818 – Chuyện Liên hoan phim quốc tế, bây giờ mới kể!

64. Internationale Filmfestspiele Berlin - Berlinale 2014  – © Berlinale -

64. Internationale Filmfestspiele Berlin – Berlinale 2014 – © Berlinale

Thế là Liên hoan phim quốc tế – Berlinale 2014 lần thứ 64 diễn ra từ 6-16 tháng 2 đã khép lại rồi. Anh “bạn vàng” Hoa lục của chúng ta lần này thắng to, giành được giải chính – “Der Goldene Bär der 64” (Gấu Vàng – 64) với bộ phim hình sự “Bai Ri Yan Huo” (Than đen, băng mỏng). Ngoài giải chính, điện ảnh Trung Hoa còn ẵm thêm 3 giải danh giá nữa cho các diễn viên tài ba. Trước đây 7 mùa thi, ở Berlinale 2007 các nhà làm phim Trung Quốc cũng đã đoạt giải lớn với phim “Tuyas Hochzeit” (Hôn nhân của Tuya). Song ở đây tôi không muốn sa đà vào chuyện giải thưởng của Berlinale. Chỉ muốn liên hệ tới cách nhìn của các nhà làm phim và khán giả Việt Nam nói chung đối với liên hoan phim quốc tế hay sự phát triển của điện ảnh nước nhà.

Cũng xin thưa luôn, mặc dù sống không xa Thành phố Berlin bao nhiêu, mang tiếng là người từng làm điện ảnh nhưng tôi cũng chưa thể tham dự (dù với tư cách khán giả) Berlinale lần nào. Đơn giản còn phải mưu sinh. Chưa có thời gian để hưởng thụ những thứ “xa xỉ” mà nền “Nghệ thuật thứ 7” đã và đang diễn ra tại đất nước mà chúng tôi đang sống. Nay được anh bạn hàng xóm giới thiệu, tôi mới đọc được tâm sự của một Facebooker đang sống và làm việc ở Berlin những dòng ngắn ngủi này:

Berlinale Palast- 2014 – Khán giả yêu Phim xếp hàng mua vé đông hơn Việt nam xếp hàng mua gạo thời bao cấp. Điều đặc biệt là không thấy người Việt nào. Đang mải Đóng gạch, về già lại mang ra chữa bệnh ?” 

Cảm thấy máu ứ trong tim.

Nhớ lại cách đây đúng 27 năm, tôi cũng đã từng được Liên hoan phim ngắn quốc tế ở Kraków (BaLan) mời tham dự LHP lần thứ 24 của họ. Thời kỳ đó, một thằng đạo diễn phim tài liệu vô danh như tôi được một International Filmfetival có uy tín về phim ngắn như ở Kraków để mắt tới là vinh dự lắm chứ.

Chắc Ban tổ chức LHP cũng biết hoàn cảnh khó khăn của các nghệ sỹ xứ mình. Nên trong giấy mời của Cục Điện ảnh Balan gửi tới Cục ĐAVN (thông qua ĐSQ Balan ở Hà Nội, sau dòng chữ (bằng tiếng Việt) rất lịch sự: “Đại sứ quán CH Ba Lan tại Hà Nội xin trân trọng kính chào Cục ĐAVN và xin phép được chuyển lời mời của Cục ĐA và BTC Liên hoan phim quốc tế lần thứ 24 tại Kraków Balan tới nhà đạo diễn…, tác giả bộ phim “Làng Tranh Đông Hồ” sang Balan tham dự… từ ngày….”. Ở cuối của bức công văn đó còn ghi rõ: “Mọi chi phí về ăn ở và đi lại của nhà đạo diễn… chúng tôi xin đài thọ toàn bộ”.

Vậy mà chuyến đi của tôi vẫn cứ bị chậm trễ. Bởi nếu BTC Filmfestival mà mời thêm một quan chức lãnh đạo ngành (như thông lệ) nữa thì ngon lành. Đằng này họ mời đích danh một mình tôi, nên sém chút thì tõn. Tôi có may mắn được giám đốc Lưu Xuân Thư (thầy dạy quay phim cho tôi ở Trường ĐAVN) nhiệt tình thuyết phục bằng được lãnh đạo Cục ĐA (dạo đó Nguyễn Thụ là Cục trưởng; Bùi Đình Hạc là Cục phó), nên đã nhận được bộ quần áo comple và đôi giày mõm nhái (trông rất lịch sự nhưng có mùi ẩm mốc) do Cục Lễ tân Bộ Ngoại giao cho mượn để ra sân bay sang Balan vào ngày sát nút khai mạc LHP.

