802 – Chết vì đất & những mơ xoá ác ở trên đời…

H35Những mơ xoá ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện
Ai hay, biến đổi, ác luân hồi.

(Trần Độ)

Những ai theo dõi các biến động phức tạp về đất đai thời gian qua sẽ không qúa ngạc nhiên về vụ nổ súng mạng đổi mạng vừa xẩy ra vào ngày 11/ 9 ở TP Thái Bình.

Là người không bao giờ tán đồng việc giải quyết các mâu thuẫn lớn nhỏ bằng bạo lực như trường hợp hung thủ (mà cũng là nạn nhân) Đặng Ngọc Viết đã hành xử. Nhưng nếu không tự đặt mình trong trường hợp cụ thể ấy, thiết nghĩ mọi phán xét đều vô nghiã.

Đặng Ngọc Viết là ai?

Di ảnh của Đặng Ngọc Viết (do chính hung thủ / nạn nhân) chuẩn bị từ trước...

Di ảnh của Đặng Ngọc Viết (do chính hung thủ / nạn nhân) chuẩn bị từ trước…

Theo các thông tin từ báo chí quốc doanh (xin miễn trích dẫn, vì tránh bị qui kết là vi phạm NĐ 72 do đồng chí X ký đã có hiệu lực) thì hung thủ gây án không hề có thù oán cá nhân gì với những người “bị hại” cả. Ngoài việc mảnh đất bị thu hồi mà gia đình anh ta sống (200 m²) ở Phường Kỳ Bá, TP Thái Bình đã trải qua 4 đời. Nay trong diện bị giải toả làm đường, mặc dù đã nhận được một số tiền đền bù (3 lần khoảng 500 triệu). Nay anh ta thấy chưa được thỏa đáng. Nên muốn trả lại tiền để nhận đất tái định cư. Nhưng không được Trung tâm phát triển quỹ đất của Sở Tài nguyên-Môi trường Thái Bình chấp thuận… dẫn đến án mạng. Hành vi này có ý kiến cho là manh động. Nhưng xem xét kỹ các động thái trước và sau khi gây án của Đặng Ngọc Viết thì thấy không hẳn như vậy.

Chùa Đông Sơn (Kiến Xương, Thái Bình), nơi Viết đến sau khi xả súng

Chùa Đông Sơn (K. Xương-TB), nơi Viết đến sau khi xả súng

Bằng chứng là trước khi gây án Viết đã tự phóng ảnh thờ cho các con. Đặc biệt sau khi hành sự đã chọn chốn thiền môn thanh tịnh là ngôi chùa Đông Sơn, nơi quê hương bản quán để kết thúc sự sống của mình. Như vậy cái thông điệp mà hung thủ (nạn nhân) muốn gửi lại hậu thế là rất rõ ràng minh bạch.

Đặng Ngọc Viết có bố (ông Đặng Ngọc Vũ – 82 tuổi) đã từng tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường và bị nhiễm chất độc màu da cam đã bị liệt từ lâu (chắc thuộc diện thương bệnh binh chống Mỹ?); Viết có người anh bị tâm thần (thuộc diện nạn nhân chất độc da cam); đã có vợ và 2 con nhỏ. Hiện hai vợ chồng đã ly thân. Cô vợ hiện đang làm ăn buôn bán tại Nga. Bản thân Viết cũng từng hai lần sang Nga lao động (chắc thuộc diện lao động tự do). Hai đứa con của Viết phải nhờ ông bà ngoại chăm nom. Viết hay chơi bài bạc, nhưng chỉ là đánh ù, đánh phỏm, chứ không phải dân cờ bạc chuyên nghiệp, chơi lớn. Bản tính hiền lành, chưa hề có tiền án tiền sự, ngoài việc có cãi vã gì đó với một người hàng xóm trước khi gây án.

Hung thủ /nạn nhân Đặng Ngọc Viết để lại hai đứa con thơ...

