757 – Chữa quá tải bệnh viện bằng “hệ thống chính trị“?

Ngày 31/10 vừa qua bà Kim Tiến thượng thư Bộ Thuốc, sau khi đi thăm bệnh viện Bạch Mai đã nói Giải bài toán chống quá tải bệnh viện cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị“. Nhưng vào cuộc ra sao thì không thấy bà Tiến nói. Mà chỉ chung chung kiểu việc chống quá tải bệnh viện không chỉ làm ngày một ngày hai mà cần phải có lộ trình thực hiện và cần phải có sự hỗ trợ cả về cơ chế và chính sách của nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất…. nâng cao chất lượng cho y tế tuyến dưới, đẩy mạnh thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh…“ (*)

Là người từng cộng tác làm việc hàng chục năm (trước đây) với ngành y tế, tôi không nghĩ bà Tiến, một người đi lên từ ngành vệ sinh dịch tễ ở Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh lại không biết cái nguyên nhân chính dẫn tới qúa tải bệnh viện. Đó là do lỗi hệ thống (chính trị) gây ra. Nhưng đụng vào cái tổ kiến lửa ấy, có lẽ bà dù có gan to bằng giời cũng chả dại, chả dám.

Mấy hôm nay, thằng cháu “đít sắt“ của May cũng phải nằm viện. Cái nơi mà nó sợ nhất trong tất cả các thứ sợ là tiêm và gặp những người mặc áo Blou trắng. Chính vì thế nó đau bụng từ trưa hôm thứ Ba (20/11) mà không dám kêu. Đau âm ỉ suốt đêm mà cũng chịu đựng. Sáng ra, đau qúa, nó mới chịu khai thật với mẹ nó và chấp nhận đi khám ở chỗ ông bác sỹ gia đình (Hausarzt). Hóa ra cu cậu bị đau bụng ruột thừa. Phải đưa ngay đi cấp cứu ở bệnh viện Huyện (Kreiskrankenhaus). Đen cho cu cậu, hôm ấy có qúa nhiều ca mổ định kỳ (đã lên lịch) nên phải chờ đợi tới 5, 6 tiếng đồng hồ nữa ca mổ mới được tiến hành. Để giảm đau, các bác sỹ đã cho uống thuốc an thần với một liều lượng nhẹ và cử người theo dõi sát sao. Khoảng chập tối thì ca mổ hoàn tất. Lúc đó ông bác sỹ chính (hôm đó ông làm thông 2 ca liền) mới thở phào và nói “tôi chưa bao giờ thấy đứa trẻ (10 tuổi) nào mà có ruột thừa lớn như thằng bé này“. Ông bác sỹ ấy lại chính là người đã mổ ruột thừa cho tôi hồi đầu tháng Tư năm ngoái (**). Ông ta là ân nhân của cả 2 ông cháu tôi, mà có muốn gặp ông để mà nói lời cám ơn cũng thật khó. Đơn giản ông rất bận, chả đủ thời gian để tiếp những hằng hà xa số những ân nhân của mình…

Hôm thứ Năm vào thăm cháu, thấy nó đã hoàn toàn bình phục. Dạo này bệnh viện đông bệnh nhân mà hai bố con nó chiếm của người ta cả phòng (2 giường). Sộc vào thấy thằng cháu thì đang xem phim hoạt hình (Tivi) còn bố thì đang ngồi dán mắt vào chiếc Laptop xem video ca nhạc. Giờ ăn trưa, hộ lý mang cho mỗi người một khay thức ăn nóng sốt…. ngon cứ như đồ ăn ở khách sạn ý. Chớp vội vài tấm hình đưa lên đây để làm kỷ niệm cho cu cậu nhớ và đừng bao giờ có ác cảm với những người mặc Blou trắng ở xứ này nữa. 

Hai bố con ông “đít sắt” của May chiếm cả phòng 2 giường của bệnh viện… (Winsen/Luhe ngày 22/11/12)

Xuất ăn trưa của bệnh nhân sau ca phẫu thuật (Ảnh: Gocomay)

Trở lại chuyện qúa tải ở bệnh viện xứ Việt mình, người thì nói do giường bệnh bên mình còn khiêm tốn qúa (khoảng 20,5 giường/ 1 vạn dân). Người thì đổ cho lỗi của bệnh nhân vượt tuyến. Một số cho rằng cần phải di rời hết các bệnh viện lớn (chật chội) ở trong nội thành ra ngoại thành. Lại có ý kiến nói, phải tăng cường hệ thống bệnh viện vệ tinh và tạo “thương hiệu“ cho tuyến y tế ở cở sở để thu hút người bệnh nhằm giảm tải cho các tuyến trên.

Với giá viện phí như hiện tại, nhiều bệnh viện lại thích “quá tải” – Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

Nhưng như lời một bác sỹ ở tuyến cơ sở (tỉnh Hoà Bình) thẳng thắn nói: “dù là bệnh viện miền núi nhưng Bệnh viện tỉnh Hòa Bình đang chịu áp lực quá tải, đạt 130-140% so với công suất. Tuy nhiên, với giá viện phí như hiện tại, nhiều bệnh viện lại thích quá tải“ (***)

Như vậy khi “qúa tải“ đồng nghiã với “tăng thu nhập“ (cả theo qui định của nhà nước lẫn “phong bì“ theo luật bất thành văn) thì chẳng ai dại gì mà mong vắng khách vắng bệnh nhân tới cơ sở y tế của họ cả. Chính nguyên nhân này khiến bà Thượng Tiến dù có muốn nói không ngàn lần với tệ nạn tiêu cực trong ngành y tế cũng chỉ như nước đổ lá khoai. Chả ai tin. Nay bà còn đánh đố người bệnh cần “quay phim chụp ảnh“ cảnh bác sỹ nhận phong bì và gửi về Bộ Y tế để bà xử lý. Qủa là bất khả thi vì con bệnh không ai lại vừa đưa phong bì để “cầu“ sớm được khỏi bệnh mà lại muốn phản lại cái nơi mình vừa cầu xin đó? Nếu ai đi tin nhời bà Tiến mà đặt “bẫy“ thì bài học tầy liếp vụ nhà báo Hoàng Khương nhận bản án 4 năm tù giam về tội “đưa hối lộ“ đó thôi. Có ai thích đi tù để chống tiêu cực tham nhũng như vậy nữa không?