Tới nơi mới biết, các tác giả và khách mời, các nhà phát hành phim, các đài truyền hình cùng báo giới quan tâm đến sự kiện LHP ở các nước họ đã tề tựu đông đủ trước cả tuần để tham gia các hoạt động bên lề như hội thảo và xem các bộ phim (không dự thi) nhưng được chọn để chiếu giới thiệu lại LHP. Có những kỷ niệm khó quên của “chuyến đi lịch sử ấy”, muốn thả trôi theo dĩ vãng, nay lại muốn “ôn cố tri tân”. Trước khi ra sân bay, anh Đông ở Phòng Đối ngoại Cục ĐA) đã dặn: “yên tâm nhé, cậu xuống sân bay Warszawa sẽ có nhân viên lễ tân của ĐSQ đón để bàn giao cho Cục ĐA của bạn”. Vậy mà khi tới sân bay ở thủ đô Balan thì chờ mấy tiếng đồng hồ không có ma nào tới đón cả, tiếng Balan không biết, chỉ vài câu chào bằng tiếng Anh phọt phẹt, làm sao bây giờ đây? Giữa buổi chiều đang đứng lơ ngơ ở cổng vào sân bay, có một anh “mũi tẹt dà vàng” nhảy từ trên Taxi xuống hỏi: “anh có phải người Việt không, chờ ai mà đứng ở đây?”. Chết đuối vớ được cọc, tôi chìa ngay cái giấy mời đi dự LHP ra. Anh ta bảo chờ chút để anh ta vào phòng chờ gọi điện cho ĐSQ xem sao? Sau 15 phút anh ta trở ra nói: Ông Tham tán Công Sứ có nhờ tôi đưa anh về Sứ, may cho anh hôm nay tôi đi tiễn anh bạn đi Moskow, gặp anh… không cần cám ơn gì nhiều… ở cả Balan này, hiện chỉ có khoảng hơn trăm người Việt sang đây học đại học và nghiên cứu sinh, không biết thì thôi, chứ ai cũng sẽ giúp như tôi …”. Ông Nguyễn Công Khanh ra tận cửa đón tôi vào căn nhà bếp của ĐSQ, ông nói: “Chắc anh đói rồi, ăn tạm gói mì tôm này đi, tôi vừa gọi điện cho Cục ĐA của bạn rồi, họ nói sẽ cho xe tới đón đưa anh ra sân bay nội địa… chỉ 3 tiếng nữa là anh sẽ tới Kraków để kịp dự lễ khai mạc LHP tối nay….”

P1060559Đầu mùa hè ở Âu châu, 7, 8 giờ tối mà trời vẫn sáng. Từ sân bay về Hotel Holiday (nơi diễn ra lễ khai mạc LHP), tôi thấy BCT bố trí cho tôi 2 cậu phiên dịch (là sinh viên trường ĐH Mỏ ở Kraków). Hai người đồng hương chưa quen biết mà gặp tôi cứ xoắn lấy như người thân từ bao giờ. Vừa dẫn tôi đi nhận phòng, lấy phiếu ăn, thẻ… hai cậu phiên dịch vừa ríu rít khoe: “Anh ạ, cả tuần nay, khắp thành phố đều nô nức đón chờ sự kiện văn hóa lớn này. Lại thấy cả cờ Việt Nam được kéo chung với cờ của 28 nước (có phim lọt vào vòng chung khảo), hơn chục anh em sinh viên và NCS ở đây đều tự hào lắm…”.

Chả nói ai cũng biết, nếu tham dự đầy đủ các buổi chiếu phim dự thi và các chương trình đi kèm là rất vất. Hàng ngày từ 9 giờ sáng cho tới 11 giờ đêm tôi tranh thủ xem phim và tham gia thảo luận (sau khi chiếu phim) với các khán giả và các nhà báo. Ban Giám khảo LHP thì họ thảo luận và cho điểm (phiếu kín) riêng, các tác giả không được tham dự. Phim “Làng Tranh Đông Hồ” của tôi chỉ được bằng chứng nhận của BTC Filmfestival chứ không được giải chính thức nào cả. Tự thấy, trình độ làm phim (cả về kỹ thuật, nghệ thuật) cũng như các khâu tiếp thị (như dịch, làm phụ đề) quảng bá (Pano; Trailer quảng cáo hay đặt nhà báo viết bài giới thiệu cho phim) là không có gì… mà vào được vòng 1/28 như vậy là qúi lắm rồi.

Sẽ là vô cùng thiếu sót nếu không nhắc đến tình cảm của các em sinh viên cũng như các anh chị em nhiên cứu sinh (NCS) ở Đại học Mỏ-Kraków và Đại học ngoại ngữ ở Lotz. Cứ sau mỗi buổi tham dự các buổi chiếu phim và thảo luận xong, dù muộn tới đâu, anh em cũng bắt hai cậu phiên dịch đưa về khu ký túc xá của ĐH Mỏ Kraków liên hoan ăn mừng. Tiệc tùng xong, khuya qúa, tàu điện không chạy nữa, đành ngủ lại ký túc xá với anh em, sáng hôm sau mới về khách sạn. Thành ra tiêu chuẩn ăn nghỉ ở khách sạn mà BCT LHP đài thọ là gần như không đụng đến.

Câu nói của ông GS Jery Bossak – Chủ tịch BGK với tôi trong tiệc Cocktails chiêu đãi bế mạc LHP (tối 6/6/1987) khiến tôi không bao giờ quên.

P1130337-Ông nói:

“phim của các anh hiền lành qúa… chưa dám đề cập tới những vấn đề gai góc của đời sống văn hóa truyền thống đang bị lụi tàn ở các vùng nông thôn quê hương các anh. Cũng có thể các anh không được phép đi sâu vào các khía cạnh ấy. Nhưng ở góc độ người xem, chúng tôi (cả khán giả nữa) chỉ căn cứ trên các hình ảnh để đánh giá phim thôi, không chấp nhận những thứ khó khăn mà các tác giả điện ảnh không thể vượt qua. Cho nên, dù tôi rất có cảm tình với những hình ảnh mộc mạc, dung dị độc đáo trong phim mà anh giới thiệu ở đây. Nhưng để trao giải thì chưa được. Như anh biết đấy, những phim đoạt giải lần này phải có những đột phá mới về nghệ thuật và tư tưởng. Có những đề tài nhỏ thôi (như bộ phim quay những con chim cánh cụt ở Nam cực hay bộ phim câm mô tả về nghệ thuật sắp đặt trong hội hoạ là ví dụ), nó đã chiếm được cảm tình của cả BGK cũng như đông đảo công chúng… vì nó rất mới về phương pháp thể hiện đã đành. Nó còn khiến người xem đi hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác nữa. Điện ảnh thể hiện được cái góc khuất trong đời sống thường nhật đã đành. Nghệ thuật ĐA còn cung cấp cho khán giả những món ăn mới lạ mà các loại hình nghệ thuật khác không bao giờ có được. Rất mong anh và các đồng nghiệp say mê ĐA của anh tại VN hiểu được thông điệp mà tôi muốn nhắn gửi với anh hôm nay…”

