673 – Quê tôi xứ Đoài mây trắng lắm! (1)

1091664053_18d6847e75_o

Có nhiều bạn thân sơ của tôi cứ thắc mắc cái tên Gocomay (Gò cỏ may) của chủ blog có ý nghiã gì? Vì không hiểu được ngọn nguồn của cái tên ấy nên có người còn nhầm với Hoa cỏ may, Gốc cỏ may, Góc cỏ may… một cách tùm lum. Sự nhầm ấy không phải lúc nào cũng gây ra sự khó chịu hay bực mình. Trái lại nhờ có sự nhầm lẫn mà chủ blog Gocomay còn có thêm những người bạn rất chí tình. Rồi trở nên thân thiết vô cùng. Cho dù chưa bao giờ giáp mặt.

Thú thật từ ngày dính với cái tang bờ lốc bờ leo này, vui, háo hức, bận rộn và có khi còn có cả những hệ luỵ không đáng có nữa. Thấy có người mở web hay blog còn ra cả tuyên ngôn này nọ nghe ghê gớm qúa. Còn mình chỉ nghĩ đó là cõi riêng của mình, ai dỗi hơi mà xía vào làm gì. Nhưng sự thể không toàn toàn như vậy, khi blog cá nhân mà để mở, bất cứ ai cũng có thể vào coi. Chả nhẽ cách bày tỏ trong blog cá nhân cũng cứ phải chỉn chu (máy móc) như báo đài của đảng và nhà nước. Như thế có khác chi trong vườn hoa chỉ tinh trồng mỗi loại hoa, như cúc vạn thọ chẳng hạn? Văn là người, sự đóng góp của các blogger trong vườn hoa chữ nghiã đa hương sắc là vô cùng quan trọng và không ai có thể phủ nhận. Sự giao lưu học hỏi giữa những cây bút (nhà văn nhà báo chuyên nghiệp) và những cây viết tay ngang, các blogger nghiệp dư là vô cùng cần thiết và qúi giá. Nó sẽ làm giàu có thêm không chỉ kinh nghiệm mà cả chất liệu, vốn sống để cùng tiến tới mục tiêu mở mang cái vườn chữ nghiã qúi báu của dân tộc mình.

Với tiêu chí ấy chủ blog xin gửi tới bà con quê hương của GCM nói riêng cùng thân hữu ở mọi nơi nói chung bài viết (gọi là hồi ức, hay hồi ký gì cũng được) đã khởi viết cách đây ngót 6 năm. Nay chỉnh sửa lại vài số liệu cho phù hợp. Gọi là chút lưu bút kỷ niệm về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đang trong qúa trình dâu bể chuyển đổi từ làng lên phố. Nay bạn bè cùng lứa với GCM vài chục nhân mạng kẻ còn người mất. Với ngót chục xuất, dù chết trận hay chết bệnh thì cũng là đã khuất. Cầu mong cho họ luôn được an nhàn nơi Phật quốc. Cầu cho những người đang sống luôn an lạc và hạnh phúc!

P1060851.JPG

Gocomay và anh Diễm người làng Phúc Lý (làng bên)

Gò cỏ may (1)

(Thân tặng những con dân Lai xá còn nặng lòng với quê hương!)

Ốc đồng Sai

Trai đồng Bàn

Lang Đình lỗ

Đỗ Bờ re

Mè ao Rộc

             (Ca dao cổ làng Lai)  

Khu gò đống tự nhiên nằm giữa vùng đầm lầy của xứ Đoài mây trắng ấy từ bao lâu rồi?

Tương truyền, đây là xứ sở chỉ loài cỏ lông may ngự trị. Rồi mấy căn nhà lá cuả dân tứ chiếng từ đâu tới. Đám người tha phương tứ xứ trôi dạt về nơi gò đống mò cua bắt ốc qua ngày…

Vào năm Lý Chiêu Hoàng, vợ Trần Cảnh không sinh nở được. Trần Thủ Độ lo cho cơ nghiệp nhà Trần mới dựng không có người kế nghiệp đã bằng thế lực ép vợ An Sinh Vương Trần Liễu, đang có mang, cho người em ruột đang trị vì. Trần Liễu mang hận. Một dịp về Lai Xá, thấy cuộc đất tựa con cá chép lớn như đang nổi lên trong đầm nước mênh mông, Liễu xem là đất có thể dụng binh bèn kéo quân từ Thăng long về, trụ lại đó muốn lập kế lâu dài chống lại Trần Thủ Độ.