Cho nên tôi rất tán thành việc muốn chữa tiệt tình trạng qúa tải ở bệnh viện là phải giải quyết từ gốc cái nguyên nhân đã sản sinh ra nó. Việc này một mình ngành y tế của bà Tiến xinh đẹp không thể làm nổi mà “cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị“. Nhưng nếu chỉ vào cuộc theo kiểu “đề án/ dự án“ (Đề án Bệnh viện vệ tinh/ Đề án 1816) thì ai dám bảo lại không sinh tiêu cực, thất thoát bởi cả “bầy sâu ăn hết của dân“ đã hoàn toàn kháng thuốc?

Có một thực tế là, không có một nền y học của nước tiên tiến nào lại tránh được tình trạng qúa tải nếu việc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng không được “cả hệ thống chính trị“ cũng như mọi thành viên trong xã hội bắt tay vào thực hiện một cách tích cực. Những việc tưởng chừng không liên quan đến ngành y tế như việc cần có nhiều không gian cho môi trường sống của trẻ nhỏ nói riêng và cộng đồng nói chung như những hồ bơi, sân đá bóng, sân chơi thể thao, công viên cây xanh… được hiện diện ở trong các trường học từ mẫu giáo cho tới các trường đại học và cả trong các khu dân cư. Lại chính là góp phần rất lớn vào việc tăng cường sức khoẻ chống lại bệnh tật, làm giảm tải cho các cơ sở y tế trong nước. Nhưng hỡi ôi, có những ông Tổng đốc Như Nguyễn Thế Thảo của Hà Nội lại muốn tiêu diệt cái không gian sống qúi giá đó (như việc cho xây bãi đỗ xe trong công viên Thống Nhất là ví dụ) thì thử hỏi hàng trăm năm nữa thủ đô Hà Nội của chúng ta liệu có thoát được cảnh bệnh nhân không phải nằm chung giường? Được biết ông Thảo từng du học ở Ba lan, nơi mà mùa này các công viên ở đó có có những đàn ngỗng trời bay về đỗ kín các vườn hoa giữa lòng thành phố mà con người không bao giờ tơ hào tới sợi lông nào của chúng. Tôi đã 2 lần ghé Ba lan (lầu đầu 1987: 1 tháng; lần sau: 1991: 6 tháng), một nước ở Trung Âu không phải giàu có gì so với các nước ở Tây Âu như Đức, Hà Lan, Anh…. Nhưng thấy không gian sinh tồn cho cả người và muôn loài ở đó thật tuyệt vời. Phải chăng nơi ấy vẫn luôn tồn tại những công bộc liêm chính và gương mẫu trong hệ thống chính trị biết cư xử đúng mực với muôn loài?

Cảnh bọn trẻ biểu tình ở trước cửa trụ sở cơ quan hành chính tại địa phương… (Ảnh: Báo Wochenblatt-L.K. Harburg – Đức)

Cách đây khoảng hơn 10 năm, tại nơi tôi ở, mặc dù có rất nhiều sân bóng và các loại sân chơi thể thao. Nhưng còn thiếu duy nhất một sân cho trẻ con trượt ván (Skateboards). Bọn trẻ yêu thích môn này (trong đó có thằng con trai thứ hai của tôi) chỉ có khoảng mươi đứa đã kéo đến biểu tình trước cửa trụ sở cơ quan hành chính của làng (Dorfhaus) để bày tỏ và gây áp lực lên chính quyền địa phương. Được một tờ báo (báo Huyện) đăng ảnh. Và ngay lập tức lãnh đạo thôn phải mua đất và bỏ kinh phí ra xây một sân chơi trượt ván cho các cháu.

Những cái sân bãi cỡ như sân bóng khu Quần Ngựa (trên đường Hoàng Hoa Thám Hà Nội) ở làng nào cũng có tới vài cái. Bà con người Việt mình từ Đông Âu (lao động) sang sống ở đây, từ thời chưa có giấp phép cư trú dài hạn vẫn có thể tới mượn và luyện tập hàng mỗi cuối tuần. Việc tổ chức giải thi đấu trong cộng đồng còn được xã hội hỗ trợ một phần kinh phí nữa.

Đội tuyển bóng đá của người Việt ở L.K Harburg – CHLB Đức .- Ảnh chụp báo Winsener Anzeiger – Đức)

Trái lại ở xứ ta, thời còn ở làng, quê tôi cũng có tới 3, 4 cái hồ lớn (và cả sân bóng) để các chiều hè bơi lội và đá bóng thoả thích. Nhưng nay về tìm lại thì tất cả hồ lẫn sân bóng đều được san lấp phân lô làm nhà rồi. Ngay cả trường cấp 1, 2, 3 mới xây dựng sau này cũng hoàn toàn không có sân đá bóng hay hồ (bể) tập bơi. Đó là lý do vừa xẩy ra chuyện vô cùng thương tâm ở một huyện ngoại thành Hà Nội, gần chục đứa con gái học cấp 3, trời nóng rủ nhau đi tắm hồ bị chết đuối do tại trường học không bao giờ có tiết học bơi. Hay có cũng không có nơi để tập. Bởi các nhà qui hoạch trong “hệ thống“ thấy không cần thiết phải phí đất và tiền bạc cho cái việc “khoẻ để bảo vệ tổ quốc“ (và giảm bệnh tật) này làm gì?

Tóm lại, nếu chỉ hô hoán “cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị“ để “giải bài toán chống qúa tải bệnh viện“ như của bà Kim Tiến nêu ở thượng dẫn, có lẽ cũng chỉ giải quyết được những khó khăn ngắn hạn trước mắt. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề cần có cái nhìn viễn kiến hơn. Như phải sửa “lỗi hệ thống“ để kiên quyết thu hẹp dần môi trường sống của “bầy sâu“ hại chẳng hạn. Điều mang tính “nhạy cảm“ này chắc gì bà Thượng thư Bộ thuốc và những người đồng hội đồng thuyền (còn tốt) của bà dám đụng đến dù một sợi lông chân của chúng?

