798 – Dáng cúi của Trương Chủ tịch & ác mộng ngư phủ miền Trung

tcb-4s

Dư âm về vụ cúi khí thấp trước đám lính ắc-ê trong chuyến Hoa du của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vẫn đang được dư luận bàn tán chưa nguôi. Thì ngày 6/7 vừa rồi hai tàu cá của ngư dân Lý Sơn Quảng Ngãi lại bị một bọn ‘nói tiếng TQ, mặc đồ sỹ quan’ tới đánh đập và cướp bóc một cách dã man ngay trên ngư trường truyền thống của mình. Thật thương cho ngư phủ miền Trung qúa đi thôi. Đất khô cằn sỏi đá, gió cát quanh năm, một mảnh vườn không đủ chó ngồi để trồng cây tỏi cây hành mà đá núi còn chen lấn màu xanh cây trái. Đành trông chờ vào con cá con mú ngoài khơi xa. Vậy mà những năm gần đây, cứ tới mùa đánh bắt xa bờ thì lại bị anh “bạn vàng” Trung Quốc ra thông báo cấm biển. Đợi tới khi hết lệnh của ảnh, biển kịp bước vào mùa giông bão. Ai dám lao ra biển mưu sinh bất chấp tính mạng ngàn cân treo sợi tóc như thế?

Riêng năm nay, trước chuyến đi thăm hữu nghị nước cộng sản đàn anh phương Bắc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới thăm ngư phủ các tỉnh miền Trung vào hai ngày 14-15/4/2013.

CT Trương Tấn Sang nói chuyện với ngư dân Quảng Nam trong chuyến thăm chiều 14-4, ông nói: “Biển của ta, ta cứ đánh bắt”, và hứa sẽ có biện pháp bảo vệ ngư dân... (Ảnh: TTO/infonet)

CT Trương Tấn Sang nói chuyện với ngư dân Quảng Nam trong chuyến thăm chiều 14-4, ông nói: “Biển của ta, ta cứ đánh bắt”, và hứa sẽ có biện pháp bảo vệ ngư dân… (Ảnh: TTO/infonet)

Tại Quảng Nam Trương Chủ tịch tuyên bố: “Biển của ta, ta cứ đánh bắt”, và hứa sẽ có biện pháp bảo vệ ngư dân. Tại đảo Lý Sơn, đối thoại trực tiếp với bà con, Chủ tịch cũng phủ dụ: “Quốc gia nào cũng có chủ quyền. Chủ quyền biển đảo của chúng ta thì bà con cứ ra mà đánh bắt. Điều đó đã khẳng định rồi, không gì phải bàn” (Xem ở đây).

Công tâm mà xét, trong 4 vị tứ trụ đương thời nhà ta, Trương Chủ tịch là người đạt được nhiều thiện cảm nhất với ngư dân miền Trung nói riêng và người lao động nghèo khó trong cả nước nói chung.

Vậy mà chỉ một cú cúi mình hơi bị thấp trước hàng quân danh dự to con béo mượt của Tàu trước Đại lễ đường Bắc Kinh vào chiều ngày 19/6 vừa rồi khiến nhiều người ngỡ ngàng. Đành rằng người xưa từng nói “cung kính đứng đầu đạo đức”. Hay “một điều nhịn chín điều lành”. Đứng trước lễ đón rước vô cùng nồng nhiệt của cường quốc kinh tế quân sự vào hàng thứ hai thế giới. Mà lại đang là đối tác chiến lược ở “tầm cao mới” của nước nhà thì khiêm nhường chút đỉnh cũng nên lắm. Miễn là giữ được môi trường hòa bình để mà phát triển. Quan thì chắc ghế và phát tài. Dân thì an hưởng thái bình.

