784 – Đừng “bốc xôi làng”, oản chuối cho người đã khuất!

Danh0 hài Văn Hiệp, người với nửa thế kỷ gắn bó với  sân khấu, điện ảnh và truyền hình.

Danh hài Văn Hiệp, người với nửa thế kỷ gắn bó với sân khấu, điện ảnh và truyền hình.

Dư luận đang tiếc thương sự ra đi đột ngột của “bác trưởng thôn” – Văn Hiệp chưa ngớt thì lại rộ lên chuyện tranh cãi có nên vận động rầm rộ xin chữ ký trong đám tang như vậy để xin Chủ tịch nước phong danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) cho bác Hiệp hay không? (Xem ở đây)

Trên một tờ báo mạng của quốc doanh đang có cuộc thăm dò ý kiến:  Theo bạn, các nghệ sĩ có cần thiết vận động phong tặng danh hiệu NSUT cho diễn viên Văn Hiệp?

Tới giờ phút này (22 giờ 30 phút, ngày 13/4/2013), số người hưởng ứng với câu hỏi: Có danh hiệu hay không thì bác (Văn Hiệp) vẫn là người nghệ sỹ sống trong lòng dân là được nhiều ý kiến hưởng ứng nhất (chiếm 61,23%). Trong khi đó 2 câu hỏi khác là: Người chết rồi còn phong tặng làm chi. Hãy để bác ấy yên nghỉ (đạt 19,66 %). Và câu: Cần thiết chứ. Muộn còn hơn không (chỉ đạt 18,10 %). Những người hăng hái nhất nêu ý tưởng đề nghị nhà nước truy tặng danh hiệu nghệ sỹ cho diễn viên Văn Hiệp là các Đạo diễn-NSND Doãn Hoàng Giang; Đạo diễn-NSND Khải Hưng và Diễn viên-NSƯT Minh Vượng (Minh Vượng đề nghị truy tăng danh hiệu NSND). Ngay trong đám tang, NSND Khải Hưng đã vận động hơn 150 nghệ sĩ ngoài Bắc cùng kí đơn đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho danh hài Văn Hiệp. Nhiều nghệ sĩ không có mặt tại đám tang cũng bày tỏ nguyện vọng được cùng tham gia ký đơn. (Xem ở đây)

Các nghệ sĩ đã đồng loạt kí tên trong đám tang của nghệ sĩ Văn Hiệp. Ảnh: BK

Các nghệ sĩ đã đồng loạt kí tên trong đám tang của nghệ sĩ Văn Hiệp. Ảnh: BK

Như vậy theo nhận định của tôi, nếu cơ chế xin cho (“bốc xôi làng”) vẫn tiếp diễn thì lời thỉnh cầu (đơn xin) của các nghệ sỹ cho “bác trưởng thôn”-Văn Hiệp danh hiệu NSƯT chắc như cua gạch vào đợt phong danh hiệu đợt tới (khoảng 2017) là miễn bàn.

Mặc dù vậy dư luận thì vẫn cứ băn khoăn. Như câu hỏi và câu cảm thán: Chuối oản để ai xơi?Đừng xin danh hiệu cho Văn Hiệp!Hãy để cho diễn viên Văn Hiệp yên! hay Đã đến lúc chúng ta để cho “bác trưởng thôn” yên nghỉ!

Nhưng sự đời thật trớ trêu. Bởi theo ngôn ngữ của hài kịch sẽ có người gắt nhặng lên và bảo: vớ vẩn nghỉ là nghỉ thế nào. Chuối oản hay danh hiệu bác Văn Hiệp không cần thì người sống cần. Nhà nước bỏ ra có mươi triệu mà lại được tiếng thơm là quan tâm là chăm lo từ người sống tới người chết như vậy thì cho dù bác ý không muốn cũng phải dựng bác dậy động viên bác sắm cho xong vai diễn còn dang dở. Để hoàn thành xứ mạng vẻ vang của người nghệ sỹ – văn công của xứ sở có “chỉ số hạnh phúc đứng thứ hai thế giới” chứ?!

Nghệ sỹ Văn Hiệp và cây điếu cày đồng hành trong nhiều vai diễn...

