760 – Chó dại có mùa, người dại quanh năm

Nhà thủy toạ của Hãng Phim truyện đã có quyết định "tái thu hồi"...

Nhà thủy toạ của Hãng Phim truyện đã có quyết định “tái thu hồi”…

Hãng (Xưởng) Phim truyện ở số 4 Thụy Khuê Hà Nội. Mươi hôm nay thấy ồn ào chuyện “nhà thủy toạ” của hãng bị chính quyền Quận Tây Hồ ra quyết định thu hồi và cho đổ đất kè xung quanh.

Có người biết chuyện này đã trách: “Ai bảo ngu đem cho thuê làm quán ăn nhậu, khiến tụi quan tham ở Quận Tây Hồ nó ghen ăn, nó tái thu hồi, còn oan à?”.

Nhưng cũng có người thông cảm nói: “Thời trước hãng được nhà nước bao cấp 100%. Nay xoá bao cấp, hơn trăm nhân mạng còn sót lại của hãng chỉ được hưởng 50% mức lương cơ bản tối thiểu, không cho thuê, lấy đâu vốn mà sống thoi thóp…”

Là người trong cuộc (nay đã thành người dưng), thực tình nghe tin này cũng hơi buồn, định chôn sâu trong lòng. Thế mà suốt mấy ngày qua cứ ray dứt không yên. Đất nước bao nhiêu chuyện hệ trọng hơn nhiều. Vậy mà chỉ có hơn trăm mét vuông đất Nhà thủy toạ lại khiến tôi phải bận tâm như thế này?

"Anh cả đỏ" Phim truyện đã toạ lạc ở địa chỉ này từ sau 1954.

“Anh cả đỏ” Phim truyện đã toạ lạc ở địa chỉ này từ sau 1954.

Tiên trách kỷ hậu trách nhân

Hãng (Xưởng) Phim truyện VN ở số 4 Thuỵ Khuê Hà Nội xứng đáng được mệnh danh là “anh cả đỏ”. Vì ở đó không chỉ sản sinh ra nhiều nghệ sĩ lừng danh của nên điện ảnh cách mạng VN. Mà nơi đây còn đắc lực nhất trong việc làm ra những bộ phim mang tính “Hiện thực XHCN” (tuyên truyền) đắc lực cho sự nghiệp của đảng. Từ “Chung một dòng sông”; “Chị Tư Hậu”; “Chim vành khuyên”. Cho tới “Sao Tháng 8”; “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”; “Ngày lễ thánh”… Đó là những phim đã được vinh danh trong các kỳ Liên Hoan Phim quốc gia. Vì nó vừa đạt yếu tố “Chủ nghiã hiện thực phải đạo” (chữ của Hoàng Ngọc Hiến) lại cũng có cả chất thơ của một thời lãng mạn của các nghệ sỹ trưởng thành trong công cuộc đánh đuổi thực dân giành độc lập cho đất nước.

Nhưng cái dở rất cơ bản của “anh cả đỏ” là không biết thu nạp người tài và đào tạo đội ngũ kế cận nên đã không theo kịp và hội nhập trong giai đoạn đất nước mở cửa ra với thế giới bên ngoài.

Ở bài viết: Ta tỉnh phim trường ngả nghiêng say (*) hồi tháng 8 năm ngoái, tôi đã giãi bày phần nào cái thực tế đắng cay mà tôi đã trải nghiệm và chứng kiến. Nó không chỉ là nỗi đau của một con người cụ thể nào. Mà chính là sự bất hạnh của cả thế hệ chúng tôi. Cả thế hệ trước và sau chúng tôi nữa. Chỉ khác, có người thì nhận ra. Người thì không, hoàn toàn không. Ví dụ nhỏ, như chị Ngát (Nhà phim Hồng Ngát) chẳng hạn, thấy chị xót xa cho “anh cả đỏ” nơi chị đã từng làm giám đốc.

Nhà phim Hồng Ngát - nguyên Cục phó Cục ĐAVN

Nhà phim Hồng Ngát – nguyên Cục phó Cục ĐAVN

Song thử nghe lại chút khẩu khí của chị xem sao?

Trong một cuộc phỏng vấn của phóng viên Evan Williams đài truyền hình ABC bên Úc (lúc chị Ngát còn đương chức Cục phó Cục Điện ảnh VN). Được hỏi về mối quan hệ giữa nghệ sỹ (dân) với chế độ (đảng), chị đã không hề ngượng mồm bằng câu thế này: “Con cái không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”… 

Liệu có tấm lòng trung trinh nào với bề trên (đảng) hơn được thế nữa không?