Sau LHP ngắn Kraków, tôi còn được anh bạn Việt Béo (Kỹ sư Đoàn Quốc Việt – hiện là doanh nhân người Balan gốc Việt rất thành đạt, dạo đó mới sang Balan làm NCS, đang học tiếng ở TP Lotz) và các anh chị em sinh viên và NCS ở Warszawa mời ở lại chơi 1 tháng, được đón Đức Giáo Hoàng (10.06.1987) và tham gia một số sinh hoạt văn hóa khác. Khi về lại VN tôi đã viết một bản thu hoạch (báo cáo) khá tường tận về chuyến đi thú vị này. Song có lẽ, các quan lớn trong ngành vô cùng bận rộn (hay có mối quan tâm khác) chả ai thèm xem.

P1130336-Ngày 26 tháng 11 năm đó (1987), khi LHP Leipzig (DDR – Đông Đức cũ) lần thứ 30 khai mạc. Ban tổ chức LHP mời đích danh phim “Làng Tranh Đông Hồ” của tôi. Giấy mời được gửi trước đó tới gần 5 tháng, kết cục “phim đi người ở lại”. Cũng tại LHP ngắn danh tiếng này, hai năm sau, phim “Chuyện tử tế” của đạo diễn tài năng Trần Văn Thủy đã nhận được giải “Bồ câu bạc”! Chớ trêu thay, anh Thủy được duyệt ngược với tôi: “người đi phim ở lại”. Mặc dù vậy, không hiểu bằng cách nào mà anh Thủy đã “mang lậu” (chui) được cả thùng phim nhựa 5 cuốn vừa nặng vừa cồng kềnh ấy đi lọt qua hải quan sân bay để tới được Leipzig dự thi… đến nay vẫn là một ẩn số chưa có lời giải?!

Đầu tháng 11.1992, không hìểu nguyên cớ từ đâu, LHP quốc tế về môi sinh (Ökomedia’ 92) ở vùng hẻo lánh của Tây Đức – TP Freiburg gửi giấy mời đích danh tôi tới dự LHP (diễn ra từ 4-8.11.1992), chả nhẽ đi người không tới, tôi lên “Chòi ngắm song” bên Hồ Tây của nhà thơ Phùng Quán, mời ông tham gia dẫn chuyện cho bộ phim ngắn 20 phút của tôi. Nhà thơ vui vẻ nhận lời mà chả đòi hỏi đồng xu cắc bạc tiền công nào (vì có đòi tôi cũng không có, hu hu…). Phim làm bằng băng Betacam. Những người nhiệt tình tham gia như chú em Trịnh Lê Văn – quay phim (nay là trưởng Ban Văn nghệ VTV); anh Bùi Lưu Khanh – quay phim (kiêm chủ nhiệm) và chị Nguyễn Bích Liên – Thu thanh, đều cùng nhóm trong chương trình Hợp tác Văn hóa (làm phim) Pháp-Việt mùa hè 1992, nên ai cũng hết lòng tham gia theo điều kiện và khả năng của mình.

P1130051LHP Ökomedia là một tổ chức quốc tế nhỏ nên kinh phí rất eo hẹp. Các khách mời (kể cả tác giả phim dự thi) đều phải tự túc kinh phí ăn ở, đi lại. Gặp đúng lúc Hãng phim TLKH, nơi tôi làm việc đang trong cơn bĩ cực, chỉ giúp được cái công văn gửi lên Hội ĐAVN. Tôi phải tự túc cả tiền phí bưu kiện gửi phim (gửi trước) và tiền vé một chiều. Vì đoàn đi có một mình nên, sau 2 ngày khai mạc tôi mới lò dò tới dự LHP được. Cũng may, vừa đúng lúc phim “Mặt gương Hồ Tây” của mình chuẩn bị trình chiếu. Hôm đó thấy khán giả lèo tèo (chỉ khoảng già nửa rạp), xem xong thảo luận ngay tại chỗ chứ không thảo luận riêng như hồi ở Kraków-1987…

Dù chưa một lần bén mảng tới Berlinale. Nhưng những thông tin về LHP quốc tế lớn nhất nước Đức và vào hạng nhất nhì Âu Châu (chỉ sau Cannes-Pháp), chúng tôi đều có để mắt tới. Như năm nay, đã có khoảng 400 bộ phim đã được trình chiếu. Vé được bán rộng rãi trên mạng và trực tiếp tại các cửa rạp. Bên cạnh cuộc so tài của các nhà làm phim trên khắp hành tinh, các hoạt động khác cũng rầm rộ như quảng cáo tiếp thị các sản phẩm mới của ĐA; giới thiệu sự phát triển của ĐA Đức; các cuộc hội thảo – diễn đàn về các đề tài mà giới làm phim chuyên nghiệp và công chúng (đặc biệt giới trẻ: trẻ em và thanh thiếu niên yêu ĐA) quan tâm…

Cũng thấy buồn buồn, vì không (hay có mà không tìm thấy?) một tờ báo ở Đức đưa tin. Những người từng ở trong chăn (như tôi) thì không lạ. Cái cây non điện ảnh: “Vì sự sáng tạo nghệ thuật và hoàn thiện con người mới XHCN…” – như tiêu chí đề ra cho ngành từ hồi tôi làm bộ phim “Làng Tranh Đông Hồ” tới giờ, xem ra vẫn còi cọc không lớn lên được, vì có ai chăm bẵm tưới tắm gì đâu mà đòi khép tán “thành rừng” hay đòi góp mặt trên những con tàu để vươn ra biển lớn?

