810 – Thấy gì qua nội các mới của Đức

Chủ tịch Đảng CSU Horst Seehofer (phải), Chủ tịch Đảng SPD Sigma Gabriel (trái) và Thủ tướng Angela Merkel sau khi các bên ký Thỏa thuận thành lập chính phủ liên hiệp. (Nguồn: AFP)

Chủ tịch Đảng CSU Horst Seehofer (phải), Chủ tịch Đảng SPD Sigma Gabriel (trái) và TT Angela Merkel sau khi các bên ký Thỏa thuận thành lập chính phủ liên hiệp. (Foto: AFP)

Việc bổ nhiệm nội các xứ người cũng khác nhiều so với xứ ta. Như ở Đức chẳng hạn. Trước ngày 29/9 (cách đây đúng 10 tuần), không ai tham gia nội các mới khóa này (kể cả thủ tướng) biết mình sẽ đăng quang. Vậy mà hôm qua, 15/12 danh sách nội các mới đã chính thức được công bố. Đó là kết quả của cuộc đàm phán khá gay cấn suốt 3 tháng dòng giữa 3 đảng lớn: Liên minh hai đảng bảo thủ trung hữu – Dân chủ/ Xã hội Thiên chúa giáo (CDU/CSU) và đảng trung tả – Dân chủ Xã hội (SPD). SPD vốn là đảng ở vị trí đối lập với Liên minh CDU/CSU ở nhiệm kỳ trước. Nay họ chấp nhận đứng chung với nhau trước nhất là vì quyền lợi của đảng họ. Cao hơn là trách nhiệm với đất nước và ngôi nhà chung EU. Cái hay của người ta nằm ở chỗ, nếu một đảng tham gia tranh cử mà không giành được sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri đi bầu thì buộc phải tìm kiếm liên minh với các đảng phái kém phiếu hơn có chân trong quốc hội để có được đa số mà thành lập nội các mới. Nếu qúa trình đàm phán bị đổ vỡ do không dung hòa được các quan điểm khác nhau. Thì kết qủa bầu cử coi như không còn giá trị, phải tổ chức bầu cử lại. May mắn cho nước Đức, đây là lần thứ hai trong lịch sử chính trường, một “Liên minh lớn” (tiếng Đức là Große Koalition – viết tắt là GroKo) Đen-Đỏ đã được hình thành trên nền cờ tam sắc Đen-Đỏ-Vàng truyền thống.

Vào hồi 18 giờ 15 phút, ngày hôm qua, Bà Thủ tướng Angela Merkel đã thở phào công bố với báo chí về thành phần của Chính phủ mới của Đức nhiệm kỳ 2013-2017.

Nội các mới bao gồm 17 bộ, trong đó, CDU ngoài nắm giữ vị trí Thủ tướng, sẽ đảm nhận thêm 7 bộ sau: Bộ Nội vụ; Bộ Tài chính; Bộ Quốc phòng; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Nghiên cứu; Văn phòng Nội các; Bộ Quốc vụ về Văn hóa và Báo chí.

Đảng CSU nắm 3 bộ sau đây: Bộ Giao thông và Kỹ thuật số; Bộ Nông nghiệp và Dinh dưỡng; Bộ Hợp tác Phát triển.

Đảng SPD giữ ghế 7 bộ gồm: Bộ Kinh tế và Năng lượng; Bộ Ngoại giao; Bộ Lao động và Xã hội; Bộ Tư pháp và Bảo vệ Người tiêu dùng; Bộ Gia đình, Người cao tuổi, Phụ nữ và Thanh niên; Bộ Môi trường, Bảo vệ Thiên nhiên, Xây dựng và An toàn phóng xạ; Bộ Quốc vụ về Nhập cư và Tỵ nạn.

Chiêm ngưỡng dung nhan của nội các mới CHLB Đức (Foto: dpa)

Thủ tướng Đức, Angela Merkel

Thủ tướng Đức, Angela Merkel (1954) – CDU

Sigmar Gabriel (1959), Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng

Sigmar Gabriel (1959), Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng (SPD)

Wolfgang Schräubler (1942), Bộ trưởng Bộ Tài chính

Wolfgang Schräubler (1942), Bộ trưởng Bộ Tài chính (CDU)

Hermann Gröhe (1961), Bộ trưởng Bộ Y tế

Hermann Gröhe (1961), Bộ trưởng Bộ Y tế (CDU)