Lai Xá thay da đổi thịt từ đấy. Với chủ tâm của Liễu, nơi gò đống hoang toàng xưa, giờ đài cao, đồn lũy và con người quần tụ, hình thành một quần cư mới.

Cuộc “cuộc nồi da sáo thịt” giữa Trần Liễu và Trần Thủ Độ chưa phân thắng bại thì đạo quân viễn chinh hùng mạnh hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn từ phương Bắc tràn tới xâm lấn biên ải. Trước sự tồn vong của nhà Trần, của dân tộc, anh em nhà Trần tạm hoà hoãn để lo việc chống giặc ngoại xâm. Trần Liễu tự giải giáp quân binh về Thăng long thần phục triều đình.

Mặc dù vậy An Sinh Vương vẫn chưa quên thù xưa. Trước lúc lâm chung cho gọi Quốc Tuấn tới, dặn con phải rửa mối hận cho mình. Quốc Tuấn thương yêu cha nhất mực, hứa sẽ tuân theo lời dặn cuả người. Liễu mất, Quốc Tuấn chưa báo hiếu được cho cha thì cả đời ông ba lần giặc Mông cổ kéo sang giầy xéo non sông. Trần Quốc Tuấn lấy trọng trách với nước làm đầu, gạt bỏ tình riêng, ba lần giúp vua tôi nhà Trần đánh bại quân Nguyên Mông hung tàn trở thành đại vương Trần Hưng Đạo mãi mãi được ghi vào sử sách.

Lại nói về Trần Liễu, những năm cuối đời, ông thoát tục về chùa Sai, ngôi chùa lâu đời trên cánh đồng làng Lai tu, ẩn. Ông sống thanh tao, kê đơn bốc thuốc làm phúc và giúp dân làng ngăn chặn được nhiều dịch bệnh đang hoành hành khắp cả vùng rộng lớn châu thổ sông Hồng thời bấy giờ. Sau khi ông qua đời, dân Lai xá ghi nhớ công đức vun tạo và cứu rỗi mảnh đất làng, đã cho hưng công xây ngôi đình lớn giữa làng làm nơi thờ đức thánh An Sinh Vương Trần Liễu, gọi nôm là đình Đụn. Các bậc tiên lão trong làng, truyền cho muôn đời con cháu lấy ngày đầu tiên ngài đặt chân tới làng, nhằm đúng rằm tháng hai âm lịch hàng năm là ngày lễ tưởng niệm, ngày Hội cuả làng. Lệ làng từ đó, kiêng húy kỵ nghiêm ngặt – phàm bất cứ từ nào liên quan tới ngài thì đều phải tránh! Chữ Liễu phải gọi chệch thành Lão, không ai được đặt cho con cháu mới sinh tên là Liễu hay Lão.

P1060849.JPG

Chùa Sai làng Lai Xá – Nơi An Sinh Vương Trần Liễu đã tu ở đây

Chuyện kể rằng, sinh thời ngài có con chiến mã yêu qúi lông màu tuyết hồng. Khi ngài mất dân làng tỏ lòng kính trọng, mọi nhà không nuôi trâu trắng nữa vì có màu trùng với màu lông con ngựa của đức thánh. Ngay cả các chữ “hồng” (màu da chiến mã) phải gọi chệch thành hường. Lại “cái cuốc” tuởng như chẳng liên hệ gì tới húy kỵ nhưng vì phát âm cuả nó giống chữ Quốc là tên đệm của đức thánh Trần cũng phải đổi thành “cái cúc” v. v…