Trong một cuộc khai phá đất mới vô cùng gian khổ và anh dũng, tất cả các thế hệ Thủ lĩnh cầm quân và các công thần do lập đuợc nhiều thành tích với nhiều huân, huy chương, bằng khen các loại, nên hễ cứ sắp về nghỉ hưu đều được nhà nước phong anh hùng cả. Nhưng sự nghiệp mà họ trao gửi lại cho hậu thế thì tựa như một bãi đất bạc màu, không còn canh tác sinh lợi được nữa nên con cháu cuả họ bỏ đi hết. Họ than vãn với ai? Khi chính họ cũng không muốn con cái họ phải “sống chết” với cái mà họ đã từng “sống chết”?

Đó là những lời thổ lộ gan ruột của kẻ đang viết những dòng này, trong một bức thư với người bạn đồng môn, lúc đó anh ta đang chuẩn bị được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo cao nhất ngành ĐA. (Xem ở đây).

Hôm nay, tình cờ đọc được trên “Phây” của Facebooker Nguyễn Đình Bốn thấy những dòng này:

“Tin đất nước láng giềng Campuchia sản xuất được xe hơi làm chấn động những người đọc báo Việt Nam. Ở mặt này, đã có nhiều người viết, phân tích vì sao chúng ta tụt hậu. Trong lĩnh vực quan tâm của mình, tôi chỉ nói sơ khởi về mặt văn học nghệ thuật, cụ thể là điện ảnh, cái mà chúng ta cũng đang tụt hậu với đất nước mà không ít người trong chúng ta nhìn họ với con mắt ngạo mạn của một nước “đàn anh”.

Minh chứng rõ ràng nhất là điện ảnh Campuchia vừa làm một cú ngoạn mục khi bộ phim The missing picture (Bức ảnh đánh mất) của đạo diễn Rithy Panh có tên một cách trang trọng trong danh sách đề cử Oscar 2014 cho mục Phim nước ngoài hay nhất.

… …

Vì sao ra cái nông nỗi này? Về mặt văn học nghệ thuật, nói riêng về điện ảnh, tôi không cho rằng so với người Campuchia người Việt trong nước quá bất tài, nhưng cái bất tài, nói thẳng ra là ngu dốt, bảo thủ nằm ở những kẻ nắm trong tay quyền sinh sát và những kẻ thừa hành, đó là những kẻ “gác đền”, dù cái đền ấy đã mục rã và bốc mùi. Không thể có một tác phẩm hay, chứ đừng nói xuất sắc để trình chiếu cho “người ngoài” nếu lưỡi kéo kiểm duyệt còn dứ ngay yết hầu của người có tâm huyết với nghệ thuật. Và vì vậy để an toàn và… thu hồi vốn, các hãng phim chỉ chọn, ngay từ khâu kịch bản, các bộ phim hài vô bổ cho chắc ăn!

Và cũng vì vậy, với những ai còn xem Campuchia, hay Lào là đất nước đàn em, hãy tỉnh mộng, hãy thôi ngạo mạn, và nếu cần hãy đọc lại lịch sử để so sánh xem chúng ta và họ, ai có tầm cao hơn về văn học, kiến trúc, hội họa và bây giờ là điện ảnh!” (Trích ở đây).

Trở lại dòng bức xúc của anh chàng người Việt yêu điện ảnh ở Berlin trên thượng dẫn:

Berlinale Palast- 2014 – Khán giả yêu Phim xếp hàng mua vé đông hơn Việt nam xếp hàng mua gạo thời bao cấp. Điều đặc biệt là không thấy người Việt nào. Đang mải Đóng gạch, về già lại mang ra chữa bệnh ?”

Nhưng anh ta đâu có biết, đã có bao người tâm huyết với nghề (như tôi thuở nào) phải nuốt nước mắt vào trong, chào thua trước “lưỡi kéo kiểm duyệt” sắc lẻm và vô cảm như FB. Nguyễn Đình Bốn mô tả. Viết đến đây, lại vừa nhận được phản hồi của một đồng nghiệp cũ cùng cơ quan với tôi, nay đã nghỉ hưu, ghi trên “Phây“ cá nhân của tôi, sau khi đọc bài thơ “35 NĂM! HÃY NHẢY MÚA ĂN MỪNG…“ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, xin trích:

“Tôi còn nhớ hồi năm 2006, tôi có làm bộ phim “Từ đại hội đến Đại hội” nói về lịch sử Đảng CSVN từ năm 1030 (1930) tới lúc đó. Vào thời kỳ 1979-1980, tôi có đưa vào một vài phút lịch sử những chiến thắng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc chiến tranh Biên giới 1979. Đoạn phim chỉ khoảng dăm, mười cảnh có hình bộ đội ta đào hào, chui rừng, phục kích đánh giặc tàu… Khi duyệt phim, những người lãnh đạo ĐA và VHTT đã bắt cắt tất cả, cắt k còn nửa giây, nửa chữ. Đấy là mình làm phim ca ngợi sự lãnh đạo thông minh sáng suốt của Đảng, tinh thần yêu nước bất khuất của nhân dân ta… huống chi, bà con nhân dân giờ ra đó mà kỉ niệm, kỉ niếc… Ôi, còn lâu mới được…“ 

Vậy mà, cũng đọc được những thông tin NGƯỜI HÀ NỘI TƯỞNG NIỆM 6 VẠN NẠN NHÂN 17.02.1979, post lại trên “Phây“ của tôi, anh bạn trẻ (trưởng nam của một cố NSƯT ĐA ở Hà Nội), khuyên nhủ tôi rằng:

Tôi nghĩ anh ko nên viết (phản biện), anh mạnh về phim ảnh, hãy làm phim ảnh mang đi liên hoan mà chiếu cho thiên hạ xem, ấn tượng và sức mạnh ghê gớm hơn là viết mấy bài trê trách chỉ có dân ta xem được. Dân ta chỉ A dua A tòng, khin (không) có phong trào lớn các nước đứng lên làm hộ ta, may ra có người dám theo.