 Gocomay

(*) http://bachmai.gov.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=950&Itemid=31)

(**) https://gocomay.wordpress.com/2011/05/08/604-h%E1%BB%8Da-phuc-c%E1%BB%A7a-toi-n%C6%A1i-x%E1%BB%A9-ng%C6%B0%E1%BB%9Di/

(***) http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Song-khoe/455693/Nhieu-benh-vien-thich-qua-tai.html

*

*          *

P/S: Một số hình ảnh qúa tải ở bệnh viện do các báo chính thống đăng tải:

Quá tải bệnh viện đang là một vấn nạn lớn của ngành y tế… Nguồn: tinmoi.vn

Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM thường xuyên bị quá tải do phải tiếp nhận điều trị cho cả bệnh nhi ở các tỉnh phía Nam – Ảnh: N.C.T. (Báo Tuổi trẻ)

Bệnh nhân phải nằm tại hành lang bệnh viện – Nguồn: us.24h.com.vn

Do quá tải, các bệnh nhi phải nằm chữa trị ở hành lang của một bệnh viện tại TP.HCM
– Ảnh: Diệp Đức Minh  (Báo Thanh Niên)

Bệnh nhân ngồi chờ la liệt ngay cổng vào BV Ung bướu TP.HCM từ lúc 6 giờ sáng – Nguồn: thanhnien.com.vn

Cảnh tượng này đã quá quen thuộc với cả bác sĩ lẫn bệnh nhân (Ảnh: Báo Dân Trí)

Tình trạng quá tải thường xuyên xảy ra tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) – Ảnh: Báo Nhân Dân

Bệnh viện quá tải, người bệnh phải nằm ngoài trời – Nguồn: baomoi.com

Tình trạng quá tải hiện rất phổ biến ở các BV tuyến trên (Ảnh: Báo Phụ Nữ)

Bệnh nhân, người chăm sóc nằm la liệt dưới gầm giường bệnh viện không còn là cảnh hiếm gặp -Nguồn: infonet.vn 

Dù đã “chuẩn bị tâm lý” từ trước nhưng bà bộ trưởng vẫn không khỏi “choáng” khi bệnh nhân lóp ngóp bò từ gầm giường ra chào đón mình. (Ảnh: Dân Trí)

Tình trạng quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện đang được ngành y tế tập trung tháo gỡ – Ảnh: Khánh Nguyên (Báo Hà Nội Mới)

________________________

756 – Xe “không chính chủ“, bất động sản, nợ xấu và những Vina.. chết chìm…

Câu chuyện phạt “xe không chính chủ“ theo Nghị định 71 có hiệu lực từ ngày 10/11 vẫn đang gây bức xúc trong dư luận suốt tuần qua. Nó không chỉ phản ánh sự quản lý qúa yếu kém của Chính phủ (cụ thể Bộ GTVT) mà nó còn chứng tỏ lối hành xử tùy tiện của các cả nơi ban hành lẫn cơ quan thi hành luật. Nếu như ở các nước phát triển (như nước Đức là ví dụ), việc sang tên đổi chủ một chiếc xe ô tô (bất luận giá trị là bao nhiêu) chỉ cần mang thẻ căn cước, bằng lái và giấy tờ xe (gồm 3 trang rưỡi gấp gọn lại chỉ to bằng nửa tờ A.4 mà không cần mang xe) tới một văn phòng đăng ký của Sở giao thông (rất sẵn) ở gần nhà  làm thủ tục. Với lệ phí chỉ mất chừng ngót 40€ (tương đương ngót một ngày lương của người phụ bếp quán Tàu). Tổng thời gian đăng ký (kể cả lấy số thứ tự ngồi chờ và làm biển số mới) chỉ mất chừng từ 30 phút là  cùng. Ngược lại ở xứ ta, để làm thủ tục sang tên đổi chủ một chiếc xe ô tô có khi phải mất từ 2 đến 3 tuần, với rất nhiều thủ tục nhiêu khê. Cùng số tiền thuế và lệ phí trước bạ tốn hàng chục triệu (từ 10-12%) giá trị của xe.

Chính vì sự bất cập này mà đa số người dân mua bán xe (cả ô tô và xe máy) cho nhau đều tìm cách “né phí“. Hệ quả là nhà nước không thu được tiền lệ phí đăng ký chuyển nhượng và sử dụng. Mà việc quản lý phương tiện ô tô xe máy đang lưu hành nảy sinh nhiều hệ luỵ vô cùng phức tạp. Nhất là trường hợp các xe “không chính chủ“ gây tai nạn hoặc gây án khi người điều khiển phương tiện chạy trốn mà không thể tìm được cả “chính chủ“ của chiếc xe, vì họ đã chết hoặc đã chuyển ra nước ngoài định cư…

Ban hành và thực thi luật tùy tiện là nguyên nhân dẫn gây ra tham nhũng tiêu cực…

Đúng ra thay vì ra Nghị định 71 (phạt xe “không chính chủ“), Bộ GTVT do ông Thăng đứng đầu phải thay đổi cả lề lối quản lý cũng như cải tiến mức thuế, lệ phí cho hợp lý để người dân không còn phải tìm mọi cách “né phí“ mỗi khi sang tên đổi chủ ô tô, xe máy. Bởi, tâm lý chung của người dân, không ai là không muốn xe mang tên mình?

Hiện trên cả nước ta có 37 triệu phương tiện/ 90 triệu dân, trong đó có 2 triệu ô tô, 35 triệu xe máy *. Kể cũng là nhiều. Nhưng so với nước Đức thì chả thấm tháp gì. Bởi Đức có dân số ít hơn (ngót 82 triệu người – con số 2011), không kể số xe máy, riêng ô tô đã là 55 triệu rưỡi (trong đó xe dưới 12 chỗ là ngót 46,6 triệu chiếc) **

Để kích cầu thị trường ô tô, cách đây chưa lâu, ở Đức nhà nước còn trợ giá 2.500 € cho mỗi đầu xe cũ (loại xe vứt bãi rác) mà người dân đang sở hữu (tối thiểu được 1 năm) để khuyến khích những ai có công ăn việc làm mua xe mới vừa hạn chế khí thải độc hại do xe cũ thải ra vừa kích thích ngành công nghiệp mũi nhọn này.