*

*           *

Lai Xá tiếng Hán có nghĩa “cỏ may”. Thế đất qúi “hình con cá chép” trồi  lên giữa vùng đồng nước rộng lớn như một đồn lũy tự nhiên, rất tiện cho phòng ngự. Lại thêm lớp lớp hào luỹ, ao đầm ken dầy ôm kín lấy khu dân cư. Làng có hai cổng. Cổng Ngoài nhìn ra hướng chính Đông, còn Cổng Trong quay về hướng chính Tây. Nối hai cổng bằng con đường lớn ngoằn nghèo, lát gạch Bát tràng xếp nghiêng, có bốn điếm tuần canh, chia đều trên mỗi chặng. Mỗi khi có động, hai cổng làng đóng chặt, các điếm canh nổi hiệu trống mõ, trai đinh trong làng vũ trang, gậy gộc cung nỏ, giáo mác chiếm giữ các điểm xung yếu và trấn chặt hai đầu cổng làng thì kẻ lạ, giặc giã bên ngoài không thể xâm nhập được. Đất làng thế vậy nên phải chăng con người tại đó cũng thiên về võ biền cơ bắp. Lai Xá trước kia vài trăm năm không có một ai đỗ đạt cao, dẫu là vùng đất cung cấp người, của cho bao cuộc chống ngoại xâm qua nhiều thăng trầm biến loạn. Có lẽ ấm ức nỗi ấy, hòng mong đất làng phát tích về đường văn, các cụ bèn cho xây Văn chỉ, nằm chếch không xa phía tả thanh long ngôi đình Đụn giữa làng. Đầu cổng ngoài, nơi nhìn về Thăng Long, phía đối diện cho xây bức bình phong khá lớn chắn gió hàn, ngay bên cạnh gốc đa và giếng nước. Kế cận bức bình phong là bệ thờ đài nghiên, lại đào ao “chùa” tụ thuỷ. Ao hình nghiên mực ôm bọc lấy cây đa và toàn bộ di tích, trông rất ngoạn mục. Chếch mé trái Cổng Ngoài, là con đường từ làng ra Kinh kỳ, tạo hình dáng hay nét phác của bút lông mềm mại. Ngã ba đầu đường lại có “ông chó đá” ngồi chễm chệ uy nghiêm nhìn dọc theo con đuờng chấn yểm khí tà. Mũi bút (bút lông) thì vươn về phía Thăng long ngàn năm văn hiến. Tất cả hàm ý khuyến học, chú ý việc văn, mong con cháu sau này, không chỉ trọng việc võ, con đường “văn” tiến thẳng về Kinh Đô?!

ap_20100119104750251.jpg

Di tích đài nghiên ở cổng làng bây giờ (2006) chỉ còn lại mỗi bát hương đá nằm lăn lóc ven đường như thế này…

Không biết có phải nhờ tấm lòng thành, mong ước qua việc trên đã cảm được cả đất trời? mà con đường học vấn của Lai Xá cũng đã có những tiến triển rõ nét. Như thời Pháp thuộc, danh nhân văn hóa, trí thức tầm cỡ Quốc gia thời đó sinh ra từ gò cỏ may Lai xá phải kể đến danh hoạ nổi tiếng Nam Sơn, một nguời đồng sáng lập nên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cái nôi của nền hội họa đương đại VN hôm nay.

Lứa chúng tôi, mặc dù sống tại làng thật nhưng chưa bao giờ nghe thấy cái tên Nam Sơn xa lạ này. Vào năm 1982 ấy, khi đi quay bộ phim “tranh sơn mài” cho đạo diễn – NSND Lương Đức, tôi có tới bảo tàng Mỹ thuật ở sau Giám, cũng tới tận nhà các họa sỹ sơn mài nổi tiếng như Hoàng Tích Trù, Lê Quốc Lộc và Trần Văn Cẩn. Tại nhà riêng của cụ Cẩn, phố Nguyễn Thượng Hiền, cố họa sỹ đã có tâm sự với tôi: “đúng là không thầy đố mày làm nên thật anh ạ! Nếu không có các bậc thầy hết lòng vì nghề vì trò như danh họa Nam Sơn chẳng hạn thì làm sao tôi có cái vinh hạnh được liệt kê vào bộ tứ: nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn, để thiên hạ suy tôn và để các anh quay phim về tranh của anh em chúng tôi thế này?”.

