366 – Phạm Xuân Ẩn & canh bạc lớn nhất đời mình

Hinh%2023%20An%20va%20Giap“Tôi muốn hoả táng. Tôi thích rải cốt tôi xuống sông Đồng Nai, gần nơi tôi sinh ra. Nhưng tùy họ quyết định”.… “Tôi không muốn ai thăm viếng mộ tôi. Người ta nên dành thì giờ và năng lực cho những điều hữu ích hơn. Tôi giống như ông Hồ Chí Minh; ông ta cũng không muốn có lăng tẩm gì”.

“Tôi không bao giờ là nhà cách mạng. Tôi là một kẻ lãng mạn, yêu thương thiết tha quê hương tôi và mong muốn bảo vệ đất nước mình cho đến chết”.

“Tôi thích chính trị. Tôi không thích chính trị gia. Nếu anh muốn giết con chó, anh nói vì con chó bị dại…”

(Lời Phạm Xuân Ẩn)

“Tôi vẫn kính trọng anh, Ẩn, như là một người bạn, một nhà báo, một phức thể và một người yêu dân chủ rất mâu thuẫn, một người chồng, một người cha, và có lẽ, trên hết, như một người Việt Nam yêu nước, mà có thể, hay không có thể, đã đánh cược canh bạc lớn nhất đời mình nhầm con ngựa” .

(Trích bài ai điếu của ông Frank McCulloch)

2410sachdaidienoknd8

Phạm Xuân Ẩn & ‘The Spy Who Loved Us’ (Kết)

Nguyên Hân

Trước khi nói tiếp về ông Phạm Xuân Ẩn và cuốn “The Spy Who Loved Us” của tác giả Thomas Bass, xin trình bày thêm về 16 huy chương ông Ẩn được nhà nước cộng sản Việt Nam ban tặng; trong số này, có bốn cái đặc biệt tuyên dương sự đóng góp của ông cho bốn chiến dịch quan trọng. Một huân chương dành cho trận Ấp Bắc, một cho cuộc tấn công Sài Gòn vào dịp tết Mậu Thân năm 1968, và hai huân chương hạng nhất, một cái cho năm 1970, khi ông Ẩn đã báo trước cho bộ tư lệnh quân đội cộng sản để tránh được cuộc tấn công của quân đội Hoa Kỳ và miền Nam qua Cam Bốt. Huân chương hạng nhất thứ nhì dành cho vai trò then chốt ông Ẩn đảm nhiệm trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, khi quân đội miền Nam bị tiêu hao lớn trong một nỗ lực đánh qua Lào và cắt đường mòn Hồ Chí Minh năm 1971 bị thất bại.

Trận Ấp Bắc xảy ra vào tháng Một năm 1963, khoảng gần tám mươi cây số phía đông nam Sài Gòn. Trận chiến này có giá trị đối với Việt cộng ở chỗ, đây là lần đầu tiên họ tấn công quân đội miền Nam một cách chính quy, và thành công lớn, khác với lối đánh du kích trước đó, giữa ba trăm rưỡi Việt cộng và sư đoàn 7 của Việt Nam Cộng hòa. Chỉ trong những phút đầu tiên mở màn trận đánh, mười bốn trong mười lăm chiếc trực thăng bị đánh trúng mục tiêu, bốn chiếc trực thăng bị bắn rơi và chiếc thứ năm bị rớt trong lúc di tản thương binh. Phía Việt cộng có ba mươi chín người bị thương, mười tám người thiệt mạng, quân đội Việt Nam Cộng hòa có tám mươi người thiệt mạng và một trăm người khác bị thương, chưa kể thương vong từ phía Hoa Kỳ. [trang 136] Theo nhà báo người Tân Tây Lan, trưởng văn phòng Reuters ở Sài Gòn trong thời gian đó ông Nick Turner nghi ngờ rằng “Ông Ẩn có thể đã cung cấp tin tức về chiến thuật, nguyên tắc giao chiến, hậu cần và tình trạng chuẩn bị của quân đội miền Nam và cả Hoa Kỳ trong khu vực đó – cũng như những lời cố vấn quý giá của ông – cho quân đội cộng sản để thành công trong trận Ấp Bắc này.” [trang 138]

Trận Ấp Bắc tháng 1/1963 - Nguồn: photobucket.com/

Trận Ấp Bắc tháng 1/1963 – Nguồn: photobucket.com/

 Cuộc hành quân Lam Sơn 719, xảy ra năm 1971 khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tấn công qua Lào nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh, ông Ẩn đã cung cấp tin tức kịp thời để quân đội cộng sản bắc Việt chuẩn bị và phản công thành công, đưa đến tám ngàn thương vong cho phía VNCH, ngoài ra một trăm chiếc trực thăng và một trăm năm mươi chiếc xe tăng của quân đội miền Nam bị bỏ lại ở rừng già của Lào. [trang 217] Mặc dù hỏa lực của quân đội miền Nam mạnh mẽ, nhưng kế hoạch hành quân cũng như địa điểm ngày giờ đổ bộ rất có thể bị tiết lộ, nên có thể nói quân đội miền Nam bị “phục kích” trong trận này. Ông Ẩn là người cung cấp tin tức tình báo chiến thuật cho quân đội cộng sản kịp thời.