Hung thủ /nạn nhân Đặng Ngọc Viết để lại hai đứa con thơ…

Qua vài nét trích ngang như vậy, ai cũng thấy đằng sau vụ nổ súng gây trấn động này chính là sự bất cập của “Chế độ sở hữu toàn dân” về đất đai do nhà nước (của toàn quan) thống nhất quản lý mà ra. Đã đẩy người lương dân tới bước đường cùng. Hung thủ – nạn nhân là con một người lính. Người lính đó đã trở thành tàn phế trong công cuộc đấu tranh giành quyền lực về cho những kẻ đã nhẫn tâm cướp đi không chỉ mảnh đất nhỏ nhoi mà tổ tiên đã trao gửi lại cho họ Khiến người con lành lặn duy nhất của người lính đó đã phải dùng bạo lực để chống lại thứ bạo lức lớn hơn…

Tại sao nổ súng mạng đổi mạng lại ở Thái Bình?

Ngoài những lý do đặc thù riêng của Thái Bình như phân tích của giáo sư Tương Lai trên BBC (tại đây) thì có lẽ nếu ai chưa bao giờ đặt chân tới mảnh đất thiêng này cũng khó mà hình dung hết được tại sao án mạng thảm khốc về đất đai lại xẩy ra ở Thái Bình mà không phải nơi khác.

Thái Bình đầu 1990 (Gocomay đứng trên) - ảnh chụp trên một công trình tưới tiêu thủy lợi...

Thái Bình đầu 1990 (Gocomay đứng trên) – ảnh chụp trên một công trình tưới tiêu thủy lợi…

Vào đầu năm 1990, chúng tôi có dịp về Thái Bình làm một bộ phim Video về qui hoạch thủy lợi do Viện qui hoạch và Quản lý nước ở phố Hàng tre Hà Nội đặt hàng. Dọc hai bên đường quốc lộ từ Nam Định sang Thái Bình (lúc đó đã bắc cầu thay bến phà Tân Đệ cũ), ngoài những bụi chuối xanh um (dấu ấn của nhà thơ Tố Hữu sau cái vụ bức xúc túm chuối đắt ngang bữa cơm tập đoàn) mà bài trước tôi đã đề cập. Chúng tôi còn thấy, người nông dân ở đây có sáng kiến cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa mùa, nhà nhà đua nhau ra đồng dùng mai sắn hết lớp đất màu mặt ruộng để đánh đống lại. Sau đó mới sắn đều một thép mai lớp đất cay (đất thó) bên dưới đem về tự đóng và nung lấy gạch ngói để xây nhà lát sân. Hạ cấp ruộng xong lớp đất màu lại được san đều ra phơi ải để chuẩn bị cho vụ chiêm xuân năm sau.

Dù đã từng nhiều lần đi dọc chiều dài chiều ngang đất nước. Nhưng quan sát cách đào đất đóng gạch đóng ngói như ở làng quê Thái Bình thật độc nhất vô nhị, khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Có lẽ cũng do cái khó ló cái khôn thôi. Bởi Thái Bình từ thời xa xưa, mật độ dân số dày, khiến tỷ lệ đất đai trên đầu người thuộc diện thấp nhất ở châu thổ sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung. Thế mà TP Thái Bình hiện nay có hệ thống đường phố thuộc diện khang trang rộng rãi như vậy. Điều đó chứng tỏ áp lực trong chính sách giải tỏa đền bù mà người dân phải gánh chịu ở Thái Bình lớn đến mức nào.

“Cái gọi là “chênh lệch địa tô” mà những người cộng sản đòi xóa bỏ đang trở lại và khiến họ trở nên mù lòa đồng thời đẩy người dân tới “bước đường cùng”.
“Quả bom Đoàn Văn Vươn đã không đủ để cảnh báo một hệ thống đã cạn kiệt khả năng thức tỉnh”. Như nhà báo Huy Đức viết trên Facbook của mình như thế.

Ngay một hàng xóm của anh Đặng Ngọc Viết cũng là nạn nhân của việc trưng thu đất, chẳng ngại ngần che dấu bức xúc của mình:

Khi nào cảm thấy chán quá rồi thì cũng giống như họ, bắt chước họ là xong: bắn chết mấy cái thằng ấy càng nhiều càng tốt!

