785 – Liệu quan Tổng Thanh tra CP Huỳnh Phong Tranh có “trượt mồm”?

do3

Bình luận về lời đề nghị “Yêu cầu cưỡng chế đoàn khiếu kiện đông người qúa khích, “mang màu sắc chính trị” của ông Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh hôm 18/4/2013, có ý kiến cho rằng đó chỉ là cú “trượt mồm” qúa mạnh so với các cú “trượt mồm” gần đây của các ông từ TBT, Chủ tịch QH, Chủ tịch nước… đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trong công luận.

Horst Köhler, Tổng thống thứ 13 của Đức

Horst Köhler, Tổng thống thứ 13 của Đức.

Nhìn rộng ra thế giới. Chuyện các chính khách hàng đầu ở các nước bị “trượt mồm” là không thiếu. Một ví dụ như ông Tổng thống Đức Horst Köhler (2004-2010) chẳng hạn. Ông là người có gương mặt khả tín, thân thiện, cùng sự chín chắn trong từng lời ăn tiếng nói. Đã gây được nhiều thiện cảm trong dân chúng. Vậy mà trong chuyến thăm viếng binh sĩ Đức đồn trú ở Afghanistan hồi đầu năm 2010, chỉ với mỗi một câu nhỡ miệng rằng, sự hiện diện của các binh sĩ Đức ở nơi đây (Afghanistan) là để bảo vệ quyền lợi kinh tế của nước Đức. Câu nói này ngay tức thì đã gây tranh cãi nhiều trên truyền thông báo chí. Khiến ông phải xin từ chức vào ngày 31.05.2010. Làm không ít chính khách cũng như người dân Đức luyến tiếc.

Trở lại chuyện của Huỳnh Phong Tranh.

Tại một hội nghị quan trọng do ông chủ trì. Để bàn về việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phục vụ các kỳ họp của Trung ương Đảng và Quốc hội diễn ra vào hôm 18/4 vừa qua. Với sự hiện diện đầy đủ lãnh đạo các Bộ, ngành và 22 tỉnh, thành phố trên cả nước. Người dân oan khắp nơi đang hồi hộp ngóng chờ tiếng nói của một ông quan đứng đầu cơ quan thanh tra của chính phủ. Như ông ta đã từng tuyên bố lúc mới nhậm chức (8/2011) rằng:

“Công tác thanh tra là bạn của dưới, tai mắt của trên. Nếu làm tốt công việc chúng tôi có thể giúp cho công tác điều hành của Chính phủ và giúp cho sự lãnh đạo của Đảng ngày càng sát thực tế hơn.

Tôi cũng sẽ cố gắng là nếu có cám dỗ sẽ tránh, đồng thời giáo dục lực lượng công chức trong bộ máy của mình trung thành, trung thực và trong sạch để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn…” (xem ở đây).

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chủ trì cuộc họp ngày 18/4/2013.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chủ trì cuộc họp ngày 18/4/2013.

Vậy mà mới nhậm chức chưa được nửa nhiệm kỳ, trong lúc công tác phòng chống tham nhũng và chỉnh đốn còn đang diễn ra nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân đối với đảng. Mà ông Tổng Thanh Tra lại chụp cái mũ qúa khích, “mang màu sắc chính trị” để đòi “cưỡng chế” những “khiếu kiện đông người” như thế thì có khác gì “tự đá vào lưới nhà” trong trận cầu sống mái với nạn tham nhũng đang có nguy cơ ngày càng gia tăng?

Ở bài viết Nhân dân đứng ngoài chính trị? nhà văn Thùy Linh đã chỉ rõ:

“Chính trị theo nghĩa rộng hơn là hoạt động của con người nhằm làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung mà những luật lệ này tác động trực tiếp lên cuộc sống của những người góp phần làm ra, gìn giữ và điều chỉnh những luật lệ chung đó. Khi luật lệ chung này có vấn đề thì đương nhiên sẽ có bộ phận dân chúng phản ứng với sự sai khác này. Hành động của họ, đương nhiên, là hành động chính trị.”

