846 – Để Mùa Xuân Đầu Tiên của quê hương sớm tràn về!

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên…

Giai điệu Valse da diết trong nhạc phẩm Mùa Xuân Đầu Tiên của cố nhạc sỹ Văn Cao đã khiến tôi liên tưởng tới chuyện lòng người xa quê đối với mùa xuân đến muộn trên quê hương mình.

IMG_0205

Cháu Tanja mang hai dòng máu, sõi tiếng Việt cứ đòi bằng được lá cờ vàng nhỏ trên tay mẹ cháu – chị Hoàng Thị Yến quê Phú Thọ, hiện cư ngụ tại Tostedt (LK. Harburg).

Năm ấy, để phản đối người anh em “4 tốt“ Phương Bắc cắt cáp Tàu thăm dò dầu khí Bình Minh của VN, hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra khắp hai miền Nam Bắc. Hưởng ứng với bà con trong nước, người Việt phe cờ vàng đã tổ chức một cuộc BT trước LSQ Trung Quốc tại Hamburg vào ngày 25.06.2011. Được một người quen trong BTC báo tin, tôi rủ chú em Tuấn lên tham gia hưởng ứng. Đến nơi thấy cờ vàng rực mé bên kia đường đối diện LSQ Trung Quốc với khoảng 50-60 người tham gia. Hôm đó nhằm ngày thứ bảy, Tuấn phải đi làm ca đêm mãi tới hơn 6 giờ sáng mới tan ca. Sợ không kịp thời gian, Tuấn nhờ con trai lớn của Tiến viết sẵn cho mấy chữ: “HOANG SA – TRUONG SA GEHÖRT ZU VIET NAM“ (Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam) vào tấm bìa Caton to để về thay quần áo xong tới lấy và phi xe đi đón tôi đến thẳng điểm BT. tìm được chỗ đậu xe, nhập cuộc thì biểu tình cũng vừa bắt đầu. Thấy người lạ xuất hiện, một số ánh mắt gườm gườm nhìn vẻ thiếu thiện cảm. Tôi lấy máy ra quay phim và chụp ảnh. Còn Tuấn cầm bìa Caton đứng chung vào đoàn BT. Một bác già tới vỗ vai, nè quay chụp xong phải đưa BTC xem trước mới được phát tán đấy nhé? Cứ nghĩ đó chỉ là câu nói đùa. Nhưng khi thấy Tuấn bị một người trong BTC không cho đứng lẫn vào bên trong mà chỉ được đứng ở bên cạnh nhóm BT thì tôi có cảm giác mọi chuyện không hề đơn giản như mình nghĩ.

P1060018

P1060019

Trên đường về, Tuấn bức xúc bảo: “có nhẽ em sẽ hô hào bà con ở LK. Harburg đứng ra tổ chức hẳn một cuộc biểu tình với hai lá cờ của chiến binh cả hai miền đã từng hy sinh vì Hoàng Sa và Trường Sa của tổ quốc.“

Cứ nghĩ hắn nói chơi. Nửa tháng sau, gọi điện cho tôi, Tuấn khoe Hội Người Việt LK. Harburg đã có giấy phép biểu tình trước LSQ Trung Quốc vào thứ Bảy – 16.07.2011. Nếu anh không bận, bớt chút thời gian lên làm chút ảnh phóng sự nhé. Dù không phải trong BTC, nhớ lời mời lần trước, tôi cũng báo tin cho vài anh em phía bên kia. Nhưng chả thấy ai mặn mà gì. Ngay sau khi kết thúc BT, Tuấn và Tiến (BTC) lên nhà đưa hết ảnh của cả ba bốn anh em chụp ra chọn và viết bài đưa ngay lên để động viên tinh thần bà con. Bài vừa lên Gocomay xong đa số độc giả rất hoan nghênh. Mặc dù vậy cũng có những vu cáo “phản động“ này nọ. Còn phía bên kia lại xỉa sói “tụi CS nằm vùng“…

Đầu năm kia (2014), anh em Hội Người Việt Harburg lại tổ chức Tưởng niệm 40 năm Hải chiến Hoàng Sa. Do BCH Hội chưa thống nhất ý kiến về khâu tổ chức nên cuộc BT vẫn diễn ra nhưng chỉ với danh nghiã Cộng đồng Người Việt Harburg chứ không trên danh nghiã hội đoàn nào.

