816 – Cám ơn “Anh Nông Dân” của bác Nguyễn Thiện Nhân!

Ông Nguyễn Thiện Nhân Chủ tịch UBTW Mặt trân Tổ quốc VN khóa VII -_ Ảnh: VOV

Ông Nguyễn Thiện Nhân Chủ tịch UBTW Mặt trân Tổ quốc VN khóa VII – Ảnh: VOV

Ông Nguyễn Thiện Nhân – Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam  hơn nhà cháu một tuổi nên xin phép được gọi tắt là Bác Nhân cho thân mật. Dù chưa quen và chưa vinh dự được gặp Bác Nhân bao giờ. Song hôm Chủ nhật được bác ghé thăm nhà (blog cá nhân). Hôm qua lại được người của Bác (CTV Anh Nông Dân) viết bài phản biện, khiến nhà cháu sướng củ tỷ. Rồng ghé nhà tôm mà lỵ, hì hì…

Như bà con độc giả đã biết, trong entry Đôi lời về việc Cụ Hồ đi tát nước chống hạn với dân của nhà cháu chỉ là sự ngứa nghề (phó nháy) để góp ý kiến với nhà báo đã đăng tấm hình chưa ổn trên báo Tuổi trẻ. Vậy mà ngay lập tức bị một ông anh nhà văn phang cho mấy gậy không thương tiếc. Cho đó là rất phản cảm; là vạch lá tìm sâu; là cách nhìn tù đầy với định kiến soi mói mà không khoa học“.

Nay Anh Nông Dân của Bác Thiện Nhân (không biết anh này có quen anh nhà văn không?) lại bồi thêm cho nhà cháu những cú trời giáng nữa. Cho là: “chuyên đi bới móc thế hệ cha ông”; “đầu óc kém tư duy và không hiểu nông nghiệp”; “thiếu quan sát và láo toét”; “tiếng nói xuyên tạc và đầy cắc cớ, bới móc”; “thầy bói mù” (Xem: Ở đây).

May mà nhà cháu không có tiền sử bệnh tim. Nếu không thì…

Cảm động trước nghĩa cử cả hai anh giai và xin đáp lễ cho phải đạo và vui chút thôi. Chứ công to việc nhớn của nhà quan mắc chi đến cái thá dân đen thấp cổ bé miệng như nhà cháu mà phải lo xa.

P1130313

Ở bức ảnh lờ mờ được đăng trên báo để tuyên truyền về việc Cụ Hồ về Thường Tín, Hà Đông thăm và cùng tát nước chống hạn với dân, thì không riêng nhà cháu mà rất nhiều người đều cho là phản cảm. Tấm hình lại được tác giả bài báo cắt mất phần nước và bôi đen bên dưới, khiến có người chế giễu, cho rằng Bác đang tát nước bùn đen vào các chiến sĩ bộ đội(Kami – Dân bây giờ ghê gớm lắm).

Người nhẹ nhàng hơn thì nêu thắc mắc: “Bác tát nước như vậy thì đổ nước đi đâu? Chả lẽ múc nước đổ ra đường? nếu vậy thì mấy “chú” đứng trên kia ướt hết à?” (Mõ Làng Chờ, on 10/02/2014 at 9:25 sáng).

Trong bức ảnh chưa bị cắt cúp và bôi đen mà blog Hiệu Minh đưa lên để phản biện lại thì độc giả có thể yên tâm sẽ không ai bị cụ Hồ hắt bùn vào cả. Vì tác giả còn khoanh vòng tròn đỏ đánh dấu cả “chỗ nước hắt vào”.

Vòng đỏ là chỗ nước hắt vào. Một anh đứng bên phải đang phải nép vào anh áo trắng. (HM blog)

Vòng đỏ là chỗ nước hắt vào. Một anh đứng bên phải đang nép vào anh áo trắng. (HM)

Mặt khác, bài viết còn chỉ rõ:

“Người cầm dây gầu phía đối diện, còn để tréo dây, tư thế tay và đứng như thế, làm sao múc được nước”, mà vội suy luận “Tôi xem tấm ảnh trên và nhận xét rằng, Bác Hồ của chúng ta đang tát nước bùn đen vào các chiễn sĩ bộ đội tham gia giúp dân tát nước dọc sông Hòa Bình”… Bạn đọc lưu ý, trong ảnh trên, phần mương khá rộng, đủ để biết là cái sòng cụ đang lấy nước vào gầu là có nước chứ không phải bùn. Không hiểu do vô tình hay cố ý, người ta đăng ảnh trên các báo lại cắt mất phần mương đầy nước, gây cho người xem có cảm giác cụ đang tát bùn” (Tát Nước Gàu Dây – Hiệu Minh).

Như vậy câu hỏi được nêu ra ở đây là, tại sao tòa soạn (báo Tuổi trẻ) lại chấp nhận giải pháp cắt bỏ phần nước và bôi đen một phần bức ảnh như thế để độc giả (không tiếp cận được ảnh gốc) dễ bị hiểu lầm?

