828 – Con đường lên cao nguyên Lang Bi-an

tPo4lzTAk3gBfo94aK4OQANhững ngày cuối tháng 4 cách đây đúng 29 năm, nhân có chuyến công cán của bác sỹ Trâm, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang vào TP Hồ Chí Minh họp, nhóm làm phim dịch hạch được kết hợp theo xe vào Sài Gòn.

Con đường chúng tôi đang đi, thời Ông Năm Yersin mới đặt chân tới Việt Nam, di chuyển đâu có thuận tiện như bây giờ.

Trước khi trở thành một nhà bác học danh tiếng và dành toàn bộ tâm lực cho nghiên cứu khoa học, Yersin đã để nhiều năm lao vào các cuộc thám hiểm.

Những trang nhật ký hiện còn lưu trữ ở Pasteur Nha Trang cho thấy, từ hạ tuần tháng 10 năm 1890, bác sĩ Yersin làm y sĩ phục vụ trên tuyến đường Sài Gòn-Manila. Đến tháng 4 năm 1891, ông chuyển sang làm y sĩ trên tàu “Saigon”, hoạt động trên tuyến đường biển Sài Gòn – Hải Phòng. Cuộc sống trên tàu đối với một y sĩ trẻ, có lẽ buồn tẻ. Để giết thì giờ, Yersin tập làm quen với khoa hàng hải. Ông đặt mua từ Pháp một máy kinh vĩ (théodolite) và trong lúc rảnh rỗi, ông tập sử dụng máy trên bến Nhà Rồng ở Sài Gòn.

Nha Trang là một trong những trạm dừng của tàu “Saigon”. Ngay từ lúc đầu, cảnh đẹp của Nha Trang đã hấp dẫn Yersin. Rặng núi cao ở chân trời phía Tây quyến rũ, khiến chàng bác sỹ trẻ nảy sinh dự định dùng đường núi để đi từ Nha Trang đến Sài Gòn trong vòng mười ngày!

Ngày 29.7.1891, được phép của thuyền trưởng tàu Sài Gòn, Yersin và người hầu bắt đầu chuyến thám hiểm đầu tiên. Nghe lời khuyên của công sứ Pháp ở Nha Trang, Yersin dùng ngựa đi vào Phan Rang. Mục tiêu khám phá là rặng núi cao mây phủ phía tây. Nhưng ông đã phải loay hoay suốt dải đồng bằng hẹp miền trung như thế để dò la và tìm lối đi thuận tiện cho cuộc hành trình.

Chuyến thám hiểm bất thành năm 1891 không làm Yersin nản chí, ngược lại còn kích thích lòng say mê mạo hiểm nơi ông. Cuối năm 1891, ông rời hãng tàu Messageries Maritimes để thực hiện chuyến đi của mình. Ông tiếp tục chuyến thám hiểm như thế kéo dài tới bốn nǎm ở miền trung. Ông đã tìm ra thượng nguồn sông Đồng Nai và khám phá cao nguyên Lâm Viên, nơi ông đề nghị xây dựng một đô thị, đó chính là Đà Lạt ngày nay.

Vào tới Thành Phố Hồ Chí Minh, nhóm chúng tôi được giới thiệu làm việc với bác sỹ Phạm Xuân Long, người trực tiếp theo dõi các phác đồ điều trị và hiện trạng của bệnh dịch hạch của Viện Pasteur Sài Gòn ở các tỉnh phía nam. Thành Phố HCM hồi đó còn khó khăn lắm. Dân chúng vẫn phải ăn bo bo độn cơm. Nghèo đói, dịch bệnh, trong đó có dịch hạch vẫn lẩn quất quanh đây. Tránh gây hoang mang cho dân chúng và du khách dịch bệnh không bao giờ được công bố. Vì thế việc làm phim của chúng tôi không bị cản trở mà cũng chẳng được hoan nghênh.

Trước bế tắc đó, bác sỹ Phạm Xuân Long rỉ tai tôi: “muốn cải thiện được tình hình, các ông nên nên vận động thuyết phục được hai trưởng lão hàng đầu về dịch tễ là Hoàng Thuỷ Nguyên và Đặng Đức Trạch, các ông ấy sẽ bay từ Hà Nội vào dự Hội nghị Tổng kết công tác vệ sinh phòng dịch toàn quốc ở Sài Gòn lần này đấy! Nếu có ý kiến ủng hộ của hai bậc cây đa cây đề đầu ngành, thì đảm bảo các ông sẽ thuận lợi hơn…”.