“Nhiều người từ tàu Trung Quốc tràn lên tàu cá của ông Vương rồi dùng dao chặt 720m dây hơi thành nhiều đoạn nhỏ, lấy đi nhiều thiết bị, ngư lưới cụ cùng 1 tấn cá và hút 5000 lít dầu diesel, ước tổng thiệt hại 400 triệu đồng“. (Ảnh: VNE)

“Nhiều người từ tàu Trung Quốc tràn lên tàu cá của ông Vương rồi dùng dao chặt 720m dây hơi thành nhiều đoạn nhỏ, lấy đi nhiều thiết bị, ngư lưới cụ cùng 1 tấn cá và hút 5000 lít dầu diesel, ước tổng thiệt hại 400 triệu đồng“. (Ảnh: VNE)

Chớ trêu thay, những ngư phủ Lý Sơn khốn khó, những người mà đích thân Trương Chủ tịch ra tận nơi đối thoại và úy lạo kia, chỉ sau có hơn 2 tuần kể từ cú “cung kính” hơi qúa đà của vị Chủ tịch đã bị đàn em của cái đội quân danh dự hùng tráng kia trên cái tàu Ngư chính 306 ngược đã một cách không thương xót. Không chỉ dừng ở hành vi cướp cá, cướp dầu, máy định vị, đám cướp ‘nói tiếng TQ, mặc đồ sỹ quan’ kia còn ‘tấn công, chặt cờ’ đánh đập cả người và tàu thuyền một cách vũ phu trên chính ngư trường mà Chủ tịch đã căn dặn “Biển của ta, ta cứ đánh bắt” ấy.

Theo nhời bình luận trên trang Ba Sàm hôm nay (10/7), trong khi tất cả các tờ báo lớn của quốc doanh vẫn im hơi lặng tiếng. Ngoại trừ tờ Đất Việt còn Đang xác minh hai tàu cá VN bị cướp ngoài Hoàng Sa“, xem bọn nào đã tấn công ngư dân ta, thì BBC đã phỏng vấn nạn nhân, và khá rõ thủ phạm như nội dung trên…. Đáng lo là cho tới đầu giờ sáng nay, dường như cũng mới chỉ có Đất Việt đưa tin vụ việc nghiêm trọng trên, thậm chí chưa thấy báo nào đưa lại tin của ĐV.

Cho dù cơ quan chức năng do Trung tá Nguyễn Văn Thanh, Đồn phó Đồn biên phòng Lý Sơn cho biết, sau khi 2 tàu cá cập đảo, đơn vị đã cử lực lượng xuống xác minh vụ việc, bước đầu cho thấy việc đập phá và tịch thu toàn bộ tài sản trên 2 tàu cá này là thật. (Xem ở đây).

Tàu Kiểm ngư số 306 được giao trọng trách "thực thi pháp luật" ở khu vực QĐ Hoàng Sa có diện tích khoảng 500.000 km²) - Đây chính là con tàu đã đánh cướp hai chiếc tàu QNg 96787 và QNg 90153 trên vùng biển Hoàng Sa của VN vào ngày 6/7/2013 vừa qua (Ảnh: hinews.cn)

Tàu Kiểm ngư số 306 được giao trọng trách “thực thi pháp luật” ở khu vực QĐ Hoàng Sa có diện tích khoảng 500.000 km² – Đây chính là con tàu đã đánh cướp hai chiếc tàu QNg 96787 và QNg 90153 trên vùng biển Hoàng Sa của VN vào ngày 6/7/2013 (Ảnh: hinews.cn)

Như vậy sau cú “kính cẩn nghiêng mình” của bác Trương Chủ tịch, các “bạn vàng” của đảng vẫn tiếp tục ngược đãi ngư dân và khinh miệt quốc kỳ của xứ ta như đã từng diễn ra bấy nay. Đó là sự thật. Tổng thiệt hại cả hai tàu ước tính khoảng 600 triệu VNĐ thôi. Nhưng mối nhục cho quốc thể thật đong đầy.

Chắc chưa tới mức “cháy (cabin) và chết” (người) nên anh Nghị cũng chả cần lên tiếng, các tờ báo hàng đầu của quốc doanh (chắc đèn xanh chưa bật) đành thây kệ cho truyền thông của “xứ giẫy chết” (như BBC; RFA; RFI; VOA) một mình một chợ thả sức tung hoành (?)