Thiết nghĩ, anh bạn trẻ này chưa hiểu tình hình thực tế của ĐAVN? Hay anh ta có được chút may mắn hơn con cái những nghệ sỹ đã cống hiến cả cuộc đời, mà vẫn mất mùa trắng tay trước sự nghiệt ngã của nghiệp chướng cuộc đời. Nên mới có cái nhìn méo mó và tiêu cực như thế?!

Gocomay

__

P/S: Xem lại bài:

 Đỉnh đèo Hải Vân tháng 3.1988 - trên đường vào dự LHP VN-VIII ở Đà Nẵng.  (Từ trái qua phải: Thanh An, Phan Sơn, Trần văn Thuỷ, Gocomay)


Đỉnh đèo Hải Vân tháng 3.1988 – trên đường vào dự LHP VN-VIII ở Đà Nẵng.
(Từ trái qua phải: Thanh An, Phan Sơn, Trần Văn Thuỷ, Gocomay)

Người anh tử tế Trần văn Thuỷ (*)

08/19/2009 11:05 pm

Đắn đo mãi mới dám viết cái entry này, vì không khéo có người lại kêu, “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Ừ , thì bắt quàng đấy! Đã sao nào? Miễn là cái tâm, cái động cơ của mình chẳng hề đục, dơ! Thế là có thể vui, mà bắt tay vào bàn phím… gõ được rồi.

*  *  *

Anh Thuỷ sinh trước tôi chừng hơn một giáp. Nhưng anh vào nghề thì chỉ sớm hơn tôi khoảng mươi năm, anh vào khoá 3, còn tôi khoá 6 trường Điện Ảnh Việt Nam ở 33 Hoàng Hoa Thám Hà Nội. Vừa học xong quay phim thì anh được cử vào chiến trường B2 ngay, xong lại đi học Đại học Điện Ảnh Vờ-Gík ở Liên Xô, nên mãi tới 1979, khi tôi ở phim Truyện chuyển sang phim Tài liệu Khoa học thì mới được gặp anh lần đầu.

Không sinh hoạt cùng phân xưởng, nhưng anh như người hùng, luôn là tâm điểm của nhiều đồng nghiệp, kể cả những em hoa khôi xinh đẹp ở xưởng phim. Họ có cảm tình với anh vì anh đẹp trai, lịch lãm, ăn nói có duyên, rất lôi cuốn người xung quanh, dù đó chỉ là một anh công nhân làm thợ mộc ở cơ quan.

Tháng 3.1979 anh lên Việt Bắc quay được cảnh những người lính Trung Quốc bị ta bắt, giải về tập trung ở sân vận động bóng đá Thái Nguyên, khi về anh đã phát triển và hoàn thành được bộ phim “Phản Bội” được đánh giá là khá thành công (1). Hồi đó vợ tôi làm máy chiếu ở ĐH Thuỷ Lợi, nên tôi mời anh Thuỷ mang phim tới và giới thiệu (ở sân bãi ngoài trời) với sinh viên. Hàng ngàn người tới tham dự chật ních sân, mà im phăng phắc xem một phim tài liệu từ đầu tới cuối, thật là một hiện tượng hiếm có khiến tôi cũng được hãnh diện là cùng cơ quan với anh.

Sau đó thấy anh, Đào Trọng Khánh, Lưu Hà dắt díu nhau đi làm phim “Hà Nội 5 cửa ô”. Nhưng khi xong phim lại hoá ra “Hà Nội Trong Mắt Ai” (HNTMA) gây tiếng vang rất lớn ở toàn xưởng. Đa số cán bộ CNVC từ người quét rác đến anh bảo vệ đều theo dõi và ủng hộ rất mạnh. Nhiều cán bộ phụ trách từ phân xưởng tới ban giám đốc, thấy khí thế dân tình vậy cũng “tát nước theo mưa”, có lúc bốc lên còn nói mạnh “còn cái quần đùi cũng bảo vệ HNTMA!”… (2)

Nhưng sự thể đã không đơn giản như vậy, khi thấy một số người ở bên trên, tiêu biểu là các ông Tố Hữu và Hoàng Tùng (3) không tán thành bộ phim vì cho rằng có một số cảnh và lời bình mang tính cạnh khoé, phạm huý kỵ, nên kiên quyết bắt sửa lại cắt bỏ thì mới cho phép phát hành. Những con kỳ nhông (cán bộ lãnh đạo cơ hội bên dưới) đã quay ra đì Trần văn Thuỷ, bắt sửa cho bằng được. Trần văn Thuỷ cũng ngang, mặc dù chấp hành sửa nhưng chỉ thêm vào vài cảnh có tính “cúng cụ” vô hại cho phim như các cảnh cảm tử quân, tiêu thổ kháng chiến 1946 và tiếp quản thủ đô tháng 10.1954 ở Hà Nội chứ nhất định không chịu thay hay cắt bỏ những phần hay nhất (mà cũng nhạy cảm nhất) trong phim. Kết quả phim vẫn cứ bị cấm, cho dù thủ tướng Phạm văn Đồng đương thời đã có lời nói ủng hộ. Tác giả chính như anh Thuỷ thì bị công an theo dõi từng bước. Nhưng phim thì được chiếu chui (với danh nghiã: “chiếu nghiên cứu cho cán bộ cơ quan nhà nước”). Và chưa bao giờ, chưa bộ phim nào của ĐAVN (thể loại Tài Liệu) lại được người ta xếp hàng đua nhau đi xem một bộ phim chưa được phát hành nhiều đến như thế.