Cuộc hành quân Lam Sơn 719 - Nguồn: quanvan.net/

Cuộc hành quân Lam Sơn 719 – Nguồn: quanvan.net/

Cuộc tấn công miền Nam của quân đội cộng sản năm 1968, như đã trình bày, là một sự thất bại trầm trọng cho cộng sản về phương diện quân sự, nhưng lại là một thành công lớn trên mặt trận chính trị và ngoại giao, làm phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ lên cao, tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson thất cử và tướng William Westmoreland bị thuyên chuyển. Chính ông Ẩn là người giải thích điều này cho những người lãnh đạo cộng sản. [trang 204]

Cuộc tổng tấn công Mậu Thân-1968 - Nguồn: static.flickr.com/

Cuộc tổng tấn công Mậu Thân-1968 – Nguồn: static.flickr.com/

Như là người cuối cùng của văn phòng báo Time ở Sai Gòn sau 1975, ông Ẩn, theo định nghĩa, trở thành trưởng văn phòng này cho đến ngày 3 tháng Năm năm 1976. Nhưng ông viết rất ít trong thời gian một năm sau đó. “Sau 75, Sài Gòn trở thành Hồ Chí Minhgrad,” ông nói. Sự kiểm soát ngặt nghèo của chế độ cộng sản làm ông không muốn viết, vì ông “không biết làm thế nào để tránh sự kiểm duyệt”. Ông nói: “Tất cả những gì họ muốn là tuyên truyền cho chế độ mới, nên tôi chơi đá gà, đá cá cả ngày để tiêu khiển”.

Tháng Mười Hai năm 1976, nhà nước cộng sản Việt Nam chính thức công bố những hoạt động của ông Ẩn, và đưa ông ra ánh sáng. Ông đi Hà Nội dự Đại hội Đảng lần thứ Tư như là một đại biểu của Quân đội Nhân dân cuối năm đó, và lần đầu tiên ông mặc quân phục. Ông nói nhiều Việt cộng từ miền Nam ra lấy làm ngạc nhiên khi thấy tôi. “Họ nghĩ CIA đã bỏ tôi lại”.

Trong lúc hằng trăm ngàn người của quân đội và chính quyền miền Nam bị đi tù, lao động khổ sai, thì ông Ẩn được gởi đi học mà ông đùa là “đi cải tạo”. Tháng Tám năm 1978, ông Ẩn đi học mười tháng về tư tưởng Marxist-Maoist dành cho đảng viên cấp cao ở Học viện Chính trị Hồ Chí Minh ở Hà Nội. “Tôi sống trong lòng địch quá lâu, nên họ gởi tôi vào đây để tái sinh (phế liệu cũ) ”.

Theo lời ông kể lại, ông là một học sinh tồi, điểm ra trường thấp gần cuối lớp. “Họ không thích chuyện tiếu lâm của tôi”, ông nói: “người Bắc khắc khổ cố dạy tôi thứ tiếng Việt đầy rẫy danh từ chính trị vay mượn từ Tàu”. Ông khốn khổ với những cơn mưa mùa đông lạnh tới xương của Hà Nội, ngủ trên giường gỗ với nệm bông. “Tôi mặc áo bông Trung Quốc làm tôi trông như cái xác ướp. Tôi yêu cầu cho tôi một cái áo khoác của Nga nhưng vẫn lạnh, nên tôi trở lại xin cấp cho một cái áo khoát một trăm mười một độ C”. “Là cái gì vậy?” ông viện trưởng hỏi. “Ba cô con gái, một cô ngủ bên phải tôi, một cô ngủ bên trái và một cô nằm trên tôi”.

“Họ không thích tôi chút nào,” ông Ẩn nói về những người cải tạo chính trị cho ông. “Nhưng tôi cũng chưa làm gì sai lầm lớn quá để bị bắn.” [trang 224]

Năm 1997, Hội Á châu ở Nữu Ước, Hoa Kỳ có tỗ chức một hội nghị và mời ông Phạm Xuân Ẩn tham dự như là khách đặc biệt. Nhưng nhà nước Việt Nam từ chối lời yêu cầu của ông, không cho ông đi. Tháng Ba năm 2002, lúc đang 74 tuổi và bị bệnh khí thủng, ông được phép về hưu. Ông “về hưu” lần nữa năm 2005, nhưng thực ra, ông vẫn làm việc cho đến ngày qua đời. “Họ muốn kiểm soát tôi”, ông Ẩn nói. “Đó là lý do họ giữ tôi lại trong quân đội quá lâu. Tôi ăn nói văng mạng. Họ muốn tôi ngậm miệng lại”.

Theo tác giả Bass, “chúng ta có thể tin chắc tối thiểu ba mươi năm sau ngày chiến tranh chấm dứt, ông Ẩn vẫn là một tình báo hoạt động năng nỗ trong ngành tình báo Việt Nam”. [trang 230]

Cũng trong năm ông Ẩn chính thức về hưu năm 2002, đảng Cộng sản Việt Nam xét đến chuyện cho phép xuất bản cuốn tiểu sử và đời hoạt động của ông, mang tên “Phạm Xuân Ẩn: Tên người như cuộc đời” do tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải viết. Cùng lúc, báo Thanh Niên cho đi một bài tương tự về ông dài 53 phần. Cuốn tiểu sử thứ ba “Người im lặng” do tác giả Chu Lai của Tổng cục Tình báo II (TC2) xuất bản. Ở nước ngoài, có hai cuốn nói về ông là “Un Vietnamien Bien Tranquille” của tác giả Jean-Claude Pomonti (phóng viên báo Le Monde), và Perfect Spy của giáo sư Larry Berman. [trang 231]