Xem lại bản Tuyên bố chung Viêt Nam-Trung Quốc (ngày 21/6/2013 tại Bắc Kinh) thấy có dòng ghi rõ như thế này:

“Hai bên hài lòng trước sự phát triển của quan hệ hai Đảng trong những năm qua, nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác giữa hai Đảng, thúc đẩy cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại và Ban Tuyên giáo, Tuyên truyền của hai Đảng vận hành thuận lợi”. (Trích điểm 3iii – Tuyên bố chung).

À ra vậy, những năm qua đã xẩy ra bao tai ương cho ngư dân ta bởi tụi “tàu lạ” mà “Hai bên vẫn hài lòng” để “nhất trí làm sâu sắc… giao lưu hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại và Ban Tuyên giáo, Tuyên truyền…” như thế thì báo chí “xứ thiên đường” nhà mình phải tuân thủ nghiêm chỉnh “định hướng” của mấy anh Tuyên giáo lưỡng quốc Việt-Tàu là điều đương nhiên rồi.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sau lễ ký Tuyên bố chung... (Ảnh: Đất Việt)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sau lễ ký Tuyên bố chung… (Ảnh: Đất Việt)

“Hai bên trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí việc Lãnh đạo hai Đảng, hai nước duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển xuất phát từ tầm cao chiến lược và đại cục quan hệ hai nước. Hai bên sẽ nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”, sử dụng tốt các cơ chế như đàm phán biên giới lãnh thổ cấp Chính phủ…, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên…” (Trích điểm 4- Tuyên bố chung).

Không biết có phải cụm từ tầm cao chiến lược và đại cục đã vô hiệu hoá toàn bộ cái gọi là sự chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển khiến dù tranh chấp Việt-Trung ở Biển Đông có phức tạp đến đâu thì cũng chỉ mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên. Đó chính là lá bùa hiểm độc phục vụ cho tham vọng độc chiếm Hoàng Sa-Trường Sa với bản đồ hình lưỡi bò nuốt trọn 80% Biển Đông mà Việt Nam không có một động thái khả thi nào làm anh “bạn vàng” phương Bắc điều chỉnh cả về nhận thức và hành vi.

06526FD7-9930-4068-9895-430AB50110C2_w640_r1_s (1)Có ý kiến cho rằng, khi nội bộ giới “đỉnh cao trí tuệ” xứ mình đang tranh giành nhau quyết liệt bởi lợi ích nhóm. Khiến nhóm nào cũng muốn tranh thủ sự hậu thuẫn của ông “bạn vàng” lòng tham không đáy. Thì đừng có xui dân tay không tấc sắt ra đương đầu ở chỗ mũi tên hòn đạn làm gì, tội nghiệp bà con?

“Trước trí tuệ vĩ đại tôi cúi đầu, trước một trái tim vĩ đại tôi quỳ gối.”
(Lời triết gia W. GOT)

Một người từng trải và hiểu biết như Trương Chủ tịch, liệu cái cúi đầu hơi thấp qúa mức cần thiết của ông trước đám ắc-ê lính Tàu ở Bắc Kinh hôm 19/6 có phải do sự kính nể cả trí tuệ lẫn trái tim của chúng hay không?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi ngư dân Bùi Văn Phải, huyện đảo Lý Sơn bị tàu Trung Quốc bắn cháy ca bin trong lúc đang khai thác ngư trường của Việt Nam tại đảo Hoàng Sa. (Ảnh: Thanh Long-TTXVN)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi ngư dân Bùi Văn Phải, huyện đảo Lý Sơn bị tàu Trung Quốc bắn cháy ca bin trong lúc đang khai thác ngư trường của Việt Nam tại đảo Hoàng Sa. (Ảnh: Thanh Long-TTXVN)

Chắc chắn câu trả lời là không! Đơn giản ông đành chịu “lấm mình” mong gửi đi một thông điệp “thần phục” để làm vừa lòng ông “bạn vàng” kiêu ngạo nhằm câu giờ và mong họ rủ lòng thương. Biết đâu giảm đi phần nào nỗi cơ cực của những phận nghèo (như ở Lý Sơn) mà ông đã mục sở thị tâm giao. Nhưng sau sự kiện Tàu cá Việt Nam ‘bị tấn công, chặt cờ’ hôm 6/7 vừa rồi, không biết Trương Chủ tịch đã tĩnh trí lại để hiểu thấu được câu danh ngôn của Đại Văn hào V-Hugo: “Trên đời chỉ có một thứ mà ta cúi đầu thán phục: đó là thiên tài và chỉ có một thứ mà ta phải quỳ gối tôn trọng đó là lòng tốt.”