Một góc chợ mua bán xe ô tô cũ ở nơi GCM cư ngụ – Winsen/Luhe 22/8/2910

Trở lại chuyện sang tên đổi chủ phương tiên giao thông, nói dại nếu nước họ có cách quản lý phương tiện nhiêu khê như bên xứ ta thì… thay vì chỉ mất 30 phút, có lẽ họ sẽ phải tốn mất gần 2 năm để làm thủ tục đăng ký cho mỗi chiếc xe. Như thế đồng nghiã với sự phá sản của toàn bộ thị trường và nền công nghiệp sản xuất xe hơi hùng mạnh vào bậc nhất thế giới của họ. Đó chính là lý do bọn “tư bổn giẫy chết“ thà mang tiếng xấu, đành chịu thua chị kém em chứ quyết không thể học đòi thứ “dân chủ gấp triệu lần“ như ở xứ ta chăng?

Mấy hôm nay thấy các đại “đầy tớ nhân dân“ đăng đàn trả lời chất vấn ở QH liên quan đến nợ xấu ngân hàng và một khối lượng bất động sản khổng lồ tồn đọng bởi cả rừng luật và lệ do các đầy tớ to nhỏ từ trên xuống dưới đặt ra. Nhưng khi thực thi lại hành xử theo kiểu “luật rừng“. Đã và đang kìm hãm sự phát triển của đất nước cũng như đè nặng lên đời sống cơ cực trăm bề của người dân. Lấy ví dụ như một nghị định cách đây hơn 2 năm do chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký – Nghị định 71/2010/NĐ-CP. Có hiệu lực thi hành từ ngày 8/8/2010. Như ở điều 66 thì ngay cả Việt Kiều không còn giữ quốc tịch và không còn mang hộ chiếu Việt Nam mà “chỉ cần kèm theo giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để chứng minh có gốc Việt Nam.“ Là đủ điều kiện để “có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam.“ ***

Cơ ngơi của một người Việt trị giá khoảng 300.000 € ở L.K Harburg – CHLB Đức (Ảnh: GCM-29/8/2010)

Nhưng cho đến nay, hầu như chưa có “khúc ruột ngàn dặm“ (Việt Kiều) kể cả những Việt Kiều chưa mất quốc tịch Việt Nam nào lại có thể chạm tay được vào nghị định “mỡ treo“ này, nếu không chịu “bôi trơn“ (cái thứ mà đa số Việt Kiều sống ở các xứ văn minh khó chấp nhận). Đây thiết nghĩ cũng là một trong những nguyên nhân làm thị trường bất động sản ở quốc nội chưa thể “tan băng“. Tội nghiệp cho nguồn ngoại tệ từ nước ngoài chảy về. Hàng chục tỷ Mỹ kim hàng năm, đâu có ít. Thay vì được đổi ra nội tệ làm khởi sắc thị trường bất động sản trong nước. Khi vấp thủ tục đứng tên quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhiêu khê trắc trở (bởi quan tham sách nhiễu), nguồn vốn qúi giá đó đành nằm chết ở ngoại tệ hay dạng vàng cất giữ ở trong dân. Sau đó lại chảy ngược ra nước ngoài để đầu tư vào chính thị trường bất động sản mà họ đã không thực hiện được tại cố hương. Quả thật “tham thì thâm“ là vậy!

Trường hợp nhiều người Việt ở nơi tôi sống là ví dụ! Lúc trước, họ chưa có giấy tờ cư trú thì cặm cụi đi cày để gửi tiền về quê hương mua đất cát nhờ người nhà trong nước đứng tên. Nay có giấy tờ, nhà đất ở quê lại không thuận cho việc đứng tên (“chính chủ“). Họ đành cắn răng đắt rẻ bán sạch đổi ra ngoại tệ và chuyển tiền quay lại Đức mua đất làm nhà.

Những bà con Việt Kiều có mặt trong tấm hình này đa số đều đầu tư mua đất xây nhà ở Đức (L.K Winsen/Luhe 29/8/2010)

Mấy năm trước, để kích cầu cho thị trường bất động sản tụi Đức còn có chính sách hỗ trợ cho những ai đông con (kể cả người nước ngoài tới Đức định cư) các khoản ưu đãi như cho vay lãi xuất thấp hay hỗ trợ mỗi đầu trẻ con tới gần chục ngàn Euro nếu họ có công ăn việc làm ổn định mà đầu tư mua đất làm nhà hay mua nhà cũ đại tu mới. Bọn giẫy chết sao khôn thế không biết. Trong khi đó thị trường bất động sản non trẻ của Việt Nam xem ra không biết học những bài học hay của các thị trường giầu kinh nghiệm (như các nước phát triển đi trước) mà đã để một lực lượng tiềm năng (Việt Kiều) không mấy mặn mà với cách cư sử “hành là chính“ bởi những cái đầu tăm tối “ăn xổi ở thì – tham bát bỏ mâm“ của cả “bầy sâu – ăn hết phần của dân“ nhung nhúc sinh sôi trong cơ chế hiện hành.

Như vậy, trong vòng hơn 2 năm, cả hai nghị định mang tên 71 cũng như hàng ngàn văn bản luật pháp kém hiệu qủa, kém chất lượng về mặt pháp lý cùng được vị thủ tướng đáng kính có 51 năm theo đảng ký, ban hành và thực thi sai gây hậu qủa không biết đến bao giờ mới gỡ được.

Mặc dù vậy thay vì từ chức để giữ tiết tháo (lòng tự trọng), ngài vẫn kiên quyết: “Cả cuộc đời tôi theo Đảng, hoạt động cách mạng, tôi sẽ không thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ nào được Đảng giao phó. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như những gì tôi đã làm suốt 51 năm qua”. Đó chính là câu trả lời đanh thép cho câu hỏi: Tại sao “xe không chính chủ“ lại nhiều; nợ xấu lại cao; thị trường bất động sản lại chết và dân (thì thâm) vẫn cứ muốn găm hàng trăm tấn vàng (như nhời Thống đốc Bình) mà bỏ mặc cho những đầu tàu “định hướng…“ (cơ đồ) mang tên Vina.. đã, đang và sẽ theo nhau chết chìm xuống đáy biển sâu!