Một độc giả trên blog của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh thì bình luận rằng:

“Trong xã hội VN ngày nay, đây chắc hẳn chưa phải là sự kiện cuối, cũng chưa chắc là sự kiện có tầm mức nghiêm trọng nhất”, mọi người đều nghĩ vậy. Xóm tôi đều tỏ ra vui mừng khi nghe tin anh Viết bắn chết được một cán bộ đảng viên, “Chúng nó thích ăn đất thì cho chúng ăn đất”. Đố ai tìm được một cán bộ đảng viên nghèo khó như dân thường, càng có chức to thì càng giầu sụ, không cần bằng chứng cũng kết luận được là chúng là bọn chộm cướp.

(thuy 11:41 Ngày 13 tháng 9 năm 2013)

Bức xúc của người dân tới mức ấy. Nhưng sự kiên định “đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý” vẫn là định hướng bất di bất dịch, được các lý thuyết gia giáo điều luôn khẳng định rằng “Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là xu thế tất yếu của quá trình phát triển ở nước ta”. Chính nhờ cái “xu thế tất yếu” đó mà người dân mất đất đã từng phải bắn súng (hoa cải), cởi truồng hay nằm vỉa hè… mà đâu có giữ được đất?

Còn các giới chức sắc trên dưới thì cũng nhờ chính cái bùa “sở hữu toàn dân về đất đai” đó mà hóa bầy sâu tham nhũng tha hồ đục khoét làm giàu trên nỗi bất hạnh tột cùng của muôn dân. Bầy sâu đó có nguy cơ làm sụp đổ chế độ. Nhưng chính người lên tiếng cảnh báo đó lại sợ gây thù chuốc oán với sâu. Còn lớn tiếng qui tội cho những ai muốn tìm phương kế diệt sâu là “suy thoái tư tưởng đạo đức”. Coi tất cả những ai dám nói trái ý mình các “thế lực thù địch”. Bi kịch lớn cho quốc gia dân tộc là ở đó!

Thay cho lời kết

 Vụ thủ phạm Viết xả súng bắn 5 cán bộ gây rúng động trên địa bàn tỉnh Thái Bình. ( Ảnh chụp vào chiều ngày 11/9)

Vụ thủ phạm Viết xả súng bắn 5 cán bộ gây rúng động trên địa bàn tỉnh Thái Bình. ( Ảnh chụp vào chiều ngày 11/9)

Bạo lực như chúng ta đã quan sát được tại Thái Bình không bao giờ có thể được coi như một giải pháp. Điều quan trọng không phải hoặc chủ yếu là một phân tích về người tiến hành những việc này mà là các điều kiện dẫn đến hành vi đó… 

… với bất cứ ai biết về Việt Nam, biến cố này không đáng được coi như một biến cố riêng biệt và đó thực sự là một triệu chứng của những căn bệnh trầm kha ở nông thôn Việt Nam hiện nay. Những căn bệnh đó chỉ có thể được cứu chữa thông qua biện pháp chính trị. (Trích ý kiến của Jonathan London).

Đúng vậy!

Người nông dân lười biếng sẽ làm hỏng ruộng đất

Người lái buôn gian rối sẽ làm hỏng chợ

Người độc phu (nhà cai trị) tàn bạo làm nhiễu loạn cả nước

(Châm Cảnh – Lê Qúi Đôn)

Cho nên những giấc mơ xóa ác trên đời sẽ chẳng đi tới đâu nếu ái ác cứ mãi luân hồi!

Gocomay

_____________________________

801 – Đảng ta hơn ở chỗ vẫn còn nhiều người tốt?

