674 – Quê tôi xứ Đoài mây trắng lắm! (2)

Gocque.jpg

Cụ Viễn (mẹ vợ của nhà nhiếp ảnh Vũ Đình Hồng và đạo diễn Nguyễn Như Ái) -Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Gò cỏ may (2)

(Tiếp theo)

Tôi sinh ra ở làng, lớn lên ở làng. Thầy tôi là thợ ảnh giỏi có thứ hạng trong làng nghề ở ngoài tỉnh. U tôi làm ruộng và dệt cửi. Chẳng nói cũng biết, việc nhà nông quanh năm không bao giờ hết. Từ lúc năm tuổi tôi đã biết chăn trâu, sáu tuổi biết cắt cỏ, bảy tuổi biết bắt cua, mò ốc, câu cá, bắt ếch câu nhái, đập châu chấu… đem về chế biến thành các món ăn thôn dã đơn sơ nhưng rất ngon lành, mà sau này dù có lúc được tham dự các đại tiệc cao lương mỹ vị đến đâu tôi cũng thấy không hơn được các món ăn nơi đồng quê ấy. Như món châu chấu kho khô với nước cà mà ăn với cơm gạo mới, nấu chín hơi khô chan nước rau muống vắt chanh thì ai mà chê cho được. Hay món chả nhái băm nhỏ với lá gừng tươi, viên lại đem rán vàng, rồi kho dim nước tương sốt thì tốn cơm lắm. Cái nước tương vô cùng ấn tượng do U tôi cất công phu bằng thứ đậu tương chính hiệu Bờ Re, cùng với mốc gạo nếp cái trồng ở đồng Cối Mèn và nước mưa rào giữa giời mùa tháng sáu. Cái tháng sáu âm lịch kỳ diệu cho làng quê tôi thứ nước mưa tinh khiết lại cho cả cái nắng, nóng như luộc nước đến “cua phải ngoi lên bờ”, để U tôi phơi mốc, ngả tương, làm thành loại đặc sản hồn quê rẻ tiền mà nhiều đạm để dành ăn quanh năm.

Suốt từ tháng ba tới tháng chín, cứ theo U tôi đi cắt cỏ. Sáng cắt cỏ, chiều chăn trâu. Tối bừa rơm, quạt thóc, hay giã gạo. Những ngày nghỉ hè là những ngày làm cật lực giúp gia đình suốt từ mờ sáng cho tới nửa đêm. Là con út, các anh, các chị lớn đi bộ đội, đi thoát ly hết. Tôi là lao động phụ duy nhất giúp U tôi chăm trâu hợp tác giao, chăn lợn lấy thịt giao nộp nghiã vụ nhà nước, vừa lấy phân giao tổ sản xuất. Lại đàn gà lấy trứng, lấy thịt. Thêm đàn ngỗng nữa. Trên mọi tấc đất của cánh đồng làng, không chỗ nào là tôi không thuộc. Này ốc đồng Sai vừa giòn, vừa thơm. Này trai đồng Bàn vừa bùi, vừa nhiều thịt. Này cải xanh vuờn chuối nổi tiếng vì nơi đây có thứ đất nâu đen màu của lớp tro than và mảnh gốm vụn hỗn hợp, phong hóa rất lâu đời từ nền một ngôi làng cũ, di chỉ của cư dân người Việt cổ. Do thành phần trong đất có nhiều khoáng tố Kali, nên cho làng tôi đặc sản cải bẹ, cải xanh mà không thứ cải ở đâu sánh được. Khi cải Vườn chuối nhú lên ngồng, cắt về, phơi tái, rửa sạch đem muối dưa, nén cả cây, thì luôn có màu vàng ươm nom hấp dẫn, ròn và thơm vô cùng. Cải Vuờn chuối có vụng muối một chút cũng không bao giờ khú. Mỗi khi mở vại dưa nén, lấy ra thái cho bữa ăn là mùi dưa cải thơm lừng quyến rũ, lan toả khắp năm gian nhà, ba gian bếp, thứ hương vị làm tứa nhiều nước chân răng.

Thời ở làng, tôi còn nhớ tên nhiều bạn chăn trâu cắt cỏ lắm. Họ có thể hơn, bằng, hay kém tuổi. Có thể thân nhau ý hợp tâm đầu hay ghét nhau tới mức cầm đòn gánh đuổi nhau, réo cả tên bố mẹ nhau lên mà chửi. Dù họ còn đang vất vả, đang ăn nên làm ra, hay đã an nhàn bên các cụ nơi chín suối. Nhưng với tôi, một ngày đã cắt cỏ, chăn trâu, chăn bò với nhau thì đều là bạn cả. Này Vinh Mùi; Sơn và Cường Thảo Bút; Cường và Quyết Hưng; Khung và Qui Hỷ. Xóm Rộc có Tuyết và Quyến Thảo Chất; Bé Ích; anh Ba câm; An và Đạt Tổng Tắc; Thịnh và Đức Khánh Bình; Hạnh Giai; Si và Tuấn Cơ; Vinh và Dần Huy; Chính và Tài Sinh Tương; Khánh Mười Trản. Mạn xóm trong có Nhật và Bản bò; Dũng Hà; Thăng ngọng; Vân dãi; Hải và Hùng ba Lai; Cường Vạn. Gần Văn Chỉ có Hạnh và Đức Cứ; Hưng và Giang Lồ. Duới xóm bốn, xóm năm còn có Đồng Hợp; Bằng Học; Hiển và Đạo Cuờng Qúi; Bích mẩu; Hạnh và Khả Chinh Huyến; ông Bề Bề, Luận Dược Ước; Xuân và Kim Triệu; Bảo và Trường Trúc Cân; Toản Thụy; Thìn Nhận và Ngọ Đen…, cả đám trâu bò cùng lũ trẻ nghịch ngợm tuổi thơ, lâu lắm rồi mà cũng khó quên nổi chúng. Mùa đông giá, mùa cày ải, chúng tôi xếp đất cày khô làm lò nhóm lửa cục rạ sưởi, nướng khoai ăn. Chăn trâu đồng A thì thân nhất có Vinh Mùi Hòe. Anh ta hơn tôi hai tuổi, dắt chú bò đực thiến lừng lững, lông màu vàng thẫm mượt óng, đẹp như ngựa xích thố. Trời rét, anh ta luôn bận áo trấn thủ, dáng cao lớn, hiền ít lời, tốt bụng nhưng cục tính. Mùa hè, chăn trâu đồng Bẫm thì có Xuân Triệu, Đồng Hợp, Dần Huy đều chăn những “đấng” trâu kềnh trắng (chẳng còn huý kỵ gì nữa) của Hợp tác xã. Còn “thím” trâu cái đen nhà Hạnh Thực Cứ thì nhỏ bé xấu xí nhưng nết ăn của nó thì đáng mến vô cùng. Cỏ non, cỏ già, cỏ uớt, cỏ khô … dù không ngon đến đâu nó cũng kỳ khu gặm một cách nhẫn nại chứ không một nhát đến tai hai nhát đến gáy như chú trâu kềnh đen khảnh ăn nhà tôi.

Mỗi khi cắt cỏ mà đi sau Tuyết Thảo Chất và Ngọ đen thì kể như gặp hạn lớn. Thằng bạn Ngọ Đen của tôi, nói the thé như con gái, người nhỏ thó lại cắt nhanh, dẻo mà khỏe vô cùng. Nó đầy gánh đi tểu rồi mà mình mới chưa được lưng quang, bực lắm chứ. Nhưng gần nó cũng học hỏi được nhiều mẹo vặt.