Gocomay

* http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/65189/-bi-thu-phi–dan-se-buoc-phai-chon-phuong-tien-.html

** http://www.autokiste.de/psg/archiv/a.htm?id=5980

*** http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2010/06/29/4926/

755 – Luật đất đai sai từ gốc sửa thế nào?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ – Nguồn: tin247.com

Đã từ nhiều năm nay, khi buộc phải đoạn tuyệt với mô hình sản xuất tập thể kiểu Hợp tác xã nông nghiệp, lẽ ra đảng và nhà nước phải thay đổi ngay luật đất đai để an dân. Song những cái đầu giáo điều trong cái “hội đồng lú lẫn“ vẫn tỏ ra “ngu tín, mù loà“ (chữ của Nguyễn Huy Canh) khi vẫn khăng khăng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý“. Ta hãy nghe ý kiến của vị “đại biểu“ lớn nhất của chế độ nhẩn nha phán vào ngày 16; 17 và 18/10/2012 tại Quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ, ngay trước kỳ họp Quốc hội: …. (xem video, clíp)

http://www.youtube.com/watch?v=eJreYusKkJk

http://www.youtube.com/watch?v=WBOaMGs8534

Xuất thân từ một gia đình nông dân, sinh ra và lớn lên ở nông thôn (ngoại thành Hà Nội), không lẽ ông Nguyễn Phú Trọng không biết một chút gì về nhà nông, ruộng đất hay hoàn cảnh sống cơ cực, thăng trầm của người dân quê trong những năm hợp tác hóa nông thôn ở miền Bắc sau 1954?

Là cử nhân văn chương (tốt nghiệp khoa Văn ĐHTH Hà Nội), không lẽ ông Trọng chưa hề đọc “Cái đêm hôm ấy đêm gì“ của Phùng Gia Lộc?

Là một nhà báo lớn ở Tạp chí Học tập, một trong ba cơ quan tuyên truyền quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam (cùng với báo Nhân Dân và báo QĐND) chẳng lẽ ông Trọng không hề hay biết bi kịch “khoán chui“ trong nông nghiệp của Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc ở Vĩnh Phú hay thí điểm khoán hộ ở Hải Phòng dưới thời ông Đoàn Duy Thành hồi thập niên 70 đầu 80 thế kỷ trước?

Là người đã từng là nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại Viện hàn lâm khoa học Liên xô, trong những năm 1981-1983, thời CNXH ở Liên Xô đang khủng hoảng trầm trọng. Thời điểm “đêm trước“ của công cuộc cải tổ, công khai hóa (Perestroika- Glasnost) để khắc phục nền kinh tế tăng trưởng chậm, cơ cấu mất cân đối, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém, lãng phí nhiều, hiệu quả thấp, kĩ thuật công nghiệp dân dụng và nông nghiệp lạc hậu, hàng tiêu dùng thiếu thốn, nhân dân lao động mất niềm tin… mà ông Trọng vẫn cố níu kéo vào cái mô hình đã phá sản ở chính cái nôi của CNXH ấy để cho rằng chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam“.

(http://vov.vn/Chinh-tri/Bai-noi-chuyen-ve-Chu-nghia-Xa-hoi-cua-Tong-Bi-thu-tai-Cuba/205986.vov).

Thật không thể nào hiểu nổi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu Lễ mít tinh hữu nghị đoàn kết trong khuôn khổ chuyến thăm Cuba hạ tuần tháng 4/2012- Nguồn: vov.vn

Không ai nghi ngờ về sự giản dị và gương mẫu của ông Trọng sinh hoạt hàng ngày. Cũng như không ai nghi ngờ về thiện ý của ông trong việc muốn dùng vũ khí “phê và tự phê“ để “chỉnh đốn“ lại “một bộ phận không nhỏ“ ngày càng hung tợn như “bầy sâu ăn hết phần của dân“, làm mất lòng tin của nhân dân vào đảng. Đã và đang trở thành nguy cơ nhãn tiền làm tan rã đảng, sụp chế độ. Bởi thế, khi không diệt được con sâu chúa nào, thấy ông nghẹn ngào, khiến những ai còn chút cảm tình với đảng cũng cảm thông cho nỗi đau “lực bất tòng tâm“ nơi ông.

Ta nghe lại câu nói đầy phấn chấn, trước khi bước vào cuộc “tắm rửa“ từ trên xuống dưới của ông: “Bắt được bệnh rồi, có toa thuốc rồi… nhưng không biết con bệnh có chịu uống thuốc không?“.

Ở entry Quyết tâm chống tham nhũng của ông Tổng Trọng cách đây tròn 4 tháng (7/7/2012), tôi đã không nhịn được cười mà rằng: “Hay thật nhỉ, đi diệt trừ tham nhũng bằng cái màn “tự kiểm điểm” cũng như diệt sâu bằng cách chờ bầy sâu tự nguyện lao vào bình thuốc độc để tự vẫn bao giờ? Đến như đánh đĩ chửa hoang mà không bắt được trai trên gái dưới. Để cho chúng xốc được quần lên rồi thì có mà ê mặt với chúng ấy chứ đợi đấy để chúng tự thú?“

(https://gocomay.wordpress.com/2012/07/07/738-quyet-tam-chong-tham-nhung-cua-ong-tong-trong/).

Xem ra khi “lý“ mà thiếu “chân“ thì chân lý vẫn mịt mù nơi chân trời góc bể là vậy. Bởi khi, bất chấp sự thật, các nhà giáo điều dùng lưỡi gỗ mà phun ra những ngôn từ “có găng có thép“ kiểu như: Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề đảm bảo để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân – yếu tố bản chất nhất của dân chủ.“

(http://vov.vn/Chinh-tri/Bai-noi-chuyen-ve-Chu-nghia-Xa-hoi-cua-Tong-Bi-thu-tai-Cuba/205986.vov) .

Thì trước sau chiếc lưỡi gỗ đó cũng bị chính thứ gang thép của mớ xảo ngôn kia chống lại.

Hãy nghe TS Lê Đăng Doanh, nguyên  viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phân tích về những hệ lụy của các nhóm đặc quyền đặc lợi đang hoành hành ở VN ra sao:

“Nếu chúng ta xem các đại gia của Việt Nam thì những đại gia giàu nhất của nước Việt Nam không phải là những người đã có đóng góp nhiều về khoa học công nghệ, không phải là những người đã có bằng sáng chế, phát minh, cũng không phải là có thành tích nổi bật về quản trị gì cả mà là những người đã khai thác được nhiều đất đai, đã đẵn được nhiều gỗ, đã khai thác được nhiều mỏ, thế thôi chứ không phải là những người có đóng góp xuất chúng gì về công nghệ như ông Bill Gates và [những người khác].”

