833 – Vài nét về lịch sử Lễ Hội Halloween

11220472_501422650017640_2851065253823958244_nNgày lễ Halloween nhằm ngày 31 tháng mười dương lịch. Ngày lễ này thực ra phải được coi như ngày Hội Halloween hay ngày Tết Halloween bởi vì nó vô cùng ấn tượng. Nhất là đối với trẻ em.

Tối hôm trước của ngày lễ Halloween, tức là 30 tháng 10, được gọi là “đêm ma quỉ” (devil’s night). Ngày này các thanh thiếu niên thường hay phá phách mà không bị bắt tội. Nên các nhân viên công lực khá vất vả để giữ trật tự an ninh trong “đêm ma quỉ.” Các bậc phụ-huynh cũng được nhắc nhở canh chừng con trẻ trong đêm kinh hoàng này.

Tết Halloween bắt nguồn từ ngày lễ “The Celtic Festival of Samhain” của dân-tộc Celts. Dân tộc Celts sống cách đây khoảng hai ngàn năm ở phần đất bây giờ gọi là nước Anh (Great Britain), Ai-Nhĩ-Lan (Ireland), và phía bắc nước Pháp (France). Tết của dân tộc Celts nhằm ngày 1 tháng 11 dương lịch. Buổi lễ “The Celtic Festival of Samhain” được tổ chức vào tối đêm trừ tịch, đêm trước của năm mới, tức là 31 tháng 10 dương lịch để tưởng nhớ và vinh danh Thánh Samhain, vị chúa tể cai quản những linh hồn người chết. Người Celts tin rằng Thánh Samhain cho phép các linh hồn người chết trở về dương thế thăm gia đình và ăn tết vào đêm trừ tịch trong ngày tết của họ.

Vào năm 43 dương lịch, dân tộc Celts bị người La Mã chinh phục và cai trị trong khoảng 400 năm. Thời kỳ này, hai ngày Hội Mùa Thu của người La Mã với ngày hội kỷ niệm Thánh Samhain của dân tộc Celts có chung một thời điểm. Một trong hai ngày Hội Mùa Thu này có tên là Feralia được tổ chức vào cuối tháng 10 dương lịch để vinh danh người chết. Ngày hội thứ hai dùng để vinh danh Thần Pomona, tức là Nữ Thần Hoa Quả và Cây Cối.

Nhà thờ Thiên Chúa Giáo lấy ngày 1 tháng 11 dương lịch để thiết lập Ngày Các Chư Thánh (All Saints’ Day). Ngày này là một ngày linh thiêng để vinh danh các Thánh của đạo Thiên Chúa, đặc biệt đối với những Chư Thánh không có ngày dành riêng để kỷ niệm.

12186847_501422656684306_8609408550446014459_oỞ Anh trước đây, đêm Halloween đã từng được gọi là “Nutcrack Night” hay “Snap Apple Night” tức là một đêm dành cho gia đình ngồi bên đống lửa hồng để nghe kể chuyện, ăn các hạt trái cây và táo.

Vào Ngày Các Chư Thánh, những người nghèo đi ăn xin, tiếng Anh gọi là A-Souling, thường được người ta cho một thứ bánh gọi là bánh linh hồn (soulcakes) với điều kiện là những người ăn mày này phải cầu nguyện cho người chết.

Khi người Tô-Cách-Lan (Scots) và người Ai-Nhĩ-Lan (Irish) đến định cư ở Bắc Mỹ, họ mang theo những phong tục của họ. Tuy nhiên, ở Bắc Mỹ, Tết Halloween mới được thịnh hành kể từ thế kỷ thứ 18 trở đi mà thôi.

Các trò chơi trong ngày Tết Halloween, “Trick-or Treating” được coi là một trò chơi chính của trẻ nhỏ. Các em trong các bộ trang phục hóa trang truyền thống và đeo mặt nạ, đi từ nhà này qua nhà khác, gõ cửa để gặp chủ nhà và nói “trick-or-treat.” Câu này có nghĩa là: “Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi”. Ngay lập tức chủ nhà đãi chúng kẹo, bánh trái, và đôi khi cho cả tiền nữa.

Trong ngày Tết Halloween mỗi nhà thường trang trí cây đèn lồng làm bằng quả bí ngô pumpkin. Người ta mua những quả pumpkin về khoét rỗng ruột, đẽo vỏ ngoài thành hình một cái mặt có đủ mắt mũi mồm để khi đốt nến (đèn cầy) bên trong, ánh sáng có thể tỏa ra giống như cây đèn. Cây đèn làm bằng quả bí pumpkin trong ngày Tết Halloween được gọi là Jack-o’-Lantern. Có nhiều người mua cây đèn Jack-o’-Lantern làm bằng nhựa màu vàng da cam có bán sẵn ở các cửa tiệm.

Ngày xưa ở Anh và Ai-Nhĩ-Lan, người ta dùng củ cải đỏ, khoai tây và củ cải tây để làm lồng đèn trong ngày Tết Halloween. Sau khi phong tục này được du nhập vào Bắc Mỹ, những quả bí ngô pumpkin mới bắt đầu được sử dụng làm lồng đèn như hiện nay.

