637 – Khi nhiễu điều chẳng còn phủ lấy giá gương…

babui_062011_8.jpg

“…  tôi có cảm nhận dường như một số người có trách nhiệm hiện nay không tin dân, không phân biệt nổi giữa người yêu nước chân chính với “thế lực thù địch” rất mơ hồ. Trong mắt họ, hễ ai biểu tình chống sự bành trướng trên biển Đông của ông bạn láng giềng phương Bắc đều có thể đã bị một tổ chức cực đoan, quá khích nào đó ở bên ngoài lợi dụng hoặc tuyên truyền kích động nên cứ răn đe, bắt nhầm còn hơn bỏ sót!” (VNT)

Bờ vẫn qúa xa

(Tặng bạn thơ Trịnh Anh Đạt và cô vợ người Hoa.
Trịnh Anh Đạt, một nhà thơ chưa vào Đảng, chưa vào Hội Nhà Văn nhưng đã đoạt nhiều giải thưởng thơ giá trị ở Việt Nam, lúc sang Mỹ dự đám cưới con gái có điện thoại hỏi tôi “Chiến tranh đã khép lại hơn 30 năm mà sao người Việt hải ngoại vẫn còn nhiều ác cảm, vẫn đối đầu với những người Cộng Sản ?”)

untitled.jpg

Tôi, người lính Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù
năm 75, 29 tháng tư

khi đoàn tàu chở đơn vị tôi
chuẩn bị rời Vũng Tàu hướng ra Đông Hải
thương cha mẹ già, đàn em dại
tôi bước lên bờ
ở lại quê hương

nhưng cha mẹ già chưa được gặp
cũng chưa thấy mặt đàn em
các anh, những người chiến thắng
súng dí sau lưng
đẩy tôi vào trại tập trung

rồi bằng những lời dối trá
trái tim vô tình
tia nhìn thù hận
các anh cướp mất của tôi
những tháng năm đẹp nhất cuộc đời

tôi có người bạn
đói lòng moi mấy củ khoai
các anh đập nát xương bàn tay
mãi mãi mang thương tật
một người khác
lâu ngày thèm thịt
chụp vội con nhái bên đường
bỏ vào mồm nuốt chửng
báng súng AK
các anh lao vào ngực, vào bụng
cho đến khi con nhái phòi ra
con nhái lúc vào màu xanh
lúc ra thành màu đỏ

tôi trở về trên đôi nạng gỗ
nhìn nhà dột, cột lung lay
cha chết đọa đày
các em tứ tán
mẹ tuổi già, sức yếu
vẫn giãi nắng dầm sương
tôi cắn răng lìa bỏ quê hương
tìm sự sống

trở về thăm quê mấy lần
trên đường từ Nam ra Bắc
tôi cũng đôi khi nếm được
chút dư vị của chiến tranh
tôi gặp cả thương binh
từ hai phía
kẻ chống nạng, người ngồi xe lăn
kẻ mất tay, người sẹo đầu, vẹo cổ
họ buồn tủi vì phải sống đời nghèo khổ
nhưng không thấy ai lên tiếng oán hờn
với họ, giữa chiến trường
“chuyện thường tình mũi tên hòn đạn.”

ở Mỹ, tôi quen hai vợ chồng người Hoa
vợ cô giáo,, chồng luật sư
yêu nhau tha thiết
nhưng định mệnh trớ trêu, oan nghiệt
cô vợ bị hiếp dâm
ít lâu sau đẻ thằng con
đen như cột nhà cháy
anh chồng ôm mặt khóc như điên như dại
chạy ra khỏi phòng sanh
vợ tay nắm chặt thành giường
ngất lịm

trở về nhà
cô vợ trẻ người Hoa
đã có thể cho đi đứa con khác màu da
để mỗi ngày người chồng
khỏi thấy vết thương lòng
bị chà đi, xát lại