37

Dạo này nhận Job (việc) mới, bận tối ngày. Nên cũng có phần sao nhãng việc đàn sáo (gõ phím). Nhưng hôm nay, tình cờ vào Quê choa đọc được Chuyện mấy cái phong bì của Phan Chi khiến mình lại tủm tỉm cười và có hứng loạn bàn chút cho đỡ “nhạt miệng” (chữ của NQL). Chứ cái thá vô công dồi nghề như mình, hơi đâu mà mua dây buộc cho nhọc lòng…

1.- Thời còn ở làng, hàng năm cứ đến lễ Hội chùa Thày (7/3 âm lịch) là mình hay cơm nắm muối vừng theo các anh chị đi trẩy hội. Nhớ dạo đó tinh đi bộ chứ làm gì đã có đủ xe đạp mỗi người một chiếc mà đi. Từ nhà đến núi Thày, đi tắt qua bãi Giá cũng phải tới mươi cây số. Nhưng cứ nghĩ tới cảnh được trèo lên các tảng đá tai mèo chênh vênh mà ngắm xuống khung cảnh chùa chiền, làng mạc và cánh đồng bên dưới là lòng mọi người lại háo hức một cách lạ kỳ. Không biết nhà thơ nổi tiếng xứ Đoài – Quang Dũng (quê Đan Phượng) thời ở làng có giống tâm trạng của tôi không? Nhưng khi đọc tới cái câu “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng” trong tuyệt phẩm nổi tiếng Đôi mắt người Sơn Tây thì tôi tin cái đẹp hoang sơ của tuổi ấu thơ ở một vùng đầy ca dao ổ tích như xứ Đoài, người nào kinh qua chả cảm nhận được.

Cho đến một năm, khi tôi đã đi thoát ly được vài năm rồi. Hôm rủ bạn bè từ thành phố đạp xe ngót ba chục cây số về thăm lại núi Thày ngay sau hội chùa hàng năm. Chúng tôi lại leo ra các mỏm đá chơi vơi thi nhau chụp ảnh kỷ niệm. Đói lại trải báo lên các mỏm đá tai mèo, nơi có các tán cây hoa đại (cây bông xứ) để dùng bữa trưa một cách ngon lành. Vừa ăn vừa ngắm lúa vàng đang sắp vào vụ thu hoạch bên dưới. Khi vừa ăn xong, lúc thu dọn chiến trường thì phát hiện ra bên dưới các tảng đá thơ mộng đó là vô số các bãi phân khô (chắc do các du khách đi trẩy hội gửi lại) ở trong các khe đá được phủ những túm lá khô tai tái ngụy trang bên trên nên chả ai phát hiện được. Vậy mà bữa ăn vẫn ngon lành như thường. Thế mới biết cái câu “khuất mắt trông coi” là thế!

2.- Vào mùa xuân năm 1976, tôi cùng Lê Định và Vi Kiến Hoà (Hoà là thân phụ của nhà thơ Vi Thùy Linh) lên làm phim tốt nghiệp ở Trường Thanh Niên Lao Động XHCN Hoà Bình. Được ông Lượng – Bí thư đảng ủy và anh Xum hiệu phó đón tiếp rất thịnh tình và đưa đi quay ở tất cả các cơ sở vừa học vừa làm của nhà trường. Lên phân hiệu 2 rộng mênh mông bát ngát ở Tu Lý – Đà Bắc thấy hàng loạt gốc dâu và gốc canh-ki-na cổ thụ bị đánh bỏ để chổng ngược trên các bờ ruộng ven đường. Hỏi ra thì được biết đó là hậu qủa của các chỉ thị (tùy hứng) của các vị lãnh đạo cao cấp nhất của đảng và nhà nước mỗi khi lên thăm nông trường cứ phán bừa là phải trồng cây gì và nuôi con gì khiến thầy trò cả trường bị nhiều phen khốn đốn. Nay không thu được chút lợi ích kinh tế nào đành phá bỏ toàn bộ để quay lại trồng sắn và xu hào cứu đói cho học sinh. Năm 1979 khi tôi xin chuyển về làm việc tại Hãng phim TL&KH TW, kể lại chuyện đó cho anh em nghe, anh Thiệu (lúc đó làm quản đốc) cho biết chuyện đó các anh ấy cũng chẳng lạ gì. Anh kể, hồi ông Tố Hữu còn đương kim trưởng Ban tuyên huấn TW, một hôm xuống thăm Thái Bình, lúc qua phà Tân Đệ, anh lái xe tranh thủ lúc chờ phà chạy đi mua chuối về đãi thủ trưởng. Thời đó ở khắp Miền Bắc chuối tây người ta cắt ra bán theo túm, mỗi túm từ 2 đến 3 qủa. Ông Tố Hữu vừa ăn vừa hỏi anh lái xe kiêm cần vụ là mỗi túm như thế giá bao nhiêu? Anh lái xe nhanh trí nói 3 hào (thực tế là 5 hào) cho thủ trưởng đỡ xót. Vậy mà ông Lành đã nổi cơn tam bành nói: “chết.. chết thật, một túm chuối nhỏ xíu mà giá tới 3 hào, đắt bằng một bữa ăn tập đoàn…”. Ngay sau chuyến đi đó về ông cho gọi tất tật các cơ quan báo đài lên họp (trong đó có xưởng phim TL&KH) và chỉ thị phải ngay lập tức tuyên truyền rầm rộ cho các địa phương phải đẩy mạnh nuôi trồng 3 con và 3 cây. Trong đó chuối là một trong những cây được đặc biệt quan tâm…