Xin thưa, thủ phạm chính là hai cái dây gàu bị quấn chập vào nhau mà anh cán bộ đang tát nước gàu giai cùng Bác đấy! (Xem ảnh dưới đây).

Vòng tròn đỏ đánh dấu chỗ 2 dây gàu bị quấn vào nhau (GCM)

Vòng tròn đỏ đánh dấu chỗ 2 dây gàu bị quấn vào nhau (GCM)

Cho nên nếu không bôi đen che chỗ dây gàu chập chéo nhau đi thì cái câu mô tả:

“Tôi tuy xa công việc nhà nông mấy chục năm nay nhưng tát nước thì vẫn nhớ”. Một số đồng chí muốn được cùng tát đôi với Bác, nhưng Người đã đề nghị một đồng chí lãnh đạo của Hà Đông có mặt lúc ấy tát cùng. Thấy đồng chí này có vẻ lóng ngóng, Bác hướng dẫn: “Phải kéo bằng dây trên, đổ bằng dây dưới”. Trong tư thế vững chãi của người tát gàu giai có kinh nghiệm, Bác thả gàu vục nước đổ nước một cách thuần thục không khác một nhà nông.”

Giữa nội dung bài viết và ảnh sẽ không thể cùng chung sứ mệnh lịch sử được.

Tấm hình đăng trên TTO đã bị sửa để cho ảnh và câu chữ ăn nhập với nhau!

Tấm hình đăng trên TTO đã bị sửa để cho ảnh và câu chữ ăn nhập với nhau!

Đồng bệnh tương lân, Anh Nông Dân của Bác Thiện Nhân cũng không ngại ngần khi bốc thơm lãnh tụ:

“Bác là người từ vùng quê nghèo mà lớn lên. Bác đã đi nhiều nơi, sống nhiều năm trong rừng với bà con dân tộc, trồng cây, đi cày, tát nước, cưỡi ngựa, tập võ là chuyện thường, thì việc Bác đổ nước một cách thuần thục không khác một nhà nông là điều dễ hiểu!”

Một độc giả cao tuổi của Hiệu Minh (Đinh Gia Viễn – February 9, 2014 at 2:50 pm) phi lộ:

“Nhớ không chính xác lắm, nhưng đại khái là vị cán bộ tát nước với Bác không biết tát, mọi người đề nghị được thay cho vị cán bộ đó, nhưng Bác không đồng ý và bảo để chú ấy phải học tát nước cho quen đi”.

Nếu tác giả bài báo mà đưa thêm chi tiết thật này vào bài báo thì chả cần phải cắt cúp lại ảnh và bôi đen chỗ dây gàu quấn, mọi độc giả khó có thể hiểu nhầm đáng tiếc như đã xẩy ra.

“Cái lõi của đời sống là phải trung thực” – Nhà văn Nguyễn Văn Thọ đáng mến viết còm vào “Phây” của tôi như thế, sau khi xem bài Tát Nước Gàu Dây – post trên Hiệu Minh, nói: rất muốn chia sẻ bài viết này! Đó cũng chính là động lực để tôi viết bài phản biện.

Đáng tiếc là cộng tác viên Anh Nông Dân của Bác Thiện Nhân, lại bỏ rất nhiều công sức ra để dùng Photoshop nhằm chứng minh lại mệnh đề (nói Cụ Hồ hắt bùn vào lính là sai) mà blog Hiệu Minh đã làm rất kỹ. Song lại cố tình lờ đi cái chi tiết hai dây gàu bị chập chéo nhau của anh cán bộ lãnh đạo của Hà Đông. Như thế là trung thực hay nguỵ biện? Xin bà con độc giả quan tâm tới đề tài này phân xử dùm!

Bức ảnh do tác giả Anh Nông Dân diễn giải khá công phu...

Bức ảnh do tác giả Anh Nông Dân diễn giải khá công phu…

Xưa kia các cụ thường dạy con cái bằng cái câu “khôn không qua nhẽ, khoẻ không qua nhời”. Dân gian còn có câu: “Nói phải củ cải cũng nghe”. Trong 175 cái Commente hiện thị trên Hiệu Minh blog (hôm qua đã khóa còm), tôi rất tâm đắc với phần Commente điềm đạm của hai độc giả sau đây, xin trích:

“Tôi không rõ ông cụ định làm gì trong bức hình trên. Dạy dân tát nước hay dạy chiến sĩ tát nước?
Quan sát góc dưới bên trái và gần góc trên bên phải có 2 bà nông dân thứ thiệt kìa. Không rõ hai bà ấy có cười mỉa trong bụng không nữa.
Mà ông cụ diễn cảnh này làm gì chứ ?” (Quỳnh Anh – February 10, 2014 at 4:21 am)

