397 – Đôi lời quanh chuyện “bài Hoa” với Trương Duy Nhất

 

 Ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị thay ông Hồ Cẩm Đào vào 2012-AFP Foto

Nhân đọc bài “NHÌN TỪ TRUNG QUỐC” của nhà báo nổi tiếng Trương Duy Nhất đăng trên blog cá nhân của mình tôi thấy mừng. Nếu ai cũng “biết người biết ta” như thế thì nước Việt ta đâu đến nỗi. Mặc dù vậy, tôi cũng tán thành với lời bình (“loạn bàn” như cách tếu táo đáng yêu) của ABS rằng: “Là một nhà báo, trên một blog danh tiếng, việc dùng cụm từ “làn sóng bài Hoa đang inh ỏm” là quá liều lĩnh. Đến cả cái thời 1978-1979, khi mà không khí chính trị cực kỳ sôi sục dẫn đến cuộc xâm lăng của Trung Quốc lên 6 tỉnh biên giới nước ta, khái niệm “bài Hoa” vẫn chỉ được thốt ra từ miệng lưỡi kẻ xâm lược mà thôi.” (http://anhbasam.com/2010/10/26/tin-26-10-2010/)

Tát nước theo mưa tôi xin bổ sung vài ý kiến về những cái ta cần học người Trung Hoa không chỉ ở việc họ luôn có viễn kiến trong việc chọn người “cầm lái” lãnh đạo tối cao của dân tộc. Mà cái giỏi của người TQ là họ “biết người biết ta” hơn hẳn người Việt mình. Thử nhìn xem Đặng Tiểu Bình cư xử với Mao Trạch Đông thì khắc rõ! Ai cũng biết Mao đã gây ra biết bao nhiêu đau khổ cho Đặng cũng như những người có tư tưởng cải cách XH như Đặng. Nhưng dù chống lại đường lối lãnh đạo của Mao, Đặng vẫn không chủ trương bài Mao. Đó chính là bí quyết thành công rực rỡ cho sự nghiệp chính trị cuối đời của Đặng khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. Người Hoa dù khác chính kiến đến đâu, khi tha hương họ cũng đoàn kết hơn người Việt. Ở Hải ngoại người Hoa ít khi va chạm nhau chuyện cờ quạt nọ kia, cho dù ai cũng biết một đất nước Trung Hoa, một dân tộc Trung Hoa có rất nhiều màu cờ sắc áo khác nhau.

