chuyện hai lá cờ (cờ đỏ sao vàng và cờ vàng 3 sọc đỏ) qua bài: Tản mạn về cờ và lòng người qua các cuộc biểu tình (xem ở đây)

Nay thấy bài viết của Huy Đức tôi lại muốn tìm hiểu thêm xuất xứ và giá trị lịch sử của những lá cờ này.

Về mặt lịch sử. Cả hai lá cờ đều gắn với lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.

– Về lá cờ đỏ sao vàng:

Flag_of_North_Vietnam_1945-1955.svgTheo nhà văn Sơn Tùng, lá cờ này đã xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940. Tác giả là ông Nguyễn Hữu Tiến (còn gọi là “ông Hai Bắc Kỳ”). Cờ đỏ sao vàng ra đời vào lúc phong trào kháng chiến chống Thực dân Pháp và Phát xít Nhật diễn ra mạnh mẽ ở các tỉnh Nam Kỳ. Cụ thể là khi chuẩn bị khởi nghĩa vào cuối tháng 9/1940, một vấn đề được đặt ra là cần có một lá cờ để khẳng định tổ chức, thống nhất hiệu lệnh chỉ huy và tập hợp quần chúng. Một đảng viên Cộng sản là Nguyễn Hữu Tiến, được giao nhiệm vụ thể hiện và mẫu cờ được ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa gồm Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ… chuẩn y ngay sau đó. Nay tất cả những bậc CS tiền bối đó đã hy sinh hết. Cũng khó xác định thực hư. Một luồng ý kiến khác lại cho rằng, tác giả của cờ đỏ sao vàng là ông Lê Quang Sô và do Tỉnh ủy Đảng CSVN tại Mỹ Tho đề nghị đầu tiên. Mặc dù vậy cả hai giả thuyết trên đều không có nguồn tài liệu chính thống nào chứng minh cả. Chỉ biết nó xuất hiện trong cuộc Khởi Nghiã (bị lộ/ bị đàn áp dã man) ở Nam Kỳ vào cuối 1940.

Một sự trùng hợp khá thú vị là lá cờ đỏ sao vàng của nước CHXHCN Việt Nam hiện nay lại có hình thức khá giống với hai lá cờ của Chính quyền Nhân Dân tỉnh Phúc Kiến (xem ở đây) và cờ của Đội Thiếu niên Tiền Phong Trung Quốc (xem ở đây). Vấn đề đặt ra cho các nhà nghiên cứu là cờ đỏ sao vàng đương đại của Việt Nam (có xuất xừ từ lá cờ trong Nam Kỳ khởi nghiã – 1940) có trước hay hai lá cờ của Chính quyền tỉnh Phúc Kiến và Đội Thiếu niên Tiền phong của Trung Quốc có trước?

Nếu cờ đỏ sao vàng của VN hiện nay mà có tuổi thọ kém hơn cờ của người Tàu. Thì dù đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên cũng rất khó thuyết phục được những người Việt còn có lòng tự trọng, tự tôn thực sự! (xem ảnh so sánh)

Quốc kỳ của CHXHCN Việt Nam được QH thông qua ngày 2/7/1976 (Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BB%91c_k%E1%BB%B3_Vi%E1%BB%87t_Nam)

Quốc kỳ của CHXHCN Việt Nam được QH thông qua ngày 2/7/1976 (Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BB%91c_k%E1%BB%B3_Vi%E1%BB%87t_Nam)

Cờ của Chính quyền Nhân Dân tỉnh Phúc Kiến đã được sử dụng từ 1933-1934  (Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Fujian_People%27s_Government)

Cờ của Chính quyền Nhân Dân tỉnh Phúc Kiến đã được sử dụng từ 1933-1934 (Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Fujian_People%27s_Government)

Cờ của Đội Thiếu niên Tiền Phong Trung Quốc. (Nguồn: http://www.flagcollection.com/itemdetails-print.php?CollectionItem_ID=951)

Cờ của Đội Thiếu niên Tiền Phong Trung Quốc. (Nguồn: http://www.flagcollection.com/itemdetails-print.php?CollectionItem_ID=951)

– Về lá cờ vàng 3 sọc đỏ:

Flag_of_South_Vietnam.svgLá cờ vàng ba sọc đỏ được tạo ra và sử dụng lần đầu tiên như là lá cờ quốc gia dưới triều Nguyễn (Đại Nam Quốc kỳ) từ năm 1890 tới năm 1920 (ở đây). Nhưng theo tác giả Lê Võ Hoài Ân, báo Nhân Dân (trích):

Năm 1890, Thành Thái lên ngôi, lá cờ ba sọc mầu đỏ trên nền vàng mới ra đời, được sử dụng đến năm 1916 – năm hoạt động chống thực dân Pháp của vua Duy Tân thất bại, ông bị Pháp bắt rồi đày ra đảo La Réunion…

(hết trích)

Lá cờ này (cờ vàng 3 sọc đỏ) được vua Bảo Đại sử dụng lại vào năm 1948. Đây là Quốc kỳ của Quốc gia Việt Nam (do Pháp kiểm soát ở cả miền bắc và miền nam Việt Nam) từ năm 1949 đến 1955 và sau đó là Việt Nam Cộng hòa từ 1955 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ý nghiã của lá cờ vàng 3 sọc đỏ được giải thích, là tượng trưng cho người Việt “máu đỏ da vàng“. Màu vàng thuộc hành thổ và ở vị trí trung ương thể hiện cho chủ quyền quốc gia, màu đỏ thuộc hành hỏa và chỉ phương nam, và ba sọc tượng trưng cho ba miền Bắc, Trung, Nam…

Như vậy xét về mặt lịch sử, cả hai lá cờ (cờ đỏ sao vàng và cờ vàng 3 sọc đỏ) đều gắn liền với cuộc đấu tranh chống ách đô hộ của Thực dân Pháp trên đất nước ta. Có khác chăng cờ đỏ sao vàng tuy ra đời muộn hơn (đúng nửa thế kỷ), lúc ra đời đã bị dìm trong bể máu (cuộc Khởi nghiã Nam Kỳ – 1940). Nhưng là biểu tượng của “Bên thắng cuộc” (30/4/1975). Nên hiện vẫn đang ở thế thượng phong. Ngược lại cờ vàng 3 sọc đỏ tuy được ra đời sớm từ hai triều vua yêu nước nổi tiếng (Thành Thái và Duy tân) rồi được Quốc trưởng Bảo Đại dùng làm biểu tượng của Quốc gia Việt Nam. Sau đó được các ông Ngô Đình Diệm cho tới Nguyễn Văn Thiệu kế thừa cho VNCH. Nhưng hiện nay chính quyền VNCH đã không còn hiện hữu. Nên về nguyên tắc lá cờ đó đã đi vào lịch sử. Mặc dù vậy, lá cờ vàng 3 sọc đỏ đã gắn bó với hàng triệu người Việt ở phía Nam Vĩ tuyến 17 trước 30/4/1975. Sau đó lại theo hàng vạn người Việt bất chấp nguy hiểm vượt biên đi tìm tự do ở khắp nơi trên thế giới. Do vậy, nó trở thành biểu tượng của khát vọng về tự do, quyền sống và mưu cầu hạnh phúc của con người. Thiết nghĩ điều vô cùng thiêng liêng này đã mang lại diện mạo mới của lá cờ vàng ba sọc.

