357-Nghề “câu xác” người chết ở Trung Quốc

Vớt xác chết trên sông Hoàng Hà

CHANGPO, Trung Quốc (McClatchy Newspapers) – Từ căn chòi bắc ra sông Hoàng Hà, Wei Jinpeng chỉ xuống ao nước phía dưới và bắt đầu đếm những gì ông kéo về được. Ông ngừng lại ở số sáu, đoán rằng có lẽ còn đâu đó một chục xác còn đang dật dờ dưới làn nước đục.

Xác người nổi trong chiếc ao nhỏ cạnh sông Hoàng Hà gần làng Changpo Village thuộc tỉnh Cam Túc. Ông Wei Jinpeng sống nhờ việc câu xác và đòi tiền chuộc từ các gia đình đến nhận về. (Hình : Tom Lasseter/MCT)

Các xác chết này nổi lềnh bềnh, mặt úp xuống nước và được cột bằng dây thừng để khỏi trôi đi mất, chân tay, mông, dính bùn đất của họ trồi lên khỏi mặt nước.

Wei là người chuyên đi câu xác chết. Ông quan sát mặt sông để tìm các xác chết, chèo chiếc xuồng nhỏ ra để kéo vào bờ rồi sau đó đòi tiền từ gia đình người quá cố đi lấy xác về. Ông Wei cho hay ông phải giữ cho mặt các xác chết chìm xuống nước để không bị biến dạng. Sự không rõ ràng về nhân dạng sẽ làm cho ông khó khăn trong việc đòi tiền thưởng.

Ông Wei chẳng quan tâm tại sao các xác chết trôi đến nơi này, nhưng ông cũng nghe nhiều câu chuyện đồn thổi nhiều năm qua từ thân nhân đến nhận xác, những câu chuyện của người dân bình thường bị kẹt trong sức ép ghê gớm của sự phát triển kinh tế ở Trung Quốc.

Trong khi một số trong khoảng từ 80 đến 100 xác ông Wei vớt mỗi năm là nạn nhân của tai nạn và lụt lội, ông nghĩ rằng phần lớn là do tự tử hay bị thủ tiêu. Tự tử hiện là nguyên do hàng đầu về tử vong trong giới phụ nữ ở nông thôn Trung Quốc, và 26 phần trăm các vụ tự tử trên thế giới xảy ra ở quốc gia này, căn cứ theo dữ kiện của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization WHO).

Phần lớn các xác có vẻ trôi xuống hạ nguồn từ Lan Châu (Lanzhou), thủ phủ tỉnh Cam Túc (Gansu) ở vùng Tây Bắc Trung Quốc.

Trong thành phố đây những cao ốc mới, được xây lên bởi sức lực của thành phần lao động nhập cư từ xa đổ tới, làm việc không có sự bảo vệ nào, và giới doanh gia ở đây cũng nổi tiếng là làm ăn trái luật.

Công việc của những người “câu xác” bắt đầu được sự chú ý của truyền thông Trung Quốc thời gian gần đây, kể cả việc trình chiếu cuốn phim tài liệu về cả một gia đình sống bằng nghề này, gần chỗ của ông Wei. Một tờ báo tiếng Anh ở đây gọi nghề này “sống nhờ người chết”; tờ báo cho hay đoàn làm phim thấy gia đình này vớt được xác hầu như mỗi ngày.

Nơi ông Wei chọn làm chỗ câu xác cách Lan Châu khoảng 18 miles (chừng 30 km). Khúc quành của dòng sông và một đập thủy điện làm chậm luồng nước, khiến các xác chết có cơ hội nổi lên.

Những gia đình đến nhận xác thầm thì kể với họ nhiều điều, như câu chuyện một ông bố, làm không đủ tiền nuôi gia đình, tự tử bằng cách nhảy từ trên cầu xuống sông. Ông Wei cũng vớt được các xác bị bịt miệng, trói tay chân, chỉ dấu nạn nhân của thành phần băng đảng và công an ăn tiền để giết người. Và cũng có xác của các cô gái trẻ không ai đến nhận, những xác mà sau cùng ông Wei phải cắt dây thả trôi trở lại trên dòng sông.

“Phần lớn xác không có thân nhân đến nhận là của các nữ công nhân nhập cư ở các nơi khác đổ về Lan Châu,” theo ông Wei.

“Ða số họ bị giết… Gia đình họ không hề hay biết; vẫn cứ nghĩ họ đang làm việc ở Lan Châu.”

Các gia đình đi tìm xác người thân thường phải làm điều này mà không có sự trợ giúp của công an, và do đó thường phải mặc cả với những người câu xác như ông Wei về giá của xác chết.

Một bài đăng trong tạp chí thương mại ở Lan Châu năm 2006 kể lại việc một công ty địa phương nhận được điện thoại từ một người câu xác, cho hay tìm thấy một thi thể trôi trên sông có mang thẻ nhân viên của công ty.

Khi một đại diện công ty đến nơi để nhận xác, ông ta được cho hay là sẽ phải trả 200 yuan (khoảng $30) để nhìn mặt và 6,000 yuan ($895) để mang xác đi. Hai bên cò kè với nhau, cuối cùng đồng ý với giá 4,000 yuan ($597). Bài báo gây sự căm phẫn trong dư luận và cho biết cảnh sát hứa sẽ dẹp bỏ tình trạng này, nhưng bốn năm trôi qua vẫn không có gì thay đổi.

Trong khi đó, việc câu xác đang là một dịch vụ phát triển mạnh trong tỉnh Cam Túc, với các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo tên và số điện thoại của họ bằng cách viết lên tường của các căn nhà gần bờ sông.

Người dân nơi đây cho hay họ biết giới câu xác lợi dụng thời cơ để bắt chẹt gia đình người quá cố nhưng cũng đành chịu vì chính quyền không lo được vấn đề này.

Theo McClatchy Newspapers (V.Giang dịch)

_________________________

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