“Nói gì thì nói, cảnh Bác Hồ mình tát nước, đánh banh, đánh võ, đạp nước, làm… nhạc trưởng, cho kẹo thiếu nhi… đều là DIỄN cả. (Làm chính trị mà không biết “diễn” thì đừng làm chính trị,… nhưng đến “pha” “Tát nước” thì do kịch bản, cùng đạo diễn kém nên ra như thế, mặc dù “diễn viên” vẫn… xuất thần như ngày nào” (HỒ THƠM1 – February 10, 2014 at 1:27 am)

Điều cuối cùng, nhà cháu muốn nói là văn hóa phản biện trên trang blog cá nhân của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nói riêng và của các lãnh đạo đảng và nhà nước ta nói chung là rất hàng tôm hàng cá. Nếu đó chỉ là lời thục mạng của vài anh ít học “ăn theo nói leo”  hay dân viết lách có thói quen văng tục (cho đỡ nhạt miệng) thì có thể châm chước. Nhưng trong các bài viết phê bình (phản biện) nghiêm túc của các cộng tác viên (như CTV Anh Nông Dân là ví dụ!) mà có những ngôn từ thô bỉ mang tính chửi bới miệt thị nhau thì có nên không? Cho dù bên dưới đều có dòng ghi chú cẩn thận: *Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

STT trang blog của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân

STT trang blog của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân

Làm như thế liệu có đem lại sự sang trọng cũng như cảm tình của độc giả khắp nơi hay không?

Thật là:

Thành đổ đã có vua xây

Việc gì gái goá lo ngày lo đêm

Xin có nhời cám ơn Anh Nông Dân của Bác Thiện Nhân! Anh đã làm cho tôi sáng mắt sáng lòng!

Gocomay

__

PS:

_________________

15 bình luận

  1. Xin chào bác gocomay
    Thực ra tui biết đến bài viết này của bác là do đọc phần comment của các độc giả trong bài hùng biện của tác giả Nông dân trên Hiệu Minh blog. Tôi cũng định comment trên Hiệu Minh nhưng thôi vì tôi biết ở trang đó những nhận xét trái với “định hướng” của tác giả thường không được chấp nhận nên qua đây.
    Như bác biết đấy, vấn đề tưởng nhỏ nhưng lại không bởi nó liên quan đến lãnh tụ tối cao, thần tượng (ở vế ngược lại là kẻ thù) của không ít người Việt. Nó gợi lên nhiều ý kiến trái triều là điều dễ hiểu.
    Có người từng doạ rằng đại khái “nếu bắn vào lịch sử bằng súng trường thì tương lai sẽ bắn lại bằng đại bác”. Vậy nhưng có khi nào hiện tại (chưa là quá khứ) sẽ nghĩ tương lai sẽ vạch trần sự dối trá của lịch sử, sẽ phán xét lại lịch sử một cách công bằng?
    Quay lại nghi ngờ đầu tiên của tác giả Kami trên Quê Choa về việc bác Hồ diễn cảnh tát nước. Tại sao hàng nửa thế kỷ nay bức ảnh đó vẫn được chúng ta hiển nhiên chấp nhận không chút nghi ngờ?, vậy mà chỉ với một suy luận (tôi cho là khá vội vàng) đã khiến nhiều người vội tin ngay Kami và nhiều người khác nhảy lên phản ứng bênh vực?
    Phải chăng với nhiều thập kỷ chúng ta đã quen thói lãnh tụ, lãnh đạo, đảng bảo sao là tin vậy, không phản biện, không nghi ngờ. Dần thành một thói quen tư duy cố hữu?
    Và cũng tại sao khi chưa tin chắc, chưa có chứng cứ cụ thể chúng ta đã vội vàng cho rằng bức hình là sự sắp đặt đối trá của tuyên truyền?
    Bác và mọi người như thế nào thì không biết, chứ với tôi thì cái cảnh tổ chức “diễn” đã làm quen từ bé. Từ lúc đi học mẫu giáo tôi đã thường được “chọn” làm diễn viên mỗi khi có các đoàn tham quan đến. Hay khi học phổ thông mỗi khi có kiểm tra là luôn được chọn là “diễn viên dơ tay phát biểu”, .. Lớn hơn khi đi làm thì phải “diễn cảnh lao động, diễn cảnh dọn dẹp vệ sinh cơ quan, …” cho các đoàn quay phim, chụp hình; diễn cho các đoàn kiểm tra của cấp trên…
    Trở lại với ý kiến nghi ngờ bác Hồ diễn trong cảnh tát nước trên kia, phải chăng ngày nay Khi người dân VN được tiếp cận với các nguồn thông tin nhiều chiều trên internet đã làm cho tư duy của họ thay đổi khi kết hợp với việc đối chiếu với những thực tế mà bản thân họ đã trải qua khiến cho nhiều người tin ngay lập tức vào nghi ngờ nọ của tác giả? Và cũng thật trớ trêu những người trước đây càng tin thì nay lại càng có thiên hướng phủ nhận mạnh hơn cũng là điều dễ hiểu.
    Và thực tế này có phải là cái kết có hậu cho lịch sử?