P1060905.JPG

Gặp lại bạn học-bạn cắt cỏ Ngọ Đen sau 35 năm (Từ trái qua phải: Gocomay; vợ chồng anh Viện; chú Cả Nghị; anh Cường Vạn; Ngọ Đen) – Tại tư gia nhà QF người Lai Xá Đinh Văn Viện ở TP HCM tháng 2 năm 2006.

Nếu đánh rủi cua đồng Sai, câu nhái đồng màu hay soi ếch ban đêm mà gặp Ái Mèo thì cũng chẳng khác gì cắt cỏ mà gặp Ngọ đen hay Tuyết Thảo. Đi câu rô cùng Tuấn Cơ, khi nó chán nó rủ mà không về thì cũng khó trụ. Chẳng nhiều lời, nó tương ngay cho nửa hòn gạch bìa xuống hố thính thì rô với trê có mà chạy bán sống bán chết ấy, chứ câu với kẹo cái gì được nữa.

Sáng sáng tôi ra đồng, bắt đầu từ cổng ngoài đi ra là đồng Mã Cả. Qua mương Rộc Đìa đi sang là đồng Bồ Cóc (bên trái) và đồng Cối Mèn (bên phải). Lên Vuờn Chuối, vòng cây bàng đi xuống là Bờ Re, theo bờ mương tới Dền Rắn rồi sang Mỏ Phượng. Leo qua gò Đấu dài, gò Đấu tròn là tới Vườn Dậy (Trần Vậy). Phía xa là cánh đồng Chằm chạy dài mãi tới gần ngã tư Canh. Quay về ngược về đồng Nhổn qua đường cái quan sang phía Bắc là cánh đồng A; đồng Đăm. Quay về lại là Đuôi Cá; Cửa Khâu; Trũng Khoai; Dinh Cơ. Sang lại bên này đường nhựa là Chùa Do, xuôi về qua cây bàng là Đình Lỗ; Đình Diệc. Qua cống Mũi Bút; Lờ rồi leo qua đường Cái mới là sang đồng Sai mênh mông với chuôm lớn, chuôm nhỏ, Ao Cả bịt bùng. Đồng Sai chính là cái rốn nước lớn của toàn vùng. Bươn qua đồng Gờn, vòng trạm bơm rồi về lại Cống Lều, Cây Rầy, qua sân kho rồi sang bên kia đường là Rần Đống. Men đường cái mới (nay là đường QL 32) là tới Sau Hàng. Vòng qua Trũng Trên xuống Trũng Dưới vắt sang Đìa Các, qua Công Trường, lên Đống Sành; Năm Cửa; Hố Gạch. Trở lại bên này đường quốc lộ, qua hồ Rộc; giếng Cửa Đình … về Mã Mọn. Lên qua Mả Tháp; Chùa Sai là tới đồng Hổi; Chùa Hống. Từ đồng Giang về lại là đồng Bồ Câu, xuôi xuống phía làng Thìa là đồng Con Chim. Theo bờ vùng qua đồng Đinh; đồng Bàn ngược mương Đầu Sâu là về lại Bẫm; Giải Phướn. Men bờ kênh Trại là tới Gò Chùa cửa nhà thờ họ Phạm Đại Tôn. Theo lũy tre làng xuôi mương Bẫm là tới Cánh gà; Mom con cá. Xuôi chếch phía Đông Nam, qua cây Sữa cổ thụ, lần bờ vùng bờ thửa đồng Ải là sang Cầu Mưỡu. Trở lại mương Cối Mèn về hướng làng là đồng Cây Miến. Qua gốc muỗm già cụ phó Nghị là về lại cổng làng rồi.

ap_20100110124138128.jpg

Cảnh bừa ruộng ở đồng Mom nhìn về phía Đông Nam cánh đồng làng – GCM chụp đầu năm 2006

Thế là tôi đã bươn vừa đủ một vòng qua mấy chục cánh đồng to nhỏ quanh làng thân thương của tôi. To có khi tới cả trăm mẫu như đồng Sai. Nhỏ chỉ dăm bảy sào hay vài ba mẫu như Đình Diệc; Bờ Re; Cây Miến… Lúc này, bóng nắng đã tròn dưới chân tôi rồi. Tôi bước đi, đi mãi mà tưởng chừng không bao giờ thoát ra khỏi cái bóng đen tròn sẫm, vĩnh cửu của chiếc nón (mũ) lá mà tôi luôn đội trên đầu. Những trưa hè, nắng tháng sáu. Không phải một lần tôi nhìn thấy thế. Cũng không phải một lần mà tôi có thể đi hết được tất cả mọi ngõ ngách của cánh đồng cao thấp, khấp khểnh gò trũng như thế. Những công việc hàng ngày của nhà nông, nhàn như bắt sâu, nhổ cỏ lạc, tưới rau, xới đỗ, vun khoai. Nặng như đánh gộc tre, cày vỡ, đập đất, bừa cạn, tát nước, gánh phân, phát bờ cuốc góc, cất vó đêm, đánh rủi hay nhổ mạ ruộng lầy. Thơ mộng như chăn trâu cắt cỏ, chăn ngỗng, câu nhái, bắt châu chấu muồm muỗm cào cào, kéo vó tôm vó tép. Hay các bữa vác vồ, vác cúc (cuốc) lẽo đẽo theo sau chú Hỷ tôi đi tảo mộ mỗi dịp Đông chí. Nay chú tôi không còn, nhưng những lời chú nhắc, mãi mãi tôi không quên:“Đứa nào lười nhác, sợ mỏi chân mà chẳng chịu theo tao thì khi tao chết, lấy ai chỉ cho chúng mày nhớ hết tất cả mồ mả các cụ rải rác khắp các cánh đồng. Rồi bỏ bễ, không chăm chút, gặp người tham, nay một chút, mai một chút, nó xà, nó xẻo mà đưa luỡi cày liếm hết mất nấm. Mất mồ mả tổ tiên thì chỉ có mà lụn bại, con cháu muôn đời không bao giờ ngóc đầu lên được đâu!” 

Không biết đã bao nhiêu lần, bóng tôi in trên đồng từ dài như con sào rồi co ngắn, vo lại, tròn hoảy dưới chân. Rồi lại vươn dài dần ra như con sào hay chả có bóng dáng gì rõ nét cả, chỉ còn tiếng rậm rịch của bước chân, chỉ tấm thân mờ ảo dật rờ lúc ẩn lúc hiện. Nhấp nhô, nhạt nhoà, chìm nghỉm trong sương, trong mưa, trong màn đêm không trăng sao trên các cánh đồng gập ghềnh quê tôi. Nhưng trưa hôm nay. Nắng lửa đổ rừng rực. Cái nắng tháng sáu. Cháy da sém thịt. Cả cánh đồng đang cày vỡ, mùi hương đất nồng nàn. Bóng tôi lại đang tròn. Tròn vành vạnh. Tôi cắm mặt, thở rốc, lặc lè quảy gánh cỏ nặng hơn cả trọng lượng thân mình, chúi đầu về cổng làng. Đổi từ bên phải sang trái, hết dọc, rồi xoay ngang. Cố lết, lết mãi, cũng tới được bóng đa đầu làng rợp mát rồi. Đặt uỵch gánh cỏ xuống chỗ đất bằng, tôi đánh bệt lên đám rễ đa nổi cuồn cuộn. Vài con trâu ngụp phì phì dưới ao, đuôi quật, vẩy vung nước cầu vồng. Con bò vàng nằm lim dim, quạt mo tai nhàn nhã, quai hàm nhai lại cỏ. Vài cô thôn nữ đi làm thủy lợi về, nới khăn vuông, xà cạp, ngồi, đứng, trò chuyện râm ran, vừa vung nón ngang đầu quạt lấy quạt để. Thấy mùi thơm quả đa chín đâu đây, thèm quá, tôi trèo lên một cành la sát mặt ao Chùa vạch lá, chọn những quả đa chín đỏ mọng, chưa sứt sẹo vì bị côn trùng chui vào đẻ trứng bẻ ra ăn vừa ngọt, vừa bùi. Những lúc mệt, đói lả, lót tạm dăm bảy qủa ngọt lành như thế, cũng cảm thấy lại sức, ruột đỡ cồn cào. Trước khi về nhà ăn cơm trưa, tôi lội xuống bậc gạch giếng nước, tay khoả lớp bèo ong dãn ra, vục chiếc nón lá già, khệ nệ bê lên rõ một nón nước đầy trong vắt. Vừa tợp vài ngụm nước mát, rồi rửa mặt. Tỉnh cả người. Lại gánh cỏ kĩu kịt về làng.