Cho nên có khiếu nại tố cáo (khiếu kiện dù đông hay ít người) nào là không “mang màu sắc chính trị”, thưa ông Tổng Thanh tra Chính phủ?

Với sự hiện diện đầy đủ lãnh đạo các Bộ, ngành và 22 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhưng tín hiệu phát ra rõ ràng là muốn rập tắt khiếu nại tố cáo kéo dài bằng cách chụp cho những người đi khiếu kiện cái mũ là “mang màu sắc chính trị” thì có khác gì coi dân oan là “thế lực thù địch” và cần phải mạnh tay trấn áp chứ đâu phải muốn làm “bạn của dưới” (dân đen) như lời ông nói lúc mới đăng quang?

"...những người dân mặc áo quốc kỳ đi khiếu kiện đã làm xấu hình ảnh thủ đô" - Lời Nguyễn Thế Thảo.

“…những người dân mặc áo quốc kỳ đi khiếu kiện đã làm xấu hình ảnh thủ đô” – Lời Nguyễn Thế Thảo.

Ai chứ Nguyễn Thế Thảo (người đã phát ngôn: những người dân mặc áo quốc kỳ đi khiếu kiện đã làm xấu hình ảnh thủ đô) và Lê Thanh Hải (người đang bị hàng chục người dân tố cáo cướp đất ở TP Hồ Chí Minh) sẽ mở cờ trong bụng. Bởi ông quan “mặt lạnh như tiền” Tổng Thanh tra Chính phủ – Huỳnh Phong Tranh đã chọn chỗ đứng về phía những quan tham đang bị dân tố cáo. Chứ không phải ngược lại.

Đó là thông điệp gì mà Huỳnh Phong Tranh muốn gửi tới các quan tham nhũng ở tất cả bộ ngành từ trung ương tới các địa phương?

Nhớ lại câu chuyện nghe được từ chính một người bạn thân của tôi cách đây hơn 7 năm. Anh là giám đốc một công ty lớn của nhà nước. Bạn đã từng than với tôi:

– Bất kể ai đang ăn nên làm ra trong guồng máy (doanh nghiệp nhà nước) mà không biết “quan hệ tốt” với các quan lớn trên thượng tầng là khó mà tồn tại được.

Anh còn khoe, nhờ có được tấm ảnh anh ta chụp chung với ông Tổng Thanh tra Chính phủ (thời đó là Quách Lê Thanh) trên sân quần vợt. Mà hầu như tất cả các đợt thanh tra lớn nhỏ đều xuôi chèo mát mái hết.

Tôi giả bộ thắc mắc:

– Tớ thấy cậu có khoái chơi thể thao bao giờ đâu mà bày đặt thế?

– Không khoái cũng phải cố. Như ăn nhậu cũng vậy, không thích cũng phải gắng… làm công chức thời nay cơ cực lắm chứ không như người ta tưởng đâu ông ơi…

Được đà tôi lấn tới:

– Chả nhẽ chỉ có mỗi tấm ảnh chụp chung với quan lớn Tổng Thanh tra trong tư thế thân mật mà được châm chước hết thảy sao?

– Ồ không không, còn thêm nhiều tích tắc nữa chứ. Nhưng như người ta nói “đầu xuôi đuôi lọt”. Biết mình có quan hệ với trên cao chót vót, bên dưới chúng cũng đỡ hành tỏi đi nhiều. Ngay cả khoản “lót tay, đưa tiễn” cũng có phần nhẹ nhàng hơn…

Có một hiện tượng lạ là gần đây tất cả các ý kiến phản biện trái với “định hướng” của Ban Tuyên giáo đều bị các “dư luận viên xã hội” (như khoe khoang của Hồ Quang Lợi) nhảy vào chửi bới mạt sát một cách vô văn hóa bất kể phải trái trắng đen.