    • Cám ơn sự trải lòng chân thật của bác Mõ Làng Chờ@!

      Hoàn cảnh của bác cũng giống của tôi. Nay nhờ hội nhập (đặc biệt là Internet) mình mới mở mắt được. Kỷ niệm về Cụ Hồ thì tôi cũng có nhiều, dù chưa bao giờ hân hạnh được gặp Cụ.

      Vào năm 1974, tôi có hai tuần đi vác đất xây dựng lăng Bác, được tặng huy hiệu, nhưng từ đó tới nay, mặc dù nhiều lần “tác nghiệp” xung quanh lăng mà chưa bao giờ ghé vào chỗ ông cụ nằm…

      Đổi lại, người làng và người thân quen của tôi lại được tiếp xúc với Cụ Hồ nhiều!
      – Cụ Tổ nghề ảnh làng tôi là Cụ Khánh Ký (Nguyễn Đình Khánh), có tiệm hình ở Paris – là người từng cưu mang và dạy “Anh Ba – Nguyễn Ái Quốc” chấm sửa ảnh… những năm Anh Ba sang sống ở Paris đầu TK 20.
      – Ông chú họ tôi là Phạm Xuân Đào (tên ở làng gọi là chú Vũ Tạc) làm thư ký riêng cho Cụ Nguyễn Lương Bằng thời KC Chống Pháp, nên có nhiều kỷ niệm với Cụ Hồ. Có những chuyện hay ho (Positiv) thì chú Đào say sưa kể, trái lại những chuyện không lợi (Negativ) thì không hề hé răng. Vì chú được “quán triệt” rất cẩn thận và tâm niệm “sống để dạ, chết mang theo”…
      – Ông cậu ruột của tôi (nhà quay phim Nguyễn Đắc), bạn thân của Tướng Trần Độ, thời KC 9 năm, đã từng gặp và quay phim, chụp ảnh Cụ Hồ nhiều. Hồi cậu được giao nhiệm vụ quay phim tư liệu Đại Hội Đảng (Tháng 2.1951) ở Việt Bắc, thời đó máy móc phim nhựa khan hiếm lắm. Đang quay, máy tắc phim, cậu tôi phải tháo phim lắp lại bằng một chiếc túi đen cũ (phải dùng chăn màu sẫm chùm thêm), mồ hôi đổ ra như tắm. Cụ Hồ tới lau mồ hôi cho cậu Đắc và động viên: cháu cứ bình tĩnh, mồ hôi mồ kê thế này, tay ướt phim bị dính là không tốt đâu… (câu chuyện này do nhà quay phim-NSƯT Lưu Xuân Thư kể với tôi năm 1974 khi dẫn chúng tôi đi làm phim thực tập ở Chợ Hoa Hàng Lược Hà Nội).
      – Nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định, thầy dạy nhiếp ảnh cho tôi (từ 1973-1976), từng 17 năm chụp ảnh tư liệu bên cạnh Cụ Hồ và kể nhiều chuyện khá thú vị, tôi sẽ đề cập vào dịp khác.
      – Ông chú rể (lấy bà Dì họ tôi) là chú Vũ Đình Hồng (tên ở làng là chú Toan), nhà ở đầu Đường Trần Phú-Hà Nội, hàng ngày đạp chiếc xe đạp cũ (không chuông không phanh) của Pháp vào Phủ Chủ tịch ở Đường Hùng Vương chụp ảnh cho Cụ Hồ (từ 1962-1969), chú Hồng mê thần tượng Hồ Chí Minh đến mức bỏ cả tiếng làng tôi để nói đặc giọng Nghệ An – tiếng “Quê hương Bác Hồ”!

      Tôi đã từng được nghe nhiều người kể rằng, những năm Cải Cách Ruộng Đất ở Miền Bắc. Nhiều cán bộ từng đi theo Đảng và Bác đã bị hàm oan. Có người qúa thần tượng Cụ Hồ tới lúc chết – khi “dựa cột” bị “Đội” cho dân quân “thi hành án” (bắn) vẫn hô to “Hồ Chủ Tịch muôn năm”!

      Vào sáng ngày 9/9/1969, tôi vẫn nhớ như in cái cảnh bà con dân quê tôi (cách Hà Nội 15 Km) áo mưa đùm đề đứng xếp hàng dài dưới mưa gió ở Đường Lê Hồng Phong – Hà Nội… vừa khóc vừa chờ để được vào viếng Bác lần cuối, lúc đó sấu chín rụng đầy dưới gốc trên hè phố…

      Năm 1989, khi làm bộ phim truyền thống có tên “Ba mươi mùa xanh tươi” (cho Trường ĐH Thủy Lợi Hà Nội), tôi cũng đưa bức ảnh “Bác Hồ tát nước…” vào phim mà không hề nhìn thấy chiếc dây gàu bị chập chéo nhau (không biết do qúa kính yêu Bác hay do tấm hình đó đã được chấm sửa lại?)