reuters-vietnam-rice-farmer.jpg

Trên cánh đồng làng thân yêu, từng ngõ ngách đầu gàu, đầu sâu. Bờ cao bờ thấp. Đồng màu đồng trũng. Chỗ nào có nhiều cỏ dây trắng, dây tía, cỏ xước, cỏ gà, cỏ mần trầu, cỏ gấu, cỏ mật. Tôi đều thuộc làu. Mỗi khi đang cắt cỏ mà được mấy bà thợ cấy vẫy lại nhờ xén bớt ngọn mạ trước khi đem cấy là vui như đi câu mà gặp cá diếc đi ăn theo đàn vậy. Ngọn mạ trộn với cỏ dây đã rửa sạch mà đóng gánh thì dôi và rất chóng đầy mà trâu bò cũng rễ ăn hơn. Gò đống nào, mùa nào có cỏ dầy, cỏ gianh, cỏ lông may già, tôi dùng cọc trâu kẹp, xoắn, vặn chặt từng đám mà nhổ bật gốc lên, đập sạch đất phơi khô, đem về đun đượm và thơm vô cùng. Mùa mưa thì xuống Đồng Sai hay Đồng Đinh cắt cỏ năn, rạy, lác, cỏ dường dường, thài lài, cỏ chân vịt, cỏ bợ, cỏ dừa, cỏ bẹ … những loại cỏ ưa nước. Mùa mưa xuân thì ra đồng cày ải hái rau lồng khúc về làm bánh khúc. Những trận mưa đầu hạ, cũng là thời khắc rau má, rau sam, chua me, rau rền cơm, rau muối, rau rệu, rau khoai lang, nhọ nồi, các thứ rau cũng là những thuốc Nam đồng nội, các đặc sản tự nhiên ấy là non và ngon nhất. Tôi biết rõ cả trai cánh, trai thịt, ốc vặn, ốc đá, ốc bươu… tháng nào thì sinh sản, lúc nào bắt về luộc hay nấu canh giấm chua là ngon nhất. Cua ở bờ ruộng nào, thửa ruộng nào, mùa nào thì béo và nhiều gạch. Trên các ruộng lúa Mùa, nước đầy, lúc lúa sắp trổ đòng đòng thì đem khoai sọ nướng thơm, bóc vỏ, nhào cám rang rây mịn, trộn mẻ lèn giã cho nhuyễn mà làm mồi câu cá rô đồng. Rô ron đi kiếm mồi theo đàn, câu một chốc là hàng vốc, đem về bấm bụng bỏ ruột, đem kho tương gừng hay rán giòn chấm nước mắm hạt tiêu chanh thì cứ gọi là thủng nồi trôi rế.

Tháng tám, tháng chín mùa trăng là đúng mùa câu thả. Khi bóng đêm vừa trùm xuống, tôi bí mật mang nắm cần câu được làm bằng thứ tay tre (trúc) đực già mà dẻo cắm dọc bờ kênh, ven các bờ hồ, bờ ao. Phải chọn loại dây dù hay cuớc thật dai, chỉ vừa đầy gang tay thôi. Lưỡi câu bén, ngạnh sắc, móc khéo vào thăn lưng, ngay dưới lớp da mỏng những chú săn sắt, rô ron hay cá trạch nhỏ. Phải kén con nào thật khoẻ, căn tầm cước vừa đủ để chúng bơi lượn là là sát mặt nước, tung tăng rất hấp dẫn để dử mồi câu cá chuối, cá sộp, cá chày… các loại cá ăn nổi.

Nhớ cái đận  cuối mùa câu, một hôm, gió mùa đột ngột tràn về, lúc bốn giờ sáng, tôi đi thu gom cần câu thả đêm hồ sau Lái về, có lần tôi suýt vấp phải “xác nguời chết” vắt ngang đường. Hóa ra bà Huyền, người bác dâu trưởng chi hai họ Phạm nhà tôi, nằm bất động từ bao giờ. Người bác bê bết bùn, nón lá, khăn vuông cũng thế, ướt sũng. Tôi ném bỏ cả cá, cả cần lao vào vực bác dậy mà không tài nào nhấc nổi. Bác cứ nằm bất động, từ lúc nào, kiệt quệ, thi thoảng lại thều thào, khản đặc: “Cái…thằng…Lợi…Ngải,…Dung…Đàm,…Khương…lồ……chúng…..mày…..giết,…….giết…co…. con…tao…”

Đó cũng là một câu chuyện thương tâm, dai dẳng khủng khiếp, một thời. Giống như mọi làng quê, làng tôi cũng có những bà chua ngoa, xắn váy chõ mồm chửi bâng quơ xéo qua rào sang nhà hàng xóm, tục tằn không bút nào tả được,”chửi mất gà”. Nhưng làng tôi có thêm chuyện bác Huyền, người mẹ liệt sỹ, do quá thương đứa con trai yêu qúi ra đi không về, bà sinh ra oán ghét tất cả những ai bà cho là đã đẩy con bà tới chỗ chết.

Bà Huyền cũng chạc tuổi U tôi hay hơn chút ít. Bà sinh ra ở làng Vòng. Thời tuổi ngọc, cô con gái “cốm Vòng” là một hoa khôi đẹp nổi tiếng khắp Phủ Hoài đức khi xưa. Bà về làm dâu làng tôi vào một gia đình rất khá giả, nhà cửa vườn tược rộng rãi lại khuất nẻo sát luỹ tre làng. Trong kháng chiến chống Pháp nhiều cán bộ, du kích người làng thường lui tới ăn ở dầm dề “nhẵn đũa nhẵn bát” ẩn náu một cách an toàn tránh sự truy lùng của Pháp. Bà rất đông con, nhưng chỉ có anh Minh, anh Phạm Ngọc Minh, chàng trai trẻ cao lớn, trắng trẻo lại rất mực hiền ngoan, như thần tượng của biết bao thôn nữ, là được bà đặt nhiều hy vọng nhất. Ngoài việc nổi tiếng là một tay chơi diều sáo, bẫy và nuôi chim cu, chim ngói có hạng. Anh còn là một danh thủ tiền vệ xuất sắc trong đội tuyển bóng đá chân đất “bách chiến bách thắng”  nổi tiếng toàn vùng.