Tôi liền gặp bác sỹ Trịnh Quân Huấn và bác sỹ Lê Diên Hồng (*) vừa bay từ Hà Nội vào chuẩn bị cho hội nghị để nhờ vả. Đốc tờ Hồng là Cố vấn Khoa học cho phim, nên ông nhận lời ngay. Sau hội nghị, buổi tối hôm đó, bác sỹ Phạm Xuân Long hẹn tôi, Sinh, Khang và Nhung tới chơi ở nhà riêng ở đường Điện Biên Phủ. Vừa trông thấy tôi, Phạm Xuân Long đã lắc đầu buồn rầu nói, trước lúc khai mạc hội nghị, trong cuộc gặp gỡ xã giao giữa các tai to mặt lớn trong ngành thì Lê Diên Hồng có đưa ra bàn việc giúp đỡ cho đoàn làm phim dịch hạch của các ông. Nhưng không hiểu sao cụ Trạch lại vờ như không nghe thấy và đưa chuyện bóng đá ra bình luận sôi nổi. Khiến ông Hồng cụt hứng mà không bàn được câu nào nữa. Sau này tôi mới biết vị GSTS danh tiếng về vi trùng (Đặng Đức Trạch) này lại là bạn rất thân với khắc tinh Lương Đức của tôi. Không biết có phải vì như vậy mà công việc của chúng tôi bị ghẻ lạnh hay không? có lẽ chỉ có các vị ấy mới trả lời được câu hỏi này. Trước tình hình đó, tôi đành phải áp dụng kiểu “chiến tranh du kích” mà “trường kỳ kháng chiến“ vậy.

Càng giáp ngày 30 tháng tư, Sài Gòn bận lo kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng, nên chẳng cơ quan nào nhận lời giúp chúng tôi quay phim, ngay cả khách sạn bình dân Bến Nghé, nơi quen thân với hãng phim như người nhà cũng từ chối, vì chật kín khách thập phương. Chúng tôi lang thang các nhà trọ với cơm bụi bà Cả Đọi (32 Ngô Đức Kế) mà chẳng làm được việc gì, đành tính nước “mã hồi“.

Sau khi tiễn chị Nhung, là thu thanh của phim ra Hà Nội nhận công việc mới, chúng tôi theo xe (vừa tan hội nghị) của Viện Pasteur Đà Lạt lên cao nguyên Lang Bi-an. Cảnh quay ở Pasteur Đà Lạt không nhiều. Nhưng tránh Sài Gòn lúc này là giải pháp hợp lý nhất cho tình huống bất lợi đang diễn ra.

Từ Sài Gòn theo quốc lộ 20 chừng 300 cây số là đến Đà Lạt. Con đường hai bên ngút ngàn rừng thông hai lá, ba lá. Vượt qua mấy cung đường dốc đứng tai ù, xe đã đưa chúng tôi tiến dần vào thành phố. Vào hạ, nắng vàng ươm trên con đường quanh co. Hương thông thơm hăng hắc, những tán thông xanh đu đưa trên nền trời và như nô đùa cùng nắng chiều trên mặt đường lấp loáng xe bon. Xế chiều, Đà Lạt bất chợt hiện ra. Xa xa bảng lảng sương trong ánh hoàng hôn và gió ngàn vi vu. Phố núi thoắt ẩn hiện sau những khúc quanh. Đà Lạt nom như một bức tranh thủy mạc. Mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Lạt qúa nhiều ưu ái hay sao mà nơi đây không khí mát mẻ quanh năm với rừng thông bạt ngàn, những vạt hoa cúc qùy như bất tận hai bên đường đi. Xen kẽ vô vàn biệt thự lô nhô trên các sườn đồi cao thấp theo phong cách kiến trúc của Âu Châu tọa lạc sau các tán thông già.

Hotel  Sofitel Dalat Palace

Hotel Sofitel Dalat Palace

Lên Đà lạt lần này là lần thứ 3, cách đây gần 5 năm, đi chung với đoàn thám hiển Intercosmos tôi đã được ngự trong những Hotel sang trọng nhất – Sofitel Dalat Palace, nằm trên qủa đồi nhìn xuống Hồ Xuân Hương thơ mộng. Lên Đà Lạt lần này, chúng tôi được bố trí ở nhà khách của Viện Pasteur. Để tránh làm phiền, tôi bàn với Sinh và Khang chỉ ngủ trọ tại nhà khách. Còn ăn thì kéo nhau ra chợ Đà Lạt ăn cơm bụi. Vừa rẻ lại vừa hợp khẩu vị. Cũng món rau xanh, mà sao ở đây ăn cảm thấy tươi ngon lạ. Do thiên nhiên cao nguyên trong lành quá, hay món rau ở Đà Lạt hơn hẳn mọi nơi khác. Có lẽ do cái không khi dịu mát và còn cả leo dốc cuốc bộ nhiều, mau đói, nên chúng tôi cảm thấy ngon miệng hơn chăng?