Người Trung Hoa từ xa xưa đã biết học hỏi, kể cả học hỏi những dân tộc nhược tiểu để vun bồi cho văn hóa của họ. Có nhà nghiên cứu đã đưa ra những dẫn chứng khá thuyết phục, ngay cả Kinh dịch, một tuyệt đỉnh văn hóa của Trung Hoa vốn xuất xứ từ văn hóa Việt tộc thông qua câu chuyện dâng “Rùa thần” trên mai rùa có sẵn chữ tượng hình (giống Bát quái đồ). Các môn khoa học như Tử Vi, Đông Y, Kiến Trúc… người Hoa Hạ cũng thu thập từ Phương Nam (thông qua hình thức cống nạp hay cung tiến định kỳ)… rồi nâng cao lên, hoàn thiện hơn và biến thành độc phẩm của Trung Hoa. Ngay trong sử sách chính thống của triều đại phong kiến Trung Hoa cũng nhắc tới nhiều nhân tài của xứ ta như Lý Thân (Thánh Chèm-Lý Ông Trọng); Nguyễn An; Hồ Nguyên Trừng… là những đại diện kiệt xuất nhất! Vì dấu ấn của họ còn gắn liền với những điạ danh và phát kiến… đặc sắc cho tới hôm nay như Vạn Lý Trường Thành; Tử Cấm Thành Bắc Kinh và sản phẩm pháo hoa nổi tiếng của Trung Quốc trên thế giới. Một câu hỏi đặt ra tại sao người tài xứ ta không hiếm nhưng chỉ phát triển thành tựu rực rỡ được ở xứ người chứ nếu phải chôn chân ở quê nhà chắc gì đã phát huy được tài năng? Như trường hợp Đại kiến trúc sư Nguyễn An chẳng hạn. Nếu ông không bị Trương Phụ bắt từ lúc còn niên thiếu, sang Bắc Kinh, đem hoạn… rồi đào tạo thành Tổng công trình sư xây dựng Tử Cấm Thành Bắc Kinh (*)… mà ở nguyên tại chốn khỉ ho cò gáy quê nhà… liệu ông có nổi tiếng được không? Những câu hỏi tương tự với GS Ngô Bảo Châu hay vị tiến sỹ Đức gốc Việt Philipp Roesler cũng vậy. Ai cũng hiểu, yếu tố thông minh của con người cũng giống như thứ hạt giống tốt, điều tối quan trọng là phải có đất để ươm mầm, phải có sự chăm bẵm đúng cách thì mới phát triển, thành đại thụ được. Bàn về các yếu tố Trung Hoa thật không dễ gì với mấy dòng sơ sài mà nói hết được. Ở đây cũng cần phân biệt Văn hóa Trung Hoa, người Trung Hoa, dân tộc Trung Hoa với các thế lực diều hâu (bành trướng) nắm quyền bính ở Trung Hoa trong suốt chiều dài lịch sử. Ngay từ thời Mã Viện (hồi đầu Công nguyên) đem binh sang bình định xứ ta thời vua Trưng hay như Trương Phụ (đầu TK 15) sang đô hộ dân ta với chiêu bài “Phù Trần diệt Hồ”. Đã không biết bao nhiêu văn tự, linh khí của Lĩnh Nam hay Đại Việt (tên nước ta) đều bị phá huỷ, sau khi những chúng cướp đi tất cả những gì là tinh tuý nhất cả về văn hóa cũng như con người, sản vật để làm đẹp, làm giàu cho bông hoa thơm nở giữa trung tâm của vũ trụ (tức là Trung Hoa)! Những chính sách nhất quán xuyên suốt chiều dài lịch sử đó đã đẩy toàn dân tộc ta ở vào vị thế phên dậu trong cái quan hệ “thông hiếu” đầy oan nghiệt. Đến như Càn Long nghe thấy vía Quang Trung Nguyễn Huệ thì như như hươu nai sợ hổ báo… mà vẫn cứ đòi trong lễ thượng thọ (80 tuổi) của mình có sự hiện diện của Nguyễn Bình (tên của Nguyễn Huệ) để làm lễ bảo tất (ôm đầu gối) để tỏ tình “thông hiếu” (cha con)… Dù biết thừa Bình đã cho người đóng giả mình để sang chầu… mà Càn Long vẫn vui vẻ chấp nhận một Nguyễn Bình giả tới ôm chân mình mà không hề trách cứ… từ đó khiến hậu sinh chúng ta cũng thấy được nhiều điều… vì cái thông lệ đó vẫn chưa hề mất đi trong tất cả các mối quan hệ giữa những người đứng đầu hai thể chế cùng ý thức hệ ngày hôm nay.

Nếu như Trung Quốc họ biết chọn vị thuyền trưởng cầm lái trước rồi mới chọn đội ngũ thợ chèo sau” (như Trương Duy Nhất nói) thì ta lại không thể học được cái hay đó. Vì chính người thầy đáng kính ấy không muốn dạy thì liệu ta có học được không? Thánh Khổng dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người). Nhưng các chính trị gia diều hâu của Trung Quốc thì luôn làm ngược lại lời vị Vạn Thế Sư Biểu dạy. Chả cần nói đâu cho xa, cứ nhìn họ cư sử với ngư dân của họ và ngư dân của ta trong các vụ ở vùng đảo đang tranh chấp (Điếu Ngư và Hoàng Sa) thì thấy thực chất của vấn đề. Nếu ai đã đọc cuốn Hồi ký của cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – ông Trần Quang Cơ thì thấy, một trong các yêu sách rất quyết liệt trong việc bình thường hóa quan hệ giữa ta và TQ năm 1991 thì ngoài vấn đề Campuchia còn vấn đề nhân sự lãnh đạo nữa. Đó là lý do khiến ông Nguyễn Cơ Thạch một chính khách lớn tài giỏi của VN đã bị “nhỡ tàu” bởi sự can thiệp thô bạo này. Đang mùa đại hội (chuyển giao quyền lực) này ai dám bảo ông anh 16-4 lơ là mà quên hay tha không thèm “can thiệp” sâu vào nhân sự lãnh đạo ở thượng tầng xứ ta? Ngược lại ông em môi hở răng lạnh (nhà ta) có làm được những điều như thế với nhân sự của ông anh dù là ở một tỉnh nhỏ ở nơi phiên trấn không?