Bóng cờ vàng bay trong gió đã khiến nhiều người liên tưởng tới cuộc khởi nghiã của Hai Bà Trưng và Bà Triệu qua câu diễn ca thân thuộc:

Đầu voi phất ngọn cờ vàng

Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha

Được sinh ra và lớn lên ở bắc Vĩ tuyến 17, dù không có kỷ niệm gì với lá cờ vàng 3 sọc đỏ. Nhưng tôi đã rất cảm động khi nhìn thấy lá đại kỳ này được một thuyền nhân gương cao bên cạnh những lá cờ đỏ sao vàng trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn vào ngày 16.07.2011 ở trước LSQ Trung Quốc ở TP Hamburg-CHLB Đức.

Anh Vũ Thành An - thuyền nhân (cầm cờ vàng 3 sọc đỏ)...

Anh Vũ Thành An – thuyền nhân (cầm cờ vàng 3 sọc đỏ)…

Hôm đó, tôi có hỏi anh Vũ Thành An, người đem lá cờ vàng ba sọc vào cuộc biểu tình, anh chân thành cho biết, đó chính là cách bày tỏ lòng biết ơn đối với 74 tử sỹ hải quân cuả VNCH đã hy sinh anh dũng trong trận chiến bảo vệ Hoàng Sa vào ngày 19.01.1974. Bên cạnh 64 liệt sỹ thuộc hải quân QĐND Việt Nam ở đảo chìm Gạc Ma Trường Sa ngày 14.03.1988. Tất cả các anh hùng vị quốc vong thân bảo vệ non sông bờ cõi của tổ quốc Việt Nam yêu dấu của chúng ta. Dù dưới màu cờ nào đều xứng đáng nhận được sự tôn vinh như nhau.

Đây chính là nét son rất đáng suy ngẫm. Bởi như tác giả Huy Đức nhận định:

“Sự khác biệt đó trong cộng đồng Việt Nam có thể là những mối đe dọa, đồng thời, cũng là nền móng để xây xựng một Việt Nam thống nhất mà đa dạng. Một quốc gia sẽ trở nên vững mạnh khi sự đa dạng được thừa nhận. Một quốc gia cũng có thể rơi vào sự hỗn loạn hoặc không thể phát triển nếu sự thống nhất bị phá vỡ.

Nhưng, thống nhất quốc gia mà không dựa trên nền tảng hòa giải quốc gia thì sự thống nhất đó chỉ là tạm thời. Thống nhất quốc gia mà bằng cách ém nhẹm lịch sử và dùng vũ lực để dập tắt sự trỗi dậy của những sự khác biệt thì chẳng khác nào gài vào thế hệ tương lai một trái bom”.

Huy Đức còn nêu lên một thực tế đáng buồn:

“Sự khác biệt và đa dạng lúc nào cũng có thể bị kích động bởi các thế lực cực đoan. Không phải độc tài, toàn trị mà theo kinh nghiệm của những quốc gia thành công, càng nhiều tự do thì càng tránh cho sự khác biệt đó trở thành xung đột”.

Thay cho lời kết, xin được chép lại đây ý kiến của một người thuộc phe cờ đỏ sao vàng hiện thị trên ABS với nick name CCB Thành cổ Quảng Trị (25/05/2013 LÚC 11:03) như thế này:

“Tôi từng là người lính miền Bắc bảo vệ thành cổ Quảng Trị 1972, nhưng giờ đây rất dị ứng cờ đỏ sao vàng.

Vì bây giờ lá cờ đó đã bị chóp bu đảng bất nhân, vô ơn, bạc bẽo và phản bội dùng làm lá bùa mị dân, nô dịch cả nước.

Cũng như tinh thần bài viết của Huy Đức, tôi yêu tự do, rất khó chịu khi bị tổ dân phố nhắc phải treo cờ mỗi dịp nhà nước yêu cầu. Treo hay không là do tôi, tại sao lại cưỡng ép? Chính vì thái độ nô dịch ấy mà tôi đâm ghét cờ đỏ sao vàng. Nó là cái nhà tù tư tưởng, bình phong che chắn cho lũ gian tham bán nước đương quyền Ba Đình.

Vì thái độ mất dạy ấy của chóp bu ĐCSVN, tôi bớt dị ứng với cờ vàng 3 sọc. Phải chăng đảng càng cố đè đầu cưỡi cổ nhân dân bằng các thủ đoạn tinh vi, càng phản tác dụng?

Hãy xem cờ đỏ búa liềm của Liên Xô đó. Một thời là niềm kiêu hãnh của đội quân tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Rồi bị ĐCS Liên Xô lợi dụng để nô dịch nhân dân. Bây giờ người Nga mấy ai thích nó? Chính các đảng CS đã làm hoen ố màu cờ, khi họ càng ngày càng thủ cựu, vị kỷ, tham nhũng, độc đoán, nhẫn tâm và ngu độn.”

Dù chưa tán thành với cách diễn đạt bằng những từ ngữ khá gay gắt đó. Nhưng tôi thấy đó chính là một thực tế cay đắng rất đáng để cho những người ở Bên thắng cuộc cần xem lại cách hành xử của mình để thu phục nhân tâm. Nếu họ muốn bắt tay vào một tiến trình hòa giải thực sự!

Gocomay

(*) Xem  ở đây – hay: ở đây

________________________

786 – Ngày 30/4 & cái chết để cho con được đi học!

30.4.1975-Danlambao

Không hiểu sao suốt mấy hôm nay, sau đi đọc cái tin “Chết để con được đi học!” trên báo Pháp Luật TP tôi cứ lẩn thẩn nghĩ nếu không có cái ngày 30.04 của cái Bên thắng cuôc thì liệu người mẹ Việt Nam họ Nguyễn kia có phải làm cái việc vô cùng thương tâm là thắt cổ tự vẫn để khỏi phải là gánh nặng đè lên một gia đình đang có 3 đứa con đang học hành tấn tới hay không?

Cháu Đinh Công Bằng người con lớn của chị Nhân đang học cao đẳng ở Vũng Tàu xót xa khi nghe tin mẹ quyên sinh cho con cái đi học...

Cháu Đinh Công Bằng người con lớn của chị Nhân đang học cao đẳng ở Vũng Tàu xót xa khi nghe tin mẹ quyên sinh cho con cái đi học…

Từ khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, cụ Hồ Chí Minh, người khai sinh ra chế độ Cộng sản – cha đẻ của Bên thắng cuôc chả vẫn mong cho người dân Việt đều “có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” là gì?