Tranh thủ thời gian lưu lại ở cao nguyên Lang Bi-an chờ cho qua cái dịp lễ lớn 30 tháng tư, tôi lại say mê với các đống tư liệu (có lẽ ít người để ý) mô tả về những chuyến thám hiểm cao nguyên Lâm Viên của ông Năm-Yersin hồi đầu thập niên 90 của thế kỷ 19, được lưu giữ khá đầy đủ ở ngay trong Chủng viện Pasteur Đà Lạt này.

Đây rồi, trong một ghi chép tôi đọc được: Ngày chủ nhật 3.8.1891, Yersin cùng với người hầu và bốn phu khuân vác đi vào vùng núi. Lương thực mang theo chỉ có vài hộp thịt bò muối và vài hộp bánh quy khô, cộng thêm một số lương thực do các quan chức người Việt ở Phan Rí cung cấp thêm. Lúc đó đang vào mùa có gió mùa Tây Nam, mỗi ngày đều có mưa rào lớn. Yersin đi theo đường mòn từ làng Kalon ở chân núi qua Ta Ly đến Ta La (vùng phụ cận Djiring). Nơi đây, ông thấy không thể tiếp tục đi được nữa, vì cuộc hành trình đòi hỏi ít nhất từ 9 đến 10 ngày đi bộ trong khi đã cận ngày ông phải lên tàu đi Bắc Kỳ. Mặt khác, ông đang lâm vào tình trạng khá tồi tệ: giày vớ rách bươm, dáng vẻ mệt mỏi. Do đó, ông quyết định đi đến địa điểm gần nhất là Phan Thiết: từ đó ông trở về Nha Trang bằng ghe và kịp lên tàu đi Quy Nhơn.

Trên thực tế, có một người Việt tên là Nguyễn Thông (1827-1884) và hai người Pháp là Néil và Albert Saptens đã từng đặt chân tới cao nguyên Lang Bi-an, tuy nhiên sự hiện diện của họ không để lại một dấu ấn gì. Chuyến đi lịch sử của nhà thám hiểm trẻ tuổi Yersin vào cuối năm 1891 từ làng Kalon sát chân dãy Trường Sơn Nam (nay thuộc Phan Sơn, Bắc Bình, Bình Thuận) đã băng qua vùng rừng núi đầy hiểm trở Tánh Linh, Phan Rí, Phan Rang… kéo dài nhiều tháng để rồi dừng chân ở mảnh đất đầy thơ mộng Đà Lạt.

Năm 1897, ông đề xuất với Toàn quyền Đông Dương, Paul Dumer, chọn Đà Lạt làm điểm xây dựng trạm điều dưỡng. Sau đó là chuyến đi cao nguyên cùng với vị Toàn quyền Đông Dương, để thành lập trạm điều dưỡng trên cao nguyên Lang Biang – tiền thân của thành phố Đà Lạt sau này.

Ngày xưa bác sĩ Yersin đi bằng ngựa cùng hai người địa phương dẫn đường. Trong hồi ký Bảy tháng nơi xứ Thượng, bác sĩ Yersin có kể lại việc gặp gỡ hai nhóm người Việt trên đất Lâm Đồng. Đó là nhóm của Tong Vit Ca, một người Việt nhận khoán việc thu thuế ở vùng cao nguyên; và nhóm chính trị phạm do Thouk cầm đầu. Tài liệu của Yersin cho thấy người Việt vào thời đó (nhất là những người thu thuế, buôn bán, trộm cướp, chính trị phạm…) vẫn thường xuyên lui tới vùng cao nguyên bên dưới, xung quanh Đà Lạt (với độ cao trung bình từ 900 đến 1000m).Yersin vốn có thói quen viết thư cho mẹ mỗi ngày. Ông kể cho mẹ nghe tất cả những chuyện đang xảy ra, cũng nhờ những bức thư này mà cuộc đời của ông đã được biết đến một cách sống động và chi tiết. Chuyến thám hiểm đầu tiên năm 1891 tìm ra cao nguyên Di Linh cũng đã được lưu giữ từ những lá thư này…. khối núi cao nhất Di Linh, Braian 1.196m và qua thung lũng suối Da Riam nữa là đến bến đò qua lòng hồ Da Riam về thị trấn Di Linh.