Tiếc thay, anh “bạn vàng” của đảng kính yêu của ông Chủ tịch có thực sự là thiên tài với trái tim nhân hậu (lòng tốt) hay không thì ông đã biết tỏng rồi còn gì?!

Gocomay

___________________

751 – Tại sao phim “Thái sư Trần Thủ Độ” bị “treo”?

Cảnh trong phim “Thái sư Trần Thủ Độ”

Hôm qua tự nhiên thấy trên Báo Dân Trí có một bài của tác giả Hào Hoa, tiêu đề: Phim 56 tỷ đồng mừng đại lễ sau hai năm vẫn… đắp chiếu. 

Kể lể rằng: Bộ phim nằm trong chương trình mừng đại lễ ngàn năm Thăng Long- Hà Nội, được rầm rộ bấm máy từ năm 2009 gồm 30 tập, do hãng phim truyện I (nay là công ty cổ phần phim truyện I) sản xuất, đã được UBND thành phố Hà Nội đầu tư 56 tỷ đồng giao đạo diễn Đào Duy Phúc thực hiện… để lên sóng vào tháng 10/2010 mừng đại lễ. Nhưng đến thời điểm này, bộ phim vẫn “biệt vô âm tín”, và điều đáng nói ở đây, cả UBND thành phố Hà Nội và công ty cổ phần phim truyện I đều không ai muốn trả lời về “số phận” bộ phim này…

Phóng viên Dân trí (chắc xót tiền dân – GCM) đã liên lạc với nhà sản xuất Tất Bình, đạo diễn Đào Duy Phúc đều nhận được câu trả lời rằng, công ty cổ phần phim truyện I chỉ chịu trách nhiệm phần sản xuất. Sau khi bộ phim hoàn tất, hãng phim đã giao 30 tập phim Thái sư Trần Thủ Độ cho đơn vị đặt hàng là UBND thành phố Hà Nội….

Phóng viên đã nhiều lần liên lạc với UBND thành phố Hà Nội về “số phận” bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ nhưng chỉ nhận được câu trả lời, “Khi nào có lịch chiếu, phim sẽ lên sóng”.

Hai năm đã trôi qua, bộ phim lịch sử có số tiền đầu tư sản xuất khổng lồ mừng đại lễ vẫn “im thin thít, lặn mất tăm”. Và đến thời điểm này, chẳng còn ai muốn hỏi, càng chẳng còn ai muốn trả lời về bộ phim này.

Chuyện gì đã thực sự xảy ra với bộ phim lịch sử tiền tỷ của đại lễ ngàn năm?

(http://dantri.com.vn/c730/s730-650050/phim-56-ty-dong-mung-dai-le-sau-hai-nam-van-dap-chieu.htm)

Theo ông Nguyễn Trọng Tuấn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cho rằng: “Công chiếu “Thái sư Trần Thủ Độ” muộn cũng bởi khách quan. Trong đợt kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long chúng ta không thể cho phim lên sóng được. Bởi về lịch sử Trần Thủ Độ là người tiêu diệt nhà Lý. Đó là chuyện nhạy cảm lịch sử.” (http://megafun.vn/tin-tuc/nghe-thuat/dien-anh/201111/Muon-len-song-vi-ly-do-nhay-cam-170151/)

Điều này liệu có thuyết phục được người dân đã bỏ tiền đóng thuế ra để cho các nhà quản lý ở Hà Nội giải thích một cách nhăng cuội như thế không?