Vậy mà người Việt Nam đã đổ hàng núi xương sông máu suốt từ Ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mau trong mấy cuộc trường chinh để có được một ngày 30.04.1975. Sau 38 năm “đất nước trọn niềm vui” non sông liền một dải lại có những hoàn cảnh mà chính người trong cuộc đã phải cay đắng thốt ra “Suy cho cùng, chị ấy bị đè chết vì học phí và viện phí” (Lời chị Nguyễn Thị Tiến, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau) hay sao?

Cho nên tôi cứ thắc mắc, giả dụ không có cả bên thắng cũng như bên thua trong cái cuộc một mất một còn “ai thắng ai” giữa hai ý thức hệ cộng sản và tư bản. Hay nếu có sự hoán đổi lại giữa người thắng và kẻ thua. Một vùng châu thổ miền Tây bao la, phì nhiêu cây trái quanh năm tươi tốt, với đầu tầu kinh tế phát triển bậc nhất trong khu vực, nổi tiếng bởi danh xưng “hòn ngọc Viễn Đông”… thì liệu người mẹ Cà Mau đáng thương kia có phải dùng cái chết để mưu cầu học hành cho 3 đứa con của mình hay không?

Nhắc đến chuyện tư bản (“giẫy chết”) tôi lại nhớ tới trường hợp một gia đình họ Nguyễn người Việt ở cùng tiểu bang với tôi. Do bị bác đơn tỵ nạn nên bị trục xuất về Việt Nam hồi tháng 11.2011. Gia đình này tới Đức xin tỵ nạn chính trị từ một nước thứ ba (Tiệp) và đã bị từ chối do không hội đủ điều kiện theo như luật hiện hành của Đức qui định. Nhận giấy trục xuất lần đầu, gia đình họ đã chạy trốn vào nhà thờ nhờ che chở. Thấy tạm yên, họ lại ra sống bên ngoài để con cái tiếp tục tới trường. Nhưng vào một ngày định mệnh của tháng 11/2011. Lúc bình minh chưa lên, cả gia đình họ Nguyễn bị thức giấc bởi cảnh sát Đức tới bấm chuông cửa, yêu cầu gói ghém hành lý và đưa thẳng ra sân bay trục xuất về Việt Nam.

Niềm vui vỡ oà, cả nhà anh Tường, chị Sang và 2 đứa con nhỏ đã không cầm được nước mắt được trở lại Hoya-Đức. Để cho con đi học sau gần ba tháng bị trục xuất về Việt Nam...

Niềm vui vỡ oà, cả nhà anh Tường, chị Sang và 2 đứa con nhỏ đã không cầm được nước mắt được trở lại Hoya-Đức. Để cho con đi học sau gần ba tháng bị trục xuất về Việt Nam…

May mắn chỉ mỉm cười với cô con gái lớn 20 tuổi đang theo học đại học là người duy nhất đủ tiêu chuẩn được ở lại theo luật định.

Bình luận về việc này, về luật thì cảnh sát nói riêng và chính quyền Đức  ở địa phương nói chung là không sai. Nhưng về cái tình người thì chưa ổn.

Vì vậy đã bị búa rìu dư luận Đức lên án dữ dội. Sức ép của xã hội dân sự mạnh tới mức khiến đích thân ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiểu bang Niedersachsen (người đã ký lệnh trục xuất), đã phải đứng ra giàn xếp và chịu mọi phí tổn rất tốn kém đưa gia đình họ Nguyễn kia được quay lại Đức sinh sống để con cái họ tiếp tục được học hành… sau 3 tháng bị gián đoạn.

Liên hệ với trường hợp của gia đình chị Nguyễn ở Cà Mau. Sau khi chị đã nằm sâu dưới mồ rồi, báo chí và chính quyền mới vào cuộc và than: “Lẽ ra người mẹ ấy không chết” thì người mẹ xấu số kia cũng không thể sống lại được nữa. Nhưng nỗi đau của những người thân của chị và rộng ra là cả xã hội sẽ không bao giờ lành.

Chính quyền ấp 5, xã An Xuyên ngồi lại chụp ảnh lưu niệm về cái gọi là: "kiểm điểm về cái chết của chị Nhân" dưới phông màn trang trí đẹp thế này?

Chính quyền ấp 5, xã An Xuyên ngồi lại chụp ảnh lưu niệm về cái gọi là: “kiểm điểm về cái chết của chị Nhân” dưới phông màn đẹp thế này?

Đến bao giờ mới hết được cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”? Đến bao giờ những người vẫn say men chiến thắng 30.04 của Bên thắng cuôc mới bắt tay vào hành động chứ không phải chỉ an ủi đãi môi (“Một trường hợp quá đau lòng. Tôi đã chỉ đạo đào sâu, làm rõ. Nhất là trách nhiệm của chính quyền địa phương” – lời ông Nguyễn Tiến Hải – Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau). Trong khi cái chết của chị Nhân đã được báo trước từ một tháng trước (y nguyên lý do trong thư tuyệt mệnh chị để lại). Đặc biệt trước khi quyên sinh 3 ngày chị vẫn còn gặp ông Trần Đại Đoàn, Bí thư xã An Xuyên nài xin được cấp sổ hộ nghèo để có thể vay ngân hàng tiền đóng học phí cho con. Nhưng chỉ nhận được lời hứa sẽ xem xét của ông đảng trưởng ở địa phương. Mà những lời hứa “sẽ xem xét” như thế chắc chị đã được nghe cán bộ đảng nói đi nói lại quá nhiều lần. Nhưng rồi cứ biệt tăm nên buộc chị phải chọn cái chết thương tâm như vậy chăng?

Suy cho cùng, chị ấy bị đè chết vì học phí và viện phí”. Vậy ai đã làm nên cái qui định “đè chết người” ấy, nếu không phải những người ở Bên thắng cuôc?

Nhắc đến chuyện viện phí, tôi lại nhớ tới chuyện cách đây đã ngót 20 năm. Tôi được anh bạn già mời tới nhà hàng ăn cỗ cưới. Chả thiệp thiếc gì, anh ta chân tình nói với tôi: “mình rổ rá cạp lại sống độc thân đã lâu, nay có bà đầm (người Việt) ở Mỹ thương mà sang đây (Đức) làm đám cưới để đón sang cùng sống ở bển với bà. Hoàn cảnh hai người đều eo hẹp nên mình không muốn làm to. Chỉ mươi người trong gia đình và bạn bè thân nhất tới nhà hàng ăn bữa cơm mừng ngày ký giấy kết hôn thôi…”. Đùng cái tới đúng cái ngày “đại hỷ” thì vào khoảng 4 giờ sáng “cô dâu tương lai” bị cảm ngã phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Lúc hữu sự mới phát hiện ra “bà đầm mũi tẹt” đã “quên” không mua bất cứ một thứ bảo hiểm y tế (vãng lai) nào ngoài mỗi chiếc thẻ xanh cư trú tại Hoa Kỳ. Trong lúc “nước sôi lửa bỏng” bệnh viện Đức, sau khi trao đổi với chính quyền địa phương vẫn tận tình cứu chữa bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Sau đó bà đầm Việt còn phải nằm điều trị và phục hồi tại bệnh viện tới hơn 3 tháng trời mới có thể nhúc nhắc đi lại được để lên máy bay về lại Mỹ quốc. Tổng chi phí phải trả cho bệnh viện tới 180 ngàn Đức Mã (DM) theo thời giá lúc bấy giờ. Nhưng cơ quan Xã hội và Từ thiện Đức chấp nhận trả hết cho bệnh viện không thiếu một xu. Tai họa ập đến khiến đám cưới (như dự kiến) của anh bạn tôi bị dừng lại vô thời hạn. Thật buồn. Nhưng lại được an ủi phần nào vì thấy ở xứ sở của tụi “giẫy chết” chúng không muốn bị mang tiếng vì chuyện “viện phí” mà nỡ “đè chết” một ai, dù đó là người dưng.