3.- Một bộ phim hay khá hiếm hoi của điện ảnh xứ mình – phim Bao giờ cho đến tháng mười, tôi thấy ấn tượng đặc biệt với hình ảnh ông bố chồng cô Duyên (do Lại Phú Cương đóng). Có một chi tiết Đặng Nhật Minh xử lý khá đắt mà tôi để ý chưa thấy các nhà phê bình phim nào đề cập tới. Đó là chi tiết ông già tay run rẩy sờ vào khẩu súng lục đeo bên hông của cái anh bộ đội mà Duyên nhờ đóng giả chồng mình (đã chết) từ Cam-pu-chia trở về vào cái phút lâm chung của ông già đau khổ. Và ông ta đã được mãn nguyện trước khi nhắm mắt xuôi tay để về với tổ tiên. Khi mắt đã mờ nhòa mà bàn tay run rẩy vẫn cố gắng quở quạng chạm được vào cái bao da đựng khẩu súng ngắn anh bộ đội cùng đơn vị (mà cô Duyên nhờ) để cố lừa ông lần cuối (như đã từng lừa ông bằng những bức thư giả mạo nhờ thầy giáo làng viết giúp bấy nay) để mong ông được thanh thản phiêu diêu nơi tiên giới trước khi từ giã cõi trần. Thật kỳ lạ cái đứa con trai giả mạo vừa từ chiến trường khốc liệt trở về với súng lục đeo hông (biểu tượng sự thăng tiến trong quân ngũ) đã khiến ông trào nước mắt sung sướng. Vết thương chiến tranh, vết thương sâu nặng trong tâm con người đau khổ ấy coi như đã được vá lành trong cái phút tử biệt sinh ly! Dù đấy chỉ là một trò lừa của những người thân cùng bất đắc dĩ phải làm…

4.- Chuyện mấy cái phong bì của Phan Chi có đề cập tới việc ông Bách (Trần Xuân Bách) đã bị mấy cái phong bì (nói dối) mà trước khi chết vẫn tấm tắc khen: “Đảng ta hơn các đảng khác ở chỗ chúng ta vẫn còn nhiều người tốt”. Những ai đã đọc cuốn Bên thắng Cuộc (Chường 13 – Phần 2 – Quyền bính) thì sẽ càng rõ hơn tại sao lúc ông Bách không còn bổng lộc như thời “lên voi”, bà vợ trẻ của ông cựu Bí thư TW đã phải đi làm thêm vào ban đêm để phụ cho bữa cơm hàng ngày của gia đình đỡ bị bôi bác. Những điều dấu diếm (nói dối) nhỏ đó chắc cũng đã phần nào củng cố cái niềm tin (hão) cho một ông “vua thập thể” khi bị thất sủng vẫn tin rằng chế độ do ông tạo dựng vẫn không đến nỗi qúa cạn tàu ráo máng qúa đối với người đã ngã ngựa như ông. Ông đã nhắm được mắt để về cõi vĩnh hằng.

