750 – Bao giờ mới hết oan khiên Xứ Đoài?

Đình Chàng (đình Chu Quyến) Xứ Đoài

Hôm nay, trong khi triều đình đang thiết đại triều để bàn những việc cơ mật “rất quan trọng và phức tạp” như TTXVN đưa tin. Tự dưng thấy bác Trọng Tạo cho đăng lại bài thơ cũ mà vẫn rất thời sự của nhà thơ Nguyễn Thái Sơn (*) khóc than cho “nỗi bể dâu Xứ Đoài” (Kỷ niệm “Tử Nhật”/ Giỗ kỵ lần 4) với những vần thơ ai oán thế này:

Lụa tằm còn có ai mua ?

nón Chuông chắn nắng che mưa mấy người ?

bạc năm đánh đổi vàng mười

mẹ ta khóc khóc cười cười giữa đêm

 

Thôi thì đợi nữa chờ thêm

biết đâu chân cứng đá mềm. Biết đâu…

Những điều khóc cười mà người dân Xứ Đoài nói riêng và người dân cả nước nói chung đang mục sở thị ngày hôm nay đã được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cảnh báo từ ngày 30/4/2008 với những lời gan ruột như sau!

Xin trích:

Cố TT Võ Văn Kiệt (1922-2008)

“Theo tôi, Thăng Long – Hà Nội với nghìn năm lịch sử phong phú, hào hùng, với văn hóa được tích lũy nhiều đời, không phải thủ đô nào trên thế giới cũng có được. Hà Nội không nhất thiết phải lựa chọn mô hình đầu tàu kinh tế, việc mà nhiều địa phương có nhiều thuận lợi và có khả năng làm tốt hơn Hà Nội nhiều.

Mặt khác, mô hình đô thị cực lớn với động lực công nghiệp là một mô hình đô thị đã cũ, nhiều sai lầm mà phương Tây đang phải từ bỏ. Chính những thành phố có hàm lượng văn hóa cao, có đời sống đô thị giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành, có nhịp sống hợp lý, làm giàu bằng kinh tế tri thức mới là mô hình mà các nước đi trước chúng ta đang tìm kiếm.

Thủ đô Thăng Long – Hà Nội có đủ những yếu tố đủ để xây dựng cho mình một thành phố như thế. Thay vì chọn một mô hình đô thị khổng lồ với vô vàn vấn nạn, từ tắc nghẽn giao thông đến ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, thị trường đất đai rối loạn cản trở phát triển kinh tế như nhiều đô thị lớn trên thế giới đang gặp, Hà Nội nên chọn cho mình mô hình một thành phố lịch sử, văn hóa, đầu tàu về khoa học – kỹ thuật tiên tiến, có quy mô vừa phải, hợp lý, có môi trường đô thị trong lành, văn minh, công bằng, dân chủ, đủ năng lực khai thác, ứng dụng những thành tựu khoa học tiên tiến của thời đại trong xây dựng, quản lý vận hành, ngõ hầu tạo dựng một môi trường sống lý tưởng.

Một mô hình đô thị không cần nhiều đất đai mà cần nhiều hơn những giá trị đạo đức, nhân văn, nhân tài và chất xám. Đấy mới chính là “hướng nhìn – tầm nhìn” của nghìn năm Thăng Long và của thời đại.”

(Võ Văn Kiệt- http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2008/05/3ba01e27/)

Không biết có phải vì sự “trung ngôn nghịch nhĩ” này mà chỉ hơn tháng sau, ông Sáu Dân bị “kiệt” (đột qụy) và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 11/6/2008. Để đúng cái ngày định mệnh – 1/8/2008 Hà Nội vẫn được mở rộng thành một trong những thủ đô có diện tích lớn vào bậc nhất thế giới hay không?

Thiết nghĩ câu hỏi này để lịch sử trả nhời!