Đã có người nói với tôi, sở dĩ những nước như Đức và Nhật có được một nền dân chủ nhân quyền vững chắc như ngày nay. Chính là nhờ họ là những người ở bên thua cuộc. Bị thua cuộc họ đã bị chế tài, bị chia cắt, bị chiếm đóng. Trong cái rủi đó đã tạo nên cái may để họ có thể vươn lên trở thành những cường quốc hùng mạnh vào top đứng đầu thế giới về mọi mặt như hiện nay.

30/4/1978-30/4/3013: Kỷ niệm 35 ngày cưới của Gocomay.

30/4/1978-30/4/2013: Kỷ niệm 35 ngày cưới của Gocomay.

Nghĩ về ngày 30 tháng tư này. Với cá nhân tôi là kỷ niệm tròn 35 năm ngày vợ chồng tôi làm đám cưới, ngày vui trăm năm của một đời người. Nhưng với cả dân tộc thì chưa hẳn. Bởi 30.4 đã có “hàng triệu người vui bên cạnh hàng triệu người buồn” (ý câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt).

Càng buồn hơn, vào dịp kỷ niệm 30.4 lần thứ 38 này đã có một người mẹ Việt Nam ở nơi đất mũi Cà Mau tận cùng của tổ quốc đã phải tự vẫn do bệnh tật và quá nghèo mà không xin được “sổ hộ nghèo”. Người mẹ này chưa qúa 50. Đã chọn cái chết để giảm gánh nặng cho chồng con. Để các con có điều kiện tiếp tục con đường học hành. Chị mất đi nhưng niềm hy vọng nhờ cái chết “có ích” của mình mà chồng con có thêm chút thu nhập nhờ tiền phúng điếu và đỡ tiêu tốn 140 ngàn đồng tiền viện phí mỗi ngày… Như vậy đã đủ “trọn niềm vui” chưa thưa tất cả những ai còn lương tri ở Bên thắng cuôc?

Đất nước mình đã hết chiến tranh. Nước nhà đã giành được độc lập thống nhất mà người dân không được hưởng hạnh phúc thì nền độc lập ấy phỏng có nghiã lý gì??? *

Gocomay

* Một ý trong câu nói của Hồ Chí Minh

* * *

PS: Gia đình người Việt bị trục xuất trở lại Đức

URL: http://www.vietinfo.eu/cd-tai-duc/gia-dinh-nguoi-viet-bi-truc-xu%E1%BA%A5t-tro-lai-duc-.html

_____________________

767 – “Bên thắng cuộc” viết cho ai? Ai cần đọc BTC?

conflictPhải nói sau khi đọc xong cuốn 2 của “Bên thắng cuộc”, có tựa đề “Quyền bính”, tôi như vừa tận hưởng “bữa tiệc” thông tin rất ấn tượng. Mà từ trước tới nay chưa được tham dự bao giờ.

Có một số ý kiến cho rằng, tác giả Huy Đức chỉ bày biện các sự kiện theo kết cấu có chủ ý một cách thật tự nhiên mà không bình luận gì nhiều… nên tác phẩm thiếu đi tính “hàn lâm”. Nhưng theo tôi, ở 2 cuốn sách này, Huy Đức đã đạt tới một thủ pháp rất cao trong cách thể hiện của một nhà báo có tầm nhìn theo phương pháp làm báo hiện đại. Đó là sự tôn trọng độc giả, tránh sự áp đặt chủ kiến của tác giả lên hiện thực khách quan của lịch sử. Khiến độc giả thay vì thụ động tiếp nhận thông tin, lại có thể chủ động tham gia vào từng sự kiện. Để tiếp nhận nó một cách chủ động, tùy theo trình độ, khả năng và cảm thụ riêng biệt của mỗi người.

Lại có ý kiến nhận xét, tác giả Huy Đức giành nhiều thiện cảm với các ông Võ Văn Kiệt và các cộng sự đắc lực của ông. Song nếu tinh ý, ta sẽ thấy, tác giả không hề né tránh khi đề cập tới trách nhiệm của ông Võ Văn Kiệt trong việc ký 2 nghị định gây nhiều hệ luỵ về mở rộng hoạt động của Tổng cục II (96/CP) và nghị định quản chế tại gia những người bất đồng chính kiến (31/CP).

Cố TT Võ Văn Kiệt trên công trường xây dựng trạm biến thế 500kv Pleiku ngày 3-11-1993 - Ảnh: Nguyễn công thành

Cố TT Võ Văn Kiệt trên công trường xây dựng trạm biến thế 500kv Pleiku ngày 3-11-1993 – Ảnh: Nguyễn công thành

Nhược điểm nữa rất cơ bản ở ông Kiệt là không những chỉ mải lo về chính sách phát triển kinh tế mà xem nhẹ công tác nhân sự. Với cương vị thủ tướng ông đã buông lơi cả về quốc phòng, an ninh và ngoại giao cho Lê Đức Anh thoả sức tung hoành. Rồi cả những lem nhem trong chuyện “quan hệ bất chính” (quan hệ ngoài hôn nhân) của Võ Văn Kiệt với bà Hồ Thị Minh (người dự kiến sẽ “giúp việc” cho cụ Hồ) ở chiến khu Việt Bắc. Người con ngoài giá thú Phan Thành Nam (với bà Minh) cũng được Huy Đức đưa vào tác phẩm khá chi tiết, khi mà tất cả các tài liệu chính thống đều né tránh.