Ông Lê Hiếu Đằng trong lần tham gia biểu tình với các bạn trẻ (mùa hè 2011)

Ông Lê Hiếu Đằng trong lần tham gia biểu tình với các bạn trẻ (mùa hè 2011)

5.- Mấy hôm nay trên các diễn đàn báo chí quốc doanh như các báo QĐND; Nhân Dân; Đại Đoàn Kết và Công An Nhân Dân đã công kích dữ dội lên bài viết Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh… của ông Lê Hiếu Đằng mà không hề dẫn lại nguồn. Khiến tôi phải tìm đọc lại trên mạng một lần cho biết. (Xem  ở đây). Thực ra những vấn đề ông Đằng nêu ra chả có gì mới mẻ cả. Đó thuần túy chỉ là sự công khai quan điểm cá nhân để gọi là “tính sổ” với ĐCS VN và với bản thân… một cách minh bạch, sòng phẳng như cách nói của ông Đằng. Nó như tiếng lòng của một người đã đi theo đảng ngót nửa thế kỷ. Nay quỹ thời gian cũng chả còn được là bao, lại đau yếu bệnh tật. Ông muốn mình và mọi người có suy nghĩ giống ông dứt khoát quan điểm một lần nhằm sửa lại những gì mà ông và đảng của ông đã gieo tai ương (dù vô tình hay cố ý) lên quê hương xứ sở và đồng bào mình. Những lời từ đáy lòng ông như lời một người gần đất xa trời. Như tiếng khẩn thiết của một con chim kêu lên những tiếng bi thương và chân thật trước khi vĩnh biệt sự sống. Vậy mà…

Nếu so với Trần Xuân Bách hay Trần Độ, ông Lê Hiếu Đằng không phải là đối thủ nặng ký của giới chóp bu trong chính quyền CS đương thời. Trong thâm tâm, tôi đảm bảo giới lãnh đạo CS cũng chả thù oán cá nhân gì với một ông già chỉ ở tầm lãnh đạo bậc trung có tư tưởng cấp tiến đã về hưu, từng theo đảng tới già nửa đời người nay không còn tha thiết gì với tổ chức đảng (thời buổi chợ chiều) nữa. Nhưng cái sợ của giới chóp bu là nếu để ngọn cờ tầm tầm bậc trung ấy mà tập hợp được một lực lượng đông đảo các đảng viên ly khai trở thành một lực lượng đối lập nặng ký nhằm cạnh tranh ảnh hưởng về mặt chính trị với ĐCS đang trị vì thì đó sẽ là một tai hoạ nhãn tìền. Vì thế những tên “lính gác” tư tưởng của đảng ở báo QĐND; Nhân Dân; Đại Đoàn Kết và CAND với phương châm “còn đảng còn mình” đã được lệnh tấn công và bôi nhọ bằng mọi giá vào con người và tư tưởng của Lê Hiếu Đằng. Nhằm tiêu diệt cái mầm đối lập (mà đảng không bao giờ chấp nhận) để tránh mọi hậu hoạ về sau.

Như vậy chẳng nói ai cũng rõ, nếu cứ khuất mắt trông coi như vụ dùng xong bữa (mà vẫn thấy ngon) ở đỉnh núi chùa Thầy. Chuyện các gốc cây cổ thụ ở trường Thanh niên LĐXHCN Hòa Bình hay túm chuối đắt hơn cả bữa cơm tập đoàn ở Tân Đệ. Chuyện công kích lại việc “tính sổ” của ông Lê Hiếu Đằng… đã chứng tỏ những “đỉnh cao trí tuệ” của hệ thống quan liêu này luôn độc quyền chân lý và không bao giờ chấp nhận thực tiễn sinh động của cuộc sống đang diễn ra một cách khách quan khoa học hàng ngày.