Nghệ sỹ Văn Hiệp và cây điếu cày trong nhiều vai diễn…

Mặc dù vậy, “bác trưởng thôn” đáng mến nhà ta không phải lúc nào cũng giành được cảm tình của tất cả mọi người. Như câu chuyện anh bạn hàng xóm của tôi (đang ở Đức) kể chẳng hạn. Anh nói, một dạo không cuối tuần nào là hai ông diễn viên (có nét mặt khắc khổ giống nhau) là Văn Hiệp và Trần Hạnh là không xuất hiện trên VTV4. Nhưng cứ mỗi khi động viên con cái xem chương trình VTV4 cuối tuần để cho các cháu gắn bó với quê hương và trau dồi thêm tiếng Việt… mà thấy hai ông Hiệp và Hạnh xuất hiện trên sóng là chúng lại rú lên và đòi tắt tivi ngay. Gặng hỏi, chúng bảo tại sao lại bắt chúng xem những ông già có những hàm răng khấp khểnh (do từ bé không kẹp) và đen đúa (do hút thuốc lào nhiều) xấu xí thế không biết. Anh ta đã đem chuyện này phản ảnh với một vị cán bộ cao cấp ở Ban Tuyên giáo của nhà nước mà anh ta gặp tình cờ và quen trong một tua du lịch ở Berlin. Sau đợt đó không lâu, cả hai bác Văn Hiệp và Trần Hạnh không còn thường xuyên lên sóng như trước nữa. Anh hàng xóm khoái chí và khoe với tôi “tiếng kêu (của anh ta) đã thấu tới trời”. Song tôi nghĩ, không hẳn là như vậy. Chương trình “Gặp nhau cuối tuần” do Đạo diễn tài ba Khải Hưng và cộng sự khởi xướng đã cạnh khoé (“chạm nọc”) tới nhiều chức sắc vai vế trong guồng máy. Nên bị dẹp. Cũng như các chương trình hài táo quân phát vào đêm giao thừa hàng năm thường được nhiều người đón xem. Nên thời gian qua thường bị xăm soi xét nét nhiều về các tình tiết và lời thoại phạm ”húy kỵ”. Chứ không phải ở vài cái ngoại hình “phản cảm” của các vai diễn. Đó cũng chính là lý do lý giải cho việc các diễn viên hài nổi tiếng như “bác trưởng thôn”, ở cái tuổi 72, sau cả nửa thế kỷ làm diễn viên ông vẫn chưa được nhận một danh hiệu nào chỉ vì ông không có đủ huân chương, giải thưởng để được xét duyệt (Tham khảo thêm ở đây). Cùng lứa diễn viên khóa 1 trường Sân khấu Mai dịch với ông, các bạn bè đồng môn như Doãn Hoàng Giang; Trọng Khôi; Đoàn Dũng; Trần Tiến; Thế Anh… tất cả đã nhận danh hiệu NSND từ tám hoánh rồi.

Tôi cũng không chăm xem các chương trình hài kịch lắm. Nhưng tối qua, nhân sự kiện đang nóng này, tôi tìm và xem bằng được cả hai tập Video hài xuân 2013: “Cụ tổ hiển linh” của (chú học trò cũ của tôi) nhà đạo diễn đang nổi Phạm Đông Hồng * (Xem dưới đây!)

Xem xong 2 tập Video trên tôi đã bị mất ngủ và thương cho người diễn viên Văn Hiệp tài hoa mà đa truân.

Ở tác phẩm cuối cùng này. Ông đã trút hết cái “tinh anh phát tiết ra ngoài” mà người con trai ông gọi là “chuyến gánh gồng sau chót”. Để sau đó “gục ngã” và… từ từ đi mãi vào cõi vĩnh hằng. Tôi đánh giá với vai diễn để đời này, khán giả của màn ảnh nhỏ đã gắn danh hiệu nghệ sỹ của nhân dân cao qúi nhất cho nghệ sỹ rồi. Không có thứ danh hiệu (theo cơ chế xin cho) nào sánh kịp được nữa.

Không biết có ai đặt câu hỏi, tại sao Văn Hiệp lại không làm đơn và chưa bao giờ có ý định cậy cục để giành cho được một danh hiệu mà với người khác có khi phải đơn từ xin xỏ tới hai ba lần. Như trường hợp hai diễn viên Tố Uyên và Đức Lưu là ví dụ. Cả hai đều thành danh với các vai diễn để đời trong Con chim vành khuyên và Làng Vũ Đại ngày ấy. Nhưng cả hai đã phải làm đơn đến 2, 3 lần mới đậu NSƯT!

Nghệ sỹ Tố Uyên đã thành danh trong "Con chim vành khuyên" từ đầu thập niên 1960.

Nghệ sỹ Tố Uyên đã thành danh trong “Con chim vành khuyên” từ đầu thập niên 1960.

Cũng không biết đằng nào. Trên cho thì được mà không cho thì cũng đành chịu chứ biết làm thế nào. Phận mình mỏng thì đành vậy thôi”. Đó là sự trải lòng của nghệ sỹ Tố Uyên trả lời báo giới lý do tại sao các lần làm hồ sơ trước bị bác đơn. (Xem ở đây!)