Trở lại với câu chuyện mà Trương Duy Nhất vừa thẳng thắn bày tỏ. Nó đáng qúi ở chỗ, một nhà báo có tên tuổi (mặc dù anh không đảng viên thì phải?) dám công khai bày tỏ những góc nhìn riêng (phi chính thống) trên blog cá nhân của mình. Nếu các nhà báo xứ mình ai cũng dũng cảm như thế thì chắc báo chí xứ mình cũng chả đến nỗi nào. Mặc dù vậy, tôi có cảm giác anh hơi bị cực đoan trong xét đoán (hay ít ra trong cách dùng từ ngữ khiến người đọc thi thoảng thấy thế).

Nhớ lại cách nay đúng một năm trong entry: YÊU NƯỚC KHÔNG PHẢI LÀ BÀI HOA”  (http://truongduynhat.vnweblogs.com/post/1545/192552) anh có những câu khá võ đoán như sau: “Có đúng không khi vỗ ngực nhân danh “lòng yêu nước” và phô khoe là những “nhà văn hóa lớn” lại suốt ngày chửi bới nhan nhản trên mạng với những ngôn từ hàng chợ cá tôm, mở miệng là “Tàu khựa, khựa Tàu”, kích động sự hận thù và chửi bới, thóa mạ cả một dân tộc người ta?”. Mặc dù bài này anh đã cẩn thận để ở chuyên mục “góc nhìn của Nhất” nhưng khi đã nêu ra vấn đề mà không chứng minh được bằng những chứng cứ cụ thể với danh tính rõ ràng những “nhà văn hóa lớn” (dù tự phong) nào đã “suốt ngày chửi bới nhan nhản trên mạng với những ngôn từ hàng chợ cá tôm…” nên thật khó thuyết phục. Ở entry lần này, anh lại có vẻ như buông tuồng khi dùng cụm từ “Giữa lúc làn sóng bài Hoa đang inh ỏm”. Là người cũng chịu khó theo dõi các sự kiện quốc tế thì thấy ai dám “bài Hoa” nếu những người Trung Hoa có gương mặt thân thiện như người vừa được giải Nobel về Hoà bình vừa rồi là ví dụ. Vậy thực chất của bài Hoa ở nước ta nói riêng và trên thế giới nói chung là có không? Xin thưa có! Nhưng họ bài (tẩy chay) những hàng hóa, sản phẩm (kể cả sản phẩm về tinh thần) giá rẻ mà độc hại chứ họ tuyệt nhiên không hề bài Hoa theo tiêu chí con người Trung Hoa, dân tộc Trung Hoa. Cá nhân tôi rất phục người Trung Hoa ở tính đùm bọc cưu mang nhau trong làm ăn cũng như trong cuộc sống. Người TQ ở Âu châu có câu nói cửa miệng: “tiền của người Hoa phải luân chuyển trong tay người Hoa trước! Hàm ý, mỗi khi muốn mua bất cứ thứ vật dụng gì như nhau thì người Hoa, không ai bảo ai tự giác mua ở cửa hàng của người Hoa cho dù giá cả như nhau hay đắt hơn chút ít… cung cách ấy tuy cục bộ (mang màu chủ nghiã dân tộc) nhưng đã giúp nhiều người Hoa thành đạt rực rỡ trong làm ăn buôn bán ở xứ người. Trong bạn bè giúp nhau làm ăn cũng vậy! Người Hoa thường gom vốn giúp nhau làm ăn (từ người làm công trở thành người làm chủ). Nếu chả may lần đầu thất bại, thì họ lại giúp tiếp lần hai, bại nữa… thì vẫn giúp lần 3 (qúa tam ba bận) cho tới thành công mới thôi (để người này lại giúp người đi sau… kiểu giúp đồng lần). Nếu lần cuối này vẫn bại thì họ mới cạch không bao giờ giúp tiếp nữa… vì người này không thể làm chủ được… nhưng tiền bạc thiếu nợ họ (danh nghiã bạn bè) họ cũng không bao giờ đòi. Cách họ cư xử với nhau như vậy liệu người Việt mình có học hỏi được không? Có xả thân vì nhau tới cùng không hay chỉ tìm cách đố kỵ níu kéo nhau, mong cho nhau thất bại hơn thành đạt. Khi cá nhân may mắn ăn nên làm ra rồi thì như câu nói: “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”?