Peter Altmaier (1958), Bộ trưởng Phủ Thủ tướng (CDU)

Peter Altmaier (1958), Bộ trưởng Phủ Thủ tướng (CDU)

Hans-Peter Friedrich (1957), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Dinh dưỡng (CSU)

Hans-Peter Friedrich (1957), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Dinh dưỡng (CSU)
Alexander Dobrndt (1970), Bộ trưởng Bộ Giao thông và Kỹ thuật số (CSU)

Alexander Dobrndt (1970), Bộ trưởng Bộ Giao thông và Kỹ thuật số (CSU)

Manuela Schwesig (1974), Bộ trưởng Bộ Gia đình (SPD)

Manuela Schwesig (1974), Bộ trưởng Bộ Gia đình (SPD)

Barbara Hendricks (1952), Bộ trưởng Bộ Môi trường, Bảo vệ Thiên nhiên, Xây dựng và An toàn phóng xạ

Barbara Hendricks (1952), Bộ trưởng Bộ Môi trường, Bảo vệ Thiên nhiên, Xây dựng và An toàn phóng xạ (SPD)

Gerd Muller (1955), Bộ trưởng Bộ Hợp tác Phát triển (CSU)

Gerd Muller (1955), Bộ trưởng Bộ Hợp tác Phát triển (CSU)

Aydan Ozoguz (1967), Bộ trưởng Quốc vụ về Nhập cư và Tỵ nạn (SPD)

Aydan Ozoguz (1967), Bộ trưởng Quốc vụ về Nhập cư và Tỵ nạn (SPD)
Monika Grutters (1962), Bộ trưởng Quốc vụ về Văn hóa và Báo chí (CDU)

Monika Grutters (1962), Bộ trưởng Quốc vụ về Văn hóa và Báo chí (CDU)

Frank-Walter Steinmeier (1956), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (SPD)

Frank-Walter Steinmeier (1956), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (SPD)

Ursula von der Leyen (1958), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (CDU)

Ursula von der Leyen (1958), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (CDU)

Thomas de Maziere (1954), Bộ trưởng Bộ Nội vụ (CDU)

Thomas de Maziere (1954), Bộ trưởng Bộ Nội vụ (CDU)
Andreas Nahles (1970), Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội (SPD)

Andreas Nahles (1970), Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội (SPD)

Johanna Wanke (1951), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu (CDU)

Johanna Wanke (1951), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu (CDU)

Heko Maas (1966), Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bảo vệ Người tiêu dùng (SPD)

Heko Maas (1966), Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bảo vệ Người tiêu dùng (SPD)

Nhìn chung nội các của Đức nhiệm kỳ này có các đặc điểm nổi bật sau đây:

– Kết hợp được các thế hệ già và trẻ, với độ tuổi bình quân là 53,7. Cao nhất là chính trị gia sừng sỏ của CDU: Ông Wolfgang Schäuble (sinh 1942) nắm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trẻ nhất là Bà Manuela Schwesig (sinh 1974), thành viên của SPD nắm chức Bộ trưởng Bộ Gia đình, Người cao tuổi, Phụ nữ và Thanh niên. Cả hai đều có điểm chung là trưởng thành từ ngành kiểm toán và tài chính.

– Tỷ lệ nữ giới trong nội các khá cao: 8 người (tính cả Bà Thủ tướng) trong tổng số 18 thành viên, chiếm 44,44%. Trong đó gây bất ngờ nhất là ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được dành cho bà Ursula von Leyen (sinh 1958). Đây là lần đầu tiên một phụ nữ giữ trọng trách chỉ huy quân đội. Báo chí Đức bình luận rằng đó là một quyết định mạnh bạo và ghế Bộ trưởng này là chiếc ghế nóng (của phi công máy bay chiến đấu), có thể tung lên lúc nào. Trong chính phủ mới, lần đầu tiên có một nữ bộ trưởng gốc Thổ Nhĩ Kỳ, đó là bà Aydan Ozuguz (sinh 1967), thành viên của SPD được giao giữ chức Quốc vụ khanh đặc trách Di trú, Tỵ nạn và Hội nhập.