Trong số những trí thức lớn tham gia Chính phủ Lâm thời từ rất sớm, có giáo sư Nguyễn Văn Huyên, người làng Lai, lớp trí thức Tây học đầu tiên cuả Việt nam ta nhận bằng tiến sĩ về Dân tộc học xuất sắc tại đại học Sorborne bên Pháp từ năm 26 tuổi. Chàng thanh niên gốc gác nghèo khó Nguyễn Văn Huyên từ chối mọi ưu đãi của nước Pháp để về lại quê hương dạy học và nghiên cứu khoa học. Những công trình đồ sộ của ông về nhân chủng và dân tộc học xuất bản bằng tiếng Pháp từ hơn 60 năm trước, gần đây được dịch ra Việt ngữ còn mang tính cập nhật rất cao trong đời sống ngày hôm nay. Từ năm 1946, ông Huyên làm bộ trưởng bộ Quốc gia Giáo dục – sau này là Bộ Giáo dục suốt ngót 30 năm. Là người được đánh giá cao trong công cuộc “diệt giặc dốt” do Hồ Chủ tịch phát động sau Cách Mạng Tháng Tám.

Cũng ở Lai Xá, trong đám thảo dân, tới cuối thế kỷ 19, có ông Nguyễn Đình Khánh được các nhà sử học đánh giá là một trong ba người đầu tiên có công sớm đưa nghề Nhiếp ảnh vào truyền bá rộng rãi ở nước ta. Ông Đình Khánh mở hiệu ảnh Khánh Ký từ năm 1892 ở chợ Hàng Da, chỗ rạp Hồng Hà bây giờ. Ông là bậc tiền bối đã đào tạo được một đội ngũ thợ ảnh chuyên môn tài giỏi có tới hàng trăm người từ làng mà lan tỏa khắp nước. Những năm đầu thế kỷ 20, chỉ tính riêng người làng Lai, tại Hà nội có tới 33 hiệu ảnh; Sài gòn 34 hiệu. Ông Khánh Ký còn Tây du Pháp Quốc mở hiệu ảnh Khánh Ký tại kinh đô ánh sáng Paris. Những năm đầu sinh sống tại Pháp, anh Ba – Nguyễn Ái Quốc, người sau nay khai sinh ra nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà cũng đã học nghề ảnh tại địa chỉ này.

Cụ Khánh Ký tham gia tích cực phong trào Đông Kinh Nghiã Thục, là bạn với cụ Phan Chu Trinh từ trong nước. Tại Pháp, nơi đất khách quê người, gặp lại cố nhân, các cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Đình Khánh như là bộ ba “Xe – Pháo – Mã” (?), vừa là bạn bè làm ăn, vừa là bạn tranh đấu nhằm mục đích canh tân quang phục quê hương.

Cụ Khánh Ký không nhiều chữ, không đỗ đạt, không tài hùng biện lẫy lừng như hai cụ Phan. Nhưng dưới con mắt đánh giá cuả Pháp thì con người cụ có lẽ cũng nguy hiểm cho sự trở lại cuả họ tại Đông Dương sau đệ nhị thế chiến nên Thực dân Pháp đã ra tay, năm 1946 cho người ám toán cụ Khánh.

Cái tin cụ Khánh bị nguời ta hãm hại ấy thực ra cũng chỉ là lời xì xầm to nhỏ của nhiều người trong làng mà tôi từng được nghe. Chứ thực hư thế nào thì chưa có tài liệu chính thống nào kiểm chứng. Mãi sau này, vào mùa hè năm 1979, khi tôi đi tìm tài liệu quay bộ phim Tài liệu “Quê hương Bác Hồ” cùng với nhà quay phim kiêm đạo diễn nổi tiếng Nguyễn như Ái, tôi có buổi trò chuyện hiếm hoi với nhà nhiếp ảnh Vũ đình Hồng, xuất thân từ Lai xá, người có vinh dự nhiều năm sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, để chụp ảnh tư liệu về Bác, tôi vẫn gọi “chú Toan” như tên thời còn sống ở làng, ông lấy bà dì họ tôi, dì Niệm, nhà Hà nội ở số 3 Đường Trần Phú. Lần đó chú Toan ghé tai tôi nói nhỏ: “Thời chân ướt chân ráo Bác tới Pháp, từ hồi trước đệ nhất thế chiến ấy, để có thêm thu nhập Bác cũng từng làm nghề chấm ảnh như nghề của bố cháu ấy, ở hiệu ảnh cụ Khánh Ký làng ta ở Paris… … tới đầu năm 1946, Bác sang Pháp thì được tin sét đánh, cụ Khánh đã mất, người thầy dạy nghề ảnh, người ân nhân cũ không còn. Trước nấm mồ còn tươi màu đất, Bác không cầm được nước mắt, ngả mũ cúi khá lâu, như hứa hẹn với cụ Khánh và các bậc tiền nhân hết lòng vì độc lập tự do của tổ quốc, dân tộc để không làm hổ thẹn với anh linh các cụ nơi chín suối!” 