Không phải ngẫu nhiên mà nền kinh tế TQ mới qua mấy chục năm cải cách mà vươn lên thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới! Trong tiềm thức của con người và dân tộc Trung Hoa đã có sẵn những tố chất ưu việt để trỗi dậy một khi các rào cản về kinh tế được dỡ bỏ. Việc các chính khách tên tuổi (đương chức) của TQ đang cổ vũ cho việc “thay đổi hệ thống chính trị” như các phát biểu mạnh mẽ của họ Ôn (Ôn Gia Bảo) hay họ Lưu (Lưu Á Châu) là nhằm làm thay đổi toàn diện đất nước Trung Hoa để giấc mơ thống trị thế giới (như mộng lâu dài) của các chính khách mọi thời của họ chứ không phải để “hài hòa” hay tam tương tứ tốt với bất kỳ đất nước nào như ai đó vẫn hằng (hay vờ) mơ tưởng.  Cứ đọc kỹ cái bài nói chuyện từ 2002 của Lưu Tướng quân-đoạn nói về chiến tranh biên giới với VN năm 1979 thì rõ. Nếu TQ mà cải tổ chính trị thành công được. Thì với dân số 1/6 trái đất, sẽ thay vị thế số 1 của Mỹ là điều khỏi cần bàn cãi. Tới lúc đó liệu VN mình có còn “kiên định…” như hiện nay được nữa hay không? Cũng như chuyện WTO, nếu không có “kỳ đà cản mũi” từ phương Bắc, thì VN còn vào trước cả TQ. Việc phải vào sau TQ cũng khiến VN thua thiệt đủ điều trong quan hệ thương mại với TQ nói riêng và thế giới nói chung.

Từ thực tiễn đó, liên hệ tới góc nhìn của anh Nhất (Bài Nhìn Từ Trung Quốc) cũng cần phân định cho rõ chuyện “bài Hoa” hay không “bài Hoa” nó nằm ở chính hành vi của các nhà làm chính sách ở Trung Quốc chứ không phải nằm ở “lòng yêu nước” hay bất kể “nhà văn hóa lớn” (dù giả hay thật) nào cả ở xứ ta hay không phải xứ ta khi phải đối diện với người khổng lồ Trung Hoa. Nếu ông Ôn gia Bảo với vẻ mặt như thế này (xem hình) để đòi Nhật thả công dân của TQ bị Nhật câu lưu thì vẫn cứ là được đi.

Tân Hoa xã đưa tin, đêm qua (21/9), TT Trung Quốc khẳng định, Nhật Bản “hoàn toàn chịu trách nhiệm về tình hình cũng như sẽ gánh chịu mọi hậu quả”. Ảnh: EPA

Nhưng nếu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nước ta mà chỉ bày tỏ thái độ bức xúc bằng nửa Ôn Thủ tướng thôi về chuyện ngư dân Lý Sơn Quảng Ngãi bị TQ ngược đãi thời gian qua thì liệu chính giới ở Trung Nam Hải sẽ bực dọc tới mức nào? Chuyện khai thác Bô xít ở Tây Nguyên cũng vậy! Trong khi do ô nhiễm môi trường, khiến Trung Quốc đóng cửa hàng loạt những nhà máy sản xuất Alumina theo công nghệ cũ của họ để “xuất khẩu” công nghệ (thải bùn đỏ “ướt”) lạc hậu này “qua những nước mà luật về môi trường rất lỏng lẻo, thí dụ như là Việt Nam, hay Indonesia …”  (http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20101025-de-an-bauxite-tren-tay-nguyen-qua-bom-no-cham). Làm như vậy, có khác chi đẩy hiểm họa, cái chết treo lơ lửng trên đầu dân chúng các nước đó?

Đấy! “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân đặc sắc của TQ nó lắt léo như vậy đấy! Cho nên khái niệm “bài Hoa” có lẽ chính giới ở Trung Hoa phải tỏ tường hơn ai hết! Vì khái niệm này vẫn chỉ là cái cớ và thường được rêu rao từ miệng lưỡi của những kẻ xấu chơi luôn nói một đàng làm một nẻo mà thôi.