– Chiếc ghế nặng nề (mà cũng nóng) bậc nhất trong nội các nhiệm kỳ này lại thuộc về ông Đảng trưởng SPD – Sigmar Gabriel (sinh 1959) trong tư cách Bộ trưởng Siêu bộ về Kinh tế và Năng lượng (kiêm Phó Thủ tướng duy nhất của nước Đức). Ông Gabriel sẽ phải trực tiếp giải quyết và khắc phục những sai lầm trong qúa khứ để tạo đà cho sự chuyển đổi một cách hiệu qủa, an toàn cho quốc kế dân sinh. (Chiếc ghế này trước đây thuộc về chính trị gia trẻ gốc Việt – Philipp Roesler (Cu Lờ, theo cách gọi của Bọ Lập), dù không phạm vào sai lầm nào nhưng gánh nặng của nền kinh tế lớn nhất EU này, thực sự là vượt khả năng của Cu Lờ).

– Trong GroKo lần này, thua thiệt nhất thuộc về Đảng CSU của Horst Seehofer (sinh 1949). Ở cương vị Đảng trưởng, Seehorfer đã không giành được chiếc ghế then chốt nào ngoài 3 chiếc ghế của các ngành “dãi nắng dầm sương” như trên. (Với xứ ta, chiếc ghế của anh Thăng luôn được “mua” với giá cao nhất. Trái lại, ở xứ Đức, đây là chiếc ghế vất vả trần ai). Nếu chỉ vì lợi ích cục bộ của đảng phái mà quên vai trò công bộc (của dân), cho dù quan chức xứ này không ai xưng “đầy tớ nhân dân” cả. Khi đã nằm trong Liên minh thủy chung son sắt với CDU từ ngày lập quốc tới giờ, cái đức hy sinh chút quyền lợi trước mắt cho “đại cục” của CSU cũng đáng để cho nhiều chính trị gia các nước học tập. (xin lỗi anh Tôn Quốc Tường và các anh quan tham ở Hà Giang vì đã mượn chữ “đại cục” của các anh).

– Nội các xứ Đức được hình thành dựa trên kết qủa thương thảo kỹ càng bởi các nhóm chuyên môn do các đảng cử ra đàm phán từ cấp thấp tới cấp cao. Nên các nhân sự trong nội các chỉ cần nhận được sự chuẩn thuận (qúa bán) của các thành viên trong từng đảng trong Liên minh cầm quyền. Mà không cần phải qua khâu bỏ phiếu mang nặng tính hình thức ở quốc hội như bên ta. Ngoại trừ chức thủ tướng và chức tổng thống. Vai trò của Tổng thống Đức tuy không nắm thực quyền. Nhưng tổng thống lại là mang tính thể diện của quốc gia. Nên bất cứ ai nắm giữ chức này đều phải được thủ tướng đề cử và phải vượt qua 3 vòng bầu cử rất nghiêm ngặt ở Quốc hội Liên bang.

Tóm lại, về bản chất, nội các xứ người hoàn toàn do các đảng cầm quyền cử người ra đảm nhận. Chỉ có các đảng nhận được số ghế nhiều nhất trong quốc hội được phép đứng ra thành lập. Nếu con số này chiếm trên 50% thì đảng đó có thể một mình cầm quyền. Bằng không đảng đó phải tìm kiếm sự liên minh với các đảng khác, để liên minh cầm quyền chiếm được đa số trong QH Liên bang. Xứ người ta, các ông bà nghị cũng “đảng cử dân bầu” giống bên ta. Ngoại trừ một số rất ít không tham gia đảng phái, còn lại đa phần đều đảng viên của hàng chục đảng chính trị khác nhau. Cái khác là xứ họ không có màn “hiệp thương” do Mặt trận Tổ quốc (bởi đảng của muôn đời) đứng ra dàn xếp về cơ cấu nhân sự. Do đó quốc hội của họ mới thực sự của nhân dân. Các thành viên trong nội các mà dính tai tiếng lớn nhỏ đều phải lên truyền hình mà xin lỗi hoặc xin từ chức để giữ thanh danh cho đảng của mình. Nếu không muốn bị các đảng đối lập trong quốc hội cật vấn hay bị cử tri quay lưng trong các kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ ở các địa phương.

Thiết nghĩ, đó là lý do chính trị gia ở các xứ “giẫy chết” mà càng giẫy lại càng khoẻ ra chăng?

Xin mỗi người tự tìm câu trả nhời cho mình…

Gocomay

___________________

803 – Cảm nhận về bảo hiểm y tế ở Đức nhân vụ Obamacare

Đợt Gocmay phải nằm viện mổ ruột thừa (5/2011).

Đợt Gocomay phải nằm viện mổ ruột thừa (5/2011).