02_8.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh thắp hương viếng cụ Nguyễn Đình Khánh ở Paris -1946 – Nguồn: vapa.org.vn

Lời nói và những việc làm như thế cuả cụ Hồ, đã có tác động tích cực lôi kéo biết bao trí thức lớn Việt Kiều trở về đóng góp cho công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước những năm sau này.

Vào một mùa hè, có lẽ đã cách bây giờ tới 20 năm có lẻ, trong dịp đi làm phim Video truyền thống 45 năm cho trường Đại học Giao Thông Vận Tải Hà nội, khi vào TP Hồ Chí Minh quay phim, tôi có ghé thăm ngôi nhà thờ do người làng Lai sinh sống tại Sài Gòn lập ra mang tên “Hội Tương Tế Lai xá” ở bên kia cầu Bông quận Nhất. Tôi nhìn thấy trên ban thờ có một lọ đựng tro cốt có dòng chữ:

Cụ

Nguyễn Đình Khánh tức Khánh Ký

Sinh: Năm Giáp Tuất-1874

mất: Năm Bính Tuất-1946….

Bên cạnh còn có di ảnh cụ Khánh, loang lổ, mối xông. Ngước mắt lên nóc nhà, thấy rui mè cái mục, cái gãy, ngói xô dạt nhiều chỗ. Tôi hỏi bà già trông coi: “làm sao mà lại có các thứ này?”, trả lời: “người con trai cụ là Nguyễn Văn Quang, hiện còn sống bên Paris. Ông ấy phải vất vả lắm mới làm xong được các thủ tục khắt khe ở cả bên đó lẫn bên nhà mới đem được cốt cụ tổ nghề cuả làng về để nơi này!…”. Tôi cẩn trọng chỉ cho bà coi nhà chỗ các vết mối đang loang nhanh. Bà thanh minh, bà người làng thật, nhưng chỉ là người tới ở nhờ, nên không có tự quyết gì ở đây được cả. Tôi quay sang nói với ông Chương Huyền, bác họ, người đưa tôi tới đây: ” cháu muốn đưa ảnh về để nhờ anh Trú nhà ta chụp và chấm sửa lại, kẻo cứ đà này thì chả mấy bữa mà tiêu mất hết thôi”. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của ông bác họ, tôi mang di ảnh cụ Khánh về nhà. Về hiệu ảnh Ngọc Chương, số nhà 20 B phố Trần Quang Khải, thành phố Hồ Chí Minh vào một chiều mưa dông nhiệt đới mịt mù, mùa thu năm Canh Ngọ – 1990.