Từ 28.3.1892 đến 9.6.1892, Yersin thực hiện một cuộc thám hiểm từ Nha Trang, băng qua vùng cao nguyên Daklak để đến Stung Treng- nằm bên bờ sông Mékong (thuộc địa phận nước Cam-pu-chia). Cuộc thám hiểm này được thực hiện theo yêu cầu của đại úy Cupet, một thành viên của phái bộ Pavie.

Tháng 10 năm 1892, Yersin đi Paris để đưa các kết quả khảo sát cho đại úy Cupet, đồng thời tìm cách vận động để được tiếp tục thám hiểm. Nhờ sự giúp đỡ của một số người quen (nhất là nhà bác học L.Pasteur và người bạn thân của ông là giáo sư Emile Duclaux), Yersin được Bộ giáo dục Pháp cấp kinh phí để thực hiện một nhiệm vụ khảo sát khoa học.

Từ nước Pháp trở lại Sài Gòn vào tháng 1 năm 1893, Yersin đến gặp toàn quyền De Lanessan. Ông này chính thức giao cho Yersin nhiệm vụ khảo sát một tuyến đường bộ từ Sài Gòn xuyên sâu vào vùng người Thượng và kết thúc ở một địa điểm thuận lợi trên bờ biển Trung Kỳ. Ngoài ra, Yersin còn phải tìm hiểu về tài nguyên trong vùng: lâm sản, khoáng sản, khả năng chăn nuôi v.v… Địa bàn thám hiểm được chỉ định là “một vùng ở Nam Trung Kỳ, nằm giữa bờ biển và sông Mékong, là vùng đầu nguồn của các con sông Đồng Nai và Sé-Bang-Kane”.

Cùng đi với Yersin có ông Wetzel, một trong những người gác rừng giỏi nhất ở Nam Kỳ, cũng là một thợ săn voi và tê giác rất gan dạ. Về phía nhân sự người Việt, có bốn người dân Sài Gòn: Bảy (người đã từng đi thám hiểm cùng Yersin năm 1892) và ba người phụ bếp do chính ông này chọn. Nhưng do chuyến đi quá dài nên sau đó ông Wetzel không thể tham gia, chỉ còn mình ông Năm và các người dẫn đường tiếp tục cuộc hành trình.

Vật dụng được đựng trong nhiều chiếc rương nhỏ, chủ yếu bao gồm những hàng nhu yếu phẩm dùng để trao đổi với ngưới Thượng. Về dụng cụ thám hiểm, Yersin mang theo một máy kinh vĩ (théodolite) và ba thời kế (chronomètre) nhằm để xác định vị trí trong khi đi thám hiểm. Yersin cũng mang theo một số thuốc chủng bệnh đậu mùa (sởi) để chủng ngừa cho dân các vùng ông đi qua.

Ngày 14.4 đoàn rời Lao Gouan tiến về phía Bắc, vượt dòng Da Gnine (tức Da Nhim) – một trong hai nhánh chính của sông Đồng Nai, sau một ngày đi bộ, Yersin đến làng Rioung, nằm gần nhánh thứ hai của sông Đồng Nai: Da Dong (tức Da Dung). Rioung (có thể là làng Riong Bolieng ngày nay) là một làng Thượng chuyên sống về nghề rèn, một điểm giao lưu quan trọng vào thời đó. Cao nguyên xung quanh Rioung trơ trụi, những đàn nai đông đảo thường chạy qua đó. “Nếu từ Rioung, người ta tiếp tục đi về phía Bắc, điạ hình sẽ trở nên rất nhấp nhô và dâng cao dần cho đến núi Lang Bian. Núi này, cao hơn 2.000m, đã được các ông Néis và Humann thám sát. Đó là nơi phát nguyên của sông Đồng Nai”.

Yersin hoãn cuộc khảo sát núi Lang Bian vào giai đoạn sau và tiếp tục đi về phía Tây Nam, với sự hướng dẫn của Tong Vit Ca.

Để đi đến Ta La, đoàn thám hiểm phải đi qua một số làng lớn (Kla Kar, Con Tan và La Ra) – nằm giữa một vùng cao nguyên trơ trụi phủ toàn cỏ tranh.