Đợt tổng động viên năm 1967-1968, anh Minh phải tòng chinh, vừa chân ướt chân ráo vào chiến trường B, anh đã hy sinh. Sự mất mát qúa nhanh, qúa bất ngờ ập đến với bà Huyền là vô lý, bất công và qúa sức chịu đựng, khiến bà suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần… nên hằng đêm bất kể nắng mưa, gió rét, không ai có thể cản được người mẹ già đau khổ cùng cực ấy, cứ chống gậy lê dọc đi khắp đường làng – từ nhà bà (ở gần đuôi cá) tới cổng ngõ các nhà (ở tận gần đầu cá, mang cá) mà bà cho là thủ phạm gây nên cái chết của con bà. Vừa chửi bới, vừa nguyền rủa thậm tệ cả lò, cả ổ, gọi đích danh tên các vị chủ tịch, xã đội trưởng, công an và chánh văn phòng ủy ban xã … khi trước đã được bà che trở cứu mạng, những người bị bà kết tội “ăn cháo đái bát”  “đã giết con bà”…. Nhưng thần diệu thay, cũng chính nhờ tiếng chửỉ rủa độc địa, dai đỉa ấy mà ghế của các vị lãnh đạo chủ chốt ở địa phương lại cứ chắc như bàn thạch, cho dù con cái những “Hương Cống” khả kính ấy chả phải nếm mùi bộ đội. Chả bao giờ biết đến thế nào là gian khổ, đói khát, là chết chóc nơi chiến trường.

Mấy năm gần đây, khi thấy nhiều người khen bộ phim “Người vác tù và hàng Tổng”, phác họa chân dung một cán bộ trưởng thôn (như chức lý trưởng thời xưa). Tôi cũng cố tìm xem nó hay ở chỗ nào?. Về tay nghề của đạo diễn, tôi thấy Phí Tiến Sơn hóm mà khá chắc tay, xứng đáng vào tầm cỡ có học, có tài. Tôi không biết nhiều về con người Sơn, chỉ nghe họa sỹ Thẩm Đức Tụ nói, trước khi đi học quay phim ở Đông Đức, Sơn rất có khiếu nghệ thuật. Từ bé đã sớm nổi tiếng trong lớp “Trẻ em vẽ” ở Cung Văn hoá Thiếu nhi Hà nội. Sau này lại nghe tin Sơn cũng gốc Lai Xá. Nhưng do né tránh? Hay ít vốn sống làng quê? mà trong cái phim nói về người cán bộ nông thôn, đề tài hay vậy mà lại thiếu mất cái chi tiết, cái màn chửi (mà hoá ra phù hộ) đám “Người vác tù và hàng Tổng”, lạ và độc đáo như thế thì cũng là chuyện đáng tiếc lắm thay. (chọc ngoáy người đồng nghiệp cùng làng tý cho vui thôi nhe, he he…)

Mùa câu thả qua đi, khi gió heo may tràn về thì rang thính cho thơm, đào giun đồng cho nhiều mà đi câu cá riếc và cá loại cá ăn chìm. Tháng chạp giáp tết ta, đồng Sai cạn nước, cá trên đồng rút hết xuống khu rốn chuôm trũng thì mọi nhà có chuôm bàn rủ nhau mang cọc tre và ván gỗ be bờ, làm lều canh tại chỗ mà đêm ngày đổi phiên nhau tát chuôm, chia cá ăn tết. Có năm được mùa, cá nheo béo vàng to như bắp đùi, đầy cả gánh, mỗi chuôm thu hàng tạ, ăn cả mùa tết đâu có hết, lại muối cá, làm chượp, phơi khô ăn dần trong năm. Phải nói nhà nào có hoa lợi từ cổ phần cá ở chuôm đồng Sai cũng cảm thấy sung mãn nhờ những mùa tát chuôm háo hức, vui như trẩy hội ấy. Cá trắm, cá chép, cá qủa cỡ bự đồng Sai đem sắt khoanh lớn mà lót củ giềng già, hầm tương bằng củi gộc tre khô và trấu … để trang điểm cho mâm cỗ sang ngày tết thì phong lưu nhất mực rồi còn gì!

Mùa xuân chín. Rồi hè sang, những trận mưa rào vào tháng tư âm, lấy nước cho nông dân làm mạ Mùa, tôi mang vợt mang rổ ra đồng Bẫm, túi chứa nước mưa trong làng tuôn ra, đi hớt cá Trạch quấn nhau vật đẻ dưới ruộng nước đầy.

34133668.jpg

Xé màn mưa nổi bong bóng, đôi bàn tay dầm nước mưa đã răn héo, vuốt những hạt mưa nặng trịch quất chéo vào mặt rát ràn rạt. Lần theo vệt nước chảy tràn trề, rượt bắt các chú cá rô gụ đen chũi đang rạch ngược lách lên các bờ cao. Tôi lần mò rờ rẫm quanh các thân khoai ngứa ngập nước dưới rệ ao, mương thoát nước mưa từ làng ra đồng tìm ổ trứng cà cuống vừa đẻ, bắt cà cuống đực đem về nướng và lấy ngòi cay chế với nước mắm cá cơm, búng chút hạt tiêu, vắt chanh làm thành món nước chấm để ăn với bún rối hay bánh cuốn nóng chợ Trôi thì chả có thứ đặc sản bánh cuốn nào ngoài tỉnh thành mà sánh nổi.

Những hôm mưa dầm, không ra đồng được, U tôi hay rủ bà Ngọ Đầy ngâm gạo xay bột làm bánh đúc. Chẳng phải dân hàng chợ mà U tôi chế biến món bánh đúc lạc cũng ngon có tiếng. Gạo tẻ ngâm nước vôi vừa tỷ lệ, xay bột thật nhuyễn, lọc kỹ, bỏ vào dúm muối, một chút hàn the thôi. Trước khi bắc lên đun thì phải tôi nồi cho kỹ bằng mỡ chài thì bánh mới thơm và dóc cháy. Lúc quấy bột phải luôn tay, đun đều lửa, rồi cho lạc nhân đã đồ chín đãi sạch vỏ. Khi bánh vừa chín tới thì lót lá chuối tươi đổ ra mẹt. Chờ bánh đúc se mặt cắt từng miếng, bẻ chấm ăn với thứ nước tương dầm chút ớt qủa khô cứ gọi là giòn ngọt, hơi cay nồng, lại ngầy ngậy bùi bùi … Món bánh đúc cắt nhỏ bằng đốt ngón tay mà chan canh riêu ốc, riêu cua nóng thì tuyệt hảo. Còn cháy bánh đúc nóng lại là món nghiền nhất của tôi, nó ròn, dai, thơm mà đậm đà! Chả có thứ bánh đa nào có thể ăn đứt được?

ap_20090714012249601.jpg

Dáng bà cụ này giống hệt hình bóng của U tôi lúc còn sống (Hình minh hoạ)

Thương U tôi vất vả, cực nhọc quanh năm đầu tắt mặt tối, tôi phải lăn vào giúp mẹ tới sụn cả lưng mà không than vãn, kêu ca. Vẫn ham học. Bởi cứ nghe bà nói: “cá không ăn muối cá ươn, người không ăn nhời (chữ) thì suốt đời bán mặt cho đất bán lưng cho giời thôi con ạ!”. Cứ nghĩ đến cái thiệt, U tôi, không có chữ, lưng còng gập, thương tích đầy người, cả đời lam lũ mà chẳng bao giờ ngóc đầu lên được, lại rùng mình.

Tôi cố gắng học để khỏi chôn vùi tương lai nơi chốn ao tù nước đọng nơi xứ cỏ lông may khốn khổ này.