Liên hệ với chuyện tham nhũng của chính những người mang danh đi “chống tham nhũng”. Một thực tế mà ai cũng thấy, thời gian qua hoạt động của ngành Thanh tra Chính phủ rất tích cực. Nhưng tham nhũng cứ ngày càng tăng lên. Nó chứng tỏ điều gì?

image00144

Theo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng của Chính phủ. Toàn ngành thực hiện gần 63.000 cuộc thanh tra, kết thúc gần 53.000 vụ, tuy nhiên, số vụ chuyển cơ quan điều tra chiếm chưa tới 1%. Như vậy các cáo buộc nhận hối lộ của các quan thanh tra từ thấp lên cao để “giơ cao đánh khẽ” trong hoạt động thanh tra là đúng hay sai?

Đại biểu Lê Như Tiến, tại phiên chất vấn công khai Tổng Thanh tra Chính phủ sáng 22/8/2012 ở diễn đàn QH đã hỏi thẳng ông Huỳnh Phong Tranh về tiêu cực, nhũng nhiễu của thanh tra viên. Qua các đợt thanh tra, cơ quan, doanh nghiệp phải lo chăm sóc chu đáo, khi thanh tra về phải lo tiễn đưa hậu hĩnh, “kính gửi đậm đà”…

Đó là các khoản lệ phí gia tăng theo kiểu luật bất thành văn. Có phải là nguyên nhân của “hàng trăm cuộc thanh tra không có kết quả?”

Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh thừa nhận có tiêu cực, nhũng nhiễu, để lộ lọt thông tin trong đội ngũ thanh tra viên. Ảnh: N.Hưng.

Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh thừa nhận có tiêu cực, nhũng nhiễu, để lộ lọt thông tin trong đội ngũ thanh tra viên…

Trước những chất vấn trực diện như thế, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh buộc phải thừa nhận có tiêu cực, nhũng nhiễu, để lộ lọt thông tin trong đội ngũ thanh tra viên… Dẫn tới kết qủa trong 5 năm (từ 2007 tới 2012), 16 cán bộ thanh tra đã bị xử lý, trong đó 2 người bị xử lý hình sự, một người bị buộc thôi việc. (Xem ở đây).

Nhưng câu hỏi lớn hơn đặt ra là: Có phải trong gần 53 ngàn vụ thanh tra đã kết thúc ở trên chỉ có một con số rất ít những đồng chí cán bộ thanh tra “bị lộ” đã được xứ lý một cách nhẹ nhàng như thế là đã thỏa đáng?

Nay trong cuộc họp Chính phủ do ông Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh chủ trì để bàn về việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Với sự hiện diện đầy đủ lãnh đạo các Bộ, ngành và 22 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhưng tín hiệu phát ra rõ ràng là muốn rập tắt khiếu nại tố cáo kéo dài của dân oan bằng cách chụp cho những người đi khiếu kiện cái mũ là mang “màu sắc chính trị” thì có khác gì coi dân là “thế lực thù địch” cần phải mạnh tay để “cưỡng chế” đối với họ.

Đó chính là thông điệp rõ ràng táo tợn mà Huỳnh Phong Tranh muốn ngầm nhắn gửi tới các quan tham nhũng ở tất cả bộ ngành từ trung ương tới các địa phương rằng: “cứ yên tâm đi… các đoàn khiếu nại tố cáo đông người đã bị qui kết “qúa khích” và “mang màu sắc chính trị” hết rồi. Sẽ bị “cưỡng chế” bịt miệng không trừ một ai… để các quan yên tâm mà vơ vét! Nhưng chớ có quên các khoản “lót tay, đưa tiễn” hậu hĩnh tương xứng với quan thanh tra lớn nhỏ là được!

Luận điệu này thể hiện rất rõ cái lối “tư duy nhiệm kỳ” của ông Tranh! Nó là cực kỳ phản động hay chỉ là sự “nhỡ miệng” thông thường. Xin nhường câu trả lời cho tất cả những ai đang quan tâm tới vấn đề này giải đáp dùm?!

Gocomay

____________________

748 – Ai là thủ phạm “làm xấu hình ảnh Thủ đô”?