Từ ngày tới Đức tới nay, mình đã trải qua 3 lần nằm viện. Hai lần trước (vào đầu năm 1994 và cuối năm 1999) đều bị tai nạn giao thông. Lần sau (tháng 5/2011) là bị mổ viêm ruột thừa (xem ở đây). Bên cạnh đó, tới bệnh viện chụp X-Quang kiểm tra xương cốt, tim phổi… thì cũng vài bận nữa. Nhìn chung mình thấy hệ thống y tế chăm sóc sức khoẻ của họ đối với con người (bất kể lai lịch, giàu nghèo) như vậy là hoàn hảo. Kể cả nước Mỹ văn minh và cường thịnh ở bên kia bán cầu chắc gì đã sánh kịp.

Công bằng mà xét, dù tiến bộ tới đâu, nước Đức hiện vẫn còn những khiếm khuyết. Nếu kể ra hết các điều chưa vừa ý ở nơi đây, có lẽ phải để dịp khác. Còn hôm nay chỉ muốn nêu cách người Đức tổ chức hệ thống y tế để chữa bệnh cho con người đang có mặt ở đất nước này xem sao.

Sau khi bức tường Berlin được phá bỏ, nước Đức thống nhất. Ngoài những đảm bảo về cuộc sống cho người bản xứ (cả Đông và Tây Đức), lượng người nhập cư (cả hợp pháp và không) từ các nước Đông Âu (trong đó có cả các khách thợ người Việt Nam) tràn sang “miền đất hứa” cũng không ít. Những người di dân bất hợp pháp tới Đức thường bị kỳ thị trong đối sử. Chẳng hạn như không có giấy phép đi làm; con cái đẻ ra không có tiền Kindergeld (từ lúc mới sinh cho tới 18 tuổi…); phải làm những công việc lương thấp hay việc nặng mà người bản xứ không muốn làm… Mặc dù vậy chuyện đau ốm bệnh tật khi đã tới các phòng khám (dù ở bác sỹ gia đình hay bệnh viện) thì đều được đối xử bình đẳng giống nhau. Như trường hợp tai nạn lần đầu của tôi (dịp tết Giáp Tuất – đầu 1994) chẳng hạn. Hôm đó là đúng cái tết xa quê lần thứ 2, tôi được vài anh em độc thân ở cùng rủ đi nhậu ở nhà một người bạn. Nửa đêm, chú Long con (bạn thân) bị xuất huyết dạ dày nôn ra máu. Anh em hoảng qúa đưa chú đi cấp cứu ở bệnh viện. Tất cả đám con trai đều uống khá nhiều nên phải nhờ cậy cô bạn gái của chủ nhà (mới có bằng lái xe) cầm lái. Chắc lo cho tính mạng của người bệnh nên cô ta lao qua ngã tư (không có ưu tiên) một cách bất cẩn. Hậu quả chiếc xe bị một xe khác (chạy xuyên ngang) đâm lật xe và bắn lên vỉa hè. Cũng may lúc đó nửa đêm nên không người nào đi bách bộ trên vỉa hè cả. Chiếc xe bị hỏng hoàn toàn. Vậy mà tất cả 4 người trên xe (kể cả bệnh nhân cấp cứu) đều không ai làm sao (he he giàn đồng của xe Đức cứng thật!). Riêng tôi ngồi cạnh tài xế bị mảnh kính đâm vào trán máu tuôn xổi xả và lịm đi. Nghe mọi người kể lại, chỉ chưa đầy 5 phút sau tôi đã được 2 xe cấp cứu tới đưa cả tôi và chú Long vào bệnh viện. Hôm sau tỉnh táo, gặp hai viên cảnh sát giao thông tới lấy lời khai và đề nghị người bị nạn (là tôi) có muốn khởi kiện người (lái xe) đã gây thương tích cho mình hay không? Chả cần hỏi ai tôi lập tức bác bỏ đề nghị của phía CA và cam kết không bao giờ thưa kiện người đã gặp rủi ro khi đưa bạn mình đi cấp cứu cả. Sau này mới thấy cái tư duy đậm chất “Đông Dương” của mình là vô cùng phi lý. Vì nếu thuận theo lời đề nghị của phía CA, ngoài toàn bộ mọi khoản tiền viện phí tôi còn nhận được một khoản bồi thường về thương tích (cho vết sẹo trên trán) từ hãng bảo hiểm xe hơi (gây tai nạn) nữa. Chứ ân nhân của mình (người cầm lái đang sống bằng trợ cấp xã hội) đâu có phải trả một xu nào cho cái lỗi vội vàng trong khi đưa người đi cấp cứu ấy đâu. Đợt nằm viện đó khoảng 1 tuần, toàn bộ viện phí đều được bảo hiểm y tế (của xã hội) chi trả cả.