(còn nữa)

Gocomay

______________________

673 – Quê tôi xứ Đoài mây trắng lắm! (1)

1091664053_18d6847e75_o

Có nhiều bạn thân sơ của tôi cứ thắc mắc cái tên Gocomay (Gò cỏ may) của chủ blog có ý nghiã gì? Vì không hiểu được ngọn nguồn của cái tên ấy nên có người còn nhầm với Hoa cỏ may, Gốc cỏ may, Góc cỏ may… một cách tùm lum. Sự nhầm ấy không phải lúc nào cũng gây ra sự khó chịu hay bực mình. Trái lại nhờ có sự nhầm lẫn mà chủ blog Gocomay còn có thêm những người bạn rất chí tình. Rồi trở nên thân thiết vô cùng. Cho dù chưa bao giờ giáp mặt.

Thú thật từ ngày dính với cái tang bờ lốc bờ leo này, vui, háo hức, bận rộn và có khi còn có cả những hệ luỵ không đáng có nữa. Thấy có người mở web hay blog còn ra cả tuyên ngôn này nọ nghe ghê gớm qúa. Còn mình chỉ nghĩ đó là cõi riêng của mình, ai dỗi hơi mà xía vào làm gì. Nhưng sự thể không toàn toàn như vậy, khi blog cá nhân mà để mở, bất cứ ai cũng có thể vào coi. Chả nhẽ cách bày tỏ trong blog cá nhân cũng cứ phải chỉn chu (máy móc) như báo đài của đảng và nhà nước. Như thế có khác chi trong vườn hoa chỉ tinh trồng mỗi loại hoa, như cúc vạn thọ chẳng hạn? Văn là người, sự đóng góp của các blogger trong vườn hoa chữ nghiã đa hương sắc là vô cùng quan trọng và không ai có thể phủ nhận. Sự giao lưu học hỏi giữa những cây bút (nhà văn nhà báo chuyên nghiệp) và những cây viết tay ngang, các blogger nghiệp dư là vô cùng cần thiết và qúi giá. Nó sẽ làm giàu có thêm không chỉ kinh nghiệm mà cả chất liệu, vốn sống để cùng tiến tới mục tiêu mở mang cái vườn chữ nghiã qúi báu của dân tộc mình.

Với tiêu chí ấy chủ blog xin gửi tới bà con quê hương của GCM nói riêng cùng thân hữu ở mọi nơi nói chung bài viết (gọi là hồi ức, hay hồi ký gì cũng được) đã khởi viết cách đây ngót 6 năm. Nay chỉnh sửa lại vài số liệu cho phù hợp. Gọi là chút lưu bút kỷ niệm về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đang trong qúa trình dâu bể chuyển đổi từ làng lên phố. Nay bạn bè cùng lứa với GCM vài chục nhân mạng kẻ còn người mất. Với ngót chục xuất, dù chết trận hay chết bệnh thì cũng là đã khuất. Cầu mong cho họ luôn được an nhàn nơi Phật quốc. Cầu cho những người đang sống luôn an lạc và hạnh phúc!

P1060851.JPG

Gocomay và anh Diễm người làng Phúc Lý (làng bên)

Gò cỏ may (1)

(Thân tặng những con dân Lai xá còn nặng lòng với quê hương!)

Ốc đồng Sai

Trai đồng Bàn

Lang Đình lỗ

Đỗ Bờ re

Mè ao Rộc

             (Ca dao cổ làng Lai)  

Khu gò đống tự nhiên nằm giữa vùng đầm lầy của xứ Đoài mây trắng ấy từ bao lâu rồi?

Tương truyền, đây là xứ sở chỉ loài cỏ lông may ngự trị. Rồi mấy căn nhà lá cuả dân tứ chiếng từ đâu tới. Đám người tha phương tứ xứ trôi dạt về nơi gò đống mò cua bắt ốc qua ngày…

Vào năm Lý Chiêu Hoàng, vợ Trần Cảnh không sinh nở được. Trần Thủ Độ lo cho cơ nghiệp nhà Trần mới dựng không có người kế nghiệp đã bằng thế lực ép vợ An Sinh Vương Trần Liễu, đang có mang, cho người em ruột đang trị vì. Trần Liễu mang hận. Một dịp về Lai Xá, thấy cuộc đất tựa con cá chép lớn như đang nổi lên trong đầm nước mênh mông, Liễu xem là đất có thể dụng binh bèn kéo quân từ Thăng long về, trụ lại đó muốn lập kế lâu dài chống lại Trần Thủ Độ.

Lai Xá thay da đổi thịt từ đấy. Với chủ tâm của Liễu, nơi gò đống hoang toàng xưa, giờ đài cao, đồn lũy và con người quần tụ, hình thành một quần cư mới.

Cuộc “cuộc nồi da sáo thịt” giữa Trần Liễu và Trần Thủ Độ chưa phân thắng bại thì đạo quân viễn chinh hùng mạnh hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn từ phương Bắc tràn tới xâm lấn biên ải. Trước sự tồn vong của nhà Trần, của dân tộc, anh em nhà Trần tạm hoà hoãn để lo việc chống giặc ngoại xâm. Trần Liễu tự giải giáp quân binh về Thăng long thần phục triều đình.

Mặc dù vậy An Sinh Vương vẫn chưa quên thù xưa. Trước lúc lâm chung cho gọi Quốc Tuấn tới, dặn con phải rửa mối hận cho mình. Quốc Tuấn thương yêu cha nhất mực, hứa sẽ tuân theo lời dặn cuả người. Liễu mất, Quốc Tuấn chưa báo hiếu được cho cha thì cả đời ông ba lần giặc Mông cổ kéo sang giầy xéo non sông. Trần Quốc Tuấn lấy trọng trách với nước làm đầu, gạt bỏ tình riêng, ba lần giúp vua tôi nhà Trần đánh bại quân Nguyên Mông hung tàn trở thành đại vương Trần Hưng Đạo mãi mãi được ghi vào sử sách.

Lại nói về Trần Liễu, những năm cuối đời, ông thoát tục về chùa Sai, ngôi chùa lâu đời trên cánh đồng làng Lai tu, ẩn. Ông sống thanh tao, kê đơn bốc thuốc làm phúc và giúp dân làng ngăn chặn được nhiều dịch bệnh đang hoành hành khắp cả vùng rộng lớn châu thổ sông Hồng thời bấy giờ. Sau khi ông qua đời, dân Lai xá ghi nhớ công đức vun tạo và cứu rỗi mảnh đất làng, đã cho hưng công xây ngôi đình lớn giữa làng làm nơi thờ đức thánh An Sinh Vương Trần Liễu, gọi nôm là đình Đụn. Các bậc tiên lão trong làng, truyền cho muôn đời con cháu lấy ngày đầu tiên ngài đặt chân tới làng, nhằm đúng rằm tháng hai âm lịch hàng năm là ngày lễ tưởng niệm, ngày Hội cuả làng. Lệ làng từ đó, kiêng húy kỵ nghiêm ngặt – phàm bất cứ từ nào liên quan tới ngài thì đều phải tránh! Chữ Liễu phải gọi chệch thành Lão, không ai được đặt cho con cháu mới sinh tên là Liễu hay Lão.