Ông Nguyễn Thế Thảo – Tổng đốc Hà Nội thời nay

Mấy hôm nay thấy dư luận bức xúc nhiều về loạn ngôn phát bừa của ông Tổng đốc (Chủ tịch) Hà Thành – Nguyễn Thế Thảo. Khi ông cho rằng, những người dân mất đất đi khiếu kiện “mặc áo màu Quốc kỳ, mang theo khẩu hiệu đòi đất đã làm xấu hình ảnh Thủ đô…”!

Bàn về chuyện này, nhà văn Thùy Linh nêu câu hỏi: Ai làm mất thể diện Hà Nội, mất thể diện quốc gia, đất nước này? Không lẽ mấy người dân mất đất? Không lẽ nhìn cảnh dân oan biểu tình mà người ta nghĩ khác đi về Việt Nam? (http://www.buudoan.com/2012/09/co-gi-ep-tren-oi-hon-the_1999.html?showComment=1348928933299#c7971519080062273835)

Một độc giả gửi còm cho chị Thùy Linh thì cho rằng: “Mất mỹ quan thành phố nhất là sự quy hoạch lộn xộn nhốn nháo; là hệ thống dây dợ các loại chằng chịt từ trong ngõ đến ngoài phố; là hàng quán nhậu nhẹt tràn khắp vỉa hè; là những con phố bị đào lên/ lấp xuống nham nhở; là những dòng sông lềnh bềnh đủ thứ trên phố sau mỗi cơn mưa; là những cái đạp vào mặt người dân khi bị khiêng lên xe bus như khiêng súc vật…. mà những thứ này thì nguyên nhân hoàn toàn không phải do người dân” (LaoHac17:04 Ngày 29 tháng 9 năm 2012)

Nhà giáo Hà Văn Thịnh, mặc dù đang lâm trọng bệnh nằm dưỡng bệnh ở Quảng Trị khi nghe ông Tổng đốc Thảo nói cũng không kìm được lòng mình, ông viết: “Ông chủ tịch Hà Nội ngang nhiên chê trách người dân khiếu kiện đông người làm xấu đi hình ảnh của thủ đô trong khi chẳng cần ngượng ngùng chút nào khi ai không biết chuyện Hà Nội đẹp sao nổi với “vẻ đẹp” vô tiền khoáng hậu: Năm 2011, cứ 4 ngày lại xảy ra 3 vụ trọng án ở thủ đô (Người Đưa Tin, 28.12.2011)? Đó là kỷ lục có lẽ, không có thủ đô nào có thể vượt qua nếu tính theo sự tương đương về dân số? Ông chủ tịch cũng “quên” mất rằng khi ông ca ngợi (?) bộ phận tiếp dân giải quyết đơn từ nhiều hơn 89% so với năm 2011 cũng có nghĩa là dân oan, dân đau năm nay tăng gấp đôi năm ngoái rồi đó. Oan mà không kêu mới là chuyện lạ, vậy thì, ai làm xấu ai đây? Giá như ông chủ tịch đọc báo ngày 28.9.2012, báo Dân Trí chắc sẽ khó mà mở miệng nói càn: Gần 1.000 dân ngắc ngoải sống trong ô nhiễm giữa thủ đô!?….” (http://www.boxitvn.net/bai/41634)

May tôi ở xa, thiếu thực tế, chả dám lạm bàn nhiều, chỉ xin post lên đây vài tấm hình mà bản thân được mục sở thị chộp được trong dịp đầu xuân về ăn tết ở quê cùng vài tấm tình cờ lượm được trên báo của đảng và nhà nước và báo mạng để những ai quan tâm đến chuyện này suy xét một cách khách quan xem việc quản lý đô thị của quan Tổng đốc Thảo ra sao? Xem ai là thủ phạm “làm xấu hình ảnh Thủ đô”?

Chị nông dân mất đất này, sắp “nằm ổ” vẫn phải bươn chải trên hè phố HN kiếm miếng ăn (Ảnh chụp ngày 24 Tết Nhâm Thìn – 17/01/2012 sau Văn Miếu trên đường Nguyễn Thái Học HN.