Một ngọc thác trên thương nguồn sông La Ngà

Một ngọn thác trên thương nguồn sông La Ngà

Ngày 25.4 Yersin đến Ta La, diện mạo của cao nguyên thay đổi. Cao nguyên bao gồm nhiều đồi lúp xúp nhô lê giữa các thung lũng nhỏ. Bên dưới ruộng lúa hoặc thảm cỏ mịn, xanh tốt mặc dù đang là mùa khô hanh. Rừng thông phủ dày trên các ngọn đồi. Làng mạc thưa thớt nằm ngoạn mục ven các sườn đồi. Ông chánh tổng cư trú ở Ta La, nơi có ngôi nhà làng dành cho khách lạ. Cạnh đó là dòng Da Riame, một chi lưu của sông La Ngà. Dòng nước này tưới và làm phì nhiêu các ruộng lúa, chảy quanh co…

Ta La nằm ở vùng phụ cận Djiring (Di Linh) là nơi Yersin đã từng đến vào năm 1891. Người Thượng ở vùng này khá giàu, có những đàn trâu đông đến vài trăm con. Họ có tục lệ đâm trâu vào những dịp lễ lớn, cứ mỗi con trâu bị giết, lại dựng cạnh nhà một cây nêu bằng tre cao khoảng 20 mét, được neo chặt bằng những sợi dây chão làm bằng mây trang trí cờ đuôi nheo. Trong một vài làng, Yersin đếm được tới 30 cây nêu. “Nhìn từ xa, người ra tưởng chừng nhìn thấy cả một hạm đội trong một hải cảng”.

Yersin dừng chân ở Ta La vài ngày và dùng ngựa đi xem vùng phụ cận. Ở gần làng Ia Lane có một mỏ thiếc lộ thiên nằm trong dãy núi Bréan (tức Braian). Sau đó tiếp tục cuộc hành trình. Đi qua làng Yane – làng quan trọng cuối cùng trên cao nguyên, ông xuống thung lũng sông La Ngà, đến làng Droum (có lẽ là làng Kondroum ngày nay). Đêm hôm trước cọp đã vồ hai người Thượng ngay giữa ban ngày. Từ Droum, ông vượt sông La Ngà để đến làng Tô La, nơi Humann đã đến vào năm 1884. Có một loạt làng mang tên Tô La nằm cách xa nhau. Men theo hữu ngạn sông La Ngà, cuối cùng ông vượt sông một lần nữa ở gần Barth Nui (Bác Nui) để trở về Tánh Linh.

Trước khi thực hiện chặng đường thứ ba, từ ngày 22.5 đến ngày 28.5 Yersin tiến hành khảo sát kỹ vùng hữu ngạn sông La Ngà từ Bác Nui đến Cao Cang để xem xét khả năng mở đường qua vùng này. Ông xác định con đường bộ trong tương lai không thể đi qua vùng này vì cánh đồng nơi đây ngập nước vào mùa mưa và cư dân quá thưa thớt.

Con Voi theo đoàn thám hiểm (Ảnh: A.Yersin )

Con Voi theo đoàn thám hiểm (Ảnh: A.Yersin )

Ngày 30.5.1893, Yersin lên đường thực hiện chặng đường thứ ba: từ Tánh Linh đi Phan Rang bằng một con đường núi khác với chặng trước. Ông đã gửi trả về Phan Thiết con voi, người quản tượng và một người Việt vì những người này bị sốt nặng, không thể tiếp tục hành trình. Khác với lộ trình trước, lần này ông đi theo tả ngạn sông La Ngà để trở lại Droum. Kể từ khi Yersin ghé qua làng Droum lần trước đến nay, tại đây cọp đã vồ ba người Thượng nữa. Từ Droum, đoàn thám hiểm vượt sông La Ngà để trở qua bờ bên phải. Sau khi đi qua một loạt các làng đều mang tên Tô La, đoàn thám hiểm đến Tia Lao, một địa điểm đã được ghi trên bản đồ của Humann. Từ Tia Lao, Yersin đi về phía Bắc, hướng đến núi Tadoum (tức Tadoung).

Ngày 11.6, ông đến Bross, nằm ở đáy một thung lũng sâu có sông Đồng Nai chảy qua, phía Bắc là ngọn núi Tadoung. “Ngọn núi này nhìn từ xa tựa như một chiếc mũ lớn nhọn đầu đặt trên cao nguyên, nằm cạnh một thứ mê lộ gồm các đỉnh cao và các thung lũng sâu, dưới đáy các thung lũng là những dòng nước lạnh ngắt. Người ta tưởng chừng đang ở vùng núi Alpes”. Yersin đã băng qua mây mù và mưa để leo lên đỉnh núi cao nhất. Rừng khá rậm, ông phải trèo lên cây để quan sát, nhưng những màn mưa dày đặc không cho phép ông định vị một cách chính xác.

tAHXlFhWuz_Oozdme8zcNATừ Rioung, Yersin đi đến bờ sông Da N’Tâme (tức Da Tam), một chi lưu của sông Da Nhim. Ngược dòng Da Tam, ông đi đến các làng Kréan (gần núi Mnil), Brenne (tức Prenn, gần thác Prenn); sau đó đi về phía Tây-Bắc, rồi bắt đầu leo núi. Sau gần một giờ leo núi, ông bước ra khỏi rừng thông và phát hiện ra cao nguyên Lang Bian. Lúc này là 15g 30 ngày 21.6.1893. Trong nhật ký hành trình, ông ghi vắn tắt “3h 30: grand plateau dénudé mamelonné (3g 30: cao nguyên lớn trơ trụi, nhấp nhô gò đồi).