Một điểm lý thú khác mà tác giả Bass đề cập tới, là nhà của ông Ẩn có rất nhiều sách, đa số là tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, và rất ít sách tiếng Việt. “Người ở đây không được viết một cách tự do”, ông giải thích: “Đó là một lý do tôi sẽ không viết về đời mình. Tôi sẽ gặp rắc rối nếu tôi nói về cuộc đời tôi và những gì tôi biết” [trang 239]. Trong một lần khác, ông Ẩn nói: “Lý do mà chúng tôi không có lịch sử Việt Nam được viết bởi sử gia Việt Nam, là vì người ta không được phép viết về sự thật. Đó là lý do tất sả sách trên kệ của tôi được viết bởi người ngoại quốc”.  [trang 252]

Có lần, trong cuộc nói chuyện giữa ông Ẩn và tác giả Thomas Bass, trong lúc ông Ẩn kéo hộc tủ ra tìm mấy tấm hình cũ cho ông Bass xem, ông Bass thấy cái huân chương gắn liền với cái tua đỏ. “Cái gì vậy?” ông Bass hỏi. “Họ cho tôi những cái này”, ông nói: “Tôi cũng không biết nó là cái gì, có ý nghĩa gì. Tôi làm việc trong bóng tối. Tôi chết trong bóng tối”. Vừa nói ông Ẩn vừa đóng hộc tủ lại, khi bên ngoài cơn mưa buổi chiều nặng hạt vừa đi qua thành phố Sài Gòn.

Lần cuối cùng tác giả Thomas Bass gặp ông Phạm Xuân Ẩn ở Sài Gòn là tháng Một năm 2006, ông Ẩn tâm sự: “Tôi muốn hoả táng. Tôi thích rải cốt tôi xuống sông Đồng Nai, gần nơi tôi sinh ra. Nhưng tùy họ quyết định”. Họ đây là đảng Cộng sản Việt Nam. “Tôi không muốn ai thăm viếng mộ tôi. Người ta nên dành thì giờ và năng lực cho những điều hữu ích hơn. Tôi giống như ông Hồ Chí Minh; ông ta cũng không muốn có lăng tẩm gì”.

Khi được hỏi liệu ông ta vẫn muốn ném cả đời mình vào cuộc chiến này như một nhà cách mạng. Ông trả lời: “Tôi không bao giờ là nhà cách mạng. Tôi là một kẻ lãng mạn, yêu thương thiết tha quê hương tôi và mong muốn bảo vệ đất nước mình cho đến chết”. Ông Ẩn viết vào sổ tay của tác giả Bass hai chữ “lãng mạn” và “cách mạng”, một cách chơi chữ của ông Phạm Xuân Ẩn.

Tác giả Bass có hỏi ông Ẩn một câu hỏi nhạy cảm, về chuyện tổng cục T4-TC2, là hai bộ phận khác nhau và kình nhau của nhà nước Việt Nam, giữa hai nhóm thân Trung Quốc chống nhóm ông Võ Nguyên Giáp và những người đồng chí cũ của ông. Khi được hỏi liệu ông ta vẫn muốn ném cả đời mình vào cuộc chiến này như một nhà cách mạng. Ông trả lời: “Tôi không bao giờ là nhà cách mạng. Tôi là một kẻ lãng mạn, yêu thương thiết tha quê hương tôi và mong muốn bảo vệ đất nước mình cho đến chết.” Ông Ẩn viết vào sổ tay của tác giả Bass hai chữ “lãng mạn” và “cách mạng”, một cách chơi chữ của ông Phạm Xuân Ẩn.

Ông nói thêm: “Tôi thích chính trị. Tôi không thích chính trị gia. Nếu anh muốn giết con chó, anh nói vì con chó bị dại. Đó là điều họ đang cố làm cho tướng Giáp. Tiếng Anh gọi cái này là gì? “Giết thanh danh”. Khó mà biết rõ nếu người Tàu có đút lót (cho Việt Nam). Chuyện này liên quan đến quá nhiều gian trá, thủ đoạn. Cái mà chúng tôi biết là Việt Nam đã chôn vùi câu chuyện chiến tranh đánh Trung Quốc năm 1979. Chúng tôi đã xoá sạch cái ký ức của chúng tôi”.  [trang 252]

Cũng ngay chính trong lần gặp gỡ cuối cùng giữa hai ông trong tháng Một năm 2006 đó, ông Ẩn trở lại với cái chết của ông trước khi tác giả Bass giã từ, rằng ông muốn hỏa táng và rải cốt của ông ở sông Đồng Nai, gần Biên Hòa nơi ông sinh ra.

Cố TT Võ Văn Kiệt Phân ưu cùng tang quyến - Nguồn: vietnamnet.vn/

Cố TT Võ Văn Kiệt Phân ưu cùng tang quyến – Nguồn: vietnamnet.vn/

Chín tháng sau, tháng Chín năm 2006, ông Phạm Xuân Ẩn qua đời. Ông “bị” chôn cất ở nghĩa trang Thủ Đức, dành cho Anh hùng Quân đội với đầy đủ nghi lễ danh dự của quân đội. Tham dự tang lễ có ông Võ Văn Kiệt, cựu thủ tướng nhà nước CHXHCN Việt Nam, và tướng Nguyễn Chí Vịnh, cầm đầu tổng cục 2 đọc điếu văn.