Cái lý do được anh Khải Hưng đưa ra rằng: “Thủ tục vẫn là thủ tục bởi nếu không có nó chúng ta sẽ rơi vào tranh luận, sa lầy không đúng nguyên tắc. Thực tế anh Văn Hiệp không ở đoàn thể nào nên rất thiệt thòi. Anh ấy từ Nhà hát Kịch đi ra, là diễn viên tự do, không  tham gia vở diễn gì mà dự hội diễn để có huy chương mà theo đúng luật, có huy chương thì mới được xét danh hiệu nghệ sĩ.”

“… Văn Hiệp rất oan dù anh ấy xứng đáng được trân trọng. Vì anh ấy không đóng vai chính kịch nên không có huy chương nhưng điều lớn nhất là những vai diễn của Văn Hiệp đi vào lòng người. Văn Hiệp rất xứng đáng là nghệ sĩ của nhân dân”

Theo tôi, lý do “anh Văn Hiệp không ở đoàn thể nào” là không có sức thuyết phục. Chả nhẽ nghệ sỹ Văn Hiệp không phải là hội viên của Hội Nghệ sỹ Sân khấu (hay Hội Điện ảnh nơi anh Khải Hưng đã từng là Phó chủ tịch hội)?

Chẳng qua “bác trưởng thôn” nhà ta thấy cảnh bon chen “Trên cho thì được mà không cho thì cũng đành” thành ra ái ngại mà chẳng hứng thú đơn từ xin xỏ. Cũng như trong cuộc sống gia đình, nghệ sỹ Văn Hiệp quên bản thân mình để cả đời dành dụm cho vợ cho con như lời đạo diễn Khải Hưng nhận xét chính là nét son chấp nhận hy sinh vì người khác của ông.

Bà Văn Dung khóc ngất trong đám tang chồng (9/4/2013).

Bà Văn Dung khóc ngất trong đám tang chồng (11/4/2013).

Song cực đoan như mô tả “Có lần đi nước ngoài với anh Văn Hiệp, anh ấy đã rút đến đồng xu cuối cùng để đưa cho vợ cho con, đến mức anh ấy không còn có đủ tiền để mà về nữa…”. Như lời Khải Hưng nói (ở đây) thì chưa hẳn đã đúng. Vì ở nước ngoài nào thì tôi không biết. Chứ ở nước Đức, xã hội Đức đã không bao giờ để cho một con người (dù là người tỵ nạn không có giấy tờ cư trú) bị đói, khát và lúc đau ốm không được chăm sóc y tế. Khiến bác Văn Hiệp phải cơ cực mà vét đến “đồng xu cuối cùng để đưa cho vợ con” như thế? Nhất là vợ bác Hiệp (bác Văn Dung năm nay đã 68 tuổi) đã hội nhập lâu ở nước Đức (từ thời Đông Đức) cho tới bây giờ. Thời gian sống ở Đức còn dài hơn sống ở Việt Nam.

Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Không nằm trong chăn mà đưa ra nhận xét võ đoán về gia cảnh nhà khác như câu: “Gặp phải những đứa con mà tôi cho là không mẫu mực, một người vợ cũng không mẫu mực nhưng mà ông (Văn Hiệp) vẫn hết lòng” là không nên chút nào. Đây có lẽ là bài học cho cả báo giới nữa. Đi sâu vào khai thác những bất cập của gia cảnh nhà người ta (mà nhà nào chả có) để tạo thứ sìcandan (giả) để câu khách là không lương thiện. Như lời thọc mạch của một tờ báo dẫn lời (?) của người con trai lớn của bác Văn Hiệp sau đây:

“Tôi chẳng nhớ nhiều những kí ức ngày ấu thơ, khi mẹ đi xuất khẩu lao động sang Đức, để lại bố cảnh gà trống nuôi con vò võ. Mẹ đi rồi không về nữa, chẳng phải vì có một bờ vai khác cho mẹ dựa vào, hay cũng chẳng rõ vì sao nữa, nhưng từ ấy, hai anh em cảm nhận rõ một sự nứt vỡ chẳng bao giờ có thể hàn gắn…” (Ở đây)

Bức thư bà Văn Dung viết trong cuốn album để lại cho ông Văn Hiệp.

Thư bà Văn Dung viết trong album để lại cho ông Văn Hiệp.