Mùa hè năm 1983, tôi vào quay phim ở Đà Nẵng, khi biết tôi cùng xưởng phim với tác giả HNTMA, bà con Đà Nẵng xúm lại hỏi han rất nhiều, những lúc rảnh tôi còn đọc cho vài người mà tôi thân ở KS Đà Nẵng những đoạn lời bình của HNTMA, tôi lén ghi vào quyển sổ tay, mà đã thấy họ cảm phục anh Thuỷ tới mức nào rồi. Tôi cũng sướng củ tỷ vì thấy người dân ta vẫn còn mến phim Tài Liệu như thế, cho dù như trong ngành vẫn ví phim tài liệu chỉ là chiếu để dọn bãi cho phim truyện.

Năm sau, một hôm đang ngồi chơi quán nước trong xưởng, thấy anh Thuỷ tới và nói: “Anh vừa đi Campuchia về, anh có chút quà mọn cho em, nhưng hôm nay anh lại quên ở nhà, hôm nào rảnh ghé anh chơi…”. Thật sướng run người lên ấy chứ, được một người tài như thế, nổi tiếng thế mời tới nhà, thì còn gì hơn? Anh khen tôi có những khuôn hình quay phim rất tốt… như cái phim “Ngũ Hành Sơn” chẳng hạn … chỉ riêng hai cuốn phim đó mà anh đem theo, dạy cho lớp đạo diễn phim tài liệu ở Phnông-Pênh do nước bạn mời. Trong phần thực tập Montage (dựng phim), anh hướng dẫn sinh viên nước bạn đã cắt được tới 5 phim ngắn chi tiết khác rất ấn tượng. Anh tha thiết, rất muốn có dịp nào được mời tôi đi quay phim cho anh. Nhưng cho mãi tới khi tôi từ biệt xưởng phim (cuối 1992) cả tôi và anh cũng không thực hiện được cái ước muốn tưởng chừng đơn giản như thế.

Năm 1984, sau khi làm thành công bộ phim đầu tay có tên “Thuỷ điện nhỏ” tôi như được chính thức bước một chân vào nghề đạo diễn, dù chân kia vẫn là quay phim.

Năm 1985, tôi làm phim “Bệnh Dịch Hạch” anh cũng luôn để mắt tới tôi, anh sửa giúp tôi dù chỉ vài chữ trong phần lời bình thôi. Nhưng khiến tôi cảm kích mãi.

Năm 1986, sau khi được tôi mời tới dự buổi duyệt hình một phim mới của tôi, phim “Làng tranh Đông Hồ” (LTĐH), anh chủ động ngỏ ý muốn tiến cử cho tôi một người viết lời bình cho phim. Lúc xong phim tôi mới dám hỏi: “sao anh tốt với em thế?”. Anh cười, nói, “đơn giản thôi, vì anh rất thích những khuôn hình của em trong phim này…”. Anh còn nói, anh thấy cái “e” của Làng Tranh Đông Hồ mà có anh Nguyễn Quân viết lời bình thì tuyệt cú mèo…

Anh dẫn tôi tới nhà hoạ sỹ Nguyễn Quân ở khu tập thể quân đội ở phố Phan Đình Phùng (4) dạo đó anh Quân đang làm thư ký ở Hội Mỹ Thuật. Ban đầu tôi cũng ngại, vì hai người mà tôi mời làm cố vấn chuyên môn là hoạ sỹ Thẩm Đức Tụ và nhà nghiên cứu MT Nguyễn Đỗ Bảo thì luôn “mặt trăng mặt trời” với Nguyễn Quân, nhưng may thay, anh Quân đã nhận lời ngay khi biết tôi đang làm phim LTĐH. Một ngạc nhiên nữa, chỉ cần xem hình (nháp) bộ phim có đúng một lần mà Nguyễn Quân phăng ra được những dòng lời bình như thế! Cứ như là Nguyễn Quân và LTĐH có duyên nợ với nhau từ kiếp nào vậy? tất nhiên là đạo diễn tôi phải làm cái việc khớp, ráp, tu bổ cho nó gắn quyện với hình. Giữa lúc đó Thẩm Đức Tụ lại giới thiệu nhà văn Tô Hoài tình nguyện tới giúp tôi sửa lời bình (mà không cần thù lao) vì cũng rất mến LTĐH! Thế mới gay, nhưng tôi cũng đành phải nhận lời, vì sợ nhà văn của “Dế Mèn phiêu lưu ký” buồn (5).