(http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/09/120911_vn_interest_groups.shtml)

Chẳng lẽ một người từng sinh ra và lớn lên trên đồng ruộng (đang bị thôn tính hàng ngày hàng giờ) lại không hay biết gì về hàng ngàn dân oan mất đất ở khắp nơi đang kéo về Hà Nội khiếu kiện hay sao mà vẫn: “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý“ ? Đảng của ông Trọng sẽ chẳng bao giờ chống được tham nhũng bằng chính cái cơ chế đã, đang và sẽ sinh ra và bao che cho tham nhũng lộng hành. Kêu gọi dân đen vượt qua nỗi sợ (trù úm) để giúp đảng và nhà nước sinh tử với tham nhũng ư? Lúc cái còng mang hình hai con số 8 (điều 88) nó chụp vào tay người chống quan tham (vì bị qui tội “thế lực thù địch“) thì ai đứng ra bênh vực cho lương dân thấp cổ bé miệng đây?

Mở cuộc vận động sâu rộng kêu gọi quan lại hãy “tiết chế lòng tham“; hãy biết “tự trọng“ hay “tuyên hứa trước đồng bào sẽ không tham nhũng và đấu tranh quyết liệt với tham nhũng“ như các đại biểu QH (do “đảng cử“) đang hô hào liệu có phải là trò “tự diễn biến“ quay lưng lại với Marx hay không? Khi chính Marx từng đúc kết đối với nhà tư bản (dù khoác bất cứ màu áo nào): “lợi nhuận tới 300%, thắt cổ, họ cũng sẵn sàng!

Nếu như những kẻ ít học mà tham tàn, sẵn sàng trà đạp lên đạo lý để cười đắc thắng như loài cầm thú “quay lưng lại nỗi đau của đồng loại“ như Marx đã nói. Nhưng với những đồ đệ nhiều chữ của Marx mà cũng tán thành việc “không thi hành kỷ luật“ đối với đám sâu bọ cầm thú vì sợ “các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá“. Như lời ông Tổng Trọng nghẹn ngào hôm bế mạc hội nghị TW.6 thì liệu đó có phải là sự đồng loã, bao che cho cái xấu, cái ác để kìm hãm sự đi lên của đất nước và tiếp tục đè đầu cưỡi cổ muôn dân?

GS Đặng Hùng Võ gặp gỡ nông dân Văn Giang trong buổi đối thoại. Ảnh: Đàm Duy

Hôm nay (8/11), ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, đã nhận lời tiếp và trả lời chất vấn của những nông dân mất đất Văn Giang. Trước đó, ông Võ đã chia xẻ: “Tôi cho rằng việc bà con tố cáo tôi là tốt chỉ vì một lý do rất giản dị, nếu tôi bị thiệt thòi mà người dân được lợi thì tôi sẵn sàng, cũng là điều học theo các Bồ Tát mà làm. Hơn nữa, tôi rất muốn mọi việc đều minh bạch”.

(http://infonet.vn/Thoi-su/Nguoi-dan-Van-Giang-doi-thoai-voi-ong-Dang-Hung-Vo/32884.info).

Hoan nghênh quan điểm của ông Võ. Nếu mọi công bộc giữ trọng trách quản lý “sở hữu toàn dân“ về đất đai mà đều thật lòng mong “bị thiệt thòi mà người dân được lợi“. Rồi biến cái “điều học theo các Bồ Tát“ (Bồ Đề Tâm) ấy thành hành động thì có lẽ không bao giờ có cảnh “Gần 80% vụ việc khiếu kiện kéo dài liên quan đến lĩnh vực đất đai!” như Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh công bố Trong phiên thảo luận Hội trường QH ngày 7/11, khiến nhiều người giật mình.

(http://www.petrotimes.vn/news/vn/chinh-tri/gan-80-vu-viec-khieu-kien-keo-dai-lien-quan-den-linh-vuc-dat-dai.html).

Nay ông Võ đã về hưu, mới vượt qua được trở lực mà nhận với dân một nhời: “… tôi thừa nhận là tôi đã làm chưa đúng, tôi làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con nông dân. Tôi thành thật xin lỗi và nhận trách nhiệm”. Việc làm này của ông GS già đã khiến người dân Văn Giang chấp nhận và cảm thông, dù còn nhiều thắc mắc chưa được giải quyết thấu tình đạt lý như người dân kỳ vọng. Thế cũng là “rửa mặt hàng ngày“? như cách nói của ông Phú Trọng chăng? Trong khi theo định hướng sửa luật mà ông Trọng vẫn khẳng định với cử tri “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý“! Với cái gốc sai trái như vậy sửa thế nào cho minh bạch để “có lợi cho dân“ đây?

Gocomay

_______________________

754 – Sự ngu dại của dân hay trò ma thuật của quan?

Cục “nợ xấu” – “Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch”. Ảnh: Phạm Yên (TPO)

Đọc bài phân tích ngắn gọn mà chỉ đích danh món nợ xấu của tác giả Nguyễn Y, khiến ai (quan tâm tới thời cuộc) mà không mủi lòng? (*)

Mủi lòng nhất là ở cái câu: “Sự ngu dại của Dân hay thủ thuật của cái tam giác quỷ?“!

Nhưng mấy anh cu, chị hĩm dân đen đơn lẻ, khi đã lọt vào tầm ngắm của quan tham tàn bạo (tam giác qủi) thì liệu có khôn được hay không? Như thằng Dũng Hỷ, cùng học thời cấp 1 và cấp 2 với mình sống ở quê, tiếc ruộng vác bàn thờ tổ tiên ra giữ đất (cưỡng chế) bị qui tội “chống người thi hành công vụ” bị bắt giam, khởi tố và lĩnh án 2 năm tù, đã làm cả hắn lẫn bạn bè cùng lứa sợ xanh mắt. Khi về ăn tết ở quê, gặp nó tính chuyện hỏi cho rõ ngọn ngành, thấy đứa bạn cùng học giật áo, ghé tai “đừng có chạm vào nỗi đau… mà mọi người không ai muốn nhắc lại ấy nữa”, nên đành phải lảng sang chuyện khác, sợ dông cả năm…

Khu đồng Cối Mèn (hai lúa một màu) quê tôi, sau qui hoạch “treo” đã trở thành “cánh đồng hoang” (Ảnh chụp ngày 17 tháng Giêng, năm Nhâm Thìn – 8/2/2012)