      Ngay cả khi đọc bài “Tát Nước Gàu Dây” trên Hiệu Minh blog, tôi cũng chưa nhìn ra cái chỗ dây gàu chập chéo ấy… mà cứ giận tay nhà báo (Báo TTO) đã cắt cúp và bôi đen một phần tấm hình khiến độc giả (không được coi ảnh gốc) hiểu nhầm. Nay mọi việc đã sáng tỏ, cái tay nhà báo đó cũng mắc “bệnh” thần tượng lãnh tụ qúa mức (giống tôi) nên mới ra nông nỗi này…

      Thôi câu chuyện cũng nên khép lại bác Chờ@ ạ. “Cái kim bọc giẻ lâu ngày lòi ra”, bất chấp ý muốn chủ quan của mỗi chúng ta!

  2. […] Cám ơn “Anh Nông Dân” của bác Nguyễn Thiện Nhân! […]

  3. […] – Cám ơn “Anh Nông Dân” của bác Nguyễn Thiện Nhân! (Gocomay). […]

  4. […] Cám ơn “Anh Nông Dân” của bác Nguyễn Thiện Nhân! (QC 12/2/2014)-Gò Cỏ May-blog Gocomay’s blog […]

  5. Chuyện Cụ Hồ (và các cụ lãnh tụ hoặc chuẩn bị lãnh tụ CS) diễn với dân là chuyện rất bình thường mà, có gì phải bình luận râm ran thế hả anh Cường? Thế hệ tôi, anh và bác Hiệu Minh từng đã phải học vô số bài về Cụ Hồ cũng như bác Mao, bác Lê-nin kiểu như ” Lê nin trong hiệu cắt tóc” ấy.” Đến bây giờ vẫn vậy thôi. Tởm nhất là cái thói giả dối ấy đã lan đến tận cán bộ cấp huyện,cấp sở rồi!

    • Thực ra chuyện này, tất cả lứa trưởng thành từ “Mái trường XHCN” như tôi với anh đều không có gì lạ cả. Nhưng cho đến bây giờ vẫn có người vẫn muốn “định hướng” cách nhìn của chúng ta giống như cách đây gần nửa thế kỷ. Và sẵn sàng qui tội cho bất cứ ai nghĩ khác là “cách nhìn tù đầy với định kiến soi mói mà ko khoa học” đấy!!!

      Xin phép dẫn lại đây để cùng coi cho vui thôi!

      1. Sau khi coi bài (số 815) của tôi, nhà văn đáng kính đã còm vào “Phây” cá nhân của tôi thế này:

      “Tho Nguyen Van Bài này rất Phản cảm. Nếu phóng cực lớn và so sánh về độ lớn của con người với luật của phối cảnh thì nhận ra 1 cái mương ở ngay trên dòng sông. Do vị trí người phóng viên đứng qua thấp nên cảm giác người xem ảnh như bác Hồ đang tát vào người ta. Tôi đặc biệt ghét lối suy diễn vạch lá tìm sâu này mà lại ko hay.
      Cho tới nay sau khi chiến đấu tôi chưa hề vào thăm Lăng Bác, dầu rằng thời tôi làm phó chánh văn phòng Tổng công ty Muối tôi đã dẫn rất nhiều đoàn thuộc Diêm dân đến lăng. Ngay cả khi Hội nhà văn Đại hội ở Ba Đình tổ chức viếng lăng tôi cũng ko vào, bởi có lí do rất riêng, nhưng những kiểu suy diễn Bác hồ tát nước vào dân rất buồn cười. Hồ Chí MInh là một người khá tinh tế, nếu trên sông ko có mương nước dội vào người khác thì ko bao giỡ có thể xảy ra với một con người như ông. Chỉ cần vài gầu nước là anh em cán bộ theo sau sẽ ướt hết…..Điều ấy với một người chính trị gìa dơ như ông Hồ có lẽ ko bao giờ xảy ra. Bởi sự ấy là nhẫn tâm lắm. Tôi xóa bài này khỏi trang FB của tôi. Ko phải bởi khác quan điểm mà bởi cách nhìn tù đầy với định kiến soi mói mà ko khoa học.
      chính danh: Nguyễn Văn Thọ
      10. Februar um 02:57”

      2. Trước đó một ngày, chính bác nhà văn (đã từng ngót 30 năm sống ở xứ “giẫy chết” (CHLB Đức), sau khi đọc bài do Hiệu Minh blog (Hoa Kỳ) post lên đã viết vào trang “Phây” cá nhân của tôi như sau:

      “Tho Nguyen Van Tôi rất muốn chia sẻ bài viết này. Cái lõi của đời sống là phải trung thực. Chứ ko phải ghét ai thì cứ bịa tạc, chế nhạo người ta. Tát gầu dây khó hơn gầu sòng vì gầu sòng chỉ dùng sức xúc nước và đẩy, chứ gầu dây phải kêt hợp hai cái dây khi nào thả khi nào kéo khi nào hất như bài báo viết. Và tuy khó nhưng gầu dây đẩy nước lên cao hơn gầu sòng rất nhiều. Chính vì thế tùy theo độ cao phân phối nước mà nông dân dùng gầu dây hay gầu sòng. Cái này nhiều nhà Zân chủ hay chống cộng trẻ ranh ko biết hết đâu…
      Hồ Chí Minh có sai lầm gì chăng nữa thì những kẻ nếu thiếu kiến thức phải học và nhìn cho kĩ hãy phát biểu, chứ bỉ thử chế nhạo người ta càng thể hiện sự ngu xuẩn. Nếu ai chứng minh nhân vật chính trị nào ở VN trong 300 năm qua ai hơn ông HCM về các mặt thì hãy chế nhạo ông HCM, còn không ông ta vẫn lừng lững trong hàng ngàn khuôn mặt chính trị ko chỉ ở VN.
      9. Februar um 11:09”

      3. Có một độc giả ở Hà Nội, sau khi đã đọc còm của nhà văn NVT, đã viết như sau (kèm theo bức ảnh TL: Bác Hồ vừa hút thuốc lá vừa xúc bột cho một cháu bé chừng hơn 1 tuổi ăn)

      “JB Nguyễn Hữu Vinh · 14 Gemeinsame Freunde
      Đọc câu này của ông Nguyen Van Tho: ” Hồ Chí MInh là một người khá tinh tế, nếu trên sông ko có mương nước dội vào người khác thì ko bao giờ có thể xảy ra với một con người như ông… Điều ấy với một người chính trị gìa dơ như ông Hồ có lẽ ko bao giờ xảy ra. Bởi sự ấy là nhẫn tâm lắm.” Ông Tho cho rằng ông không sùng bái cá nhân nên phát biểu như vậy.

      Vậy, sẽ giải thích thế nào về sự “già dơ” và “tinh tế” như ông Tho nói trong những trường hợp người ta sắp đặt sẵn để ông HC Minh có thể diễn trước bàn dân thiên hạ là ông ta gần dân và cùng làm việc với dân? Ông ta sẽ không diễn ư? Vậy nói thế nào về các câu chuyện sau đây:

      – Câu chuyện nhà văn Vũ Thư Hiên kể lần đi thăm Hưng Yên, sáng đó trời mới mưa giữa đường có vũng nước, hai bên vẫn khô. Khi đi qua đó, ông Thu Hien Vu là người quay phim đi phía sau. Máy quay phim sè sè thì ông Minh bỗng nhiên tháo đôi dép cao su cầm tay và lội vào giữa vũng nước chứ không đi sang một bên đang khô.
      Thoáng ngạc nhiên, nhưng ông VTH biết ông Minh đang diễn, khốn nỗi cái máy quay hồi đó không có chức năng zoom nên ông buộc phải tắt máy để không ghi lại cả vũng nước hai bên khô mà ông Minh lội ở giữa. (Đọc Đêm Giữa Ban Ngày) và ông Vũ Thư Hiên vẫn còn sống đấy.
      – Câu chuyện cây đa Vật Lại, ông Minh về trồng cây ngày tết, nhưng cán bộ lừa ông ấy bằng cách lấy một mầm đa bọc vào đất rồi đưa cho ông ấy, ông vẫn trồng. Rồi sau đó ông bảo địa phương thay lại cây khác. Tờ báo lâu lâu rồi kể lại chuyện này ca ngợi ông “tinh tế” “già giơ”…

      – Và đây, hẳn bức ảnh này, người già dơ, tinh tế sẽ hiểu là không nên hút thuốc lá khi tiếp xúc trẻ em chứ nhỉ?

      vor 9 Stunden”

      (Nguồn: https://www.facebook.com/vanph.vanpham)