Đợt tai nạn thứ hai (1999) vào lúc hơn 5 giờ sáng. Trên đường đi làm, khi đang phải dừng lại khi chướng ngại vật bất ngờ xuất hiện phía trước, chiếc Ford tôi đi chung với một người cùng làm ở hãng lái bị một chiếc xe phía sau chạy nhanh bất cẩn đâm vào chính diện phía sau xe. Chiếc xe bị tông bất ngờ nên cả tôi và người cầm lái bị giật mạnh. Người lái xe may hơn vì tay đang vịn vô lăng nên gượng được. Còn tôi các đốt sống cổ bị đau. Đợt đó tôi cũng được xe cứu thương tới đưa đi cấp cứu. Phải nằm viện đúng 9 ngày. Sau đó còn được nghỉ khoảng 2 tháng để các bác sỹ “vật lý trị liệu” chăm sóc cho tới khi hồi phục hoàn toàn. Tất cả chi phí chữa bệnh được hãng bảo hiểm của chiếc xe gây tai nạn trả toàn bộ. Giả xử chiếc xe Ford của chúng tôi sai (hay tự gây tai nạn) thì chiếc xe hỏng của mình sẽ không được ai đền. Nhưng do đang trên đường tới chỗ làm nên hãng bảo hiểm nghề nghiệp (do chủ hãng đóng) vẫn cứ thanh toán toàn bộ viện phí và tiền lương (ốm) những ngày nghỉ việc để điều trị.

131001023932_obama_304x171_reutersLiên hệ với vụ OBAMACARE ở bên Mỹ, đang ầm ĩ mấy ngày nay trong cuộc khủng hoảng chính trị dẫn đến một phần chính phủ phải đóng cửa. Thì dù cùng là tụi “giẫy chết” cả nhưng cái kiểu “giẫy” của đám đồng hương của Mạc Văn Cạc (chữ của Lò Văn Zin – Phan Thế Hải chỉ ông tổ Karl Marx) ngày nay xem ra còn “thượng phong hạ vĩ” lắm!

Ở Mỹ chuyện bảo hiểm y tế là hoàn toàn tự nguyện. Còn ở Đức là bắt buộc. Luật Đức quy định rõ, đã là con người (bất kể họ là ai) đều có quyền sống (đó là mức sống tối thiểu để giữ được nhân cách như tiền mua đồ ăn; tiền để mướn nhà ở). Khi đau yếu bệnh tật thì đều được chữa trị và chăm sóc sức khoẻ miễn phí (thông qua các hãng bảo hiểm tự đóng hay nhà nước đóng dùm).

Nhân nói đến chuyện bảo hiểm y tế ở Mỹ. Nhớ lại, cách đây hơn chục năm, tôi được ông bạn già ở thành phố Hameln (Niedersachsen-Đức) mời đi ăn cỗ cưới. Tưởng chắc như cua gạch rồi mà vẫn hụt. Lý do, cô vợ đầm người Mỹ (gốc Việt) của anh ta tự dưng bị cảm ngã ở nhà tắm (do tai biến mạch máu não) lúc 4 giờ sáng. Khiến buổi lễ nhà thờ vào 10 giờ sáng cũng như bữa tiệc ở khách sạn lúc 12 giờ trưa đều hỏng cả. Dù mọi việc đã chuẩn bị khá chu toàn. Vào đến phòng cấp cứu rồi mới hay bà đầm Mỹ này không hề có bất cứ một thứ bảo hiểm y tế nào (cả ở bên Mỹ cũng như đi du lịch sang Đức làm đám cưới). Trong lúc “cứu người như cứu hỏa” các nhân viên phụ trách tài chính của bệnh viện Hameln vẫn tiến hành kiểm tra khả năng chi trả tiền viện phí của bệnh nhân. Mới hay, bà đầm này ở Mỹ hiện đang trong diện không có công ăn việc làm ổn định nên không có bảo hiểm y tế. Mà người phối ngẫu (ông bạn già của tôi bên Đức) cũng đang ăn trợ cấp xã hội. Lại ở diện “đơn tỵ nạn” đã bị bác chờ ngày hồi hương. Trái với hoàn cảnh của ông bạn già của tôi, người em trai ông ta hiện đang sống khá giàu có ở Mỹ (có 3 tiệm làm móng tay). Thương anh, đã bỏ tiền ra mua vé và “bánh bao” toàn bộ đám cưới cho anh trai. Hy vọng sẽ đón anh mình (bị từ chối tỵ nạn ở Đức) sang Mỹ theo diện “đoàn tụ vợ chồng”. Ai ngờ?