Bởi bất kỳ thể chế toàn trị nào mà chả muốn bưng bít mọi thông tin và bắt muôn dân phải tin theo một thứ định hướng chủ quan mà không có một phản biện xã hội nào được phép tồn tại và thách thức lại  ý chí sắt đá của tầng lớp cai trị độc quyền. Trong bối cảnh u ám ấy chuyện mấy cái phong bì và những bữa ăn ít biến động trong mâm cơm hàng ngày trong câu chuyện ông Trần Xuân Bách bị thất sủng mà vẫn giàu trí tưởng thật về thể chế và tình người trong cái tổ chức sắt máu (qua câu ngộ nhận: Đảng ta hơn các đảng khác ở chỗ chúng ta vẫn còn nhiều người tốt) đã tự nó nói lên tất cả bản chất của sự việc rồi.

Trong câu chuyện phút lâm chung của ông bố chồng cô Duyên (Bao giờ cho đến tháng mười) lại đem đến cho ta một cảm nhận khác về mối quan hệ giữa thật và giả. Đôi khi sự dối lừa ngọt ngào còn giúp con người ta chữa lành các nỗi đau. Sự tuyệt vọng để giúp nhau cùng tồn tại trong cuộc sống vốn đầy tai ương bất hạnh. Như vậy ai dám bảo bất cứ cái dối gian nào cũng đều đáng trách? Khi những điều bất đắc dĩ ấy nó không chỉ là yếu tố tâm lý, chính trị mà còn tiềm ẩn cả yếu tố văn hóa tâm linh của dân tộc mình ở trong đó nữa.

Mặc dù vậy, đứng về mặt chính danh, một hệ thống mà chuyên dùng bạo lực và lừa mị để biện minh cho sự tồn tại của mình. Hệ thống ấy trước sau cũng sụp đổ. Có điều nó sẽ theo kịch bản nào?

Là con dân luôn nặng lòng với quê hương, ai chả muốn sự chuyển đổi ngọt ngào. Để chả bao giờ phải bị giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò…

Gocomay

___

PS:

Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…

– http://boxitvn.blogspot.de/2013/08/suy-nghi-trong-nhung-ngay-nam-binh.html

Ông Lê Hiếu Đằng: Báo Quân đội Nhân dân ‘bỏ bóng đá người’

– http://www.voatiengviet.com/content/ong-le-hieu-dang-bao-quan-doi-nhan-dan-bo-bong-da-nguoi/1735937.html

Sự quẫn cùng về phương pháp định hướng dư luận của ba tờ báo lớn: Nhân dân, Quân đội Nhân Dân và Đại Đoàn Kết

– http://www.basam.info/2013/08/24/1988-su-quan-cung-ve-phuong-phap-dinh-huong-du-luan-cua-ba-to-bao-lon-nhan-dan-quan-doi-nhan-dan-va-dai-doan-ket/

AI VỤNG VỀ HƠN AI?

– http://www.basam.info/2013/08/24/1989-ai-vung-ve-hon-ai/

BÁO QĐND “ĐÓI ĂN VỤNG, TÚNG LÀM LIỀU”?

– http://boxitvn.blogspot.de/2013/08/bao-qnd-oi-vung-tung-lam-lieu.html

LS Trần Vũ Hải gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội bản Dự thảo Ý kiến về Thành lập và Tham gia đảng phái

– http://www.basam.info/2013/08/22/1981-ls-tran-vu-hai-gui-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-ban-du-thao-y-kien-ve-thanh-lap-va-tham-gia-dang-phai/

* * *

QUỶ SỨ, CÒN GÌ MÀ PHẢI GIẤU NỮA CHỨ?!!!

Nhiều sai lầm, lệch lạc trong bài viết trên giường bệnh của ông Lê Hiếu Đằng (09:09:00 24/08/2013)
Sự thật không như những điều anh Lê Hiếu Đằng suy nghĩ (24/08/2013)
“Màn tung hứng” vụng về (QĐND – Thứ Sáu, 23/08/2013, 0:45 (GMT+7)
Khi người bệnh sám hối (23/08/2013)
__________________________
Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