Tháng 5 năm đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hội Người Việt tại CHLB Đức, anh chị em Harburg tự thuê xe Bus và kéo nhau tới Berlin tham gia. Năm ngoái (2015) trung tuần tháng sáu, cũng một xe Bus đầy bà con Harburg tới Berlin BT chống Tàu. Năm nay (2016), cuối tháng trước, một xe Bus nhỏ do bà con REWE nơi Tuấn làm việc rủ nhau vượt cả ngàn cây số trong ngày xuống Frankfurt am Mainz BT. Những cuộc biểu tình của phe cờ đỏ đó, dù to nhỏ cũng không có gì đặc biệt vì nó thiếu hẳn một bộ phận đông đảo bà con thuyền nhân tham gia. Đặc biệt, buổi lễ Tưởng niệm Gạc Ma và BT chống Tàu vào 13.03 vừa rồi càng làm tôi ngẫm ngợi nhiều.

Hẹn nhau ở bãi đậu xe sát Autobahn Hittfeld, Ngô Quốc Huy cứ đòi chở tôi và Trần Anh Tú bằng xe riêng cho nhanh. Nhưng tôi bảo, xe Bus còn chỗ, mình lên đi cùng bà con cho vui. Trên xe đã thấy bà con hát vang bài của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (Nối vòng tay lớn) và các bài ca bảo vệ biển đảo tổ quốc. Khi thấy lá cờ vàng 3 sọc đỏ vắt trên thành ghế, tôi đã biết ngay hôm nay có cả tưởng niệm chung 74 Tử sỹ Thủy binh VNCH ở Hoàng Sa năm 1974 nữa. Phán đoán của tôi không sai, khi thấy BTC đã dựng hai bảng bìa lớn song song viết tay tên của 74 Tử sỹ Hoàng Sa -19.01.1974 cùng 64 Liệt sỹ Gạc Ma 14.03.1988 ngay trước ban thờ bày hương hoa và một chiếc chuông đồng trên nền lá cờ đỏ sao vàng. Tôi buột mồm hỏi Tiến (BTC), thế lá cờ vàng ba sọc đỏ mà 74 chiến binh VNCH đã ngã xuống ở Hoàng Sa vừa trông thấy trên xe đâu rồi? Tiến bảo, chờ bác An tới cầm mà hôm nay bác ấy bận nên không có ai cầm cả. Tôi gợi ý, vậy thì ghép chung hai lá cờ lên bàn để tưởng nhớ chung cho tất cả các anh đã ngã xuống ở cả hai miền tại Hoàng Sa-Trường Sa của Tổ quốc, được chăng? Tiến và mấy cô đang bày biện ban thờ tán thành ngay. Chả biết việc hai lá cờ trải trên ban thờ tế chung cho các anh đã thấu tỏ được trời đất hay không mà lúc vừa kết thúc lễ tưởng niệm và BT thì bát hương tự dựng bốc hỏa cháy đùng đùng, cho dù trời hôm đó gió không to như các đợt BT trước, tại chính địa điểm này.