Cảnh trong phim “Thái sư Trần Thủ Độ”

Được biết để duyệt từ khâu kịch bản cho tới giai đoạn nghiệm thu thành phẩm cuối cùng của bộ phim lịch sử phục vụ đại lễ này có cả một bộ sậu tai to mặt lớn bao gồm những cây đa cây đề danh giá như: NGND Lê Đăng Thực, đạo diễn điện ảnh, làm Chủ tịch Hội đồng. Hai Phó Chủ tịch gồm GS.TS.NSND Nguyễn Đình Quang (nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá) và GS Lê Văn Lan – nhà sử học danh tiếng. Ngoài ra còn các gương mặt sáng giá vào bậc nhất về chuyên môn cũng như chính trị như: NSND Bùi Đình Hạc – đạo diễn điện ảnh; ông Lê Ngọc Minh – biên kịch (Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh – lúc chưa xin từ chức); ông Nguyễn Thanh Học – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; NSƯT Trần Quốc Chiêm – Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội; ông Nguyễn Trọng Tuấn – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long; ông Đỗ Đình Hồng – Phó Văn phòng UBND TP Hà Nội… Vậy mà vẫn để tiền bạc (56 tỷ) cùng với công lao động nghệ thuật của hàng trăm nghệ sỹ và các thành phần hỗ trợ bị phí phạm trong lúc ngành điện ảnh đang cực kỳ thiếu vốn để hoạt động. Khán giả cả nước thì thiếu phim lịch sử của nước mình để xem. Mà “Thái sư Trần Thủ Độ” trở thành một thứ “Vinashin” trong điện ảnh chìm nghỉm không biết bao giờ mới sủi tăm như thế, thì qủa thật đau lòng cho tất cả những ai còn nặng lòng với sự nghiệp điện ảnh nước nhà nói riêng và với Thăng Long Hà Nội nói chung.

Là người yêu môn lịch sử dân tộc, tôi nhìn vụ phim “Thái sư Trần Thủ Độ” bị “đắp chiếu” lại ở một lý do sâu xa khác. Chẳng có cái gọi “nhạy cảm lịch sử” gì ở đây cả. Có chăng là nhạy cảm với ông “bạn vàng” phương Bắc thì đúng hơn. Vì đề cao Trần Thủ Độ là đề cao tinh thần Đông A. Đề cao một triều đại vàng son vẻ vang vào bậc nhất của lịch sử Việt Nam. Khiến người CS Trung Hoa đang nuôi tham vọng bành trướng một cách điên cuồng về lãnh thổ lãnh hải là không bao giờ muốn.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” từng ghi thời Trần có hai người được vua cho lập sinh từ thờ khi vẫn còn sống là Trần Thủ Độ và Trần Quốc Tuấn. Chính Trần Thủ Độ đã sớm phát hiện thiên tài quân sự của Trần Quốc Tuấn nên đã tiến cử Quốc Tuấn đảm trách chức “Quốc công Tiết chế” ngay từ cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất (1257).

Lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ, làng Ngừ, Liên Hiệp, Hưng Hà, Thái Bình – Ảnh: Quang Thọ

Con người Trần Thủ Độ còn đầy bí ẩn. Kể cả cha mẹ, nơi sinh, thời thơ ấu đều không có bất cứ một nguồn tài liệu trong nước nào ghi chép một cách rõ ràng. Chính sử của Việt Nam ta đều ghi ông mồ côi cha mẹ từ bé và ở với bác là Trần Lý chứ không ghi rõ bố mẹ ông là ai.

Còn theo bác sỹ Trần Đại Sỹ, hậu duệ dòng đích nhà Trần hiện đang sống và làm việc ở Pháp, người đã bỏ nhiều công sức sưu tầm và nghiên cứu lịch sử triều Trần thì cho rằng các tài liệu trong các thư viện quân sự của Trung Quốc ở các Quân khu Quảng Đông; Quảng Tây; Vân Nam; Quế Châu. Cùng gia phả các chi phái của Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, hiện đang sống tại Trung Quốc có ghi chép rất chi tiết về gia thế của Thủ Độ. Ông là con của danh tướng Trần Thủ Huy và công chúa Đoan Nghi (con gái của vua Lý Anh Tông). Do hoàn cảnh đưa đẩy, cha mẹ của Thủ Độ phải lưu lạc ở cao nguyên Gobi (đất Mông Cổ) từ thời đế quốc Mông Cổ còn phôi thai. Thủ Độ được sinh ra ở bến đò Liêu Đông (Trung Quốc) trên đường đi lánh nạn. Nên cái tên Độ, tức bến đò là để kỷ niệm chuyến đi bão táp ấy.