Còn May, một cư dân nhỏ bé sinh ra và lớn lên ở Xứ Đoài thì cũng chỉ biết than khóc cho một vùng ca dao, cổ tích. Vùng “địa linh nhân kiệt”… đang trở thành vùng đất oan khiên làm mẹ ta khóc khóc cười cười giữa đêm thôi.

Chùa Thầy (Sài Sơn) – Di tích danh thắng của Xứ Đoài

Tại Sài Sơn, quê hương của nhà bác học uyên bác nổi tiếng Phan Huy Chú (đầu Thế kỷ 19), những dự án “qui hoạch đô thị mới” bao gồm các hạng mục “hoành tráng” như sân golf, khu vui chơi giải trí, khu biệt thự, chung cư, trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao,… làm đảo lộn cuộc sống của một vùng cư dân ven dòng sông Đáy hiền hoà từ bao đời đã đi vào trong kiệt tác của Thi nhân Quang Dũng (“Lên núi Sài Sơn ngắm lúa vàng“). Như dự án Tuần Châu đã nuốt mất 254ha. Lại thêm hàng chục các dự án bất động sản liên quan đến khu đô thị, biệt thự, nhà vườn, khu công nghiệp… đã ôm tới gần 460ha, tức gần hết đất nông nghiệp của xã có 17 ngàn dân ở đây. Khiến dân chúng trở thành “nhàn cư” trên chính mảnh đất vốn một nắng hai sương của mình.

Đơn cử như trường hợp anh Nguyễn Hữu Lệ, ở xóm Tường, thôn Thuỵ Khuê có vợ là chị Nguyễn Thị Thanh đã bị bắt giam ngày 23.4.2009 bởi ba chiếc xe công an. Lý do, theo chính quyền địa phương, là tội gây rối trật tự công cộng: “Thanh đã cùng với nhiều người địa phương khác có hành động quá khích khi phản đối chính quyền xã xây dựng nhà văn hoá”. Song theo người dân, nguyên nhân là sâu xa hơn: “Chị ấy khăng khăng đấu tranh không chịu mất đất cho các dự án”. Chị Thanh bị bắt giam chờ ngày ra tòa. Trong lúc đứa con nhỏ mới ba tuổi gầy xanh sau hai lần cấp cứu vì khóc đòi mẹ. Khiến anh Lệ mới 43 tuổi đã bạc trắng tóc chỉ sau cái đêm vợ anh bị bắt.

Có người dân gắn bó cả đời với cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” của Sài Sơn than rằng: “Phát triển gì mà đẩy hàng ngàn nông dân chúng tôi ra rìa. Còn mồ mả cha ông, còn nền văn hoá của xứ này thì sao?…” (Theo nguồn: Hà Nội sau một năm mở rộng: Thương tiếc đồng quê – http://ashui.com/mag/tuongtac/goc-nhin/1132-ha-noi-sau-mot-nam-mo-rong-thuong-tiec-dong-que.html)

Di tích Lý Bát Đế ở Đền Đô – Bắc Ninh

Lần giở lại lịch sử, vào thời Lý, ở nước ta có lệ phong đất cho những người có công to với đất nước bằng cách “phóng lao”. Người được phong chọn một đỉnh núi cao rồi phóng cây lao bay xa hết mức có thể, bay xa bao nhiêu thì vua cấp bấy nhiêu đất, đất phong này gọi là “đất phóng lao”. Trước khi thủ đô Hà Nội được mở rộng thêm gấp 3,6 lần, các quan ở tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và bốn xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình) cũng mở một đợt “phóng lao” như vậy. Chỉ khác là con cháu ngày nay hiện đại hơn các cụ ngày xưa, chẳng cần tốn cây lao nào mà chỉ cần có chức quyền trong tay. Chỉ cần biết ký tên và đóng dấu, trong một thời gian ngắn, các quan hàng tỉnh (như Hà Tây, trước khi mất phiên hiệu) đã kịp phê duyệt 772 dự án, giao 76.695ha đất dù những cá nhân và công ty được phong đất có lẽ không có công lao đến cỡ “vị quốc vong thân” như các bậc danh tướng ngày xưa.