Tướng Nguyễn Chí Vịnh đọc điếu văn - Nguồn: nguoiduongthoi.com.vn/

Tướng Nguyễn Chí Vịnh đọc điếu văn – Nguồn: nguoiduongthoi.com.vn/

Nghĩa trang này nằm dọc quốc lộ Biên Hoà, với khoảng năm trăm ngôi mồ, được xây dựng và bảo quản như một công viên. Bên kia xa lộ, là nghĩa trang dành cho những người lính miền Nam, đã một thời chiến đấu khác phe với ông Ẩn trong suốt cuộc chiến, mộ chí của họ đầy cỏ dại, và mộ bia nứt nẻ, đổ xiên xẹo trên mặt đất. [trang 261]

Trong bài ai điếu của ông Frank McCulloch, người sếp đầu tiên của ông Ẩn khi ông làm việc cho báo Time ở Sài Gòn năm 1965, ông McCulloch viết: “Trong thời gian ông làm việc cho tôi ở văn phòng Time Sài Gòn, chưa một lần ông Ẩn đưa tin với quan điểm riêng tư hay xào nấu tin tức để có lợi cho Cộng sản. Một cách nghịch lý, ông thực tình yêu mến nước Mỹ và nền dân chủ của Mỹ, và ông rất kính nể và trân trọng ngành báo chí tốt đẹp ở Hoa Kỳ”. Ông McCulloch chấm dứt bài ai điếu với lời tình tự mang tính riêng tư: “Tôi vẫn kính trọng anh, Ẩn, như là một người bạn, một nhà báo, một phức thể và một người yêu dân chủ rất mâu thuẫn, một người chồng, một người cha, và có lẽ, trên hết, như một người Việt Nam yêu nước, mà có thể, hay không có thể, đã đánh cược canh bạc lớn nhất đời mình nhầm con ngựa (ở trường đua – NH).”

34721555

Như đã trình bày, bài viết này hoàn toàn dựa vào cuốn “The Spy Who Loved Us” của nhà báo và giáo sư khoa báo chí Thomas Bass, nhằm trích ra một vài đoạn “thú vị” để trình bày với những ai chưa có dịp đọc cuốn sách này.

       (…)

Huế, tháng Chín, 2010

NH


(1) The Spy Who Loved Us (ISBN 978-1-58648-409-5), của tác giả Thomas Bass được nhà xuất bản PublicAffairs, một thành viên của Perseus Books Group phát hành năm 2009. Tác giả hoàn toàn giữ bản quyền.

 (2) Nguyên Hân: Trong bài “Vietnam – Still at War Thirty-Five Years Later”, đi trên Huffington Post ngày 3 tháng Năm năm 2010, ông Thomas Bass viết cuộc Chiến tranh Việt Nam vẫn còn đang tiếp diễn, “trận chiến không xảy ra ở chiến trường mà nằm ngay trong ký ức chung của chúng ta.” Ông Bass nêu lên hai điều ông không đồng ý trong bài viết này. Trước hết, ngay tại thời điểm này ở Hoa Kỳ, vẫn có một số người có khuynh hướng đổ thừa sự thất bại của Hoa Kỳ ở Việt Nam là do đám nhà báo Mỹ khuynh tả, phản bội lại chính chính phủ Hoa Kỳ của họ. Nhưng theo ông Bass, không có một bằng chứng cụ thể để chứng minh điều này. Điều thứ hai ông Bass không đồng ý, xảy ra ở Việt Nam, là khi Việt Nam dịch và tiện thể, “xào nấu” cuốn “The Spy Who Loved Us” của ông. Ông nói rằng ông biết thế nào nhà xuất bản ở Việt Nam cũng sẽ cắt bỏ một số điều trong cuốn sách của ông, nhưng “ông không chuẩn bị tinh thần cho chuyện phá cho nát bấy mà hiện bản dịch tiếng Việt đang gánh chịu.” Cuốn sách của ông, qua bản dịch Việt Nam, đã trở thành một công cụ tuyên truyền cho chế độ cộng sản, một bài trường ca ca ngợi tổ quốc Việt Nam… Cả hai, những người đổ thừa sự thất bại của Hoa Kỳ trong Cuộc chiến Việt Nam lên cho giới nhà báo “phản bội”, cũng như khi nhà xuất bản ở Việt Nam, những người “cắt, xén, đục, bỏ” cuốn sách của ông khi dịch sang tiếng Việt, là những người không dám nhìn vào sự thật, 35 năm sau cuộc chiến chấm dứt.

Ông kết luận: “Cuộc chiến Việt Nam đang tiếp diễn là một cuộc chiến của ký ức, lịch sử, và sự thật, và hàng rào vẫn còn quá cao (để vượt qua được.)”

(3) Những đoạn trích trong bài này được lấy từ cuốn “The Spy Who Loved Us” với số trang đi kèm, và sự trích dẫn này được sự đồng ý của tác giả Thomas Bass.

______________________________

365 – CNCS dưới nhãn quan vị tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn

“… Tôi nghĩ dưới chế độ cộng sản tôi sẽ như Tarzan (người rừng-GCM). Tôi đưa giấc mơ này vào cuộc cách mạng.” “Hãy nhìn vào Tarzan!” (ông la lớn –Thomas Bass). “Tarzan có cái gì đâu? Chỉ có cái khố. Khi anh là một người cộng sản, anh trở thành một Tarzan, vua rừng sâu. Vâng tôi là một người cộng sản. Cộng sản là một lý thuyết rất đẹp, nhân đạo nhất. Lời rao giảng về Thượng đế, về đấng Sáng tạo cũng đẹp như thế. Chủ nghĩa cộng sản dạy cho con người thương yêu nhau, chứ không phải giết nhau. Cách duy nhất để làm được điều này là mọi người cần trở thành anh em với nhau, có thể mất cả triệu năm để đạt được. Đó là một điều hoang tưởng, nhưng đẹp.”