IMG_0115

Vài hôm sau, Tuấn lên nhà kể lại chuyện ly kỳ về việc may lá cờ cho các Tử sỹ Hoàng Sa, tôi mới hiểu cái câu “trần sao âm vậy“ mà các cụ nói là rất có cơ sở tâm linh. Tuấn kể, mặc dù trong thông báo của BTC có ghi rất rõ, không phân biệt chính kiến, bất cứ ai có lòng với biển đảo tổ quốc và mang bất cứ lá cờ nào tới lễ tưởng niệm và BT đều được hoan nghênh. Nhưng chính quan điểm cởi mở đó đã bị một số thành thần cực đoan ở cả hai phía không vui. Kết cục 13.03, BT sẽ diễn ra rồi mà 12.03 người mượn giúp lá cờ vàng 3 sọc đỏ trên Bremen nói là quên. Người mời tới làm lễ cầu siêu cũng kiếu bận nên không tới tham gia được. Tuấn và Tiến phải phi ra siêu thị mua vải vàng để may mới lá cờ của 74 Tử sỹ Hoàng sa mà không mua được. Trên đường về gặp cô Xuân Cổn giữa đường, cô bảo, nhà em có 1 tấm, em xin biếu các anh. Thợ may Hải về phép VN, BTC phải túm cô Ngọc Dinh vào may cờ. Không sẵn vải đỏ, lục tung Garage nhà cô Dinh, tìm mãi mới kiếm được hộp sơn đỏ vẽ 3 sọc cờ. Hôm sau ra bến chờ xe Bus mới hay tin người nhận cầm cờ (anh Vũ Thành An bận đột xuất), thấy vậy cô Thúy nhận cầm thay. Chả hiểu sao, tới đúng nơi BT, cô Thúy đổi ý bảo: thôi! Thấy vậy, tôi góp nhời, không ai cầm thì ta trải ngay ngắn cả hai lá cờ lên ban thờ, được chăng? Không ngờ ý kiến ấy lại nhận được sự đồng thuận của tất cả mọi người. Chắc cảm được tấm lòng thành ấy mà hương linh các anh hy sinh anh dũng ở cả Hoàng Sa và Trường Sa đã ứng nghiệm! Cũng chả biết. Nhưng bát hương phát hỏa hai lần liền vào buổi chiều hôm ấy khiến tất cả những người chứng kiến đều vô cùng xúc động. Tuấn kể, Tuấn và Tiến hoảng qúa xông vào dập lửa. Hạnh bảo, anh Tiến chụp ngay vài tấm ảnh trước đã kẻo mất thời cơ. Tuấn sợ cháy to lan xuống cả hai lá cờ nên cứ tay trần nhổ chân hương rực lửa cho vào chuông. Hương cháy to thế mà vào trong chuông thì tắt ngay. May mà tay không bị bỏng… do các anh dưới đó phù hộ chăng?

45-12832314_547618208731417_2158909947597528726_n

Đêm đó tôi thức suốt đêm chọn lựa ảnh ở cả 4 máy chính của tôi; Tiến; Tuấn và Hải để viết tin bài, post phóng sự ảnh tới gần 5 giờ sáng mới xong. Vậy mà ngay tối hôm đó có độc giả phát hiện có Tạp chí của người Việt tại Đức không hề xin phép đã cắt cúp lại ảnh đóng dấu bản quyền của tạp chí đó vào. Không những loại bỏ tất cả những hình có hình lá cờ 74 Tử sỹ Hoàng Sa mà còn chế ra một bản tin sai lệch hoàn toàn về sự kiện diễn ra chiều 13.03 làm cho nhiều người tham gia tưởng niệm và biểu tình vô cùng bức xúc. Nay bản tin trên tạp chí đó đã được sửa lại và có lời xin lỗi với BTC. Nhưng với độc giả và với các tác giả của phóng sự thì họ vẫn lờ đi và không hề có lời cải chính nào. Kiểu yêu nước bằng độc quyền, cực đoan hay bằng máu và công sức của người khác ở xứ ta từ xưa tới nay không thiếu. Nhưng trong thời buổi thế giới phẳng này, thật cũng khó lấy vải màn thưa che kín được cả bầu trời…

Nếu như những câu ca đầy nhân ái sau bao đau thương tang tóc trên quê hương đất nước của người nhạc sỹ tài danh ở thượng dẫn có những câu như:

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng cho bao tâm hồn.
….
ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người

 

Dịu dàng đằm thắm đầy nhân tính thế mà còn bị phê phán là “nghe mơ hồ rắc rối, kêu gọi tình thương một cách chung chung, thiếu tính giai cấp”, “ủy mị, yếu đuối”, “lạc điệu”… nên không được phổ biến suốt hai chục năm dòng. Thì nay những kẻ núp dưới chiêu bài định hướng nọ kia để bóp méo hay xuyên tạc lịch sử và gây chia rẻ hận thù ở cả hai phía cực tả hay cực hữu cần được nhận diện và chỉ mặt đặt tên.

Bốn mươi năm non sông liền một dải rồi. Những vết thương trong lòng dân tộc Việt. Trong mỗi gia đình Việt nếu không được san lấp. Lại bị những kẻ cực đoan hay cơ hội đón gió trở cờ chỉ muốn khoét sâu thì có lợi cho ai? Xin mọi người cứ công tâm suy xét cho. Để Mùa Xuân Đầu Tiên của quê hương sớm tràn về trong mỗi trái tim Việt Nam trên khắp hành tinh này!

Ngoại ô Hamburg, ngày 23.03.2016

Gocomay

____________
Xem các bài có liên quan:

 

Một bình luận

  1. Chống tàu và tri ân các anh mà còn phân biệt đỏ vàng chi nữa!

Bình luận về bài viết này

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