Vua nhà Lý dùng lao phong đất thì quốc thái dân an, người người đều phục còn các quan tham ngày nay đua nhau “phóng” (bút) xong thì dân trở thành trắng tay ngay trên mảnh đất hương hoả của tổ tiên.

Như vậy lối tư duy “phong đất thủ đô” quỷ quái, các quan tham đã “khả uý” hơn “tư duy phong đất” của thời phong kiến ở chỗ: Xưa, toàn bộ đất đai là thuộc sở hữu của nhà vua, dân chỉ là người đi mướn đất của vua để cày cấy và phải nộp tô thuế, đi phu đi lính. Nay, theo luật, “đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý”. Nhưng các quan lại lấy cớ đại diện (thay mặt) dân để “quản lý” theo kiểu giống như ông vua đem đất đai “sở hữu toàn dân” phong cho một số cá nhân và công ty sân sau trong nhóm lợi ích của chính họ. Quyền lực giao đất của các ông vua này được đảm bảo bằng quy định: “Nhà nước thu hồi đất khi có nhu cầu sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế”. Nhiều người dân vì cái “lợi ích” mơ hồ này mà sáng ngủ dậy bỗng mất đi mảnh đất bao năm gắn bó và thấy mình trở thành những cư dân không “tấc đất cắm dùi”.

Ngày 8-5-2008, trước khi giải thể, UBND tỉnh Hà Tây đã tranh thủ ra Quyết định số 1177/QĐ-UBND thu hồi 381.670,1m2 đất 2 lúa của dân tại xã Kim Chung và Di Trạch (Hoài Đức-Hà Nội) giao cho CTCPTM Vietracimex xây dựng khu Đô thị mới. Hiện đang là “Dự án treo” mà báo Người Cao Tuổi đã đặt nghi vấn: “Khu Đô thị mới Kim Chung – Di Trạch” là dự án thật hay dự án… “chui”? (Nguồn: http://www.hungha.com.vn/)

Người nông dân về bản chất là sống an phận trong luỹ tre làng theo kiểu “đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Nhưng lại rất “tình làng nghiã xóm” trong các sinh hoạt cộng đồng. Chính CNCS du nhập vào nước ta đã làm đảo lộn mọi trật tự, phá vỡ cấu trúc xã hội ở làng quê, định hình từ ngàn năm trước. Khi người CS đưa học thuyết đấu tranh giai cấp vào để giải quyết các mâu thuẫn, khó khăn tức thời (mang tính tất yếu) nẩy sinh trong sự phát triển. Cái khẩu hiệu “trí phú địa hào/ Đào tận gốc trốc tận rễ” của Cao trào CS 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh (Xô Viết Nghệ Tĩnh) đã chứng minh rất rõ điều này.

Những tiêu chí “ruộng đất cho người cày” và “nhà máy cho thợ thuyền” thực chất chỉ là trò bịp để lừa người lao động, giúp người CS leo lên đỉnh cao quyền lực. Có quyền sinh sát rồi thì người CS quay lại cướp đất của nông dân và nhà máy của công nhân bằng “Hợp tác hóa” và “Cải tạo Tư sản” khiến người lao động cả ở nông thôn và thành thị dần lâm vào cảnh sống cơ cực hơn cả thời Thực dân-Phong kiến.

Khi mô hình sản xuất “Kế hoạch-Tập trung” của CNXH thất bại, buộc người CS phải “đổi mới” (thực chất là quay lại mô hình s/x cũ). Nay với cái gọi “Kinh tế Thị trường định hướng XHCN” những người (mang danh CS) đã dùng chiêu “phong đất” kiểu rất XHCN: “Nhà nước thu hồi đất khi có nhu cầu sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế”… còn tệ hại hơn nhiều lần thời phong kiến sơ khai.