Một người nữa, được cho là Huy Đức ưu ái, đó là vị Đại tướng Tổng tư lệnh – Bí thư Quân uỷ (một thời) – Võ Nguyên Giáp. Song cứ đọc những dòng sau đây, ta sẽ thấy tác giả đã rất khách quan đối với nhân vật lịch sử này:

Hình minh hoạ tướng Giáp trên bìa tạp chí Time, ngày 15/5/1972

Hình minh hoạ tướng Giáp trên bìa tạp chí Time, ngày 15/5/1972

“Mưu lược và quyết liệt không chỉ trong những cuộc chiến quy ước như Điện Biên Phủ, năm 1946, khi Hồ Chí Minh đi Pháp nhân Hội nghị Fontainebleau, ở Hà Nội, tướng Giáp đã cùng với Trường Chinh thanh trừng đối lập gần như triệt để. Nhưng trước những đối thủ chính trị nhân danh Đảng, tướng Giáp trở nên cam chịu và thụ động. Có lẽ lòng trung thành với tổ chức và ý thức tuân thủ kỷ luật đã rút đi thanh gươm trận của ông.”

Không chỉ có Điện Biên Phủ, trong cuộc chiến ở miền Nam trước 30.04.1975, cho dù cả 2 ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ o ép tướng Giáp một cách quyết liệt bằng việc cho bắt tất cả những cộng sự thân tín của ông Giáp trong cái gọi là “Vụ án xét lại chống đảng”. Nhưng vai trò của tướng Giáp trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng và Bí thư Tổng Quân uỷ TW trong Tổng hành dinh chỉ đạo bộ máy chiến tranh của Hà Nội là không ai có thể thay thế được. Vậy mà uy tín và sinh mạng của tướng Giáp dưới cái nhìn của TBT Lê Duẩn và Trưởng Ban Tổ chức TW Lê Đức Thọ thật rẻ rúng:

Theo Giáo sư Hồ Ngọc Đại, con rể ông Lê Duẩn, một hôm ông Giáp gọi điện thoại kêu ông Đại tới nhà, ông Đại nói: “Ông Giáp hẹn tôi 13 giờ, nhưng 15 giờ tôi mới đến. Gặp, ông bảo là đã chờ tôi lâu lắm rồi. Ông khoác vai tôi rồi nói: Đại đưa hộ thư này trực tiếp tới anh Ba giúp nhé. Té ra chiều hôm đó có cuộc họp bàn về vấn đề của tướng Giáp. Tối tôi đưa thư cho ba tôi, ông nói: tào lao”. Ông Hồ Ngọc Đại kể tiếp: “Có lần, tôi sang nhà số 2 Nguyễn Cảnh Chân chúc Tết Lê Đức Thọ. Tới nơi, tôi thấy ông Giáp cũng vừa đến. Từ trong nhà ra, ông Thọ đi qua trước mặt mà không thèm chào ông Giáp một câu, bước đến ôm lấy tôi. Có lần ông Thọ nói ông còn để cái đầu ông Giáp trên cổ là đã may lắm”.

(trích chương 15: tướng Giáp – Cuốn 2: Quyền bính)

Cho nên trong thời điểm tướng Giáp được giao nhiệm vụ phụ trách UB Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình, ngoài dân gian đã lưu truyền vế câu đối: “Ba mươi năm chiến tranh tướng Võ không còn Nguyên mảnh Giáp” là vậy! Bởi, khi “thanh gươm trận” sắc bén của ông đã không thể bảo vệ được các chiến hữu và cả bản thân mình, hào quang của vị “Anh Cả Quân Đội” thật sự chỉ như thứ “nắng quái chiều hôm” trong mắt những kẻ nắm “Quyền bính” thật sự. Nếu tướng Giáp không “hèn” trước song Lê (Lê Duẩn, Lê Đức Thọ), chắc chắn số phận của ông sẽ đoản mệnh như hai vị tướng lừng danh nơi trận mạc (Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn) chí cốt của ông (?)

quyền bínhĐóng góp rất đáng ghi nhận của Bên thắng cuộc (BTC) là đã trả lại một phần quan trọng sự thật của lịch sử hiện đại của Việt Nam (nhất là sau 30.04.1975) như vốn dĩ nó có. Chứ không phải bằng sự thêu dệt nhằm mục đích tuyên truyền của bất kỳ phe nhóm nào. Bởi vậy, sau khi đọc xong BTC, ta càng thấy không lạ những cây viết qúa gượng gạo (theo đơn đặt hàng) khi cho rằng tác phẩm của Huy Đức là “thiên kiến”; “thiên lệch”; “bóp méo”; “nhìn lịch sử qua lỗ đồng xu”; là “chém gió”. Có ý kiến của quan chức còn lấp lửng răn đe “sẽ xem xét BTC dưới góc độ của Nghị định 97/CP”.

Đối với những người chưa hề (chưa thèm) đọc tác phẩm mà đã hô hào và tích cực chống cuốn sách, thật chả đáng để chúng ta bận tâm nhiều.

Có vài chi tiết vụn vặt ở phía các tướng lãnh của VNCH như tướng Lê Văn Hưng (chuẩn tướng  – Phó tư lệnh Quân Đoàn IV) dùng súng bắn vào ngực (tim) hay bắn vào đầu? hiện vẫn chưa chính xác. Đặc biệt cách dùng từ “tuẫn tiết” (như Huy Đức dùng) hay “tự tử” (vì sợ bị trừng trị của một số ý kiến phò bên thắng cuộc) cũng có gây tranh cãi. Mặc dù vậy, những cái chết can đảm, trọng danh dự của các tướng VNCH (dù bằng sung hay bằng thuốc độc) trong và sau thời điểm 30.4.1975 như tướng Nguyễn Khoa Nam; Lê Văn Hưng; Trần Văn Hai; Phạm Văn Phú; Lê Nguyên Vỹ… cũng đáng để cho những ai yêu hoà bình, hoà hợp và hoà giải dân tộc suy ngẫm. Bởi không chỉ sự thật mà cả tình thương yêu giống nòi mới có thể là phương thuốc qúi nhằm “chữa lành các vết thương cũ”. Chứ hận thù và cố chấp sẽ chả bao giờ lấp được cái “hố ngăn cách” vốn đã qúa sâu giữa những cựu thù.