Trong hồi ký, ông mô tả như sau:

“… Khoảng 15 đến 20 km trước khi đến chân núi chúng tôi ra khỏi rừng và thấy mình đang đứng trước một vùng đất hoàn toàn trơ trụi, phủ toàn cỏ. Mặt đất như những lượn sóng dài làm cho ta có cảm tưởng đang đi trên một đại dương bị xao động bởi những đợt sóng khổng lồ. Dãy Lang Bi-an sừng sững ở giữa như một hòn đảo và dường như càng lùi xa khi ta đến gần. Trong những cánh đồng bao la ấy, ta dễ tính sai cự ly. Dưới đáy thung lũng, đất màu đen và có than bùn. Những đàn nai lớn cho phép đến gần khoảng một trăm mét, rồi vụt bỏ chạy ra xa, ngoái đầu lại nhìn chúng tôi một cách tò mò”… .

Ở một đoạn khác, Yersin mô tả về cao nguyên Lang Bian như sau:

“Vùng đất này cư dân thưa thớt, một vài làng của người M’Lates (…) được tập trung ở chân núi; nơi đó họ làm những ruộng lúa nước rất đẹp (…). Người M’Lates nói tiếng Chăm cũng thạo như tiếng Mạ. Phụ nữ xoi vành tai thật rộng để nong vào đó những vành tròn hay treo vào đó những ống thiếc hình xoắn ốc rất nặng. Người ta tiếp tôi trong căn nhà làng. Mỗi già làng mang tới vò rượu cần của mình. Có đến sáu vò rượu xếp hàng dài trước mặt tôi; may thay người ta không yêu cầu tôi phải thưởng thức hết”…

Sau một đêm nghỉ lại ở Dankia, sáng hôm sau Yersin vượt dòng Da Dung để trở lại Deũng, sau đó đến làng Ankroêt. Bằng một lộ trình khác với lộ trình đến, ông rời Lang Bian trở lại Rioung. Cơn mưa lớn làm cho các con dốc trở thành trơn trượt, các dòng suối nhỏ trở thành sông lớn, rất nguy hiểm khi vượt qua. Trong khi ông vắng mặt, ở Rioung, cọp suýt vồ mất một con ngựa ngay giữa nơi cắm trại.

Yersin rời Rioung đi đến thung lũng Da Nhim để trở về Phan Rang…. Trong lần trở về này ông suýt mất mạng vì một toán cướp có vũ trang khiến ông bị thương, được những người Thượng hộ tống khiêng bằng võng về Phan Rang ngay trong đêm. Trên đường đi, ông bị tên cướp đầu sỏ hung tợn nấp trong rừng bắn hai phát súng lục nhưng không trúng. Vào khoảng 7 giờ sáng hôm sau, nhóm người khiêng ông lại lọt vào giữa một đàn voi rừng. Một con voi cái và một con voi con nhắm vào họ lao tới. Các phu khiêng võng hoảng sợ bỏ chạy. Bỏ Yersin nằm lại trong võng, Yersin suýt bị voi dẵm, nhưng may thay, vào phút chót, con voi mẹ lại đi chệch ra khỏi đường mòn.

Ngày 26.6 Yersin đến Phan Rang với thương tích đầy mình.

Sau khi bình phục, từ 19.7 đến 19.8, Yersin đến thăm M’Siao, một tù trưởng người Bih ở vùng Daklak mà ông đã quen trong chuyến thám hiểm năm 1892. Ngày 8.9 ông rời Nha Trang, theo đường cái quan trở lại Phan Rang. Từ nơi đây, ông lên vùng cao nguyên để kiểm tra lại kết quả khảo sát, sau đó trở lại Tánh Linh. Từ Tánh Linh, ông trở lại Biên Hoà, kết thúc chuyến thám hiểm dài bảy tháng. Con đường mà Yersin khảo sát đã được thi công xong vài kilômét đầu tiên.

Sáng kiến thành lập các trạm nghỉ mát vùng núi ở Đông Dương bắt nguồn từ toàn quyền Paul Doumer (cha đẻ của Cầu Long Biên) khi ông này đến nhậm chức vào năm 1897. Doumer đã học kinh nghiệm này từ những người thực dân Hà Lan ở Indonesia và nhất là từ người Anh ở Ấn Độ.