Phải nói phục cụ Hoài thật, bận thế mà cũng rất nhiệt tình và sửa (bằng bút chì) cái lời bình (vốn anh Quân viết rất nguệch ngoạc mà tôi phải cho đánh máy lại) rất chi là cẩn thận. Là đạo diễn, tôi có toàn quyền quyết định từng câu chữ trước khi hoà âm phim, nên ban đầu tôi định dung hoà cả hai bản của anh Quân và cụ Hoài. Nhưng anh Thuỷ đã can ngăn tôi, anh nói, anh rất kính trọng nhà văn Tô Hoài nhưng ở đây anh phải nói thẳng, tất cả phần sửa (biên tập) của cụ không có gì mới cao hơn mà chỉ như “rắn vẽ thêm chân” mà thôi! Để kiên quyết hơn anh còn nói thẳng: “em mà dung hoà hai văn bản như vậy là em đã xúc phạm Nguyễn Quân đấy! Dù anh Quân với cụ Tô Hoài là không có vướng mắc gì…”

Nghe anh Thuỷ, tôi đã không thay đổi gì nữa. Và phim LTĐH đã lọt được vào mắt xanh tới hai LHP Quốc tế lớn là Kraków (Ba Lan) và Leipzig (CHDC Đức) vào tháng 6 và tháng 11 năm 1987.

Mùa xuân năm 1988 khi mang hai phim là Dịch hạch và LTĐH đi dự LHP Quốc gia 3/1988, tôi lại được cùng anh Thuỷ trong đoàn đại biểu của hãng vào Đà Nẵng suốt một tuần.(6)

Sau đận ấy tôi và anh cũng thưa gặp nhau hơn, cho tới khi tôi rời VN vào tháng 11.1992. Lý do chính, hãng phim đang sản xuất 100 phim/ năm. Xoá bao cấp phim chỉ còn mươi mười lăm. Có năm chỉ chừng 5 phim, nên nhiều anh em đạo diễn quay phim còn phải đi bán vé tự phát hành phim Video ở các địa phương. (7)

Để tránh phải làm các công việc oái oăm ấy tôi trốn vào lớp chuyên tu ở ĐHSKĐA ở Mai Dịch cho tới cuối 1991, và còn làm rốn được một phim “Người nông dân & ruộng đất” (với danh nghiã quay phim). Năm 1992 làm được thêm hai phim: “Hà Nội có cầu Long Biên” (phim nhựa) và “Mặt gương Hồ Tây” (Betacam-Video) với danh nghĩa kịch bản và đạo diễn, trong khi nhiều anh tài chỉ tới hãng để ngồi gốc ngâu. (8)

Mãi tới năm 2006, sau 14 năm tha hương, tôi được gặp lại anh Thuỷ ở ngôi nhà mới của anh ở gần Bưởi. Đó là căn biệt thự do anh tự tay vẽ mẫu khá đẹp, anh mua đất và cất nhà. Ở đất thuộc làng hoa Vĩnh Phúc trước kia. Anh thủng thẳng nói, đời sống của gia đình anh thì được cải thiện hơn xưa nhiều nhưng vẫn buồn…. vì đời sống tinh thần nói chung vẫn chưa được như ý … cả cái sự nghiệp phim ảnh mà anh theo đuổi cả đời kia nó vẫn như giấc mơ trưa thoắt ẩn, thoắt hiện mà chưa được trọn vẹn bao giờ…

Anh lôi cả rượu Minh Mạng thang ra đãi tôi, anh khoe vừa hoàn thành xong cuốn “Nếu đi hết biển” phát hành tại Mỹ. Anh mang về được hàng trăm cuốn mà vẫn trót lọt, không gặp rắc rối gì … có lẽ do trời thương người có tâm…. để anh tặng riêng em một cuốn….. Nhưng tàn cuộc rượu thì tôi đi người không về, vì quên. Nhưng anh lại nhớ, anh cẩn thận, ký lưu niệm nhờ chị Hằng vợ anh gửi Vũ (9) mang tới nhà trước hôm tôi trở về Đức. Thiết nghĩ cái tình của người đàn anh, với một thằng đàn em vô danh là tôi, như thế có lẽ cũng qúi hoá và nhớ tới suốt đời.

Hôm nghe tin anh có tên trong danh sách đầu tiên, cùng 135 trí thức lớn của đất nước ở cả trong và ngoài nước kiến nghị với lãnh đạo nhà nước, chính phủ và quốc hội về khai thác Bauxite ở Tây Nguyên hôm 14.04.2009 trên trang webseite trannhuong.com, thì tôi mới có được địa chỉ E-mail của anh để thăm anh. Không giống như bao người xứ mình thời nay, nhận được thư, anh hồi âm tức thì, anh chia xẻ, cũng chẳng thạo vi tính là bao, chỉ vào mạng đọc thư và báo chí là chính thôi. Anh còn báo tin vui, sắp có chuyến đi Mỹ lần thứ 5, do các trường ĐH Hoa Kỳ mời, thật mừng cho anh.

Nhưng đọc tới đoạn sau thì lại hơi đượm buồn! Anh viết:

“Từ khi về hưu đến giờ, công việc không bao giờ ngừng nghỉ. Già rồi, năm nay 70 xuân, Lê Mạnh Thích, Phùng Ty, Tô Việt Hải, Ba tơ Liêu … ra đi 3, 4 năm rồi, đang chờ mình ở dưới đó.

Chúc vạn sự an lành.

Thủy ” (10)

Cám ơn người anh vẫn còn thương còn nhớ thằng đàn em khốn khó.

Đặc biệt nhớ tới những đồng nghiệp lam lũ, buồn, vui, yêu, ghét, kỷ niệm, gắn bó một thời. Tôi biết, anh cũng chẳng khoẻ mạnh. Vì trong người còn bị nhiều chứng bệnh, di chứng từ cái thời gian khổ nơi chiến trường xưa. Nhưng anh đã sống một cuộc đời nhân hậu, nên trời thương! Mặc dù anh đã phải chua chát tự nhận “quái” tự nhận “nghề làm phim là nghề hèn và mọn”

hay “Đ những bộ phim của mình đến được với công chúng, tôi đã phải lấy lòng người này, rồi đối phó, thậm chí lường gạt người kia…” (11)

Anh Trần văn Thuỷ, người biết mình còn chưa toàn mỹ chính là người toàn mỹ vậy!