Ở entry Lại “thương nhớ đồng quê”, May đã bày tỏ phần nào cái cảnh dở khóc dở cười của người dân ở quê, khi ký khống vào tờ giấy để được nhận 20 ngàn (VNĐ) tiền thù lao đi họp. Để sau này cứng họng không cãi nổi với cái “công lý phù quan tham”, khi chữ ký đó lại trở thành biên bản thoả thuận đồng ý chuyển giao đất cho nhà đầu tư với giá đền bù là 45 triệu (VNĐ)/ sào (tương đương 125.000 VNĐ/m²). Trong khi giá đất ngoài thị trường, lúc sốt cao nhất lên tới 220 triệu (VNĐ)/m² ở sát mặt đường QL-32…

Nếu như ở các xứ “giẫy chết”, chỉ cần 3 người dân (không cùng một nhà) tố cáo hành vi lừa đảo gian dối đó thì kẻ chủ mưu vụ này có mà rũ tù. Nhưng ở xứ thiên đường “dân chủ gấp triệu lần” bên mình thì lại trở thành thứ “bút sa gà chết” mất rồi.

Phương ngôn nói “cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng lòi ra”. Nhưng không ai ngờ được cái cục “nợ xấu” (kim bọc giẻ) lại lòi ra nhanh thế?

– Ngày 8-5-2008, trước khi giải thể, UBND tỉnh Hà Tây đã tranh thủ ra Quyết định số 1177/QĐ-UBND thu hồi 381.670,1m2 (170,29 ha) đất 2 lúa của dân tại quê tôi (Kim Chung – Di Trạch) giao cho CTCPTM Vietracimex xây dựng khu Đô thị mới.

– Thế mà chỉ hơn 2 năm sau, dự án (ma) này đã lộ tẩy, khiến báo Người Cao Tuổi đặt nghi vấn: “Khu Đô thị mới Kim Chung – Di Trạch” là dự án thật hay dự án… “chui”? (**)

Một câu hỏi được dư luận quan tâm: Vì sao Khu đô thị Kim Chung-Di Trạch (nói riêng) bị tạm dừng?

Câu trả lời có phần chưa đi vào thực chất của vấn đề: “Dự án Kim Chung- Di Trạch phải dừng để điều chỉnh, bởi ở đây có tuyến Đường 3,5 đi qua. Vì tỉnh Hà Tây (trước kia) phê duyệt chưa đề cập đến tuyến đường này…”. Còn câu trả lời cho 16 khu đô thị mới của Hà Nội (nói chung) bị dừng là: “… chờ quy hoạch phân khu căn cứ trên quy hoạch chung Thủ đô đang được trình Thủ tướng phê duyệt” (***)

Chiếc “bánh vẽ” này đã câu được khoảng 400 khách hàng góp vốn với nhà đầu tư. Nay đang “treo” chờ… không biết tới bao giờ??? – Nguồn: thanglongditrach.com

Sự mập mờ về ngôn từ này khiến nhiều khách hàng chót tin vào những “đô thị ảo” trên mạng và trên các tấm pano áp phích phóng to treo đầy hai bên đường quốc lộ 32 (Km: 14- Km: 15), đã góp vốn vào cùng với các nhà đầu tư. Nay lâm cảnh “Từ Hải chết đứng”. Vì không chỉ có các “đồng chí X” và các “nhóm lợi ích” được “bôi trơn” (“ăn đất”) mà cả thần linh ở các đình chùa miếu mạo quanh vùng cũng đã được “bôi trơn” (“mắc quai”) rồi thì liệu có thần thánh nào “há miệng” mà “cứu nhân độ thế” được nữa không?

Vợ chồng cô em họ tôi ở quê kinh tế cũng không tới nỗi nào. Vợ vừa buôn gạo vừa chụp ảnh đám cưới. Chồng hàm trung tá bộ đội về hưu, lương cũng khá (khoảng gần 5 triệu). Nhưng phải nuôi 5 miệng ăn (trong đó có 3 đứa nhỏ còn đi học). Nên vẫn phải đi làm bảo vệ và nghề chài lưới (gia truyền) kiếm thêm.

“Bánh vẽ” – Tòa nhà trung tâm thương mại, nay mới có mỗi cái hồ rộng hơn 2 ha… nơi chú em tôi thả lưới kiếm cá nuôi con hàng ngày… – Nguồn: thanglongditrach.com

Nhờ có cái hồ (Khu đô thị mới – xem ảnh), có hôm chú ấy kiếm được hàng yến cá rô phi; cá diếc. Vừa ăn vừa bán. Tôi hỏi: liệu còn kiếm cá được tới bao giờ? Chú ta nói: phải 50 năm nữa may ra KĐTM mới xây xong… lúc đó anh em mình đã lên đánh cờ nơi đất Phật rồi …

Nghĩ mà cám cảnh cho những ai đã nhẹ dạ cả tin ký hợp đồng góp vốn đầu tư. Chỉ riêng khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch (KĐTM Thăng Long 9) đã có khoảng 400 khách hàng mua biệt thự, nhà liền kề dưới hình thức hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư (Vietracimex). Để bây giờ, khi đã lọt vào cái “tam giác qủi” mà vẫn bị cái đám “Bình Ruồi” nó lừa tiếp. Lại chờ cho nó “tái cơ cấu” hay “phát mại” cái “bánh vẽ” (ảo) ấy để có nhà ở hay đòi lại được tiền đã rơi vãi từ “đồng chí X” cho tới đám trương tuần bên dưới… thì tội nghiệp quá! kêu ca nỗi gì nữa đây???

 Gocomay

(*Nợ xấu và Tam giác Quỷ – http://www.gocnhinalan.com/blog-cua-alan-va-bca/no-xau-va-tam-giac-quy.html

(**Dừng triển khai Khu đô thị Kim Chung Di Trạch của Vietracimex  – http://www.hungha.com.vn/home/index.asp?progid=1&active=2&loai=13&id=98

(***Vì sao Khu đô thị Kim Chung-Di Trạch bị tạm dừng? – http://laodong.com.vn/Bat-dong-san/Vi-sao-Khu-do-thi-Kim-ChungDi-Trach-bi-tam-dung/23211.bld

_____

P/S:

Nợ xấu và Tam giác Quỷ

Bản chất của nợ xấu là một khoản tiền cho vay mà chủ nợ xác định không thể thu hồi lại được và bị xóa sổ khỏi danh sách các khoản nợ phải thu của chủ nợ. Đối với các ngân hàng, nợ xấu tức là các khoản tiền cho khách hàng vay, thường là các doanh nghiệp, mà không thể thu hồi lại được do doanh nghiệp đó làm ăn thua lỗ hoặc phá sản,..