      • Tôi phì cười về cái sự lý luận của mấy “cây đa, cây đề” mà bác vừa trích dẫn.
        Tuy nhiên ngoài những “Hồ Chí Minh thế này, thế kia”, v.v rồi “ai chứng minh được ai hơn ông Hồ Chí Minh trong 300 năm qua…”
        Thật nực cười cho cái mệnh đề mà ông này suy ra “nếu ai hơn ông Hồ thì…” Vậy nếu mệnh đề đó mà được chứng minh thì ông ta cũng sẽ quay sang chế nhạo ông Hồ?
        Càng nực cười và buồn hơn cho một người đã từng “30 năm sống ở xứ giãy chết” mà chỉ được trang bị kiến thức lý luận khoa học kiểu nì.
        Và hãy xem ông ta cao giọng này “Cái này nhiều nhà Zân chủ hay chống cộng trẻ ranh ko biết hết đâu…”
        Một người có tư duy và suy luận hồ đồ như thế có đáng được tôn trọng?
        Thưa với ông nhà văn đáng kính ạ. Chúng tôi không suy diễn hồ đồ như ông. Chúng tôi nhìn vào bằng chứng, tức bức ảnh. Chúng tôi k hân hạnh có bố, mẹ hay cụ tổ được hầu hạ hay sống cùng với “người” của ông nên chúng tôi không có tư liệu cá nhân. Lại nữa chúng tôi cũng không chống cộng, không phải là zân chủ và có trẻ ranh nhưng cũng không đến nỗi hồ đồ đến mức cuồng tín. Chúng tôi (hay tôi) tin vào dữ liệu thực tế, ông ạ.
        Đừng nói còm này tôi công kích cá nhân, bởi bình luận về bài viết tôi đã bình rồi. Còm này chỉ vì thấy thái độ quá ngạo mạn đến mức xấc xược của ông nên tôi còm thôi.
        Có những người càng về già càng được kính trọng nhưng cũng có những người già (theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) thường bị lớp trẻ thở dài và thốt lên “sống lâu lên lão làng” đó ạ.

  6. Thưa bác Mõ Làng Chờ@ /on 13/02/2014 at 1:35 sáng)!

    Đọc còm phản hồi của bác tôi thấy lòng dạ bác thật ngay thẳng và công tâm. Nhưng chuyện đâu còn có đó bác ạ! Cứ ôn tồn mà trao đổi. Chứ ồn ào hay vỗ ngực ta đây chính tên (danh) – chính tuổi mà nguỵ biện và miệt thị những ý kiến không giống mình.. thì phỏng có ích gì? Khi cái lý mà không có chân (thật) thì làm sao gọi “chân lý” cho được, có phải vậy không bác?

    Nhân đây xin gửi bác đường link bài này để bác, nếu chưa đọc thì vào xem tham khảo thêm cho cái còm tôi đã đề cập với bác ở bài trước!

    363 – Chủ nghiã của ba ông, hai anh

    Thân mến!
    GCM

    • Cảm ơn đường link của bác. Tôi cũng đã đọc bài này trên trang talawas của nhà văn Phạm Thị Hoài.
      Đối với tôi, Phạm Thị Hoài là một trong những nhà văn, nhà báo có cái nhìn rất sâu sắc và nhiều nhận xét, khám phá tinh tế mà cánh mày râu còn thua xa. Nhiều trường hợp phải được gọi là khám phá của Phạm Thị Hoài (ví dụ như nhận xét về ông Obama xem đồng hồ trong buổi tiếp CTN Trương Tấn Sang chẳng hạn). Mỗi khi vào trang đó, ưu tiên đầu tiên của tôi là tìm đọc những bài viết cho chính Phạm Thị Hoài viết. Trang talawas chính là trang web mở cho tôi cái nhìn nhiều chiều về thế giới lý luận đó ạ.

      • – Cũng giống như bác, tôi đánh giá rất cao óc quan sát tinh tế về các sự kiện thời sự nổi bật của Phạm Thị Hoài. Các bài mang tính biên khảo và nghiên cứu của Hoài cũng rất sắc xảo. Như bài viết về “Tư cách của trí thức Việt Nam”* (trong phạm vi buổi toạ đàm tháng Mười 2000 tại Berlin là ví dụ). Người ta có thể thù ghét các bài viết (không theo “định hướng”) của PTH. Song rất khó phản bác được. Vì bài viết của Hoài chặt chẽ và đầy sức thuyết phục bởi các dẫn chứng sát thực, chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất. Đây không chỉ là sản phẩm của lối đào tạo bài bản của người Đức. Mà còn cho thấy sự lao động miệt mài của con người trí thức PTH – Một người cầm bút chân chính, luôn biết nâng niu, qúi trọng từng con chữ của mình nhằm giúp ích cho đời.

        – Ở cái còm lần trước (on 10/02/2014 at 9:25) bác Mõ Làng Chờ@ có phàn nàn: “đọc hết nửa …bài chả thấy tác giả “chứng minh” cho hình ảnh “tát nước” này của bác Hồ là thật hay diễn.” ?
        Thưa bác Chờ, ở bài đó tôi không muốn sa vào chủ đề ấy. Chỉ muốn trao đổi với cái tay “phó nháy” (đồng nghiệp cũ) và tay nhà báo về chuyện cắt cúp ảnh đăng báo ra sao để tránh làm độc giả hiểu lầm thôi. Vậy mà còn bị người ta chụp cho mấy cái mũ, cho rằng: “bới lá tìm sâu”. Là “cách nhìn tù đầy với định kiến soi mói…”. Hay: “chuyên đi bới móc thế hệ cha ông.”; ”tiếng nói xuyên tạc và đầy cắc cớ…”. Phen này chắc “hết đường về quê mẹ”? hu hu…