Anh chính là người đàn anh trong nghề tử tế nhất mà tôi đã từng gặp trong đời.

Gocomay

___

(*) Anh Trần văn Thuỷ ĐD phim Chuyện tử tế.

(Xem ở đây: http://www.youtube.com/watch?v=zzpJ4GOPVWU)

(1) Phim Phản Bội đã được trao giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ VI ở TP HCM.

(2) Xem Hà Nội Trong Mắt Ai

(Xem ở đây: http://www.youtube.com/watch?v=GfT-U-4k1Vw)

(3) Thời điểm đó Tố Hữu là phó thủ tướng thường trực; Hoàng Tùng là Bí thư TW phụ trách Ban Tuyên giáo. Còn bên dưới Bùi Đình Hạc là người theo lệnh trên đì bộ phim nhiều nhất.

(4) Số nhà thì tôi không còn nhớ, nhưng nhà anh Thuỷ ở số 10 Hàng Bún thì tôi vẫn ghé thường xuyên.

(5) Dạo đó Tô Hoài là chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội ở 19 Hàng Buồm.

(6) Kết thúc LHP VN lần VIII, anh Thuỷ được một Bông Sen Vàng cho phim HNTMA còn tôi cũng được một giải đặc biệt cho phim LTĐH và một giải Bông Sen Bạc cho phim Dịch hạch.

(7) Hồi đó hãng phải tự bỏ vốn làm và tự phát hành phim truyện Video dựa theo tiểu thuyết “Bỉ vỏ” của Vũ Trọng Phụng.

(8) Ở đối diện phòng hành chính và cổng bảo vệ hãng xưa có mọc một khóm ngâu khá to, mọi người nhàn cư thường hay ngồi đó tán róc với nhau…

(9) Nguyễn Như Vũ, nhà quay phim kiêm đạo diễn ở hãng phim TLKH-TW

(10) Trích thư hồi âm của anh Thuỷ gửi PC hồi cuối tháng 4/2009 qua E-mail

(11) Bài: Đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy: “Làm phim tài liệu phải… quái một chút” Báo Pháp Luật TPHCM Online – 22-12-2007 23:18:09 GMT +7.

____________________

7 bình luận

  1. Em tiếc cho bác, và cho nền điện ảnh nước nhà. Nếu như trong một thể chế khác, thì có lẽ, bác Cường đã có tên tuổi ở các LHP sau lần đầu tiên ấy. Chính thể cộng sản ở VN đâu chỉ giết chết ngành điện ảnh, mà còn nhiều thứ khác nữa.

  2. Chào anh! “Chuyện tử tế” đem sang chiếu ở liên hoan phim Leipzig đã được ĐD Trần Văn Thủy kể tường tận trong cuốn sách “Chuyện đời của Thủy” rồi đấy anh ạ.

    • “Chuyện nghề của Thuỷ” tôi nghe đã phát hành và được độc giả khắp nơi đón nhận rất nồng nhiệt. Nhưng thú thực, tới giờ phút này tôi chưa được xem, nên mới viết thế. Đó là sự thiếu sót, xin mọi người bỏ qúa và bổ sung giúp cho. Đa tạ!

      Có một độc giả trên FB, đã bổ sung giúp như sau:
      “bác ấy đã bí mật gặp gỡ với tùy viên văn hóa ĐSQ Đức, rồi sau đó bác đi xe máy, ném thùng phim này vào 1 chiếc xe oto đang đỗ (nhưng mở cốp) ở phố Thụy Khê. Cạnh đó là tùy viên sứ quán Đức, đứng quay mặt đi chỗ khác, giả vờ ko nhìn thấy. Nhưng tình tiết cụ thể thì rất ly kỳ, như hoạt động tình báo. Việc này diễn ra khá lâu trc LH phim. Có cả sự giúp đỡ của cô bạn cùng học ngày trc.”

      Và tôi đã viết khi nhận được sự bổ sung trên như sau:
      “À ra thế. Hồi đầu 2006, lên thăm anh Thủy tại nhà riêng ở gần Bưởi, tôi có hỏi chuyện này, anh Thủy chỉ cười mà không nói gì. Cho dù, người giúp anh Thủy ở ĐSQ Đức (Thời DDR – Đông Đức) cũng không còn bị hệ lụy gì nữa sau khi nước Đức thống nhất. Chắc anh muốn giành bất ngờ cho tất cả mọi người… nên mới giữ kín để đưa vào cuốn “Chuyện nghề của Thủy” vừa ra mắt độc giả chăng?”

      Như vậy, việc thiếu sót này đã có câu trả lời. Xin chép lại đây thay cho lời đính chính mà lúc viết entry trên tôi còn chưa tỏ!…

  3. […] Chuyện Liên hoan phim quốc tế, bây giờ mới kể! […]

  4. Nhà gần xưởng phim chuyện Việt Nam! Mình cũng mê xem các thể loại nhất lả sau giải phóng, phim chưởng thì vô kể còn ( HN T M A) thì xem khi duyệt phim xem dong cứ nao nao . Quá hay luôn cám ơn gocomay

  5. […] tia hy vọng của điện ảnh Viêt Nam (RFI). – Làm phim từ chuyện có thật (NLĐ). – Chuyện Liên hoan phim quốc tế, bây giờ mới kể! (Gocomay). – Tôi chứng kiến… (Vũ Nho). – Nhà Phong Thủy nổi tiếng Hàn Quốc sau […]

Bình luận về bài viết này

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