“Chúng tôi đấu tranh không vì chủ nghĩa cộng sản nhưng cho sự độc lập và thống nhất đất nước. Đó là điều mà đa số người dân mong muốn. Điều này khác với đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản.”

 “Chủ nghĩa cộng sản kiểu Mao Trạch Đông hay kiểu Stalin – tôi không thích loại cộng sản này. Họ tạo ra một dạng chủ nghĩa cộng sản cho họ . Họ truyền bá lý thuyết của chính họ nhằm trục lợi cho chính mình.”

“Tôi làm việc với người Mỹ quá lâu và rồi với ngày qua tháng lại, cái não tôi trở nên phản kháng với sự huấn luyện và tình trạng nhiễm độc của người cộng sản.”

“Tôi có hai mối tình, giống như Josephine Baker. Tôi yêu đất nước Việt Nam của tôi, và tôi yêu Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Khi cuộc chiến chấm dứt, tôi muốn hai nước xích lại gần nhau.”

Phạm Xuân Ẩn

Phạm Xuân Ẩn thời sinh viên – Nguồn: //phapluattp.vcmedia.vn/

“là một nhà phân tích chính trị, ông Ẩn đã biết Chủ nghĩa Cộng sản là một thượng đế đã thất bại, chịu trách nhiệm cho hằng triệu cái chết trong thế kỷ hai mươi, và ông hiểu một cách sâu sắc những giới hạn của chế độ cộng sản mà ông đang sống trong đó.” Tuy nhiên, ông Ẩn đã phải chọn cho mình một tổ chức để đấu tranh chống Pháp giành độc lập, ông nói ông không có sự chọn lựa nào khác hơn là đảng Cộng sản trong thời điểm đó. ”

Thomas Bass – ‘The Spy Who Loved Us’ (1)

Phạm Xuân Ẩn & ‘The Spy Who Loved Us’ 

Nguyên Hân

Bản tin cuối cùng gởi đi từ văn phòng Sài Gòn về tổng hành dinh của báo Time ở Nữu Ước vào ngày 30 tháng Tư năm 1975 khi thủ đô của miền Nam đang trong cơn hấp hối, vỏn vẹn một dòng chữ như sau: “Tất cả phóng viên người Mỹ đã được di tản vì tình trạng khẩn cấp. Văn phòng báo Time giờ được Phạm Xuân Ẩn điều hành.” Sau đó, người phóng viên này còn gởi thêm ba bản tin nữa trong lúc xe tăng của quân đội cộng sản đang tiến vào thành phố. Đó là nhà báo Phạm Xuân Ẩn, vào đảng Cộng sản năm 1953 ở rừng U Minh, một tình báo làm việc cho cộng sản Bắc Việt trong suốt cuộc chiến từ 1954 cho đến 1975.

Mấy ngày trước đó, gia đình ông Ẩn được di tản ra khỏi Việt Nam, và sau đó định cư ở Washington, D.C., Hoa Kỳ. Ông Ẩn nóng lòng hy vọng được đi theo. Vì ngay trong thời điểm đó, giới tình báo Hà Nội e rằng Hoa Kỳ có thể có những hoạt động quân sự ngầm hoặc cấm vận dành cho Việt Nam sau 1975, nên muốn “cài” ông Ẩn qua Mỹ. Ai có thể đóng trọn vai trò tình báo cho một Việt Nam cộng sản ở Mỹ sau 1975 giỏi hơn ông?

Phạm Xuân Ẩn đứng trước tòa thị chính Sài Gòn trước khi quân đội CS Bắc Việt tiến vào Sài Gòn, tháng 4-1975 – Nguồn://vnthuquan.net/

Trong suốt hơn 20 năm làm tình báo cho cộng sản Bắc Việt, ông Ẩn đã cung cấp những tài liệu và tin tức quý giá cho họ, đến nỗi “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp vỗ tay với niềm hân hoan sau khi nhận và đọc báo cáo ông Ẩn gởi cho họ.” [trang 6]

Nhưng, Bộ Chính trị quyết định không cho ông ra đi. Sau 1975, nhà báo Phạm Xuân Ẩn, người đã từng hoạt động tình báo cho cộng sản Bắc Việt trong thời chiến tranh Nam Bắc, được phong Anh hùng Quân đội Nhân dân Việt Nam, được cấp tổng cộng 16 huy chương, và được lên cấp thiếu tướng công an. Tuy thế, ông vẫn phải đi học hai năm ở Hà Nội về chủ nghĩa Mác Lênin mà ông gọi đùa là “bị đi cải tạo”, bị cấm gặp người ngoại quốc và vợ con ông đã phải trở về lại Việt Nam một năm ngay sau ngày họ ra đi.

Đối với Bộ Chính trị đảng CSVN, ông Ẩn quá thích nước Mỹ và người Mỹ, ông yêu chuộng giá trị dân chủ của người Mỹ và tính vô tư, khách quan của nền báo chí Hoa Kỳ. Ông xem nước Mỹ như là một nước vô tình mà trở thành kẻ thù với ông nhưng ông vẫn thích Mỹ là một nước bạn một khi đất nước giành được độc lập.