P1060849.JPG

Chùa Sai làng Lai Xá – Nơi An Sinh Vương Trần Liễu đã tu ở đây

Chuyện kể rằng, sinh thời ngài có con chiến mã yêu qúi lông màu tuyết hồng. Khi ngài mất dân làng tỏ lòng kính trọng, mọi nhà không nuôi trâu trắng nữa vì có màu trùng với màu lông con ngựa của đức thánh. Ngay cả các chữ “hồng” (màu da chiến mã) phải gọi chệch thành hường. Lại “cái cuốc” tuởng như chẳng liên hệ gì tới húy kỵ nhưng vì phát âm cuả nó giống chữ Quốc là tên đệm của đức thánh Trần cũng phải đổi thành “cái cúc” v. v…

*

*           *

Lai Xá tiếng Hán có nghĩa “cỏ may”. Thế đất qúi “hình con cá chép” trồi  lên giữa vùng đồng nước rộng lớn như một đồn lũy tự nhiên, rất tiện cho phòng ngự. Lại thêm lớp lớp hào luỹ, ao đầm ken dầy ôm kín lấy khu dân cư. Làng có hai cổng. Cổng Ngoài nhìn ra hướng chính Đông, còn Cổng Trong quay về hướng chính Tây. Nối hai cổng bằng con đường lớn ngoằn nghèo, lát gạch Bát tràng xếp nghiêng, có bốn điếm tuần canh, chia đều trên mỗi chặng. Mỗi khi có động, hai cổng làng đóng chặt, các điếm canh nổi hiệu trống mõ, trai đinh trong làng vũ trang, gậy gộc cung nỏ, giáo mác chiếm giữ các điểm xung yếu và trấn chặt hai đầu cổng làng thì kẻ lạ, giặc giã bên ngoài không thể xâm nhập được. Đất làng thế vậy nên phải chăng con người tại đó cũng thiên về võ biền cơ bắp. Lai Xá trước kia vài trăm năm không có một ai đỗ đạt cao, dẫu là vùng đất cung cấp người, của cho bao cuộc chống ngoại xâm qua nhiều thăng trầm biến loạn. Có lẽ ấm ức nỗi ấy, hòng mong đất làng phát tích về đường văn, các cụ bèn cho xây Văn chỉ, nằm chếch không xa phía tả thanh long ngôi đình Đụn giữa làng. Đầu cổng ngoài, nơi nhìn về Thăng Long, phía đối diện cho xây bức bình phong khá lớn chắn gió hàn, ngay bên cạnh gốc đa và giếng nước. Kế cận bức bình phong là bệ thờ đài nghiên, lại đào ao “chùa” tụ thuỷ. Ao hình nghiên mực ôm bọc lấy cây đa và toàn bộ di tích, trông rất ngoạn mục. Chếch mé trái Cổng Ngoài, là con đường từ làng ra Kinh kỳ, tạo hình dáng hay nét phác của bút lông mềm mại. Ngã ba đầu đường lại có “ông chó đá” ngồi chễm chệ uy nghiêm nhìn dọc theo con đuờng chấn yểm khí tà. Mũi bút (bút lông) thì vươn về phía Thăng long ngàn năm văn hiến. Tất cả hàm ý khuyến học, chú ý việc văn, mong con cháu sau này, không chỉ trọng việc võ, con đường “văn” tiến thẳng về Kinh Đô?!

ap_20100119104750251.jpg

Di tích đài nghiên ở cổng làng bây giờ (2006) chỉ còn lại mỗi bát hương đá nằm lăn lóc ven đường như thế này…

Không biết có phải nhờ tấm lòng thành, mong ước qua việc trên đã cảm được cả đất trời? mà con đường học vấn của Lai Xá cũng đã có những tiến triển rõ nét. Như thời Pháp thuộc, danh nhân văn hóa, trí thức tầm cỡ Quốc gia thời đó sinh ra từ gò cỏ may Lai xá phải kể đến danh hoạ nổi tiếng Nam Sơn, một nguời đồng sáng lập nên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cái nôi của nền hội họa đương đại VN hôm nay.

Lứa chúng tôi, mặc dù sống tại làng thật nhưng chưa bao giờ nghe thấy cái tên Nam Sơn xa lạ này. Vào năm 1982 ấy, khi đi quay bộ phim “tranh sơn mài” cho đạo diễn – NSND Lương Đức, tôi có tới bảo tàng Mỹ thuật ở sau Giám, cũng tới tận nhà các họa sỹ sơn mài nổi tiếng như Hoàng Tích Trù, Lê Quốc Lộc và Trần Văn Cẩn. Tại nhà riêng của cụ Cẩn, phố Nguyễn Thượng Hiền, cố họa sỹ đã có tâm sự với tôi: “đúng là không thầy đố mày làm nên thật anh ạ! Nếu không có các bậc thầy hết lòng vì nghề vì trò như danh họa Nam Sơn chẳng hạn thì làm sao tôi có cái vinh hạnh được liệt kê vào bộ tứ: nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn, để thiên hạ suy tôn và để các anh quay phim về tranh của anh em chúng tôi thế này?”.

Trong số những trí thức lớn tham gia Chính phủ Lâm thời từ rất sớm, có giáo sư Nguyễn Văn Huyên, người làng Lai, lớp trí thức Tây học đầu tiên cuả Việt nam ta nhận bằng tiến sĩ về Dân tộc học xuất sắc tại đại học Sorborne bên Pháp từ năm 26 tuổi. Chàng thanh niên gốc gác nghèo khó Nguyễn Văn Huyên từ chối mọi ưu đãi của nước Pháp để về lại quê hương dạy học và nghiên cứu khoa học. Những công trình đồ sộ của ông về nhân chủng và dân tộc học xuất bản bằng tiếng Pháp từ hơn 60 năm trước, gần đây được dịch ra Việt ngữ còn mang tính cập nhật rất cao trong đời sống ngày hôm nay. Từ năm 1946, ông Huyên làm bộ trưởng bộ Quốc gia Giáo dục – sau này là Bộ Giáo dục suốt ngót 30 năm. Là người được đánh giá cao trong công cuộc “diệt giặc dốt” do Hồ Chủ tịch phát động sau Cách Mạng Tháng Tám.

Cũng ở Lai Xá, trong đám thảo dân, tới cuối thế kỷ 19, có ông Nguyễn Đình Khánh được các nhà sử học đánh giá là một trong ba người đầu tiên có công sớm đưa nghề Nhiếp ảnh vào truyền bá rộng rãi ở nước ta. Ông Đình Khánh mở hiệu ảnh Khánh Ký từ năm 1892 ở chợ Hàng Da, chỗ rạp Hồng Hà bây giờ. Ông là bậc tiền bối đã đào tạo được một đội ngũ thợ ảnh chuyên môn tài giỏi có tới hàng trăm người từ làng mà lan tỏa khắp nước. Những năm đầu thế kỷ 20, chỉ tính riêng người làng Lai, tại Hà nội có tới 33 hiệu ảnh; Sài gòn 34 hiệu. Ông Khánh Ký còn Tây du Pháp Quốc mở hiệu ảnh Khánh Ký tại kinh đô ánh sáng Paris. Những năm đầu sinh sống tại Pháp, anh Ba – Nguyễn Ái Quốc, người sau nay khai sinh ra nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà cũng đã học nghề ảnh tại địa chỉ này.

Cụ Khánh Ký tham gia tích cực phong trào Đông Kinh Nghiã Thục, là bạn với cụ Phan Chu Trinh từ trong nước. Tại Pháp, nơi đất khách quê người, gặp lại cố nhân, các cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Đình Khánh như là bộ ba “Xe – Pháo – Mã” (?), vừa là bạn bè làm ăn, vừa là bạn tranh đấu nhằm mục đích canh tân quang phục quê hương.

Cụ Khánh Ký không nhiều chữ, không đỗ đạt, không tài hùng biện lẫy lừng như hai cụ Phan. Nhưng dưới con mắt đánh giá cuả Pháp thì con người cụ có lẽ cũng nguy hiểm cho sự trở lại cuả họ tại Đông Dương sau đệ nhị thế chiến nên Thực dân Pháp đã ra tay, năm 1946 cho người ám toán cụ Khánh.