Gocomay

____

(*) Nhà nghiên cứu lịch sử có tiếng ở Trung Quốc là Trương Tú Dân, vào năm 1947 đã viết về Nguyễn An như sau: “Nguyễn An – A Lưu đến Trung Quốc vào năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), là một trong số trẻ em trai mỹ tú của Giao Chỉ, do Trương Phụ đưa về Nam Kinh để hoạn sau khi bình Giao Nam, Năm Vĩnh Lạc thứ 14 (1416), theo lệ của Thành Tổ (1403-1424), tạo dựng thành trì, cung điện Bắc Kinh cùng phủ thự trăm ty. Đến tháng 12 năm thứ 18 (1420) cung điện, đền miếu hoàn thành. Quy chế tuy phỏng theo Nam Kinh nhưng vượt xa về hoành tráng và vẻ đẹp. Một thanh niên trạc hai, ba mươi tuổi được lệnh tạo dựng công trình to lớn như vậy mà sơ bộ hoàn thành chỉ trong thời gian ngắn ngủi bốn, năm năm, có thể thấy rõ lòng tận tâm với chức vụ và sức sáng tạo của con người đó to lớn biết chừng nào! Nếu là ngày nay, thật không biết cần phải đến mấy nghìn công trình sư thiết kế, vẽ đồ án cho công trình này, còn An thì một mình vẫn dư sức làm việc đó. Điều ấy chứng tỏ An có tài bẩm sinh về suy xét, tính toán, há chẳng phải là thiên tài trong lịch sử kiến trúc sao! Đến nỗi Bộ Công thời đó cũng chỉ như xưởng xây dựng bao thầu, các quan Bộ Công như những đốc công trong coi công việc, mọi quy hoạch đều làm theo lệnh của An mà thôi…” 

_________

P/S-1:

 NHÌN TỪ TRUNG QUỐC 

truongduynhat | 25 Oct, 2010, 14:54 | góc nhìn của Nhất | (4927 Reads)

Đang mùa đại hội, nghe thiên hạ đồn đoán về danh sách ai đi ai ở và việc chọn ngôi vị, lại lẩn thẩn muốn viết những dòng này.

 Giữa lúc làn sóng bài Hoa đang inh ỏm, chắc chắn bài viết này sẽ bị ném đá dữ dội. Tuy nhiên, bình tâm ngẫm lại, trong hàng núi những ứng xử, mưu mô thâm hiểm của người Trung Hoa, vẫn cần phải nhìn để học họ nhiều điều. Ngay cả quyết tâm “thay đổi hệ thống chính trị” đang được khởi xướng từ chính vị Thủ tướng đương nhiệm họ Ôn cũng là điều đáng để giật mình.

 Tôi chưa tin lắm vào sự thay đổi này, bởi chưa chắc ông Ôn Thủ tướng đã làm xoay chuyển được điều gì to tát lắm. Thế nhưng, quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ rất rõ. Đặc biệt là ông nói, ông khởi xướng ngay từ khi còn đương nhiệm. Nó rất khác với các lãnh tụ Việt, chỉ nói hay, chỉ nổ như bắp rang, chỉ vung tay múa chân, chỉ mở miệng kêu gọi dân chủ dân tớ khi đã nghỉ hưu về vườn.

 Khi đương chức Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, nhận thấy tham nhũng đã di căn vào trong máu đảng, nhiễm tới tận thiên triều, Giang Trạch Dân đã mạnh bạo khởi xướng một chiến dịch “trị đảng”. Ông nói “muốn trị quốc phải trị đảng!”. Trong khi đó, phía Việt Nam chúng ta cũng chạy theo mở một chiến dịch nhưng gọi mềm đi là “xây dựng và chỉnh đốn đảng”. Thậm chí khi đó có bài viết của tôi đưa chữ chỉnh đốn lên trước chữ xây dựng bèn bị nhắc nhở.

 Kết cuộc, hàng loạt những quan chức chóp bu trong bộ máy đảng Cộng sản Trung Quốc bị thanh trừng, cả những lão hàng Bộ Chính trị cũng bị kết án, bị tử hình. Còn phía Việt Nam mình, xây dựng được gì và chỉnh đốn được gì?

 Hơn 30 năm trước, khi quyết định thử nghiệm mô hình đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, nhiều người khuyên can. Nhưng Đặng Tiểu Bình vung tay chém lên… Trời và nói một câu bất hủ: Nếu mất thì chỉ mất mỗi Thẩm Quyến, còn được thì được cả nước Trung Hoa!