Cho nên, trong lúc kinh tế suy thoái, đảng và nhà nước (chính quyền Quận Tây Hồ) – vai bố mẹ đang tranh thủ kiếm chác chuyến tàu vét, muốn giật lại cái miếng ăn (dù là rất còi) của các nghệ sỹ – vai con cái. Nỡ lòng nào chị Ngát và các nghệ sỹ lại khước từ?

Ai dám bảo đảng và nhà nước (bố mẹ) không quan tâm tới các nghệ sỹ (con cái)? Khi biết bao nhiêu huân huy chương, giải thưởng như các giải Bông sen; Cánh diều. Lớn hơn các Giải thưởng Nhà nước; Giải thưởng Hồ Chí Minh đấy thôi! Có đảng và nhà nước nào trên hành tinh này lại ưu ái các nghệ sỹ được nhiều như vậy?

Chuyện hợp tan của một hãng xưởng xem ra cũng có gì là lớn lắm đâu. Như cô gái xưa long lanh sắc nước hương trời, nay hết xuân, chả nhẽ cứ bắt thiên hạ thần tượng và tung hô mãi? Với cơ chế thị trường minh bạch, không ăn nên làm ra, thì dẹp tiệm là đúng với qui luật. Cũng như hết hươu nai rồi thì chó săn và cung nỏ cần gì nữa. Chả nhẽ cứ phải bảo trì và nuôi báo cô mãi à?

Nếu biết lo xa, “anh cả đỏ” phải lo trồng người không chỉ cho mươi năm mà cho cả trăm năm sau ấy chứ! Thử hỏi, từ khi chị Ngát được bác Điềm (nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, cùng cạ) cất nhắc lên lãnh đạo ngành ĐAVN chị đã “trồng” được bao nhiêu “người” cho tương lai? Nếu có người nói, chính những người như chị đã (vô tình) góp phần làm nên bi kịch của Hãng Phim truyện như ngày nay. Thì chị nghĩ sao?

Nhậu lẩu cá ở nhà hàng "Vọng Ba Lâu" (Thủy toạ Phim truyện - 2006) - Từ phải sang trái: Nguyễn Văn Thọ, Gocomay; Trịnh Lê Văn, Nguyễn Thước và Lê Chương.

Nhậu lẩu cá ở nhà hàng “Vọng Ba Lâu” (Thủy toạ Phim truyện) – Từ phải sang trái: Nguyễn Văn Thọ, Gocomay; Trịnh Lê Văn, Nguyễn Thước và Lê Chương.

Riêng tôi, rất thông cảm với chị. Bởi nghĩ, nếu mình ở vào hoàn cảnh ấy, chắc gì đã làm khác được. Cũng như chị, dù rất thương bà con dân oan ở Văn Giang quê chị (**). Nhưng chắc gì chị đã dám về với bà con hay lên tiếng một cách mạnh mẽ như cụ Đức (Lê Hiền Đức), khi sắp lên sân khấu Nhà Hát lớn nhận giải thưởng nhà nước cho kịch bản phim (nghe bà con bên Quê Choa kháo nhau, nói kịch bản phim Canh Bạc là chị cầm nhầm cốt chuyện ở một bài đăng báo của người bạn thân với Bọ Lập?)

“Anh cả đỏ” ơi anh đã chết thật chưa?

Cách đây 2 tháng, tình cờ đọc được bài của đạo diễn Phạm Lộc, người đã có hơn 30 năm công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam trên Vietnamnet có nhan đề mà cũng là câu hỏi: Hãng phim truyện Việt Nam bao giờ giải thể? (***)

Bảng qui hoạch của Ban Quản lý Quận Tây Hồ

Bảng qui hoạch của Ban Quản lý Quận Tây Hồ

Nhưng ai trả nhời? Chả có ai. Chả ai (kể cả bậc phụ mẫu trên thượng tầng) lại đi dây với “anh cả đỏ” nổi tiếng cả về công và thần cho mang tiếng ác “vắt chanh bỏ vỏ”. Cứ để cho cái đám “con không chê cha mẹ khó…” ấy dở sống dở chết mà vẫn không dám phản chủ như thế mới cao tay.