130128150319_le_duan_464x261_leduan_nocreditNgoài thái độ ngạo mạn của cặp bài trùng Lê Duẩn – Lê Đức Thọ, bỏ ngoài tai lời khuyên can hợp lý của tướng Giáp trong đợt Mậu Thân 1968, dẫn tới sự tổn thất nặng nề cả quân và dân trên toàn miền Nam. Nhờ phần phụ lục của cuốn 2 (Quyền bính) của BTC mà ta mới thấy rõ hơn chân tướng nhà độc tài hiếu chiến Lê Đức Thọ đã cư xử vô lối tới mức nào với trận chiến khốc liệt ở Quảng Trị: “Theo tướng Lê Phi Long, trong thời gian diễn ra Chiến dịch Quảng Trị: “Ông Lê Đức Thọ không hiểu bằng con đường nào, thường xuyên điện thẳng cho các sư đoàn không qua điện đài của Bộ Tổng Tham mưu, vừa để nắm tình hình vừa tự ý đôn đốc đánh. Kỳ quặc! Chúng tôi, cơ quan tham mưu, không đồng tình với cách làm này nhưng không biết than thở với ai, hình như anh Văn cũng cảm nhận được điều đó…”. Chính sự chớ trêu này mà: “Thành cổ Quảng Trị thất thủ khi quân miền Bắc đã gần như hoàn toàn kiệt sức. Theo tướng Lê Phi Long: “Lực lượng chiếm giữ Thành Cổ khi đó nói là có mấy tiểu đoàn nhưng trên thực tế chỉ còn phiên hiệu, mỗi tiểu đoàn chỉ còn ba bốn chục người. Việc bổ sung quân số tiếp tế qua sông hết sức khó khăn. Nhiều sinh viên đã phải rời giảng đường để nhập ngũ. Nhiều tân binh chưa gặp mặt người chỉ huy đã ngã xuống. Nhiều cán bộ chỉ huy ngày đêm vất vả, râu tóc mọc kín mặt mà không có thời gian cắt cạo. Trong hầm phẫu ở ngay dinh Tỉnh Trưởng cũ thường xuyên có trên dưới 200 thương binh, sặc mùi hôi thối. Các lực lượng trong Thành Cổ thì chiến đấu một cách tuyệt vọng, còn các đơn vị ở các hướng khác, tuy có cố gắng đánh vào cạnh sườn để hỗ trợ cho lực lượng ở trong Thành nhưng cũng không tạo được hiệu quả. Chiến dịch Quảng Trị kéo dài, thương vong rất lớn, có thể nói là lớn nhất so với tất cả các chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến. Mỗi lần nghĩ lại tôi rất đau lòng. Ta đã tung hết lực lượng, đã kiệt quệ. Có lúc tôi đã phải điều học viên trường Lục Quân về gần thủ đô lập một lữ đoàn để bảo vệ Trung ương, vì hết cả quân”.

imagesVậy mà những màn vừa diễn ra về cái gọi là “kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris thắng lợi” của hệ thống tuyên truyền lề đảng ầm ĩ suốt cả tuần qua vẫn cho rằng Lê Đức Thọ là nhà chính trị, nhà ngoại giao và nhà quân sự bậc kỳ tài. Trong khi bất chấp lời khuyên của Tổng hành dinh (của tướng Giáp), cùng với Lê Duẩn nhắm mắt ném quân vào “cối xay thịt” – Thành cổ Quảng trị nghiền nát 1 đại đội/ngày (81 ngày=81 đại đội) mà kết quả của hòa đàm cũng chỉ là những điều khoản do phía Mỹ đưa ra từ thời gian trước đó. Để minh định cho sự thật này, tác giả Pierre Asselin từ Honolulu gửi cho BBC ngày hôm qua (28.01) đã chỉ ra rằng:

Chiến thắng của Hà Nội là một chiến thắng trả bằng cái giá đắt, không phải là một chiến thắng vẹn toàn mà những lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đặc biệt là Lê Duẩn, đã mường tượng khi cuộc chiến bắt đầu.”

Ở một đoạn khác Asselin phân tích:

“Hà Nội đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ lợi ích của Tòa Bạch Ốc ở Việt Nam. Đợt đánh bom Giáng sinh ở Hà Nội và Hải Phòng gây chấn động tâm lý‎ cho Hà Nội, chưa kể thiệt hại vật chất. Vài ngày sau khi Hà Nội cam kết trở lại bàn thương lượng và Nixon tạm dừng đánh bom, hội đàm mở lại ở Paris.

Sự thực tế của Hà Nội, việc họ muốn kết thúc đàm phán, chấm dứt chạm súng, thể hiện rõ qua sự sẵn lòng có những nhượng bộ mới, nhất là ngôn ngữ về tình trạng khu phi quân sự sau khi ngừng bắn. Nếu Hà Nội đã có những nhượng bộ này ngay từ đầu tháng 12, cuộc đánh bom Giáng sinh đã tránh được.”

(http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/01/130128_pierre_asselin_paris1973.shtml)

Có một điều thú vị nữa mà những ai chưa được đọc “Hoa xuyên tuyết” của tác giả Bùi Tín thì chưa hiểu được sự trắc ẩn trong con người cố TBT Nguyễn Văn Linh. Một người mà có thời được cho là linh hồn của công cuộc “đổi mới” và “cởi trói” sinh hoạt văn nghệ ở Việt Nam từ Đại hội VI (1986). Sau khi đọc xong cuốn 2 (Quyền bính), với những giữ kiện khá đầy đủ, ta mới thấy đây chính là con người ít học, bảo thủ, định kiến và thù vặt nhỏ nhen với tầm nhìn vô cùng thiển cận. Cho dù đời tư khá thanh bạch chính liêm. Nguyễn Văn Linh và những nhân vật bảo thủ giáo điều như Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng… đã bóp chết tư tưởng dân chủ đa nguyên xuất hiện ở xứ ta hồi cuối thập niên 80s ngay từ trong trứng nước.

Vợ chồng cố TBT Nguyễn Văn linh - Hồ Thị Huệ thời trẻ.

Vợ chồng cố TBT Nguyễn Văn linh – Hồ Thị Huệ thời trẻ.

Công cuộc “đổi mới” với những bài báo ký tên NVL dưới thời ông Linh trị vì thực chất chỉ nhằm nâng cao vị thế của Tổng bí thư (vốn “cách nhau chỉ bằng sợi tóc” như chính lời ông Linh nói lúc nhậm chức). Để rồi sau đó quay lại hoàn toàn với giáo điều “ý thức hệ” một cách tai hại và phải chui vào vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh mà cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gọi là “Giai đoạn Bắc thuộc lần thứ 5 bắt đầu”. Đó là về chính trị. Còn lĩnh vực kinh tế, với tư duy giáo điều về con đường đi lên CNXH, thành phần kinh tế nhà nước vẫn cứ nắm vai trò “chủ đạo” cho dù làm ăn thua lỗ, thất thoát do không tự bơi được trong cơ chế thị trường tự do. Luôn cần “phao bơi” chả khác thời bao cấp. Cái gọi là “đổi mới” thực ra chỉ là giải pháp tình thế khi bầu sữa “viện trợ của Liên Xô” không còn. Nhiều nơi trong nước thiếu đói tới mức có người đàn ông phải cắt bắp chân của mình để nấu cháo cứu đói cho các con. Những cảnh rùng rợn như trong “Cái đêm hôm ấy đêm gì” (Phùng Gia Lộc), chỉ khi được phanh phui, người dân mới được đảng và nhà nước “đổi mới tư duy” cho bung ra làm ăn tự do để khỏi chết đói.

Khi có chút của ăn của để nhờ mở ra đa thành phần về kinh tế mang lại thì giới bảo thủ lại sợ “chệch hướng”, lại thít. Nhất là việc đưa vào Bản sửa đổi Hiến pháp 1992 điều 4 (giống điều 6 của thây ma hiến pháp Liên bang Xô Viết) về sự lãnh đạo độc tôn của ĐCS. Đặc biệt vẫn qui định đất đai thuộc “Sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý”. Như thế cái gọi là “đổi mới” theo “cơ chế thị trường định hướng XHCN” thực ra chỉ là trò bịp để cho những kẻ nắm quyền bính đè đầu cưỡi cổ hòng “ăn trên ngồi trốc” và “vinh thân phì gia” trên xương máu và mồ hôi nước mắt của muôn dân.