 30 năm sau, thực tế chứng minh người Trung Quốc được hay mất trong mô hình Thẩm Quyến. Nhìn cách người Trung Quốc lấy lại Hồng Kông, Ma Kao và đang quăng bủa lưới kéo Đài Loan, khiến kẻ thù nhiều lúc cũng phải… vỗ tay!

 Nhìn ra cả thế giới, cũng không có dân tộc nào, quốc gia nào dám chấp nhận mô hình “một quốc gia hai chế độ” như Trung Quốc. Ngay từ khi các quốc gia trong phe XHCN còn đủ mạnh làm đối trọng, Trung Quốc đã dám đứng riêng ra, dám bảo họ xây dựng một mô hình XHCN khác, mô hình XHCN mang màu sắc Trung Quốc.

Trung Quốc mỗi ngày một mạnh lên. Vị thế (tất nhiên là cả mưu mô toan tính) của người Tàu khiến ngay cả người Mỹ và thế giới phải kiêng nể, dè chừng. Nhìn vào sự vùng dậy lớn mạnh lên của người Tàu, thấy mỗi giai thời họ đều có được một nhân vật đủ sức khuynh loát, vai trò cá nhân đủ sức làm xoay chuyển thời cuộc. Mỗi một giai đoạn phát triển của đất nước Trung Hoa luôn gắn liền với dấu ấn cá nhân của một con người cụ thể. Điều này ngay cả người Mỹ cũng thua.

Hình như trong tư duy người Tàu, họ chọn vị thuyền trưởng cầm lái trước rồi mới chọn đội ngũ thợ chèo sau. Ví như ngay từ bây giờ, khi Ôn Thủ tướng còn đương quyền, còn đang lớn tiếng hô hào đòi “thay đổi hệ thống chính trị”, thì cả thế giới đã biết gần như chắc chắn người kế vị cầm lái con thuyền Trung Hoa trong giai đoạn hậu Ôn là ai rồi.

Còn người Việt ta làm ngược lại, chọn tốp thợ chèo trước rồi trong cái đám thợ chèo ấy mới so đũa chọn người cầm lái. Cũng vì thế mà cứ mỗi kỳ chọn, trong cái đám đũa kia lại hục hịch đấm đá nhau ỏm tỏi đến loạn cả thiên triều. Để rồi chẳng ông nào chịu ông nào, một đội ngũ làng nhàng chẳng ai hơn ai, có việc chi cũng nhìn qua ngó lại chả ai dám quyết, cũng phải họp để giơ tay lấy số đông. Cứ như Trung Quốc, kiểu vương quyền gia trưởng phong kiến đấy, nhưng lại tránh được loạn quyền, tránh được nạn đấm đá giành tranh nhau trước những kỳ đại hội.

Với Việt Nam, có lẽ sau thời Hồ Chí Minh, ngoài Hồ Chí Minh, duy nhất ông Lê Duẩn có thời được coi là nắm quyền khuynh loát, tiếng nói, quyền uy và vai trò cá nhân sai khiến, lay chuyển được cả một bộ máy.

Để thay chuyển tình thế đất nước, Việt Nam cần có một Hồ Chí Minh 2, hay chí ít cũng phải một nhân vật cỡ Lê Duẩn 2. Chứ nhìn trông vào đội ngũ hiện thời, một đội ngũ làng nhàng chẳng ai hơn ai, có việc chi cũng nhìn qua ngó lại chả ai dám quyết, cũng phải họp để giơ tay lấy số đông, thì chẳng mong đợi có được sự thay chuyển lớn lao nào.

Vì thế, chiếu với 3 điều Talawas đang… trưng cầu dân ý, tôi thấy việc hệ trọng bậc nhất của Việt Nam hiện nay là: không tìm ra được một nhân vật đủ tài năng và bản lĩnh để khuynh loát cái đám đông chuyên nhìn nhau gật gù. Còn hỏi nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì thì đó là một câu hỏi hết sức vớ vẩn. 24 tiếng chưa đủ để xướng danh “tôi là Thủ tướng”!

Và tất nhiên khi đó chỉ cần nhìn trông vào tay thuyền trưởng này, sẽ đoán định được nó đi đến đâu trong những thời khắc 2010, 2020 và 2030, hoặc xa hơn nữa!