Cả thời thơ ấu của Thủ Độ trưởng thành tại đất Mông Cổ nên chịu ảnh hưởng của sinh hoạt và văn hóa của người Mông Cổ ở vị Thái sư nhà Trần là rất đậm. Nhất là trong chuyện hôn nhân và gia đình. Những ý kiến ấy của bác sỹ Trần Đại Sỹ cũng rất có lý. Nhưng tiếc thay để kiểm chứng, cho tới lúc này, với tôi là bất khả thi.

Lại có giả thuyết cho rằng thân sinh Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị (theo nguồn tư liệu điền dã của cụ Dương Quảng Châu). Song các tư liệu điền dã đó chưa đủ cơ sở để chứng minh một cách khoa học, chính xác về thân phụ của Trần Thủ Độ. Ở xã Thái Phương (Thái Bình) có thờ vị Thiên thần Trang Nghị Đại Vương mà thôi. Vì thế, không thể nói khi chưa đủ chứng cứ để khẳng định có nhân vật Trần Hoằng Nghị và càng không thể nói ông là thân sinh của Trần Thủ Độ được. Thực tế bố mẹ Trần Thủ Độ là ai, đến nay qua bảy, tám trăm năm vẫn chưa ai giải đáp được (kể cả Lê Văn Hưu – sử gia thời Trần; Phan Phu Tiên và Ngô Sĩ Liên – thời Lê)  (http://www.baothaibinh.com.vn/52/3646/Tran_Thu_Do_va_khoang_trong_phia_sau_cuoc_doi_ong.htm)

Nhà nghiên cứu Trần Đại Sỹ còn cho biết, chính công chúa Đoan Nghi (mẹ Trần Thủ Độ) đã bị tụi gian tế Tống nằm vùng trong triều đình nhà Lý hãm hại ngay ở bến Tiềm Long (bến đò sông Cái), khi Đoan Nghi đưa Trần Thủ Độ từ Mông Cổ về Thăng Long thăm mẹ đang đau bệnh, lúc Thủ Độ chừng 10 tuổi. Khiến Độ phải giả điên mới thoát khỏi tai mắt của kẻ thù. Cho nên mối thù không đội trời chung với giặc phương Bắc chính là động lực rất lớn ngay từ thuở hàn vi ở vị khai quốc công thần nhà Trần này.

Nếu những điều ông Đại Sỹ đã nêu là đúng với những gì đã mục sở thị ở các thư tịch của người Trung Hoa thì chính con người Trần Thủ Độ là vô cùng “nhạy cảm” với chủ nghiã bành trướng phương Bắc chứ hoàn toàn không thể là lấy lý do: người tiêu diệt nhà Lý (một triều đại đang trên đà tan rã lúc bấy giờ) để làm lý do “treo” (đắp chiếu) bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ” trong dịp đại lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long cho tới tận bây giờ? Chả nhẽ cái hào khí Đông A, lại không cần thiết cho công cuộc gìn giữ biển đảo của chúng ta trước sự tham lam vô tiền khoáng hậu của Trung Quốc ở biển Đông?

Sự an nguy của non sông đất nước trong lúc này chả nhẽ lại không cần những thần tượng sáng giá như Trần Thủ Độ, người từng khẳng khái với câu nói nổi tiếng trong thời khắc lâm nguy của xã tắc: Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!“?

Với khí phách và lòng tự tin qủa cảm ấy, Trần Thủ Độ không những là vị công thần hiếm có của vương triều Trần – Đại Việt, thế kỷ 13. Mà còn là người anh hùng bảo vệ non sông bờ cõi sáng giá vào bậc nhất của lịch sử dân tộc Việt!

Thiết nghĩ những ai đồng thuận với tụi bành trướng để “treo” bộ phim, vô hình chung đã tiếp tay cho kẻ thù nhằm thôn tính dân tộc ta, đất nước ta trong giấc mộng bá quyền đã và đang ngày càng quyết đoán của chúng!

Gocomay

________________________

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