Hồi ký của Doumer cho biết nhiều cuộc tìm kiếm công phu và kéo dài ở nhiều địa điểm đã không thành công; nhưng có một địa điểm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra, nhờ sự chỉ dẫn của Yersin: đó là cao nguyên Lang Bi-an.

Thành công của chuyến thám hiểm đã góp phần nâng cao uy tín của Yersin. Ngày 28.12.1893, Hội đồng Thuộc địa đã thuận cấp kinh phí cho ông thực hiện chuyến thám hiểm thư ba: từ Nha Trang qua vùng Tây Nguyên, Hạ Lào đến tận Đà Nẵng (từ 12.2. đến 7.5.1894).

Đến Đà Nẵng vào thượng tuần tháng 5.1894, Yersin được biết trong thời gian ông vắng mặt, chính phủ Pháp đã ra lệnh cho Toàn quyền Đông Dương cử ông đến Vân Nam để đối phó với bệnh dịch hạch. Yersin đã phát hiện ra vi trùng bệnh dịch hạch vào đêm 20.6.1894. Phát minh này đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời Yersin. Những yêu cầu cấp bách của y học đã buộc ông phải từ bỏ lòng say mê phiêu lưu mạo hiểm. Thay vào đó là một sự say mê bền bỉ đối với công tác thực nghiệm khoa học mà ông đã nuôi dưỡng cho đến ngày nhắm mắt lìa đời.

Từ một vùng rừng núi cư dân thưa thớt, còn đang ở trình độ thấp kém của thời kỳ công xã nguyên thủy, Đà Lạt đã phát triển một cách nhảy vọt thành một đô thị hiện đại. Có thể nói nếu không có nhu cầu xây dựng trạm điều dưỡng của người Pháp để từ đó phát triển dần thành một thành phố du lịch và nghỉ dưỡng nổi tiếng thì Đà Lạt ngày nay có thể cũng chỉ là một vùng quê hẻo lánh hoặc một thị trấn thuộc loại trung bình như thường thấy ở các vùng rừng núi nước ta.

Bước phát triển nhảy vọt của cao nguyên Lang Bi-an bắt đầu từ ngày 21.6.1893. Đó cũng là điểm khởi đầu của quá trình hình thành đô thị Đà Lạt, trong đó nổi bật lên vai trò của ông Năm Yersin, người đặt nền móng quan trọng đầu tiên từ những nỗ lực lớn lao như thế. (**)

Hồ Xuân Hương - Nguồn: Wiki.

Hồ Xuân Hương – Nguồn: Wiki.

Sau mỗi đêm ngon giấc, chúng tôi đi dạo một vòng quanh Hồ Xuân Hương, đôi khi qúa chân còn sang cả Hồ Than Thở ngút ngàn sương khói. Đà Lạt đã hết mùa hanh khô, nên ban đêm thường có mưa. Sau mưa, không khí như mát dịu hơn, những làn hơi nước sương bảng lảng trên những con đường, tán thông, bên những hàng rào quanh các biệt thự lớn nhỏ. Mà cũng lạ, ở thành phố này trăm căn biệt thự là trăm hình thái khác nhau, mà tổng thể vẫn hài hoà. Những cổng cửa đa dạng. Những lối vào lên xuống. Cả những hàng rào cũng vậy, dù gỗ ván ghép, là cây xén tỉa, vài khóm hoa, dù rào sắt, cọc xây, cọc cắm hay xếp đá. Không có cái nào giống cái nào. Nhờ được tô điểm bởi những hàng rào với không gian và thiên nhiên uyển chuyển kỳ diệu ấy mà đường nét, hình khối kiến trúc không bị khô cứng. Làm sang và làm nổi bật các toà nhà toạ lạc bên trong. Nhìn mãi mà không chán mắt. Chỉ tiếc thời gian như vô tình, con người cũng vô tình, đã làm phôi pha phần nào chút hào quang rực rỡ vang bóng một thời ấy của nhiều công trình.