Cho đến một ngày đẹp trời, chịu không thấu, tự chúng mày dắt díu nhau nhảy xuống Hồ Tây lặn không sủi tăm như đàn trâu vàng trong truyền thuyết năm xưa ấy. Ngày đó chắc không còn xa đâu. Bởi cái “vườn hoa dân oan” (Mai Xuân Thưởng và Lý Tử Trọng) đang chật chội lắm rồi. Nếu có thêm 5000 m² đất vào loại “kim cương” của “anh cả đỏ” tự nộp mạng nữa cho đỡ khuất tầm nhìn của nhà tổ (Văn phòng Chính phủ) trông ra Hồ Tây thơ mộng! Ngu gì mà không ham? Dại gì mà thoái thác? Khi các nghệ sỹ nhớn đều nhất mực tin rằng hết thảy mọi việc “đã có đảng và nhà nước lo”. Nên đa phần đều lơ ngơ như “bò đội nón”. Hoặc đã, đang và sẽ đê mê bởi các đấng phụ mẫu hào phóng đưa vào thế “xôi chùa ngọng miệng” thì còn ý kiến ý cò cái nỗi gì?

Gocomay

(*664  Ta tỉnh phim trường ngả nghiêng say    –   https://gocomay.wordpress.com/2011/08/11/664-ta-t%E1%BB%89nh-phim-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-ng%E1%BA%A3-nghieng-say/

(**732 – Thương “dòng sông Văn“ quê hương chị Ngát!      https://gocomay.wordpress.com/2012/05/04/732-thuong-dong-song-van-que-huong-chi-ngat/

(***) Hãng phim truyện Việt Nam bao giờ giải thể?  – http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/87099/hang-phim-truyen-viet-nam-bao-gio-giai-the-.html

________________________

758 – Lạm bàn về chữ tâm, chữ tài trong nghề làm phim

IMG_1170

Chẳng cứ nghề làm phim, làm bất cứ công việc gì mà chả cần sự khéo tay hay mắt. Cao hơn là có cả tâm lẫn tài thì kết qủa mới viên thành được.

Haniff 2 (Hanoi International Film Festival 2 – Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần 2) đã khép lại. Dù không được xem phim, nhưng tôi cũng theo dõi khá sát những sự kiện của Haniff suốt mấy ngày qua.

Cảnh trong phim Shackled (Bị còng tay) của Philippines - Phim truyện xuất sắc nhất Haniff 2

Cảnh trong phim Shackled (Bị còng tay) của Philippines – Phim truyện xuất sắc nhất Haniff 2

Trong hội thảo, các nhà làm phim Việt thì sa đà nhiều vào những vấn đề, vốn gây mất thì giờ và vô bổ suốt mấy năm nay: phim tư nhân – phim nhà nước; phim thị trường – phim nghệ thuật, phim khán giả – phim giải thưởng. Để rồi trở thành đối lập giữa một phe “tư nhân, thị trường” và phe kia “nhà nước, nghệ thuật”. Không bên nào chịu bên nào.

Những tranh cãi ấu trĩ đó, lẽ ra không nên có ở một sự kiện mang tầm quốc tế trọng đại như Haniff 2. Bởi suy cho cùng, mẫu số chung của tác phẩm của mọi nền điện ảnh là làm sao làm phim cho hay để vừa kéo được đông đảo khán giả tới rạp. Lại lọt được vào mắt xanh của nhiều liên hoan phim lớn danh tiếng trên thế giới.

Cliff Curtis, diễn viên, nhà làm phim độc lập Hollywood

Cliff Curtis, diễn viên, nhà làm phim độc lập Hollywood

Trong tất cả những ý kiến của khách mời, có 2 ý kiến tôi cho là rất chí lý. Đó là lời của nam diễn viên gốc Ả Rập, người đã rất thành công tại Hollywood trong thời gian qua ở cả các vai diễn lẫn vai trò nhà làm phim độc lập. Curtis đã trải lòng mình với các đồng nghiệp VN như sau: “Muốn bán được phim ra nước ngoài, các bạn phải làm phim về những câu chuyện của chính mình, về văn hóa, cuộc sống riêng ở nước bạn. Hãy kể chúng theo cách mà người nước khác có thể hiểu được. Học hỏi kinh nghiệm từ các nền điện ảnh lớn là cần thiết, nhưng các bạn đừng rập khuôn theo Hollywood, đơn giản là các bạn sẽ không làm được như họ”.

Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh

Đạo diễn – NSND Đặng Nhật Minh

Tương tự như vậy, đạo diễn-NSND Đặng Nhật Minh còn cụ thể hơn bằng những lời thẳng thắn: “Tôi rất ngưỡng mộ điện ảnh Iran. Họ biết cách kể cho thế giới nghe những câu chuyện rất đỗi đời thường của họ một cách hay, hấp dẫn và lạ. Trong khi điện ảnh thế giới đang hướng tới những nét đặc trưng, riêng biệt, độc đáo của văn hóa bản địa, dân tộc bản địa, điện ảnh chúng ta lại thích bắt chước, thích được gọi là hội nhập, thích vươn tới quốc tế bằng những chiêu trò, bằng những câu chuyện nửa Tây nửa Ta với biệt thự, siêu xe, chân dài… Hãy bắt đầu từ những câu chuyện gần gũi, giản dị nhất. Ngoài kia, bao nhiêu người nông dân đang mất đất. Ngoài kia, còn bao cảnh đời “không biệt thự”, “không siêu xe”. Bộ phim hay không thể đến từ đồng tiền, bộ phim hay phải được làm ra từ chữ tâm, chữ tài của đạo diễn”. (*)

Qủa đúng như nhị vị đã nói, nếu cứ mải đua đòi cách làm rập khuôn theo Hollywood, cứ chạy theo những biệt thự, siêu xethì hàng trăm năm nữa điện ảnh Việt sẽ cứ lẹt đẹt mãi, chẳng thể mở mày mở mặt được.

Không cần nói đâu xa, như nền điện ảnh của Iran đấy! Một nền sản xuất điện ảnh nghèo nàn, thiếu thốn kinh phí làm phim, cùng bao giới luật khắt khe của tôn giáo. Lại luôn gây bất ngờ tại các lễ trao giải, luôn mang đến cho người xem những tác phẩm đầy ý nghĩa nhân văn: Phim Taste of Cherry (Hương vị anh đào) đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes năm 1997. Phim Le Cercle đoạt giải Sư tử vàng năm 2000 tại LHP Venice. Năm 2006, phim Offside (Việt vị) đoạt giải Gấu bạc… Với nhiều đạo diễn, diễn viên tài danh khác của nền điện ảnh Iran đã từng được vinh danh trên trường quốc tế. Lần lượt những bộ phim của Iran đã khiến thế giới phải sửng sốt.

Pleas đạo diễn bộ phim A Separation giành Oscar 2012 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất

Pleas – đạo diễn Iran – phim A Separation giành Oscar 2012 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất

Đặc biệt phim A Separation (Ly thân) giành giải Oscar 2012 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Đây là lần đầu tiên điện ảnh Iran được vinh danh tại một giải thưởng điện ảnh uy tín nhất hành tinh, vượt mặt tất cả những ông lớn khác trong làng điện ảnh thế giới. Tại lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 69, phim cũng giành chiến thắng ở hạng mục phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, tại LHP Berlin lần thứ 61, A Separation cũng đoạt giải Gấu Vàng.

Bộ phim “A Seperation” kể về câu chuyện xoay quanh những nảy sinh, rạn nứt của hai gia đình thuộc hai tầng lớp ở Iran, với những điều quen thuộc trong đời thường: sự bất đồng của một cặp vợ chồng trung lưu trong tổ chức cuộc sống; thất nghiệp, sự căng thẳng mưu sinh của một cặp khác thuộc tầng lớp khó nhọc hơn. Họ được đưa đẩy đến với nhau trong mối quan hệ giữa người chủ và giúp việc. Hiểu lầm, mâu thuẫn nổ ra dẫn tới việc phải đưa nhau ra công đường, nhờ pháp lý can thiệp… Nhưng tính nhân văn của phim thể hiện ở chỗ mọi nhân vật dù mâu thuẫn đẩy tình huống gay cấn đến đâu thì trước đức tin và nhân tính bản thiện, họ đều biết cách trở về với chân giá trị, với sự thật. Như lời thề đạo giáo, như lời hứa của người cha trước cái nhìn đẫm nước mắt của cô con gái…

Với trang phục truyền thống kín đáo, thành viên BGK Haniff 2: Diễn viên người Irab - Taraneh Alidoosti (sinh 1984) dường như trở nên “nổi tiếng” hơn và nhận được sự quan tâm của đông đảo khách mời, các tình nguyện viên và đặc biệt giới báo chí.

Với trang phục truyền thống kín đáo, thành viên BGK Haniff 2: Nữ diễn viên Iran – Taraneh Alidoosti (sinh 1984) dường như trở nên “nổi tiếng” hơn và nhận được sự quan tâm của đông đảo khách mời, các tình nguyện viên và đặc biệt giới báo chí.