_____

P/S-2:

 YÊU NƯỚC KHÔNG PHẢI LÀ BÀI HOA

 

 

truongduynhat | 21 Oct, 2009, 09:51 | góc nhìn của Nhất | (7705 Reads)

Có đúng không khi vỗ ngực nhân danh “lòng yêu nước” và phô khoe là những “nhà văn hóa lớn” lại suốt ngày chửi bới nhan nhản trên mạng với những ngôn từ hàng chợ cá tôm, mở miệng là “Tàu khựa, khựa Tàu”, kích động sự hận thù và chửi bới, thóa mạ cả một dân tộc người ta?

Khi xem những thước phim quay cảnh ngư dân Việt bị Hải quân Trung Quốc đuổi bắt và cướp đoạt tài sản, khi nhìn hình ảnh những ngư dân không một tấc sắt trong tay gập mình vái lạy tàu Hải quân Trung Quốc giữa biển khơi, tôi đã phải buột miệng rằng: ước chi có vài… trăm quả lựu đạn lao ra biển!

Đó là cảm xúc thật, rất thật của nhiều con dân Việt.

Nhưng rồi bình tâm ngẫm lại: Liệu ôm lựu đạn lao ra biển có phải là cách cứu dân, và như thế có cứu được dân?

Dấy lên một phong trào nhằm đánh động ý thức dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền là đúng. Tôi cũng có lúc muốn ôm lựu đạn lao ra biển, cũng muốn ùa xuống đường cùng dòng người biểu tình giương cao lá cờ Việt. Nhưng tôi không đồng quan điểm với nhiều trang nhân danh trí thức, nhân danh là các “nhà văn hóa lớn” lại suốt ngày chửi bới nhan nhản trên mạng với những ngôn từ hàng chợ cá tôm.

Bài Hoa, cái gì Trung Hoa cũng chửi. Phản ứng của nhiều trang mạng với những cái đầu nóng mở miệng là “Tàu khựa, khựa Tàu”, kích động sự hận thù và chửi bới, thóa mạ cả một dân tộc người ta. Như thế là sao? Như thế có đúng không khi anh vỗ ngực nhân danh “lòng yêu nước” và phô khoe là những “nhà văn hóa lớn”?

Tôi là người Việt. Dòng máu Việt trong người đang sôi chảy. Nhưng tôi không cho phép mình nóng giận đến hốt hoảng, đến mức nhìn vào đâu cũng hoảng sợ, đến mức … thiếu hiểu biết khi vung cờ khởi xướng cho một phong trào bài Hoa, đến mức đi chửi bới, thóa mạ cả một dân tộc!

Tôi biết chắc sẽ đón nhận những “trận đòn” a dua dữ dội từ các “nhà lãnh đạo phong trào bài Hoa” dán mác trí thức và văn hóa. Nhưng tôi không cho phép mình im lặng, hay nói đúng hơn là không nhịn được nữa!

Cũng có thể xem mấy dòng trên như một lời nhắc (nếu còn được) với những cái đầu nóng!

_______________________

7 bình luận

  1. […] tính võ đoán chủ quan, gây tranh cãi nữa. (Xem bài phản biện của Gocomay với TDN ở đây và ở […]

  2. […] tính võ đoán chủ quan, gây tranh cãi nữa. (Xem bài phản biện của Gocomay với TDN ở đây và ở […]

  3. […] tính võ đoán chủ quan, gây tranh cãi nữa. (Xem bài phản biện của Gocomay với TDN ở đây và ở đây!).   Mặc dù vậy cái quyền bày tỏ một cách ôn hòa chính kiến của […]

  4. […] tính võ đoán chủ quan, gây tranh cãi nữa. (Xem bài phản biện của Gocomay với TDNở đây và ở […]

  5. […] tính võ đoán chủ quan, gây tranh cãi nữa. (Xem bài phản biện của Gocomay với TDN ở đây và ở […]

  6. […] tính võ đoán chủ quan, gây tranh cãi nữa. (Xem bài phản biện của Gocomay với TDN ở đây và ở […]

  7. […] võ đoán chủ quan, gây tranh cãi nữa. (Xem bài phản biện của Gocomay với TDN ở đây và ở […]

Bình luận về bài viết này

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