Chị bán rong này thì khá hơn vì đã có xe đạp thay cho quang gánh. Nhưng nét mặt cực kỳ căng thẳng vì phải canh chừng các “anh hùng núp” (chụp ngày 24 tết Nhâm Thìn – 17/01/2012)

Hậu duệ của “chị Hai năm tấn” ngoại thành HN này đã được đổi đời khi sắm được cả bình bịch chở rau qủa vào phục vụ cho các chợ đầu mối của thủ đô (17/01/2012)

Củi vẫn là chất đốt ưa chuộng ở Thủ đô Hà Nội thời nay, hiện hữu bên cạnh bếp điện, bếp ga và cả than tổ ong… (17/01/2012)

Giờ giải lao của một sỹ quan công an ngay trên vỉa hè tại Cửa Nam Hà Nội (17/01/2012)

Cảnh những búi dây điện như thế này là hình ảnh qúa quen mắt người thủ đô (30/01/2012)

Ngoài những búi dây điện, hệ thống loa công cộng cũng rất “đặc trưng” của HN thời nay!

Loa cũng có đủ loại: Loa Phường (Thôn); Loa Quận (Huyện) và Loa Quốc gia (VOV). Nhiều lúc tất cả các loa này cùng đua nhau phát thanh gây ra cảnh cãi nhau chí choé…

Các hàng quán đủ loại luôn chen vai thích cánh ngay sát cổng trường đại học ở thủ đô

Một nhánh của Nhị Hà (sông Hồng) nhìn từ cầu Long biên (Mùng 3 Tết Nhâm Thìn – 25/01/2012)

Dòng Nhuệ Giang trong lành xưa. Nay đã sang ngả màu nước điếu vì ô nhiễm nặng (Đứng trên Cầu Diễn chụp ngày 3 Tết Nhâm Thìn – 25/01/2012)

Sông Đáy nổi tiếng của xứ Đoài (“Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc”– Quang Dũng), nay về Hà Nội màu nước sông cũng y hệt “nước cất mả” vậy! (Mùng 6 Tết – 28/01/2012)

Một góc nghiã trang sát đường QL 32 (cách Hồ Gươm 14 km) – Ảnh chụp ngày 16/01/2012

Dự án “treo” Thăng Long 9 cách Hồ Gươm 14 km sát QL 32 (hơn 170 ha) đang được đắp chiếu (rào tôn) vì thiếu vốn (chụp mùng 2 Tết – 24/01/2012)

Hơn 170 ha bờ xôi ruộng mật nay chỉ thấy toàn cây cộng sản (hoa cứt lợn) bạt ngàn (24/01/2012)

Bên cổng chào kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đường hàng ngàn tỷ mới khánh thành chưa đầy 2 năm… gặp trời mưa không to lắm mà lún sụt tới mức này (Ảnh: Dân Trí)

Cảnh ô nhiễm trên các tuyến đường cửa ngõ thủ đô như thế này không biết đến bao giờ mới hết? (Ảnh: Dân Trí)

Mặc dù đang áp dụng giải pháp đổi giờ, cấm trông xe trên 262 tuyến phố nhưng thời điểm này, tại nhiều tuyến đường của Hà Nội ùn tắc giao thông vẫn xảy ra…(Ảnh: vnmedia.vn)

Những người dân oan ngoại thành HN mất đất đi nộp đơn khiếu kiện mà mặc áo “màu quốc kỳ” như thế này là “làm xấu hình ảnh Thủ đô”? (Nguồn: XUANVN)

Dân oan tới các cơ quan công quyền khiếu kiện một cách ôn hòa đã “làm xấu hình ảnh Thủ đô”? (Ảnh: XUANVN)

Để kết cho entry cuối tuần này xin được chép lại lời của nhà giáo Thịnh (đã nói ở trên) rằng:

“Người dân đau đớn quá rồi, thưa các quan! Xin các vị bớt đi những việc làm chướng mắt, nghịch nhĩ. Xin các vị hãy học nói cho đúng, cho chuẩn trước khi làm quan. Được thế, dân đen chúng tôi cảm ơn lắm lắm…”

Gocomay

_________________________

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