nhưng các bạn tôi
làm sao có thể chặt bỏ bàn tay của mình?
làm sao có thể cắt bỏ lá phổi của mình?
nên mỗi lúc trở trời,
đau đớn
lại nhớ đến các anh
không giống những thương binh
(mũi tên hòn đạn vô tình)
các bạn tôi mang thương tật
bởi đôi tay độc ác
bởi trái tim độc ác
của các anh

sau chiến tranh
đối xử với những người ở bên kia chiến tuyến
nhưng cùng tiếng nói, màu da
biết bao nhiêu phương cách đưa ra
các anh chọn phương cách tàn độc nhất
các anh đã tự đào dòng sông ngăn cách
nay lại ngồi chễm chệ trên bờ
í ới vẫy chúng tôi qua
tiếc rằng…… bờ vẫn… quá xa.

Viết xong tháng chạp năm Canh Dần (tháng 1 năm 2011)

Phạm Đức Nhì

* * *

Thư Sài Gòn 2

Vũ Ngọc Tiến

Anh Trần Nhương thân kính!

Lẽ ra thư này viết gửi anh ngay từ đêm 12/6/2011, nhưng tôi lại bận đi huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, thăm vùng quê Định Yên, nơi có chợ Ma, làng nghề dệt chiếu cói và một thời từng nổi danh là Định Yên Quốc- một nước riêng của người theo đạo Hòa Hảo.

Mà thôi, chuyện này kể sau. Tôi đi miền Tây sông nước với tâm trạng bất an bởi nỗi ám ảnh vì trước đó tận mắt chứng kiến cháu sinh viên Phạm Nguyên bị đuổi bắt trên sân nhà thờ Đức Bà. Cảnh tượng nom kinh hãi không sao tưởng tượng nổi cái gọi là sự “chuyên chính…” đối với lớp trẻ đi biểu tình thể hiện lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo đang bị xâm phạm. Lại nữa, trong ngày 12/6 ấy còn có hai người bạn của tôi cũng bị bắt giữ, càng làm tôi bất an suốt dọc đường đi huyện Lấp Vò…

248833_229319537080225_100000065410325_950426_2369026_n2.jpg

Nhà văn Nguyễn Viện, sau khi chở Bloger Mẹ Đốp về nhà, vừa quay xe ra đầu ngõ thì lập tức có 2 chiếc xe máy chở theo 4 người hùng hổ chặn trước chặn sau, mời về trụ sở công an phường Bến Nghé làm việc. Họ chẳng có cớ gì bắt giữ một ông lão viết văn gần 60 tuổi, người nhỏ thó, đi biểu tình ôn hòa và lịch lãm nên chỉ câu lưu anh Viện đến 12h30’ thì tha, kèm riết về tận nhà riêng của anh. Thế thôi cũng đủ để tôi cảm thấy bất an, lo cho số phận bạn mình sau này.

Trường hợp với nhà nghiên cứu biển Đông – Đinh Kim Phúc thì khác, phức tạp và tế nhị hơn nhiều. Phúc khá nổi tiếng vì những bài viết hay trả lời phỏng vấn với nhiều lập luận sắc bén, chứng cứ hùng hồn, hành văn khúc chiết về chủ quyền của ta trên biển Đông và dã tâm xâm lược của bọn bành trướng phương Bắc từ xưa cho đến bây giờ không hề thay đổi. Khoảng 9h30’ ngày 12/6, họ kèm Phúc về trụ sở công an Quận Nhất, đưa giấy triệu tập và sau đó làm việc với 3 cán bộ an ninh hình như từ Hà Nội vào, rất giỏi ngoại ngữ, kiến thức uyên bác. Cuộc làm việc giữa 3 cán bộ an ninh với Phúc hôm đó khá căng thẳng, đề cập đến rất nhiều vấn đề, sự kiện mà tôi không tiện nói ra đây. Chỉ biết rằng, qua lời thuật lại của bạn mình, tôi có cảm nhận dường như một số người có trách nhiệm hiện nay không tin dân, không phân biệt nổi giữa người yêu nước chân chính với “thế lực thù địch” rất mơ hồ. Trong mắt họ, hễ ai biểu tình chống sự bành trướng trên biển Đông của ông bạn láng giềng phương Bắc đều có thể đã bị một tổ chức cực đoan, quá khích nào đó ở bên ngoài lợi dụng hoặc tuyên truyền kích động nên cứ răn đe, bắt nhầm còn hơn bỏ sót!