Cái tin cụ Khánh bị nguời ta hãm hại ấy thực ra cũng chỉ là lời xì xầm to nhỏ của nhiều người trong làng mà tôi từng được nghe. Chứ thực hư thế nào thì chưa có tài liệu chính thống nào kiểm chứng. Mãi sau này, vào mùa hè năm 1979, khi tôi đi tìm tài liệu quay bộ phim Tài liệu “Quê hương Bác Hồ” cùng với nhà quay phim kiêm đạo diễn nổi tiếng Nguyễn như Ái, tôi có buổi trò chuyện hiếm hoi với nhà nhiếp ảnh Vũ đình Hồng, xuất thân từ Lai xá, người có vinh dự nhiều năm sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, để chụp ảnh tư liệu về Bác, tôi vẫn gọi “chú Toan” như tên thời còn sống ở làng, ông lấy bà dì họ tôi, dì Niệm, nhà Hà nội ở số 3 Đường Trần Phú. Lần đó chú Toan ghé tai tôi nói nhỏ: “Thời chân ướt chân ráo Bác tới Pháp, từ hồi trước đệ nhất thế chiến ấy, để có thêm thu nhập Bác cũng từng làm nghề chấm ảnh như nghề của bố cháu ấy, ở hiệu ảnh cụ Khánh Ký làng ta ở Paris… … tới đầu năm 1946, Bác sang Pháp thì được tin sét đánh, cụ Khánh đã mất, người thầy dạy nghề ảnh, người ân nhân cũ không còn. Trước nấm mồ còn tươi màu đất, Bác không cầm được nước mắt, ngả mũ cúi khá lâu, như hứa hẹn với cụ Khánh và các bậc tiền nhân hết lòng vì độc lập tự do của tổ quốc, dân tộc để không làm hổ thẹn với anh linh các cụ nơi chín suối!” 

02_8.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh thắp hương viếng cụ Nguyễn Đình Khánh ở Paris -1946 – Nguồn: vapa.org.vn

Lời nói và những việc làm như thế cuả cụ Hồ, đã có tác động tích cực lôi kéo biết bao trí thức lớn Việt Kiều trở về đóng góp cho công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước những năm sau này.

Vào một mùa hè, có lẽ đã cách bây giờ tới 20 năm có lẻ, trong dịp đi làm phim Video truyền thống 45 năm cho trường Đại học Giao Thông Vận Tải Hà nội, khi vào TP Hồ Chí Minh quay phim, tôi có ghé thăm ngôi nhà thờ do người làng Lai sinh sống tại Sài Gòn lập ra mang tên “Hội Tương Tế Lai xá” ở bên kia cầu Bông quận Nhất. Tôi nhìn thấy trên ban thờ có một lọ đựng tro cốt có dòng chữ:

Cụ

Nguyễn Đình Khánh tức Khánh Ký

Sinh: Năm Giáp Tuất-1874

mất: Năm Bính Tuất-1946….

Bên cạnh còn có di ảnh cụ Khánh, loang lổ, mối xông. Ngước mắt lên nóc nhà, thấy rui mè cái mục, cái gãy, ngói xô dạt nhiều chỗ. Tôi hỏi bà già trông coi: “làm sao mà lại có các thứ này?”, trả lời: “người con trai cụ là Nguyễn Văn Quang, hiện còn sống bên Paris. Ông ấy phải vất vả lắm mới làm xong được các thủ tục khắt khe ở cả bên đó lẫn bên nhà mới đem được cốt cụ tổ nghề cuả làng về để nơi này!…”. Tôi cẩn trọng chỉ cho bà coi nhà chỗ các vết mối đang loang nhanh. Bà thanh minh, bà người làng thật, nhưng chỉ là người tới ở nhờ, nên không có tự quyết gì ở đây được cả. Tôi quay sang nói với ông Chương Huyền, bác họ, người đưa tôi tới đây: ” cháu muốn đưa ảnh về để nhờ anh Trú nhà ta chụp và chấm sửa lại, kẻo cứ đà này thì chả mấy bữa mà tiêu mất hết thôi”. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của ông bác họ, tôi mang di ảnh cụ Khánh về nhà. Về hiệu ảnh Ngọc Chương, số nhà 20 B phố Trần Quang Khải, thành phố Hồ Chí Minh vào một chiều mưa dông nhiệt đới mịt mù, mùa thu năm Canh Ngọ – 1990.

1274584052_01.jpg

Di ảnh Cụ Nguyễn Đình Khánh (Khánh Ký) 1874-1946

Trường hợp danh họa Nam Sơn tên thực là Nguyễn Vạn Thọ người làng Lai đã rõ. Cũng có những danh nhân khác ở thời tao loạn do cuộc sống phải trôi dạt mà biệt tích cho tới giờ mới hiển lộ chắc không hiếm. Như hoàn cảnh của nhà đạo diễn điện ảnh, nghệ sỹ nhân dân nổi tiếng Bạch Diệp chẳng hạn. Bà tên là Tâm. Nguyễn thị Thanh Tâm. Bà có nguyên quán cùng làng với tôi. Nhưng vào năm 1973, khi tôi vào học quay phim tại Trường điện ảnh VN thì các bạn cùng lớp, nghe thấy tôi khoe thế lại chế diễu: “đồ nhận vơ, thấy người sang bắt quàng làm họ”. Tôi cãi hăng, họ chỉ ngay bằng chứng là ông Thìn vừa là người bảo vệ, tuy chữ nghĩa nguệch ngoạc nhưng khá quan trọng vì ông là “đảng viên có thành phần lý lịch cơ bản” được đưa về trường làm việc sau đợt bà Bạch Diệp về “quê quán thị xã Hải Dương” làm bộ phim tốt nghiệp khoá học Đạo diễn điện ảnh. Phim mang tên: “Hải Dương quê tôi”. Trong phim có dựng một cảnh phải sử lý đạo cụ có khói lửa. Do sự bất cẩn cuả nguời phụ trách khói lửa nên ông Thìn, một diễn viên quần chúng tại địa phương, bị kíp mìn tiện đứt phăng cánh tay bên phải tận sát nách. Nhà trường phải chạy chữa, bồi thường vết thương cho ông Thìn khá chu tất nhưng phía đương sự vẫn “bắt đền” vì một cánh tay cuả ông ta vĩnh viễn không bao giờ mọc lại được như cũ nữa. Kết cục nhà trường phải chấp nhận cái ông “thương binh” bất đắc dĩ ấy về làm bảo vệ, kiêm giữ toàn bộ con dấu và hồ sơ phòng tổ chức hành chính quản trị. Thiếu cán bộ chuyên trách công tác đoàn thanh niên CS HCM, ông Thìn còn được đảng bộ giao thêm trọng trách phó bí thư đoàn trường.

Lại nói tiếp cái vụ cá cược “quê Hải Dương” cuả bà Bạch Diệp ấy, tôi bị thua đau vì ông Phó bí thư đoàn trường quyền lực ấy đã nhận “đồng hương” chắc nịch với bà Bạch Diệp mất rồi. Đã bao lần tôi lân la bắt chuyện làm quen với cô Tâm – Bạch Diệp, nhưng không bao giờ tôi thực hiện được vì cô bận, cô đang ăn nên làm ra về nghệ thuật, nên cũng không mấy để ý tới những người mới vào nghề như tôi. Vả lại tôi cũng chẳng trông thấy cô Diệp về thăm làng bao giờ, mặc dù từ nhà cô ở cửa Đông mà ghé qua làng có chưa đầy mười lăm cây số.. Ấy thế mà tôi với cô là người cùng làng, lại cùng cơ quan suốt ba năm liền cơ đấy! Viết lại những dòng này, tôi chả có ý trách cứ gì cô Bạch Diệp cả. Vì trong thâm tâm từ lâu, tôi luôn thắc mắc, có thật cái gò cỏ may úi sùi vất vả quê tôi đã sản sinh ra người nghệ sỹ tài giỏi, có qúa trình sáng tác liên tục và bền bỉ đến như vậy hay không?

diep.jpg

Nữ đạo diễn Bạch Diệp. Ảnh: Tiền Phong.