Trong những ngày căng thẳng đó tôi nín thở lo cho người thân của bạn mình. Cứ nghĩ, giống như “xứ thiên đường” nhà ta, bệnh nhân chỉ được sơ cứu qua loa rồi trả về. Vậy mà người Đức họ cũng chả nỡ. Họ chữa trị cho bà đầm “người Mỹ gốc tre” (vợ hụt của ông bạn già của tôi) hết cơn nguy kịch xong. Còn điều trị tiếp 3 tháng nữa cho tới khi (dù còn tập tễnh), bà ta hoàn toàn đủ sức khoẻ bước lên cầu thang máy bay để về Mỹ trở lại mới thôi. Tổng chi phí lên đến ngót 200 ngàn Đức Mã. Toàn bộ khoản chi phí này được cơ quan phụ trách xã hội ở Hameln đã thanh toán hết cho bệnh viện. Sau bài học đắt giá đó, tất cả khách du lịch tới Đức đều phải mua bảo hiểm vãng lai (bảo hiểm sức khoẻ), bất kể họ thuộc sắc dân nào…

Để hạn chế những người lợi dụng luật (bắt buộc) về bảo hiểm sức khoẻ đi khám bệnh tràn lan gây thâm thủng ngân sách làm nhiều hãng bảo hiểm y tế lao đao. Nên một dạo cứ mỗi lần đi khám, người bệnh phải trả 10€ (có giá trị bảo lưu trong suốt quý đó). Có nghiã mỗi quý trong năm ta bị bệnh đi khám dù một hay nhiều lần cũng đều chỉ phải trả 10€ thôi. Vậy mà khi người bệnh kêu ca, qui định này đã được dỡ bỏ. Khắc phục tình trạng trên, để giảm bớt các chi trả của các hãng bảo hiểm, các cơ sở y tế cũng cải tổ lại phương thức chăm sóc y tế để hai bên cùng có lợi mà vẫn phục vụ ở mức chấp nhận được cho các bệnh nhân.

Với tôi, ở độ tuổi lục thập tới nơi, răng lợi cũng không còn hoàn hảo như thời trai trẻ. Mà tại Đức, bảo hiểm y tế thông thường ít khi chịu tri trả đầy đủ cho tất cả các dịch vụ tốn kém về răng.

Sau cái đợt cạo đá chân răng (phải trả thêm tiền) cách đây mấy năm, tôi không còn mặn mà với mấy phòng mạch nha khoa nữa. Thay vào đó, hạn chế tối đa ăn vặt và tích cực vệ sinh răng miệng sau khi ăn và trước khi đi ngủ nên răng lợi kể như cũng tạm ổn. Đùng một cái, hôm đi vào một siêu thị mới mở, lúc qua cái cửa kính lớn trong suốt ở trên thành phố nhớn ở Harburg, vào đúng lúc tranh tối tranh sáng, mặt tôi bị va khá mạnh vào vách kính dày. Tối tăm cả mặt mũi. Trong miệng thấy lạo xạo những mảnh vụn như những những viên đá cám nhỏ. Hoá ra tuy “hàng tiền đạo” của tôi vẫn vững như bàn thạch. Nhưng 1/3 chiếc răng cửa gần môi nhất đã bị vỡ vụn. Ngoài chuyện thẩm mỹ bị ảnh hưởng, phần còn lại của chiếc răng sứt nham nhở và sắc cạnh đã cà vào môi và lưỡi làm khó chịu vô cùng. Chờ qua 2 ngày cuối tuần xong, vì phòng mạch nha khoa cũ ở ngôi nhà lá hàng triệu đô đã bị thần lửa thiêu rụi, tôi đành rón rén xông vào một phòng mạch nha khoa gần đó để kiểm tra. Thật bất ngờ, sau khi chụp và nghiên cứu phương án khắc phục xong, chỉ chưa đầy 30 phút sau, chiếc răng mẻ của tôi đã được hai nha sỹ khéo léo hàn trám và mài rũa nhẵn bóng. Còn đẹp hơn cả lúc chưa vỡ kia. Về nhà thử mấy bữa chân giò liền vẫn thấy ổn. Càng ổn hơn, chả thấy hóa đơn thanh toán tiền thêm gửi về nhà gì cả (?). Tìm hiểu kỹ lại luật về bảo hiểm y tế (AOK) của mình thì thấy, toàn bộ những chiếc răng nào phục vụ đắc lực cho sức khoẻ (ăn uống) và thẩm mỹ của con người thì đều được hãng bảo hiểm chi trả đầy đủ. Hãng chỉ không thanh toán cho những phần làm răng “vượt khung” (chẳng hạn trồng thêm răng vàng, răng bạc như bà con vùng dẻo cao xứ mình). Tất cả những ai có vấn đề về răng mà không chịu đi kiểm tra răng theo định kỳ (6 tháng/ lần) theo lời khuyên của nha sỹ. Khi hữu sự, sẽ phải thanh toán với số tiền cao hơn… như vậy sẽ bị gặp rắc rối vì sẽ khó được hãng bảo hiểm thanh toán các khoản chi phí phụ trội do sự chểnh mảng này… Dĩ nhiên những ai mà chịu đóng thêm các bảo hiểm riêng về răng. Thì sự chăm sóc răng miệng ở các phòng mạch nha khoa còn tuyệt hảo hơn nhiều.