Ông Ẩn thú nhận ông bị xung đột văn hoá trong ông. “Tôi làm việc với người Mỹ quá lâu và rồi với ngày qua tháng lại, cái não tôi trở nên phản kháng với sự huấn luyện và tình trạng nhiễm độc của người cộng sản.” Ông tự chỉnh lại: “Ý tôi muốn nói là cái học thuyết của người cộng sản.” [trang 100]

Có lần ông nói: “Tôi có hai mối tình, giống như Josephine Baker. Tôi yêu đất nước Việt Nam của tôi, và tôi yêu Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Khi cuộc chiến chấm dứt, tôi muốn hai nước xích lại gần nhau.” [trang 120]

Sơ lược sự thăng tiến của ông sau 1975 như sau, tháng Một năm 1976, ông được phong Anh hùng Quân đội Nhân dân, là danh hiệu cao nhất của quân đội. Năm 1978, ông mang quân hàm Trung tá, năm 1981 ông thăng lên Thượng tá, năm 1984 ông mang hàm Đại tá, và năm 1990, ông được thăng Thiếu tướng.

Ông qua đời ngày 20 tháng Chín năm 2006 vì bệnh, hưởng thọ 79 tuổi. [trang 259]

Bài này chỉ xin ghi lại một vài điểm thú vị mà người đọc ghi nhận sau khi đọc cuốn “The Spy Who Loved Us” của tác giả Thomas Bass. Ông Bass đã gặp ông Ẩn ở Việt Nam lần đầu tiên năm 1992, và kéo dài cho đến lần cuối vào tháng Một năm 2006 để viết cuốn sách này. Theo ông Ẩn, cuốn sách của Thomas Bass là cuốn sách “viết từ bên trong Việt Nam”, ngụ ý ông Bass đã được ông Ẩn cung cấp nhiều tin tức mà theo lẽ, không được tiết lộ.

Tuy vậy, ông Bass cũng nhấn mạnh một điều, và người viết xin dùng nguyên lời của ông để nhắc với độc giả: “Tuy vậy, độc giả cần được nhắc nhỡ. Không có một câu chuyện thật duy nhất về cuộc đời ông Phạm Xuân Ẩn, vì cuộc đời ông ta vốn chứa vô số sự thật. Chính cái tên của chính ông ta – Ẩn – cũng mang ý nghĩa “dấu” hay “bí mật””. [trang 8]

Khi kể về thời niên thiếu của mình, ông Ẩn cho hay ông thích phim Tarzan do diễn viên Johnny Weissmuller đóng. “Đó là một giấc mơ tự do đẹp tuyệt trong rừng sâu. Tôi nghĩ dưới chế độ cộng sản tôi sẽ như Tarzan. Tôi đưa giấc mơ này vào cuộc cách mạng.” “Hãy nhìn vào Tarzan!” ông la lớn. “Tarzan có cái gì đâu? Chỉ có cái khố. Khi anh là một người cộng sản, anh trở thành một Tarzan, vua rừng sâu. Vâng tôi là một người cộng sản. Cộng sản là một lý thuyết rất đẹp, nhân đạo nhất. Lời rao giảng về Thượng đế, về đấng Sáng tạo cũng đẹp như thế. Chủ nghĩa cộng sản dạy cho con người thương yêu nhau, chứ không phải giết nhau. Cách duy nhất để làm được điều này là mọi người cần trở thành anh em với nhau, có thể mất cả triệu năm để đạt được. Đó là một điều hoang tưởng, nhưng đẹp.”

Tác giả Thomas Bass – Nguồn: /thomas_bass

Tác giả Bass cho rằng “là một nhà phân tích chính trị, ông Ẩn đã biết Chủ nghĩa Cộng sản là một thượng đế đã thất bại, chịu trách nhiệm cho hằng triệu cái chết trong thế kỷ hai mươi, và ông hiểu một cách sâu sắc những giới hạn của chế độ cộng sản mà ông đang sống trong đó.” Tuy nhiên, ông Ẩn đã phải chọn cho mình một tổ chức để đấu tranh chống Pháp giành độc lập, ông nói ông không có sự chọn lựa nào khác hơn là đảng Cộng sản trong thời điểm đó. [trang 26]

Mùa Xuân năm 1945, ông Ẩn bỏ học và gia nhập Cộng sản, “kẻ thù đầu tiên của chúng tôi là người Nhật hiện đang chiếm đóng nước tôi.”

Nhưng về sau ông Ẩn thừa nhận Cộng sản đã phạm nhiều sai lầm. “Chủ nghĩa cộng sản kiểu Mao Trạch Đông hay kiểu Stalin – tôi không thích loại cộng sản này. Họ tạo ra một dạng chủ nghĩa cộng sản cho họ . Họ truyền bá lý thuyết của chính họ nhằm trục lợi cho chính mình.”

Tuy xem chủ nghĩa cộng sản vẫn là vị thánh nhân từ, ông Ẩn vẫn xác định:

Chúng tôi đấu tranh không vì chủ nghĩa cộng sản nhưng cho sự độc lập và thống nhất đất nước. Đó là điều mà đa số người dân mong muốn. Điều này khác với đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản.” [trang 38]

Nói về cuộc Chiến tranh Việt Nam, ông Ẩn cho rằng Hoa Kỳ không thua cuộc chiến. “Không, Hoa Kỳ không thua cuộc chiến,” ông xác nhận. “Chúng tôi đánh trận chiến mà Clausewitz gọi là cuộc chiến tranh toàn diện, khi cả nước được huy động để đánh quân xâm lược. Theo Clausewitz, cuộc chiến này chỉ chấm dứt khi quân xâm lăng tính toán thiệt hơn và thấy rằng cái hại nhiều hơn cái lợi cho họ. Và ở thời điểm đó, họ sẽ rút. Đây là cách duy nhất cho một nước yếu đánh được một nước mạnh hơn.”