Một câu chuyện nhỏ nhưng sức lay động lớn, tất cả được chạy trên nền bối cảnh văn hóa truyền thống của dân tộc Iran. Một câu chuyện kể mộc mạc bằng điện ảnh chứ không cần qúa nhiều lời thoại rườm rà của các nhân vật.

Những bộ phim như thế có cần quá nhiều tiền không?

Trở lại với ý kiến của đạo diễn Đặng Nhật Minh: Hãy bắt đầu từ những câu chuyện gần gũi, giản dị nhất. Ngoài kia, bao nhiêu người nông dân đang mất đất…

Họ có phải là nhân vật xứng đáng được điện ảnh Việt để mắt tới hay không?

Bà con Văn Giang đang thuật lại cảnh bị cướp đất với khách tới thăm...

Bà con Văn Giang đang thuật lại cảnh bị cướp đất với khách tới thăm…

Vậy mà hôm 18/11/2012 vừa rồi, những người nông dân Văn Giang “yêu đất“ trịnh trọng mời các đại biểu QH về mục sở thị cảnh “mất đất“ vô lý của bà con. Song các đại biểu chưa thực sự là đại diện cho dân nên lảng hết. Không biết có nhà biên kịch nhà đạo diễn ĐAVN nào “xé rào“ (như người mẫu Hồng Quế “xé rào“ vào Haniff 2, hôm khai mạc) về với bà con? Đọc bài Văn Giang: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (**) của cựu phóng viên báo Nhân dân Nguyễn Đình Ấm mà mắt tôi nhoà lệ. Chắc chị Ngát (nhà biên kịch – nhà Film Hồng Ngát), chôn nhau cắt rốn tại “dòng sông Văn“ (***)- Văn Giang còn thương xót những bà con yêu đất nhiều hơn tôi? Vậy còn đợi gì mà không mần một kịch bản cho ra trò về những mảnh đời bất hạnh sống chết với mảnh đất của tổ tiên?

Cảnh cưỡng chế đất ở Văn Giang ngày 24/4/2012

Cảnh cưỡng chế đất ở Văn Giang ngày 24/4/2012

Đảm bảo những bộ phim chẳng cần biạ tạc hay hư cấu như ở Văn Giang hôm 24/4. Hoặc trước đó, “trận đánh hay có thể viết thành sách“ ở Đầm Vươn, Tiên Lãng hôm 5/1/2012 ấy! Chắc chắn phim sẽ đậm nét văn hóa, cuộc sống riêng của xứ sở Việt mà không nơi nào trên thế giới sánh được!

Vậy đừng mất thì giờ nhiều để tranh cãi về phim “tư nhân ” hay phim “nhà nước”; phim “nghệ thuật” hay phim “thị trường” mà làm gì. Xin các nghệ sỹ có tâm có tài của ĐAVN hãy bắt tay ngay vào làm phim kể về những người nông dân yêu đất gần gũi, giản dị của quê Việt ta theo cách mà người nước khác có thể hiểu được như lời khuyên chân thành của các bậc tiền bối về nghề đi. Dứt khoát những đề tài mang hơi thở của cuộc sống đương thời đó sẽ độc đáo, mới lạ và rất nhân bản. Chỉ tới khi “chúng ta đi đến tận cùng nước mắt, nụ cười của dân tộc mình chúng ta sẽ gặp nhân loại.” Như lời nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm vừa phát trong hội thảo.

Trong lúc đang thiếu vốn như hiện nay, thiết nghĩ bài học qúi báu của xứ sở nổi tiếng về chuyện kể ngàn một đêm lẻ nhưng công nghệ điện ảnh còn khá khiêm nhường. Nền điện ảnh Iran chính là tấm gương sáng giúp ĐAVN của chúng ta học hỏi và sớm khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng khán giả Việt và thế giới!

Gocomay

(*) Những chuyện ghi lại từ phía sau thảm đỏ – http://dantri.com.vn/van-hoa/nhung-chuyen-ghi-lai-tu-phia-sau-tham-do-668411.htm

(**) Văn Giang: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” –  http://anhbasam.wordpress.com/2012/11/28/1420-van-giang-nhung-dieu-trong-thay-ma-dau-don-long/

(***) 732 – Thương “dòng sông Văn“ quê hương chị Ngát !https://gocomay.wordpress.com/2012/05/04/732-thuong-dong-song-van-que-huong-chi-ngat/

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