Ông Phạm Văn Quyên, người đã học và làm ảnh nhiều năm tại tiệm hình của bố cô Bạch Diệp kể lại: “cô chính là ái nữ nhà cụ Nguyễn Văn Chành (tức Hai Chành), nhà ở phố Lai, sát đường quốc lộ 32, phía khu đồng Sau Hàng, ở phía bắc của làng. Ông Chành là địa chủ khét tiếng, vì dữ đòn với nhiều tá điền làm thuê. Nhưng kể từ khi theo học xong lớp nhiếp ảnh do cụ Khánh Ký đào tạo ở Hà nội trở về thì có nhiều thay đổi. Ông bán hết ruộng đất lấy tiền mở hiệu ảnh lớn tại thị xã Hải Dương, ông có công lớn nuôi dưỡng và chắp cánh cho người nghệ sỹ nhân dân nổi tiếng sau này”. 

Thôi thế là cũng may cho cụ Hai Chành, may cho cô Tâm đã “Hải Dương quê tôi” để thoát được trận đấu tố địa chủ thuở nào để hun đúc nên một Bạch Diệp, người nghệ sỹ tài giỏi, qúi hiếm của công chúng cả nước hôm nay.

Hai người em họ của ông Nguyễn Văn Chành, có phần còn nổi tiếng hơn nhiều trong làng nghề. Đó là các “bậc đại gia với thương hiệu Phúc Lai” như câu thuyết minh trong một phim tài liệu đã trình chiếu rộng rãi trên truyền hình VTV4. Mặc dù đều cùng lò đào tạo Khánh Ký ra cả nhưng anh hai em nhà cụ Phúc Lai hơn người chính là ở cái đầu. Từ hồi còn chăn trâu cắt cỏ ở làng tôi đã nghe đồn đại nhiều giai thoại về đại gia đình này. Mặc dù ít chữ, nhưng gia đình Phúc Lai thời hậu Khánh Ký tại Việt nam là không ai không biết vì có nhiều hiệu ảnh ăn khách nhất ở xứ Đoài – Sơn Tây, ở Hà Nội, ở Hải Phòng, ở Đông Triều – Quảng Yên.

Vốn xuất thân từ nông dân, ít học, vừa làm ruộng vừa làm ảnh. Thoạt đầu ông Phúc Lai ruớc thầy địa lý giỏi về đi khắp nơi tìm long mạch, tìm huyệt đất đắc địa, đặt mộ Tổ. Thấy tiềm lực và tầm cỡ của đại gia đình ông có cơ phát về học vấn, ông bán hết ruộng đất cò con tại làng, không tiếc tiền, đầu tư tất cả cho con cái đi học các trường Tây nổi tiếng nhất, tốn kém nhất. Ông muốn cái nhãn mác Phúc Lai sẽ nổi tiếng khắp nước không chỉ là nghề ảnh mà vươn lên tới những chân trời khoa học, kinh tế lớn phục vụ đắc lực cho quốc kế dân sinh. Ông đã mua một khu trang trại rộng hàng trăm Héc-ta đất đẹp ở Đông Triều – Quảng Yên gần khu trang viên cũ (Lục Yên) cuả Hưng đạo Vương Trần Quốc Tuấn, thành lập đồn điền chăn nuôi các loại thú qúi hiếm, trồng rừng, săn bắn và hướng tới phát triển về du lịch sinh thái hấp dẫn khách thập phương.

Thầy tôi, lúc còn sống người đã từng học và là thợ ảnh kỳ cựu xuất sắc trong các tiệm hình cuả cụ Phúc Lai ở Hà Nội, Sơn Tây và Hải Phòng, cũng có xác nhận phần nào những huyền thoại này. Có lần ông nói nhỏ với tôi: “những người có cái nhìn xa trông rộng như cụ Đính (tên thật của cụ Phúc Lai) mà gặp thời thì phải biết. Ở cái làng mình, chả ai sánh được với cụ. Vụ đánh tư sản, diệt địa chủ khốc liệt năm nào đã phá tan biết bao dự định và ước mơ hoài bão của cụ. Bao nhiêu tài sản gom góp cả đời tiêu tan hết. Những năm cuối đời cụ cũng chẳng dám về làng, mà sống ẩn dật trong căn nhà cấp bốn cùng với một người con trai ở cái xóm lao động nghèo bên hồ Giảng võ lầm lụi ấy. Mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên mà “. Đó là những năm đất nước còn chưa thống nhất, lúc tôi vừa rời làng Lai ra Hà Nội học quay phim trường Điện ảnh. Vào tháng tư, năm 1973.

Mấy năm trở lại đây, qua báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng của đảng và nhà nuớc, tôi thấy nhiều lần nhắc tới tên của các nhà bác học đầu ngành về thiên văn và hoá học cuả Pháp là các giáo sư tiến sỹ Nguyễn Quang Riệu và Nguyễn Qúi Đạo. Đó là các nhà khoa học lớn tầm cỡ thế giới. Hai người anh em cuả họ, không sang Pháp mà học Y khoa trong nước, trong vùng tạm chiếm, sau này cũng thuộc lớp những con chim đầu đàn của ngành y tế nước ta đó là các giáo sư Nguyễn Quang Quyền và Nguyễn Quang Thành (giáo sư Thành là con cụ Phúc Lai Sơn Tây). Ba, bốn nhà khoa học lớn trên đều là con trai hai cụ Phúc Lai, đều do các cụ nuôi nấng chăm sóc nên người.

images654761_HXH.jpg

Cố GS Hoàng Xuân Hãn (phải) và GS Nguyễn Quang Riệu (trái) – Đài Thiên văn Paris – Meudon vào năm 1987-Nguồn: bee.net.vn

Thầy tôi biết khá kỹ cả bốn danh nhân nổi tiếng ấy ngay từ tấm bé, vì thời đó Thầy tôi học, làm ảnh và sống tại gia đình cụ Phúc Lai – Nguyễn Văn Đính thân thuộc như người trong một nhà. Mặt khác bà thím ruột của thầy tôi, cụ Lang Kiệu lại là người chị ruột hai cụ Phúc Lai. Và sau này cô Phạm Thị Qúi con gái rượu của cụ Lang Kiệu (Phạm Văn Khởi) lại là vợ cuả chú Hùng (bác sỹ Thành), một trong bốn nhà khoa học nổi tiếng đã nói ở trên. Ấy thế mà cho đến khi cụ Phúc Lai mất, tôi cũng chưa bao giờ được gặp cụ lần nào. Đơn giản cụ không bao giờ về làng nữa. Thảng hoặc nếu có, mà chốc nhát, đêm hôm (?) thì ai mà trông thấy được. Nghe thầy tôi nói, tướng mạo của cụ quắc thước lắm. Còn tiếng nói của cụ có âm vực vang như tiếng chuông. Đi đứng oai phong lẫm liệt.

Vậy mà:

Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng… đành bó tay!

(Còn nữa)

Gocomay

___________________________

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