Ông Ẩn tin rằng đó thực chính là gì đã xảy ra. “Người Mỹ ra đi. Thế thôi. Chúng tôi đánh cho đến khi người Mỹ rút đi và lật đổ chế độ bù nhìn. Người Mỹ không thua cuộc chiến ở Việt Nam, họ rút lui. Đó đâu phải là cuộc chiến tranh của họ mà nói chuyện ăn thua. Đó là cuộc chiến của chế độ bù nhìn của họ. Người Mỹ xây dựng (miền Nam). Người Mỹ dựng người lên, nhưng rồi bị sụp đổ. Đó không là lỗi của người xây nhà khi nhà bị sụp. Đó là lỗi của người sống trong nhà đó.” [trang 62]

Đề cập đến đảng Cần Lao, ông Ẩn nói: “Thay vì cố thúc đẩy cho một nền dân chủ khi ông Diệm vẫn còn cởi mở, biết lắng nghe, Hoa Kỳ lại ủng hộ việc thành lập một đảng chính trị với thành phần ưu tú trong xã hội, và bí mật gọi là đảng Cần Lao. Được kiểm soát bởi người em của ông Diệm, là ông Ngô Đình Nhu. Đảng Cần Lao hầu như là một phó bản của đảng Cộng sản Việt Nam vì đó là một vũ khí có tổ chức. Mục đích là xây dựng một sự sùng bái cá nhân quanh ông Diệm và có được một đảng chính trị làm người ta thề thốt trung thành. Khi ông Lansdale (làm việc trong Military Assistance Advisory Group (MAAG) năm 1954, được xem là người chủ chốt giúp xây dựng chính quyền miền Nam sau 1954) tranh cãi tỏ ý không đồng ý với hai ông Allen và Foster Dulles (Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ), ông Lansdale được cho là thơ ngây. Vì thế, chúng tôi giúp đỡ và xúi giục phía bên sai, không chỉ có ông Diệm mà còn là những người Việt Nam khác, những người không có kinh nghiệm gì đối với chính trị trong xã hội dân chủ.” [trang 97]

Ông Ẩn cho hay, ông Mai Chí Thọ lúc đó đặc trách tình báo của cộng sản ở miền Nam, và ông Mười Hương, là người chỉ huy trực tiếp ông Ẩn và cũng là người quyết định gởi ông Ẩn đi học ngành báo chí ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tổ chức tài trợ cho chuyện đi học của ông là Asia Foundation, và sau này được tiết lộ là một tổ chức ngoại vi của Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ (CIA)! [trang 107]. Sau khi tốt nghiệp ngành báo chí ở Hoa Kỳ và về lại Việt Nam, người chỉ huy trực tiếp ông Ẩn là ông Cao Đăng Chiếm, và sau đó nữa là ông Tư Cang. [trang 132]

Về ông Trần Kim Tuyến, đặc trách tình báo thời cố tổng thống Ngô Đình Diệm với văn phòng mang tên Sở Nghiên cứu Chính trị, Văn hoá và Xã hội. Ông Ẩn cho hay ông Tuyến và nhân viên của ông kiểm soát đường dây buôn thuốc phiện từ cao nguyên về Sài Gòn, nhận tiền đút lót của ông chủ nhà hàng nổi ở Sài Gòn để làm lơ cho ông này chuyển thuốc phiện từ Lào về Chợ Lớn chế biến. Ông Tuyến dùng số tiền này như qũy đen cho tổ chức của ông ta. Nhưng ông Ẩn xác nhận ông Tuyến là người khiêm tốn, giản dị: “Ông ta không bao giờ ăn cắp tay liền tay, giống như cái đám thổ phỉ bây giờ.” [trang 122]

Phạm Xuân Ẩn – Nguồn: icouple.sg/

Ông Ẩn làm việc cho ông Tuyến trong ba năm cho đến khi ông Tuyến mất chức sau cuộc đảo chánh bị thất bại năm 1962 và bị quản thúc tại gia trong suốt 30 năm sau đó. Nhưng tình cảm cá nhân vẫn tốt đẹp giữa hai người. Chính ông Ẩn đã đứng ra thu xếp cho gia đình ông Tuyến rời Sài Gòn khi quân đội cộng sản Bắc Việt đang tiến vào Sài Gòn. “Tôi giúp bác sĩ Tuyến rời khỏi đây. Tôi biết tôi sẽ gặp rắc rối. Đây là người nắm đầu tình báo (của miền Nam), một người quan trọng cần bắt lấy, nhưng ông ta là bạn tôi. Tôi mang ơn ông ta. Ông đã quá tốt với tôi. Ông giúp tôi bất cứ chuyện gì tôi cần.” [trang 127]