Theo định nghĩa trên thì Nợ xấu đang tồn tại ở phân đoạn giữa Ngân hàng và Doanh nghiệp. Hiện tại Nợ xấu nằm ở các dạng như sau :

– Ngân hàng với các doanh nghiệp kinh doanh Bất động sản ( Chủ yếu ) có thể lên đến 80% tổng nợ xấu

– Ngân hàng ( thông qua các Công ty cho thuê tài chính ) với các doanh nghiệp kinh doanh có liên quan đến Tài sản cho thuê tài chính mà làm ăn bị thua lỗ

– Ngân hàng ( thông qua các Công ty Chứng khoán ) vì “ôm cổ phiếu” không đúng thời điểm nay giá cổ phiếu

Để cùng bạn đọc cho ý kiến tôi xin nêu chủ yếu về khoản nợ xấu thứ nhất “Ngân hàng với các doanh nghiệp kinh doanh Bất động sản” để cùng bạn đọc lột truồng nó ra và tìm cái cách nào đấy để tháo gỡ. ( Cứ như ông “ Bình ruồi ” thì đang tìm cách “đánh bùn sang ao”

 I . Bắt đầu từ các dự án:

Vào những năm 2002-2004 các dự án bắt đầu được cấp tốc vẽ ra và xin được phép đầu tư chủ yếu nằm ở đất nông nghiệp Lấy giá đất năm 2009 theo Quyết định số: 62/2008/QĐ-UBND ngày 31/12/2008 của UBND Thành phố thì mức cao nhất đền bù là 260 000 đồng/1m2

Doanh nghiệp vẽ ra cái dự án ( Giả thử đó là dự án khu chung cư cao tầng và văn phòng cho thuê có diện tích 10 Ha ( 100 000 m2 ). Ta sẽ tính toán

– Tiền đền bù đất : 260 000Đ/m2 x 100 000m2= 26 tỷ đồng

– Dự án đầu tư ( có quyết định của UBND tỉnh thành phố giả sử 350 tỷ đồng

– Muốn thực hiện dự án doanh nghiệp phải có tối thiểu 25% vốn ( tức là 87, 5 tỷ ) bằng bất kỳ giá nào Doanh nghiệp phải có báo cáo tài chính ( Báo cáo đểu cũng được ) về nguồn vốn cho đủ 87,5 tỷ )

Như vậy sau khi có dự án Doanh nghiệp vác tất cả đi làm HỒ SƠ VAY VỐN ĐẦU TƯ

II. Quá trình Vay vốn và Tài sản thế chấp.

Doanh nghiệp sẽ thế chấp bằng Tài sản được cấp phép ( Đó là Đất đai).

Mấu chốt là ở chỗ này. Có phải Doanh nghiệp định giá đất bằng chính cái giá doanh nghiệp đền bù (Không! Hoàn toàn không!). Doanh nghiệp sẽ thế chấp bằng giá đất trên thị trường ( thời kỳ năm 2009 khi đã trở thành đất dự án nó có giá tối thiểu 40 triệu đồng / 1m2

Bài toán thứ hai:

– Giá đất 100 000m2 khi đó sẽ là 100 000 m2 x 40 triệu VND = 4000 tỷ đồng

– Chênh lệch khoản tiền so với đền bù là : 4000 tỷ – 26 tỷ = 3 974 tỷ ( Ba ngàn chín trăm bày mươi tư tỷ đồng )

– Ngân hàng cho vay toàn bộ dự án 350 tỷ – 87,5 tỷ = 262, 5 tỷ vì Tài sản thế chấp lớn hơn giá trị dự án

Khi triển khai doanh nghiệp không phải tập trung đầu tư vào mỗi một cái dự án này mà họ sẽ làm Năm Bảy cái dự án khác và với công việc trên cứ triển khai dự án, cứ vay tiền

Bài toán thứ Ba:

– Khi có tiền chủ doanh nghiệp lấy mỡ nó rán nó để tiêu tan một phần cải khoản lợi khùng 3 974 tỷ ( Ba ngàn chín trăm bày mươi tư tỷ đồng )là đi Bôi trơn hệ thống:

+ Từ cán bộ giải phóng mặt bằng trở lên đến các quan cấp TW không loại trừ các đồng chí X

+ Thậm chí có những doanh nghiệp mua cả xe cho xếp : “ Thưa anh anh nên thay xe khác không nên đi loại 900 triệu để tiếp khách ngoại quốc, và họ sẵn sàng trang bị cho xếp xe trị giá 6-7 tỷ đồng ”

TỪ SỰ DÀN TRẢI ĐẾN BUÔNG LỎNG QUẢN LÝ NÊN TỶ LỆ CÁC DỰ ÁN HOÀN THÀNH ĐẾM ĐƯỢC TRÊN ĐẦU NGÓN TAY

Hết ăn đất ( Cướp đất ), mánh lới mới được tung ra là bán căn hộ chung cư dưới hợp đồng Hợp tác đầu tư . Dân tôi ơi sao mà mê muội thế!!!

Nếu bán căn hộ chung cư thì hợp đồng phải có căn hộ tầng mấy?, số bao nhiêu ? của chung cư nào ? Ai là chủ đầu tư? bao giờ hoàn thành ? bao giờ bàn giao? v.vv.. và vv. Và họ phải xuất Hóa đơn tài chính được nhà nước quản lý như xe trả góp chứ!

Sao lại ký hợp đồng góp vốn đầu tư ??? Đã không có nhà ở thì phải nộp tiền trước mà mua nhà chứ sao lại góp vốn đầu tư. Đã góp vốn đầu tư thì lời ăn lỗ chịu bây giờ còn kêu ca gì ??? Tội nghiệp quá!

III. Chung quy lại là tại ai?

Sự ngu dại của Dân hay thủ thuật của cái tam giác quỷ ?

Hà Nội 01/11/2012

Nguyễn Y.

________________________

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