        – Trên trang “Phây” cá nhân của tôi thấy hai bạn còm (chắc họ quen nhau, chứ tôi thì chưa giáp mặt bao giờ) trao đổi với nhau như thế này! Xin chép lại nguyên văn:

        “Ha Thanh · Mit Nguyễn Hữu Quý und 5 weiteren Personen befreundet
        Quê tôi đấy, người tát nước với bác HỒ là ông Thiện chủ tịch xã lúc đó anh QUÝ ạ, không có chuyện tát bùn… đâu. điều gì có thực thì mình phải nói cho đúng anh ạ, ông THIỆN béo lại ở cùng ngõ nhà tôi với ông trung tướng Phạm Văn Phú thời VNCH, ông Phú có vợ đầu tiên sinh được ông MỸ gù lưng hiện ông MỸ vẫn sống, còn bà hai với các con thì sang MỸ lâu rồi
        11. Februar um 20:03”
        (hết trích)
        Trước thông tin mới này, tôi đã còm đáp lễ:
        “Cám ơn thông tin giá trị của Facebooker Ha Thanh! Có ai tin được một vị Chủ tịch xã (như ông Thiện) ở vùng thuần nông, trung tâm lúa nước ở đồng bằng Bắc Bộ là xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông mà lại không biết tát nước… và phải nhờ Cụ Hồ hướng dẫn cách tát nước gàu giai: “Phải kéo bằng dây trên, đổ bằng dây dưới” (như bài báo trên TTO) mô tả không ???
        Chắc ông Thiện (Chủ tịch xã Đại Thanh) đã hoàn thành xuất sắc vai trò một Lê Lai chăng?”

        – Nhờ sự bùng nổ của Internet mà con người được thụ hưởng nhiều thông tin nhanh chóng và đa chiều. Nên ông “THIỆN béo”, một “cán bộ nằm trong đống rơm” mới bị lộ nhanh thế! Ở thời điểm đó (cuối 1958), khi cơn lốc của cuộc “Cách mạng long trời lở đất” (CCRĐ) vừa đi qua, một ông đương kim ở chức Chủ tịch xã thuần nông không thể là một cậu ấm con quan hay một anh tiểu tư sản thành thị được “tín nhiệm” để đứng đầu một xã được! Anh ta phải là anh bần cố nông nhiều đời lam lũ phải đi cày thuê cuốc mướn…
        Vậy mà lại ngô nghê không biết tát nước gàu giai – một công việc hàng ngày của nông dân ???
        Ai trả nhời thỏa đáng câu hỏi giản dị này thì sẽ biết ngay các lãnh tụ kính yêu của nhà mình có “diễn” hay không?

        – Trước khi dừng lời, tôi muốn trao đổi với bác Chờ@ rằng: Ở thời buổi thông tin toàn cầu này, các nhà báo (truyền thông nói chung) chỉ nên cung cấp càng đầy đủ càng tốt các giữ kiện của sự việc theo một kết cấu (ngôn từ, đường dây dẫn dắt) mạch lạc, dễ hiểu để mọi độc giả thông minh có thể cùng được tham gia và tiếp nhận thông tin, tùy theo khả năng trình độ của mình. Đó chính là cách làm truyền thông hiện đại, biết tôn trọng độc giả!
        Áp đạt chủ kiến của nhà báo (cơ quan tuyên truyền) bắt mọi người phải theo đúng “định hướng” của mình là cách làm truyền thông thiếu minh bạch, không còn phù hợp với các xã hội văn minh tiến bộ nữa…

        (*PS: Tư cách của trí thức Việt Nam – xem ở đường link sau: file:///J:/D_Copy/Blog_Gocomay/001_GCM_yahoo_blog/OPGDIC2O75JLF3NXQWDA7P3LAE/articles/2009-02-19-472009.html)

  7. Hôm nay tôi đọc bài “Tiếp thị nhân quyền tại chợ Đồng Xuân – Berlin” tại đây: http://nguoibuongio1972.blogspot.com/2014/02/tiep-thi-nhan-quyen-o-cho-ong-xuan.html. Trong bài thấy lão Gió nhắc đến nhà văn Nguyễn Văn Thọ và tỏ ý muốn tìm kếm cố nhân (theo lão ta thì có quen một nhà văn cũng tên Nguyễn Văn Thọ). Không hiểu có phải là Thọ này (mà theo bác hiện là nhà văn đáng kính) hay không. Bác liên hệ với lão ấy giúp đỡ lão chút.
    P/S: Hiện lão Gió cũng đang ở Berlin đó. Cùng ở bên Đức cả. Bác liên hệ giúp lão nhé. Thanks

  8. Ối giời ơi! Có những “gần 400 website, blog mạo danh các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy …”

    http://chepsuviet.com/2014/04/06/oi-gioi-oi-co-nhung-gan-400-website-blog-mao-danh-cac-dong-chi-uy-vien-bo-chinh-tri-uy-vien-trung-uong-dang-bi-thu-thanh-uy-tinh-uy/

Bình luận về bài viết này

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