12189191_501422880017617_5133045481149276814_oTheo chuyện thần-thoại Ai-Nhĩ-Lan, Jack-o’-Lantern là biệt hiệu của một người đàn ông tên là Jack. Anh Jack này khi chết không thể lên thiên đàng vì lúc còn sống anh là người bần tiện và bủn xỉn. Anh ta cũng không thể xuống địa ngục vì anh ta đã chế riễu quỉ sứ ma vương. Bởi vậy linh hồn anh chàng Jack phải đi lang thang trên dương thế với cái đèn lồng cho đến Ngày Phán Xử (Judgment Day).

Theo sách Tân-Ước (New Testament), Ngày Phán Xử là ngày tận cùng của một thời đại. Theo Gospels và sách Book of Revelation, vào ngày này quả đất và bầu trời ở trong tình-trạng ồn ào hỗn độn, người chết trỗi dậy từ những nấm mồ, và Chúa Jesus hiện ra để phán xét hạnh kiểm tất cả những người sống cũng như người chết. Chúa xem xét những hành động mà con người đã làm cho nhau, cả điều tốt cũng như điều xấu.

Halloween cũng là dịp dùng thuật bói toán để đoán tương lai. Phong tục này đã hình thành ở Âu Châu từ hàng trăm năm trước đây. Người ta lấy những đồng tiền xu, nhẫn đeo tay và cái đê (cái đê dùng để đeo ở đầu ngón tay trong khi khâu cho kim khỏi đâm vào), đem bỏ vào bánh nướng hay đồ ăn khác. Với niềm tin rằng trong khi ăn, nếu ai ăn trúng vào cái bánh trong có đồng tiền xu sẽ trở nên giầu sang, gặp chiếc nhẫn sẽ sớm có vợ hay chồng và gặp cái đê sẽ ở góa suốt đời. Ngày nay, ngoài cách bói toán cổ truyền trên, người ta còn dùng phương pháp bói bài Tây hay xem chỉ bàn tay để đoán tương lai trong dịp Tết Halloween.

Tục lệ đoán vận mệnh tương lai được sử dụng trong trò chơi thi nhau cắn quả táo treo ở đầu một sợi dây hay thi nhau cắn quả táo được thả trong chậu nước vào ngày lễ Halloween có thể có xuất xứ từ ngày Hội Mùa Thu mà ra. Trò này bắt đầu ở Anh sau lan ra các nơi. Ngày nay người ta còn gắn tiền vào quả táo để tưởng thưởng cho ai cắn được táo. Nhiều người còn tin là vào ngày Tết Halloween, ma quỉ đi lang thang khắp nơi trên dương thế và các mụ phù thủy cũng họp nhau vào ngày 31 tháng 10 dương lịch. Đối với những người không mê tín dị đoan, họ vẫn coi những trang phục có vẽ hình dáng phù thủy và ma quỷ là tượng trưng cho Halloween.

905556_501423443350894_4957773484273010361_oTrong Tết Halloween, người ta cầu nguyện cho những người chết giống như trong tục lệ Tết Trung Nguyên, tức là Tết Rằm Tháng Bảy hay Lễ Vu Lan. Vì cả hai đều là ngày để người ta tưởng nhớ và vinh danh người đã chết. Tết Halloween cũng là dịp để trẻ em vui chơi thỏa thích giống như ngày Tết Trung Thu của ta.

Văn-hóa Đông và Tây gặp nhau ở một điểm là đều công nhận có linh hồn sau khi người ta chết. Nếu như bên ta cúng lễ, cầu siêu, đọc kinh báo hiếu cũng như đốt vàng mã cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên hay cầu nguyện cho những linh hồn của người vô thừa nhận vào dịp Tết Trung Nguyên. Thì ở Âu Mỹ phần lớn theo đạo Thiên Chúa cũng mang hoa tươi, đèn nến ra mộ cầu nguyện cho thân nhân đã qúa vãng.

Người Tây Phương vì quá bận rộn với đời sống vật chất cá nhân nên đời sống đại gia đình có vẻ lỏng lẻo. Chính vì thế người ta mới đặt ra “Ngày của Bố” (Father’s Day) và “Ngày của Mẹ”(Mother’s Day) để tri ân bố mẹ ngay từ khi đang tại thế. Còn quê Việt ta thì tuần rằm giỗ tết nào cũng có nội hàm báo hiếu cho bố cho mẹ ông bà tổ tiên đã khuất mà không có ngày đặc biệt nào dành cho bố cho mẹ đang sống như người ở Âu-Mỹ. Nhưng xu thế toàn cầu hóa, dần dà người Việt cũng biết tiếp thu những cái hay của thế giới. Do đó hiện nay, ngoài mùa Vu Lan báo hiếu (Tết Trung Nguyên), người Việt cũng bắt đầu tri ân các bậc sinh thành ngay từ khi đang còn vào các ngày “Mother’s Day” và “Father’s Day” nữa. Nhờ đó các bậc làm cha mẹ cũng được an ủi phần nào trong thời buổi “văn-minh vật chất làm mờ phai nhân nghiã cương thường” này.

Gocomay

  • Tham khảo nguồn: Vietsciences-KCPKT
  • Foto: safaripark.de
Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