Như một qui luật tất yếu “cùng tắc biến”, những bế tắc về kinh tế hiện nay, biết đâu lại là cơ may cho sự thay đổi toàn diện cả kinh tế lẫn chính trị. Đồng hành với những đóng góp rất trách nhiệm của hàng ngàn trí thức và nhân sỹ tiến bộ vào Bản dự thảo hiển pháp sửa đổi đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp của toàn dân, cuốn sách BTC của Huy Đức do tác giả tự phát hành vào dịp này thật rất kịp thời. Nó không chỉ dừng lại ở việc công bố sự thật để giúp chúng ta tìm ra phương thuốc đúng để chữa lành các vết thương cũ mà còn giúp những người đang nắm vận mệnh quốc gia không phạm các sai lầm mới” như tác giả bộc bạch ở chương cuối (chương 22 – Cuốn 2: Quyền bính) với đoạn kết sau đây:

Nhớ khi “cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia kiệt quệ, dân chúng lầm than, hàng triệu người phải bỏ nước ra đi. Nhớ khi trả lại ruộng đất và một số quyền căn bản cho dân thì đất nước hồi sinh, đời sống người dân bắt đầu cải thiện. Bản chất của đổi mới là từ chỗ Đảng và Nhà nước cấm đoán, tập trung tất mọi quyền hành, đến chỗ để cho dân quyền được tự lo lấy cơm ăn, áo mặc. 

images770206_16Ngay sau khi tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”(629). Không thể phủ nhận tầm nhìn của Hồ Chí Minh. Khi ông đưa ra tuyên bố này loài người chưa có Internet, thế giới chưa có toàn cầu hoá, độc lập dân tộc đối với người dân ở nhiều quốc gia vẫn được coi là vô cùng thiêng liêng. 

Giá như không phải là ý thức hệ mà tự do và hạnh phúc của nhân dân mới là nền tảng hình thành chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, thì người dân đã tránh được chuyên chính vô sản, tránh được cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, tránh được Nhân văn – Giai phẩm, tránh được biết bao binh đao xung đột trong nội bộ dân tộc, gia đình.”

Thiết nghĩ, đó là tất cả tâm lành của một nhà báo dấn thân, không còn muốn “trú ngụ trong sự sợ hãi” luôn trăn trở và lao động miệt mài hàng chục năm dòng mới có được. Vậy “công trình khảo cứu lịch sử đặc sắc này với lương tâm trong sáng và tay nghề lão luyện của một nhà báo chuyên nghiệp có trách nhiệm trước vận mệnh của đất nước…” (như ý kiến của giáo sư Chu Hảo – NXB Tri thức, Hà Nội) đã viết cho ai? Và ai cần đọc Bên thắng cuộc nhất?

Xin nhường lại cho người có trách nhiệm cao nhất của chế độ, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ông trong Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (nếu qúi vị thật lòng muốn dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh… ) trả nhời giùm!

Gocomay

_________________________

766 – Mù quáng giả, mù quáng thật

ben-thangcuoc-huyduc-danlambaovn

Mù quáng được từ điển Tiếng Việt định nghiã như sau: “Thiếu trí sáng suốt tới mức không biết phân biệt phải trái, hay dở…

Chính vì vậy tôi không tin, một ông nghị có ăn có học đàng hoàng từ thời VNCH như ông Hoàng Hữu Phước (TP Hồ Chí Minh) lại phê phán nặng nề cuốn sách Bên thắng cuộc (BTC) của Huy Đức khi “không thèm” đọc tác phẩm. Phải chăng đây là tuýp tiêu biểu của hạng người “mù quáng giả” chăng?

Ta thử coi ý kiến của ông Phước, viết trên blog cá nhân xem sao:

Ông Nghị Hoàng Hữu Phước

Ông Nghị Hoàng Hữu Phước

“Tôi đã không thèm đọc bất kỳ trang nào của cái “tác phẩm” mà Huy Đức từ Mỹ mới tung ra trên mạng. Song, những âm thanh ồn ào của phía hồ hởi hân hoan tận dụng và bên nghiêm chỉnh phán phê đã khiến tôi, người học trò của bậc kỳ tài, đang tu theo cái thần và cái dũng của thánh nhân không thể không yêu cầu nhân viên kể tóm lược nội dung và tôi đã nhận ra ngay chân tướng sự việc khiến phải viết ra đây sự thật trụi trần(*) 

Cũng giống như y chang Nghị Phước, hàng trăm công dân cũ của VNCH đang tỵ nạn cộng sản ở Mỹ đã tụ họp biểu tình vào chiều ngày 19.01.2013 tại Westminster, California, trước cửa trụ sở Nhật báo Người Việt. Trong đó đa phần chưa coi (hay không thèm đọc”) với lý do tác giả có xuất xứ Việt Cộng và Nhật báo Người Việt là thân cộng, là sản phẩm của Nghị quyết 36 của VC…

Những lời của họ bày tỏ trước phóng viên Nhật báo Người Việt thế này:

Ông Ngô Kỷ, thành viên tích cực tại bất kỳ cuộc biểu tình chống cộng nào tại địa phương. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Ông Ngô Kỷ, thành viên tích cực tại bất kỳ cuộc biểu tình chống cộng nào tại địa phương. (Hình: Dân Huỳnh/NV)

–       “không có nhu cầu đọc quyển sách đó nhưng biết cuốn sách đó viết cái gì”; “Ðối với tôi, khi mình đọc một quyển sách thì mình phải nhận định nó một cách rõ ràng. Nghĩa là nhìn tựa là thấy nó chỉ có một phía thôi, không thể nói lên toàn diện được. Nó có nói những chuyện nhiều người biết, nhưng có những chuyện nhiều người cần biết thì nó chưa bao giờ nói, vì nó không biết để nói. Vì vậy đối với tôi quyển sách đó không có giá trị gì hết”; “Tôi có mặt trong đoàn biểu tình là để làm bổn phận của một công dân, một người tị nạn sinh sống ở đây, để chứng minh rằng cuốn sách đó không cần thiết. Chỉ vậy thôi.” (ông Lê Ba, cư dân thành phố Garden Grove, có mặt trong số những người biểu tình)

–       “chưa đọc Bên Thắng Cuộc”; “nghe trên đài nói thì tôi cũng hiểu một phần nào… Chỉ cần đọc mấy chữ ‘Bên Thắng Cuộc’ là đã biết những người viết trong cuốn sách không hiểu gì hết, không hiểu gì về VNCH, chứ không cần phải đọc hay đi sâu vào đọc”. (Bà Thương Trương, cư dân thành phố Garden Grove)