Ta sẽ nghĩ gì, khi nghe chính người trong cuộc (Bà Văn thị Kim Dung – vợ nghệ sỹ Văn Hiệp) lại phải đính chính trong nước mắt thế này:

“Bọn tôi đã yêu nhau như vậy suốt 10 năm qua những cánh thư. Thế mà không hiểu sao có những tờ báo lại viết rằng tôi bỏ chồng bỏ con, bỏ nhà ra đi. Rồi cả chuyện anh ấy hút thuốc lào nữa, mình và các con đều không thích bởi nó hôi và ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng có báo lại bảo tôi yêu qua chiếc điếu cày, chả hiểu nổi”. (Ở đây)

Bởi thế, đa số ý kiến đã rất có lý. Khi cho rằng, Có danh hiệu hay không thì bác cũng vẫn là người nghệ sĩ sống trong lòng nhân dân!

Tôn trọng ý nguyện của “bác trưởng thôn”-Văn Hiệp lúc còn sống (đã không màng danh lợi), hãy để cho bác nơi chín suối cũng như những người thân của bác còn sống trên dương gian này được yên. Là cách tốt nhất đem lại chút phân ưu tưởng nhớ, tiếc thương người qúa cố vậy. Đừng “bốc xôi làng”, oản chuối cho người đã khuất nữa.

Người đang viết những dòng này. Cũng một thời ngang dọc và say mê cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Nay đã rửa tay gác kiếm rồi. Nên càng cảm thông với hoàn cảnh của nghệ sỹ Văn Hiệp. Những nỗ lực cống hiến cho đời thì đã xong. Phần ghi (hay phủ) nhận công lao là việc của những người đang sống!

Như câu thơ cổ:

Nhạn qúa trường không bóng trầm hàm thủy

Nhạn vô lưu tích chi ý

Thuỷ vô lưu ảnh chi tâm

Những lưu ảnh đẹp của “bác trường thôn”-Văn Hiệp vẫn sẽ còn mãi trong mai hậu!

Gocomay

___

* PS: Trong 2 năm 1986 – 1987, tôi có nhận 3 học trò khoa Quay phim ở Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội (Mai dịch) về làm luận án phim tốt nghiệp (thông qua 3 bộ phim tôi làm ở Hãng phim Tài liệu – Khoa học T.W.). Sau đó, cả 3 đều đã được nhận bằng tốt nghiệp. Nhưng người có công dẫn dắt các em (trong đó có Phạm Đông Hồng- Đạo diễn bộ phim cuối cùng có bác Văn Hiệp đóng vai chính) thì có lẽ chẳng ai còn nhớ tới nữa…

Phạm Đông Hồng ngồi kế bên Gocomay từ phải sang. (Kiên Giang 1987, khi hòn phụ vẫn còn)

Phạm Đông Hồng ngồi kế bên Gocomay từ phải sang. (Kiên Giang 1987, khi hòn phụ còn)

___________________

6 bình luận

  1. Tôn trọng ý nguyện của “bác trưởng thôn”-Văn Hiệp lúc còn sống (đã không màng danh lợi), hãy để cho bác nơi chín suối cũng như những người thân của bác còn sống trên dương gian này được yên. Là cách tốt nhất đem lại chút phân ưu tưởng nhớ, tiếc thương người qúa cố vậy. Đừng “bốc xôi làng!, oản chuối cho người đã khuất nữa.
    Em đồng ý với bác ở đoạn như là kết này; Văn Hiệp đã có lòng tự trọng nên không xin xỏ, nếu các vị thấy Văn Hiệp xứng đáng, thì tại sao trong lúc Văn Hiệp đang sống các vị không làm đơn đề nghị thay vì Văn Hiệp viết đơn.

  2. […] sĩ Văn Hiệp không cần ‘xin danh hiệu’ (VNE).  – Đừng “bốc xôi làng”, oản chuối cho người đã khuất! (Gocomay).  – Tản mạn một chút buồn vui (Quê […]

  3. […] sĩ Văn Hiệp không cần ‘xin danh hiệu’ (VNE).  – Đừng “bốc xôi làng”, oản chuối cho người đã khuất! (Gocomay).  – Tản mạn một chút buồn vui (Quê […]

  4. […] (Bùi Văn Phú). – Nghệ sĩ Văn Hiệp không cần ‘xin danh hiệu’ (VNE). – Đừng “bốc xôi làng”, oản chuối cho người đã khuất! (Gocomay). – Tản mạn một chút buồn vui (Quê Choa). – Trò chuyện cùng GS. Cao […]

  5. […] sĩ Văn Hiệp không cần ‘xin danh hiệu’ (VNE).  – Đừng “bốc xôi làng”, oản chuối cho người đã khuất! (Gocomay).  – Tản mạn một chút buồn vui (Quê […]

Bình luận về bài viết này

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