Một công chức chính phủ liên bang, đứng trên thềm trụ sở Quốc hội, cầm tấm bảng với dòng chữ "Xin hãy thực hiện phần việc của quý vị để tôi có thể làm công việc của tôi"

Một công chức chính phủ liên bang, đứng trên thềm trụ sở Quốc hội, cầm tấm bảng với dòng chữ “Xin hãy thực hiện phần việc của quý vị để tôi có thể làm công việc của tôi”

Tóm lại, dù “giẫy chết” mạnh nhẹ thế nào, cách các nước tư bản giàu có áp dụng các qui định trong hệ thống y tế ra sao. Cũng đều xuất phát lợi ích sát sườn của các khối cử tri mà giới chính trị gia đại diện nắm quyền trên thượng tầng. Song phải công nhận, dù “thối nát” đến đâu, những thể chế dân chủ luôn minh bạch và tôn trọng các quyền tự do cơ bản của con người. Chẳng hạn như ở Mỹ, việc các nghị sỹ chóp bu của đảng con voi, vì muốn bảo vệ quyền lợi của giới tư bản giàu có đã dùng quyền khống chế việc thông qua ngân sách chi tiêu hàng năm của chính phủ ở hạ viện để trì hoãn tiến tới xóa bỏ Obamcare do đảng con lừa dày công tạo dựng và đã được lưỡng viện quốc hội thông qua. Cho đó là biểu trưng của hình thái “bánh bao” của chủ nghiã xã hội làm suy yếu tiềm năng và động lực phát triển của chủ nghiã tư bản. Ngược lại đảng con lừa quyết không nhượng bộ vì mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho tầng lớp trung lưu và dân nghèo đông đảo trong xã hội mà do họ đại diện để có được sự bảo hiểm về y tế mà trước đây, dù nỗ lực tới đâu cũng rất khó tiếp cận. Cuộc đấu trí lẫn đấu lực này là rất quyết liệt. Bởi hệ luỵ nhãn tiền mà nó đem lại cho con người và nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của từng chính đảng đối với cử tri Hoa Kỳ.

Tuy nhiên sẽ còn hơi sớm để đánh giá ai đúng ai sai. Chả phải lá phiếu của người dân, sau khi đã dồn phiếu cho đảng con lừa của Tổng thống Obama nắm đa số trong thượng viện và hạ viện nhiệm kỳ trước. Nay ở nhiệm kỳ hai của Obama, dân Mỹ lại dồn phiếu cho đảng con voi nắm đa số trong hạ viện mà không để đảng con lừa được tự tung tác theo ý muốn như trước nữa. Thiết nghĩ đó chính là phép thử rất hiệu qủa của cử tri đã trưởng thành trong thiết chế xã hội dân chủ ở Hoa Kỳ. Điều này dù có muốn, các cử tri ở các thể chế độc tài toàn trị, dù ai đó tự hào “dân chủ gấp vạn lần…” nhưng không bao giờ lá phiếu “đảng cử dân bầu” lại có thể ảnh hưởng tới chính trường.