IMGP2702–       “Cái đồ này tôi đọc làm cái gì! Nhưng mà tôi biết là nó xuyên tạc, nó bênh vực Việt Cộng mà thứ Việt Cộng là tôi không chơi, vậy thôi.” (một biểu tình viên không xưng danh)

–       “Tôi không đọc quyển sách và tôi muốn nói rằng cuộc biểu tình hôm nay không phải là vì cuốn sách.” (Ông Phan Kỳ Nhơn, đại diện Ban Tổ Chức) (**)

Như vậy, cả những người chống cộng hăng hái ở Hải ngoại và các tờ báo VC thứ thiệt ở trong nước như: Pháp Luật Thành Phố (PLTP); Dân Việt (DV); Sài Gòn Giải Phóng (SGGP); Công An Thành Phố (CATP)… và những tác giả rất tiếng tăm như Nghị Phước; Nguyễn Đức Hiển; Đông La; Song Huy – Ngọc Điệp; Lưu Đình Triều… cùng có chung quan điểm lập trường nhằm chống lại sự xuất hiện của BTC? Có khác chăng những người ở bên này (phe Việt Cộng) thì nguỵ biện, chối bỏ lịch sử, tiếp tục bưng bít sự thật để ngu dân. Nhóm này là đám mù quáng giả?

Còn phía đối diện (phe chống cộng) thì do còn nặng lòng thù hận, định kiến đã không còn tỉnh táo và sáng suốt để phân biệt đâu chính đâu tà. Do không còn kiểm soát được hành vi của mình, họ trở thành đám người mù quáng thật?

IMGP2672“Khi mình ở trong một xứ dân chủ thì phải đánh giá cuốn sách qua nội dung của nó chứ chưa đọc cuốn sách mà nói là cuốn sách này thân cộng, làm lợi cho cộng sản… trong khi báo Công An Thành phố đang chửi và đánh ông tác giả này thì tôi nghĩ đây là một chuyện không hay.

Bao giờ cũng vậy, dân chủ phải đi song song với trách nhiệm. Thành ra muốn chỉ trích hay muốn khen thì phải dựa trên những chứng cớ rõ ràng. Vì vậy chúng ta phải thoát khỏi cái cùm, khi nghe tới cộng sản thì thấy sợ rồi.

Nhiều người hiện nay cũng đã về Việt Nam lấy vợ rồi cộng sản hết hay sao? Đối với tôi bao giờ cũng vậy tự do phải đi song song với trách nhiệm và khi mình muốn khen hay chê, chỉ trích gì thì phải dựa trên nội dung mà mình làm”. 

Đó là ý kiến rất công tâm của tiến sỹ Đinh Xuân Quân, một kinh tế gia về phát triển và tổ chức cơ chế. Ông từng bị tù cải tạo, vượt biển tìm tự do tại Hoa Kỳ để rồi sau đó có dịp về làm việc tại Việt Nam trong chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP). (***)

Còn ý kiến của một cư dân mạng trên Dân luận thì cho rằng:

Toàn cảnh cuộc biểu tình chống BTC và báo Người Việt -19.01.2013

Toàn cảnh cuộc BT chống BTC và báo N.Việt –19.01.2013

“đám biểu tình và Hoàng Hữu Phước có cùng điểm tương đồng: Không đọc nhưng mà cứ chống. Giống như chuyện 2 thằng mù cùng phê phán người đẹp, thằng nào cũng cóc thấy, thậm chí chưa sờ tới nhưng cứ lu loa!

“Người VN mình nó thế!”
Thật ấu trĩ nhảm nhí …..”
(**)

Cá nhân tôi, mới đọc xong quyển I (Giải Phóng), đã thấy cuốn sách rất có giá trị. Mặc dù nhiều sự kiện tôi đã biết qua các cuốn hồi ký của Đoàn Duy Thành; Trần Độ và Trần Quang Cơ. Nhưng qua sự tổng hợp rất khoa học và nghiêm cẩn của Huy Đức, độc giả đã được ngắm lại bức tranh toàn cảnh đa sắc màu. Dưới một cái nhìn điềm tĩnh, vô tư của một nhà báo đầy tâm huyết.

Nhà báo Thành Tín (Bùi Tín)

Nhà báo Thành Tín (Bùi Tín)

Có ý kiến chưa thật thoả mãn. Cho rằng cuốn sách mới khắc hoạ được 1/3 sự thật của lịch sử. Nhưng khắc hoạ lịch sử của một dân tộc, không chỉ bởi một cuốn sách, dù của bất kỳ ai mà thành được. Nó cần nhiều sự đóng góp (cả chính thống và phi chính thống) cùng bắt tay vào thực hiện. Với một tiêu chí bất di bất dịch: tôn trọng sự thật khách quan. Chứ không phải thứ lịch sử mang tính tuyên truyền cho mục tiêu chính trị của bất kỳ phe nhóm nào. Như sử quan xưa, trong khi đang chép sử, ngay cả đấng quân vương cũng không được phép can gián hay bóp méo theo chủ kiến riêng của mình. Từ đó ta có thể hiểu sản phẩm lịch sử mà các sử gia Mác-xít ở xứ ta làm ra trong hàng chục năm qua là như thế nào?!

Người không biết lịch sử dân tộc mình như con trâu đi cày ruộng, cày với ai cũng được mà cày ruộng nào cũng được (lời nhà văn Nguyễn Huy Tưởng)

Việc ru ngủ cả một thế hệ và lường gạt một dân tộc bằng những thứ lịch sử nguỵ tạo (theo định hướng của kẻ cai trị) thì có khác gì cái sự cày với ai cũng được và cày ruộng nào cũng được kia chứ?

Trở lại với những chống báng xung quanh Bên thắng cuộc của Huy Đức, tôi hoàn toàn không giận (chỉ trách) những người do nhận tức còn hạn chế mà trở thành mù quáng thứ thiệt. Nhưng tôi không thể chấp nhận được những kẻ có học trí trá dối trên lừa dưới, giả ngô giả ngọng… giả mù giả quáng nhằm bôi bác và hãm hại người ngay để vinh thân phì gia và bắt cả dân tộc khốn khổ này mãi lầm than trong kiếp trâu cày!

Gocomay

(*) Bức Tâm Thư Gửi Người Dân Việt “Thiệt” – Nhân Nghe Về Huy Đứchttp://hhphuoc.blog.com/?p=121

(**) Biểu tình chống sách Bên Thắng Cuộc và chống báo tại Người Việthttp://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=160682&zoneid=3#.UP04fidfCIk

(***) “Bên Thắng Cuộc” dưới cái nhìn của một nhà kinh tế http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/benthangcuoc-dxquan-ml-01192013130421.html

_____

Xem thêm:

608-Hòa giải, hòa hợp bắt đầu từ đâu?

https://gocomay.wordpress.com/2011/05/15/608-hoa-gi%E1%BA%A3i-hoa-h%E1%BB%A3p-b%E1%BA%AFt-d%E1%BA%A7u-t%E1%BB%AB-dau/

______________________________

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