Lấy trường hợp bạn tôi, anh Đinh Kim Phúc làm minh chứng cụ thể. Phúc từng là chiến sĩ cảm tử ở mặt trận Căm-pu-chia (1977- 1980). Anh xuất ngũ và theo học khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học xã hội& nhân văn Tp Hồ Chí Minh. Năm 1986- 1988, anh  ra Hà Nội làm luận văn cao học về những cứ liệu lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Được các Giáo sư tận tình giúp đỡ, lại mạnh dạn mở rộng giao lưu với các học giả nước ngoài, nhất là các học giả Việt kiều ở hải ngoại nên trong đầu Phúc là cả một kho tư liệu quý giá về biển Đông. Phúc như anh thợ cắt tóc xứ Ba Tư, biết vua Đặc La Vương có tai lừa, không nói ra không nhịn được. Nhiệt tình yêu nước và lương tâm nghề nghiệp thôi thúc anh kiên trì phát ngôn, lập thuyết để bảo vệ chủ quyền biển đảo nước nhà là lẽ đương nhiên. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, đang là người phụ trách khoa Đông Nam Á của trường Đại học KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh, Phúc bị buộc nghỉ đứng lớp, làm công tác nghiên cứu, thực chất là ngồi chơi xơi nước?!

Vợ anh – chị Lý Lan Phương là con gái ông Lý Chánh Đức, một nhân sĩ nổi tiếng và là anh ruột GS Lý Chánh Chung. Chị vốn là người trụ cột kinh tế thay chồng kiếm tiền nuôi cả gia đình với 3 đứa con (Đinh Phương Mai, Đinh Phúc Nguyên, Đinh Phương Thảo) vẫn còn đang đi học, thì không may mắc bệnh ung thư đã gần 10 năm nay. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, bế tắc như thế mà Đinh Kim Phúc vẫn quên mình, dấn thân đi đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, hỏi còn gì đáng trân trọng hơn? Tôi không rõ 3 cán bộ an ninh rất uyên bác kia, sau 2 buổi làm việc với Đinh Kim Phúc đã đánh giá thế nào về nhiệt tình yêu nước của anh hay vẫn còn nghi ngờ? Cuộc đấu tranh về mặt pháp lý về chủ quyền biển Đông với ông bạn láng giềng “16 chữ vàng” lúc này đang rất cần những người như Đinh Kim Phúc. Sao Nhà nước không tin anh, mạnh dạn giao nhiệm vụ cho anh tập hợp một đội ngũ các học giả trong và ngoài nước để thu thập và xử lý hàng triệu trang tài liệu về biển Đông Nam Á đang nằm ứ trong kho lưu trữ của Quốc hội Mỹ và kho lưu trữ thuộc địa của Pháp ở ngoại ô Paris?…

Anh Trần Nhương thân kính!

Thư đã dài, hẹn dịp khác tôi sẽ lại viết thư, kể tiếp anh nghe về những suy nghĩ của mình trong chuyến đi huyện Lấp Vò, thăm Định Yên Quốc xưa của những người theo đạo Hòa Hảo. Ở đó, tôi đã ngộ ra bài học đắt giá về sự không tin dân của mấy ông lãnh đạo Việt Minh thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp và còn nhiều chuyện khác liên quan đến hành tung và số phận của 4 ông tướng Hòa Hảo là Long Thành Nguyên, Lê Quang Vinh (Ba cụt), Trần Văn Soái (Năm lửa), Nguyễn Giác Ngộ.

Chúc anh và bạn bè ngoài đó khỏe, nhiều may mắn!

Sài Gòn đêm 21/6/2011

VNT

________________________________
Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