 Về cuộc tấn công miền Nam vào mùa Xuân năm 1968, ông Ẩn xác nhận ông đóng vai trò tích cực trong cuộc tấn công vào Sài Gòn. Ông đã lái xe đưa người chỉ huy của ông, là Tư Cang đi xem xét các mục tiêu tấn công. Một trong những mục tiêu ông Tư Cang để ý đến là Ngân khố, với ý định sẽ lấy được một số tiền lớn, nhưng ông Ẩn ngăn, “đó chỉ là nơi phát lương, nhưng nếu muốn thì nhớ mang theo mũi hàn xì để mở két.” Những mục tiêu khác là Toà Đại sứ Mỹ, Phủ Tổng thống… Lúc 2 giờ 48 sáng ngày 31 tháng Một, ông Tư Cang trực tiếp chỉ huy đánh Phủ Tổng thống, 15 trong 17 người lính biệt động của ông chết ngay tại chỗ, nhưng ông Tư Cang thoát được. Ngay trưa hôm đó, chính ông Ẩn lái chiếc Renault của mình đưa ông Tư Cang đi thị sát thành phố Sài Gòn, đếm xác Việt cộng chết mấy giờ trước đó. Khẩu súng K-54 của ông Tư Cang và chiếc xe Renault 4CV của ông Ẩn hiện được trưng bày ở viện bảo tàng quân báo của tổng hành dinh quân đội ở Hà Nội. Theo ông Ẩn, cuộc tấn công Mậu Thân, do tướng Trần Văn Trà lên kế hoạch và tổ chức là một sự thất bại hoàn toàn. Việt cộng mất hơn một nữa lực lượng ở miền Nam và có lẽ một phần tư lực lượng chính quy của quân đội cộng sản miền Bắc. “Cuộc tấn công này làm tiêu tan lực lượng chiến đấu của Việt cộng,” ông Ẩn nói. “Ngay sau đó Hoa Kỳ lại phát động chiến dịch Phượng Hoàng, cực kỳ hiệu quả trong việc thủ tiêu hằng ngàn Việt cộng và vô hiệu hoá sự đối lập ở miền Nam.” Bảy năm sau đó, cuộc chiến vẫn tiếp tục nhưng chủ yếu là quân đội chính quy ở miền Bắc đưa vào. Tuy nhiên, cuộc tấn công năm Mậu thân là một chiến thắng tâm lý, chính trị cho phe cộng sản. “Người ta biết cuộc tấn công này sẽ làm người Mỹ ngồi xuống để thương thuyết và nó đạt được mục tiêu đó. Cuộc tấn công đã bắt người Mỹ thương thuyết.” [trang 205]

 Theo ông Tư Cang kể lại với tác giả Thomas Bass, một trong những mục đích của cuộc tấn công là nhằm làm cho sư đoàn 25 Bộ binh của Hoa Kỳ phải đưa quân vào Sài Gòn tiếp viện, và tạm thời để vòng đai phòng thủ quanh Sài Gòn tạm thời trống. “Chúng tôi có hai sư đoàn nằm chờ ở đây, trong những ruộng lúa,” ông Tư Cang tiếp: “Cả hằng chục ngàn lính nằm trên đường này, nhưng họ không vào được thành phố. Khi chúng tôi bị lộ, Sư đoàn 25 Bộ binh tấn công chúng tôi và giết rất nhiều lính của chúng tôi trên cánh đồng này.” [trang 207]

Theo kế hoạch của tướng Trần Văn Trà, cuộc tấn công Mậu Thân sẽ được tiếp theo bằng một cuộc tấn công thứ nhì, ở mức độ nhỏ hơn. Đó là lúc Việt cộng pháo kích bừa bãi vào Sài Gòn với hỏa tiển 122 ly của Nga, làm chết nhiều thường dân vô tội. Ông Ẩn cho hay ông đã “gởi báo cáo cho giới chỉ huy chiến trường yêu cầu họ ngưng chuyện này. Tôi yêu cầu họ ngưng pháo kích. Nó không có mục tiêu quân sự nào và làm người dân ghét bỏ, xa lánh (cộng sản).” Rồi sao nữa?”, ông Bass hỏi. Ông Ẩn cho hay: “Thế thì ngừng pháo kích. Có thể nhờ tôi yêu cầu. Có thể tự họ làm như thế. Họ là cấp chỉ huy của tôi. Họ không bao giờ cho tôi biết tại sao họ làm những gì họ làm.” Ông Ẩn giải thích: “Người cộng sản muốn người dân Sài Gòn chọn phe. Hoặc theo bên này hoặc theo cộng sản… Tôi muốn nói là chọn cách mạng, hay anh chọn chế độ bù nhìn.” Một lần nữa, ông Ẩn tự chỉnh chữ cộng sản qua chữ cách mạng.

Khi tác giả Bass hỏi ông Ẩn có lấy làm hối tiếc vì trong vai trò tình báo của ông, đã gây nên vô số cái chết của người dân vô tội, ông Ẩn khước bỏ điều này. “Không,” ông trả lời. “Tôi làm nhiệm vụ của mình. Tôi phải làm điều đó. Tôi bị bắt làm điều đó. Tôi là một con người kỷ luật.”

– “Nên ông không hối tiếc?” ông Bass hỏi.

– “Không.” Ông Ẩn trả lời. [trang 200]

(Còn nữa)

 

Bản gốc Anh ngữ:

 (1) The Spy Who Loved Us (ISBN 978-1-58648-409-5), của tác giả Thomas Bass được nhà xuất bản PublicAffairs, một thành viên của Perseus Books Group phát hành năm 2009. Tác giả hoàn toàn giữ bản quyền.
(2) Ông  Thomas Bass, là tác giả của The Eudaemonic Pie, The Predictors, Vietnamerica và những tác phẩm khác. Ông cũng là nhà báo viết cho The New Yorker, Wired, Smithsonian, The New York Times, và một số cơ sở truyền thông khác. Ông Thomas Bass hiện là giáo sư môn Anh Văn và Báo chí của trường Đại học Tiểu bang Nữu Ước, thành phố Albany.
(3) Những đoạn trích trong bài này được lấy từ cuốn “The Spy Who Loved Us” với số trang đi kèm.

__________________________


Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