Mô típ Sắc- Không rất phổ biến ở các chùa Xứ Đoài

Về mặt từ nguyên, phong kiến là từ ghép của phong tước và kiến địa (hay phong hầu và kiến ấp). Các vua chúa thời xưa thường phong tước cho những người thân thích, người có công. Đồng thời chia (ban thưởng) đất đai cho những người này để khuyến khích và động viên kẻ sỹ chăm lo kiến tạo quốc gia (xã tắc) cường thịnh. Trong đó người dân được sống an vui (“Vua Nghiêu Thuấn / Dân Nghiêu Thuấn / Dường ấy ta đà phỉ sở nguyền” – Nguyễn Trãi).

Nhà nước phong kiến thường lấy tôn giáo làm cơ sở lí luận cho sự thống trị của mình. Còn ngày nay, với tệ hối mại quyền chức (“phong tước“) và lợi ích nhóm chia chác đất đai và tài nguyên (“kiến điạ“) theo tôn chỉ (tôn giáo) Mác-Lê đã đẩy đa số nông dân và người cần lao (lực lượng chủ lực của cách mạng giải phóng) và cả những công thần bất đồng ý kiến lâm cảnh “tứ cố vô thân”. Không còn tư liệu sản xuất đa số nông dân trở thành nô lệ mới trên mảnh đất đẫm mồ hôi và cả máu của cha ông và chính bản thân mình!

Vậy nên lòng mong ước: “bao giờ cho tới ngày xưa” của người Xứ Đoài nói riêng, người dân Việt nói chung khi nào mới có Chúa ngay, Tôi hiền. Để: Sơn Thần về lại Tản Viên /  lại vuông tròn, hết oan khiên Xứ  Đoài ???

Gocomay

____

(*) THÔI THÌ CHỜ NỮA ĐỢI THÊM…


Hai năm “Tử Nhật” Hà Tây

rồi ra, cứ đến tiết này lại đau

hội vui “quốc khánh” nước Tầu

lại trùng với nỗi bể dâu Xứ Đoài 

 

Vẫn áo nhuộm, vẫn ngô khoai

Sài Sơn núi lở, Suối Hai nước tràn

còng lưng đá đẽo, mây đan

Bối Khê mẻ tượng, Trăm Gian xiêu chùa

 

Lụa tằm còn có ai mua ?

nón Chuông chắn nắng che mưa mấy người ?

bạc năm đánh đổi vàng mười

mẹ ta khóc khóc cười cười giữa đêm

 

Thôi thì đợi nữa chờ thêm

biết đâu chân cứng đá mềm. Biết đâu…

bể dâu ngóng đợi bể dâu

phượng hoàng rũ lửa, cất đầu, lại bay

 

Thôi đành ngóng tháng mong ngày

may ra lại có Chúa ngay, Tôi hiền

Sơn Thần về lại Tản Viên

lại vuông tròn, hết oan khiên Xứ  Đoài !

NTS (Theo blog NTT)

___

Xem lại ký ức về xứ Đoài của Gocomay:

___________________

7 bình luận

  1. Anh à, anh khỏe ko? Ngày cuối tuần vui vẻ chứ anh? Hôm qua em coi CaFe sáng của VTV3 , tahy1 có bạn anh tên Nha quay phim tài Liệu Nguyễn Thước bạn anh lên trả lời phóng viên hay lắm anh biết ko, còn sáng nay thấy vợ Tất Bình Cô bé Hà Nội Lan Hương lên Tivi trả lời về HP gia đình ui chu choa, sao cô ta dạo này già chát thế ko biết, em nhìn ko nhận ra anh ạ, hihihi…..chuyện đời lắm nỗi đục trong mà !

  2. Tuần qua, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng trong các dự án phát triển kinh tế và đô thị đã là một trong những nội dung làm nóng nghị trường của HĐND TPHCM. Và không chỉ ở TPHCM, vấn đề này cũng nóng ở nhiều địa phương khác trên địa bàn cả nước.

  3. […] 750-Bao giờ mới hết oan khiên Xứ Đoài? – https://gocomay.wordpress.com/2012/10/02/750-bao-gio-moi-het-oan-khien-xu-doai/ […]

Bình luận về bài viết này

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