Nhớ lại chuyện “Tái Ông mất ngựa“ của người tàu, sau mỗi khám phá mới về ông Năm Yersin, trong tôi thấy thèn thẹn với bậc vĩ nhân. Thấy những khó khăn của chúng tôi hôm nay, thấm tháp gì so với những khó khăn nguy hiểm mà bậc ân nhân của nước mình đã kinh qua. Ông đã tạc vào lịch sử những dấu ấn không bao giờ phai, ở cái tuổi cũng chỉ bằng tuổi đời của chúng tôi lúc bấy giờ.

nPLIjNUcOY7_yNHhKAiPLACon đường lên Lang Bi-an của ông Năm cách nay đã 123 năm. Ông người gốc Pháp, gia đình Yersin phải lánh nạn sang Thụy Sĩ và cậu bé Alexandre chào đời tại đây, một vùng quê miền núi hẻo lánh xứ người. A. Yersin theo học ngành y tại Lausanne (Thụy Sĩ) và Marburg (Đức). Sau đó nhận bằng tốt nghiệp y khoa tại Đại học Paris. Trước khi dừng chân ở mảnh đất hình chữ S xa xôi, trong ước muốn thám hiểm những vùng đất mới, ông từng có những năm miệt mài nghiên cứu tại viện Pasteur Paris, đã có những thành công ban đầu khá ngoạn mục và được trao huân chương danh giá nhất của Pháp (Bắc Đẩu Bội Tinh), được trở lại quốc tịch Pháp năm ông 27 tuổi. Song định mệnh đã đưa ông tới Xứ An Nam nghèo khó và giữ chân ông ở lại cho tới lúc mãn chiều xế bóng. Cuối đời mặc dù yếu phổi, ông vẫn tận lực làm việc cho tới hơi thở cuối cùng. Ông ra đi thanh thản và để lại cho đời nhiều nhớ thương tiếc nuối. Thông điệp để lại trong di chúc của ông: Được chôn tại Suối Dầu Nha Trang thì không có gì thắc mắc. Nhưng không cho phép đọc điếu văn và đặt thi hài nằm sấp hẳn còn nhiều uẩn khúc chăng?

Chỉ còn ngót hai tháng nữa là nhân loại sẽ kỷ niệm tròn 120 năm, ngày Alexandre Yersin tìm ra con vi trùng nguy hiểm đã gây nên những trận đại dịch hạch cướp đi sinh mạng của hàng trăm triệu người: “Yersinia pestis“!

Tên con vi trùng dịch hạch đã được đặt theo tên của người tìm thấy nó đầu tiên.

Con người của ông còn mang nhiều bí hiểm. Ông rất yêu quê hương, yêu nơi mình đã cất tiếng khóc chào đời, nhưng lại tình nguyện sống và chết tha hương. Ông rất có hiếu với các bậc sinh thành (thân mẫu) nhưng lại chọn cuộc sống độc thân không con cái suốt đời. Ông rất ghét thói xa hoa và ghét ách đô hộ của Thực dân Pháp ở Đông Dương. Nhưng lại lợi dụng tiến trình khai thác thuộc địa của Pháp để cứu giúp người nghèo khó và canh tân những vùng đất lạc hậu tối tăm. Bản tính ông giản dị mà lại luôn tiên phong trong những phát minh mới của công nghệ. Ưa thám hiểm mà từ bỏ hết cả tương lai ở Paris hoa lệ. Niềm đam mê thám hiểm chưa thỏa, định mệnh lại cuốn ông trở lại “thiên chức thầy thuốc“ cao qúi của mình. Ông đòi an giấc ngàn thu theo tư thế nằm sấp như lời trăng chối của Trạng Quỳnh xưa, nhằm chống lại cái ác, cầu mong cho nhân loại sớm thoát khỏi ách hà khắc của đám bạo chúa hôn quân?

Xin các bậc cao minh chỉ dạy cho đầu óc còn u tối được thông tỏ!

Gocomay

___

* Cả hai vị này sau leo tới chức Thứ trưởng Bộ Y Tế trước khi nhận sổ hưu. Hồi đó, TS Lê Diên Hồng là Vụ Trưởng Vụ Vệ Sinh Phòng dịch; còn BS Trịnh Quân Huấn là thư ký cho ông Hồng

* * Bài này có tham khảo và trích dẫn nguồn tài liệu của Hội Ái Mộ Bác sỹ Yersin…

__________________

Một bình luận

  1. Mới “phòng dái” 3/4/75 bọn quân quản từ trong rừng ra, xóa sạch các đường, trường tên Yersin (chúng đọc là i-éc-xanh). Chục năm sau thấy hố dốt bèn cho phục dựng, nhưng não trạng thực dụng của kẻ cướp (vào Nam để cướp với tư cách là kẻ chiến thắng, môt bầy đói rách theo sau vào nam kiếm cơm, nay toàn là thủ trưởng, tu bản đỏ) Dalat từng bước tan hoang theo kiểu Tàu, rõ nhất là tòa nhà hành chính đang làm theo mô hình Trung cộng, đích là sẽ bán sạch các biệt thự công quyền cho các đại gia từ Hà Nội, muốn có lại Dalat, hãy đợi Yersin sống lại.

Bình luận về bài viết này

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