Ngược lại với cử tri Mỹ, lá phiếu của cử tri Đức đã thanh trừng không thương tiếc đại diện đảng Tư do Dân chủ (FDP) của giới trung lưu chủ nhỏ với lối làm ăn manh mún ra khỏi quốc hội. Cho dù ban lãnh đạo của đảng (FDP) này có dùng hình tượng dẻo dai của cây tre trước gió (Philipp Roesler) hay cây sồi cứng rắn (đối thủ của Roesler) thì đa số cử tri Đức vẫn quay lưng. Liên minh trung hữu bảo thủ (CDU/CSU) do bà Merkel dẫn dắt, mặc dù thắng lớn cũng không thể chiếm được đa số để một mình một chợ mà thao túng chính trường. Nay dù không muốn, cũng buộc phải hiệp thương với đảng Dân chủ Xã hội trung tả (SPD) đang có xu hướng tăng thuế của tầng lớp nhà giàu và nâng mức lương tối thiểu của người lao động lên ngoài ý muốn của giới chủ.

ứng viên tranh giành nhau quyết liệt chiếc ghế thủ tướng Đức đầy quyền lực. Nhưng nay hai chính đảng của họ sẽ lại một lần nữa bắt tay nhau để cùng lãnh đạo đất nước...

2 ứng viên tranh giành nhau quyết liệt chiếc ghế thủ tướng Đức đầy quyền lực. Nhưng nay hai chính đảng của họ sẽ lại một lần nữa bắt tay nhau để cùng lãnh đạo đất nước…

Phải chăng những cái đầu thông minh trong giới tinh hoa của Đức đã qúa thấm thía bài học thành bại của dân tộc Đức trong qúa khứ. Đặc biệt qua mấy chục năm chia cắt đất nước, họ cũng thấu hiểu khá đầy đủ dư vị ngọt bùi đắng cay mà chế độ cộng sản ở Đông Đức nói riêng và Nga Xô – Đông Âu nói chung đã phủ bóng đêm xuống vùng đất phía Đông rộng lớn ở cựu lục địa này. Đó là lý do tại sao cử tri Đức dứt khoát nói không với chiến tranh và hận thù. Mà không hề đoạn tuyệt với bất kỳ khuynh hướng chính trị nào. Kể cả tổ chức có gốc gác hậu cộng sản. Họ quan niệm thà chơi tạm với một anh có hơi hướng cộng mà trong sạch còn hơn chấp nhận anh tư bản lươn lẹo tham lam. Hơn 30 tổ chức chính trị có mặt trong cuộc tổng tuyển cử 22/9 vừa qua với gần chục chính đảng có chân trong quốc hội liên bang đã nói lên sự trưởng thành và ổn định chính trị khá vững của chính trường Đức. Trong sự ”hài lòng và không muốn thay đổi” (nhận định của Phạm Thị Hoài) ấy thì việc duy trì hệ thống bảo hiểm y tế và xã hội như hiện hành ở Đức là không còn cần bàn cãi nữa.

TBT Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội-29/9/2013.

TBT Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội-29/9/2013.

Nhìn ngược về quê nhà, nghe bác Cả Trọng vừa tuyên chắc nịch trước đại diện cử tri Hà Thành hôm 29/9 vừa qua:
“… tuyệt đại đa số người dân đồng ý với tên gọi hiện nay – nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
“Đấy là một bước tiến, chúng ta đang đi lên chủ nghĩa xã hội chứ có dừng ở cuộc cách mạng dân tộc dân chủ… “ thì sẽ biết ngay đám sâu tham nhũng dù đã biến hóa thành cái ghẻ ngứa ngáy khó chịu lắm rồi. Nhưng cử tri xứ Việt ta ơi, hãy gắng yên tâm mà sống chung với cái ghẻ đi nhé!

Bởi khi điều 4 còn ngự trị. Thì hệ thống bảo hiểm y tế nói riêng và bảo hiểm xã hội nói chung phổ cập tới trăm họ giống ở Đức hay đang còn nhiều bất cập tranh cãi như ở Mỹ cũng sẽ chẳng bao giờ bén mảng được tới “mảnh đất lắm người nhiều ma” này!

Gocomay

__

PS:

OBAMACARE KHÔNG CHỈ GIÚP NGƯỜI NGHÈO Ở MỸ SỐNG KHOẺ MẠNH…

(FB Ngọc Thu)

__________________________

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