1274584052_01.jpg

Di ảnh Cụ Nguyễn Đình Khánh (Khánh Ký) 1874-1946

Trường hợp danh họa Nam Sơn tên thực là Nguyễn Vạn Thọ người làng Lai đã rõ. Cũng có những danh nhân khác ở thời tao loạn do cuộc sống phải trôi dạt mà biệt tích cho tới giờ mới hiển lộ chắc không hiếm. Như hoàn cảnh của nhà đạo diễn điện ảnh, nghệ sỹ nhân dân nổi tiếng Bạch Diệp chẳng hạn. Bà tên là Tâm. Nguyễn thị Thanh Tâm. Bà có nguyên quán cùng làng với tôi. Nhưng vào năm 1973, khi tôi vào học quay phim tại Trường điện ảnh VN thì các bạn cùng lớp, nghe thấy tôi khoe thế lại chế diễu: “đồ nhận vơ, thấy người sang bắt quàng làm họ”. Tôi cãi hăng, họ chỉ ngay bằng chứng là ông Thìn vừa là người bảo vệ, tuy chữ nghĩa nguệch ngoạc nhưng khá quan trọng vì ông là “đảng viên có thành phần lý lịch cơ bản” được đưa về trường làm việc sau đợt bà Bạch Diệp về “quê quán thị xã Hải Dương” làm bộ phim tốt nghiệp khoá học Đạo diễn điện ảnh. Phim mang tên: “Hải Dương quê tôi”. Trong phim có dựng một cảnh phải sử lý đạo cụ có khói lửa. Do sự bất cẩn cuả nguời phụ trách khói lửa nên ông Thìn, một diễn viên quần chúng tại địa phương, bị kíp mìn tiện đứt phăng cánh tay bên phải tận sát nách. Nhà trường phải chạy chữa, bồi thường vết thương cho ông Thìn khá chu tất nhưng phía đương sự vẫn “bắt đền” vì một cánh tay cuả ông ta vĩnh viễn không bao giờ mọc lại được như cũ nữa. Kết cục nhà trường phải chấp nhận cái ông “thương binh” bất đắc dĩ ấy về làm bảo vệ, kiêm giữ toàn bộ con dấu và hồ sơ phòng tổ chức hành chính quản trị. Thiếu cán bộ chuyên trách công tác đoàn thanh niên CS HCM, ông Thìn còn được đảng bộ giao thêm trọng trách phó bí thư đoàn trường.

Lại nói tiếp cái vụ cá cược “quê Hải Dương” cuả bà Bạch Diệp ấy, tôi bị thua đau vì ông Phó bí thư đoàn trường quyền lực ấy đã nhận “đồng hương” chắc nịch với bà Bạch Diệp mất rồi. Đã bao lần tôi lân la bắt chuyện làm quen với cô Tâm – Bạch Diệp, nhưng không bao giờ tôi thực hiện được vì cô bận, cô đang ăn nên làm ra về nghệ thuật, nên cũng không mấy để ý tới những người mới vào nghề như tôi. Vả lại tôi cũng chẳng trông thấy cô Diệp về thăm làng bao giờ, mặc dù từ nhà cô ở cửa Đông mà ghé qua làng có chưa đầy mười lăm cây số.. Ấy thế mà tôi với cô là người cùng làng, lại cùng cơ quan suốt ba năm liền cơ đấy! Viết lại những dòng này, tôi chả có ý trách cứ gì cô Bạch Diệp cả. Vì trong thâm tâm từ lâu, tôi luôn thắc mắc, có thật cái gò cỏ may úi sùi vất vả quê tôi đã sản sinh ra người nghệ sỹ tài giỏi, có qúa trình sáng tác liên tục và bền bỉ đến như vậy hay không?

diep.jpg

Nữ đạo diễn Bạch Diệp. Ảnh: Tiền Phong.

Ông Phạm Văn Quyên, người đã học và làm ảnh nhiều năm tại tiệm hình của bố cô Bạch Diệp kể lại: “cô chính là ái nữ nhà cụ Nguyễn Văn Chành (tức Hai Chành), nhà ở phố Lai, sát đường quốc lộ 32, phía khu đồng Sau Hàng, ở phía bắc của làng. Ông Chành là địa chủ khét tiếng, vì dữ đòn với nhiều tá điền làm thuê. Nhưng kể từ khi theo học xong lớp nhiếp ảnh do cụ Khánh Ký đào tạo ở Hà nội trở về thì có nhiều thay đổi. Ông bán hết ruộng đất lấy tiền mở hiệu ảnh lớn tại thị xã Hải Dương, ông có công lớn nuôi dưỡng và chắp cánh cho người nghệ sỹ nhân dân nổi tiếng sau này”. 

Thôi thế là cũng may cho cụ Hai Chành, may cho cô Tâm đã “Hải Dương quê tôi” để thoát được trận đấu tố địa chủ thuở nào để hun đúc nên một Bạch Diệp, người nghệ sỹ tài giỏi, qúi hiếm của công chúng cả nước hôm nay.

Hai người em họ của ông Nguyễn Văn Chành, có phần còn nổi tiếng hơn nhiều trong làng nghề. Đó là các “bậc đại gia với thương hiệu Phúc Lai” như câu thuyết minh trong một phim tài liệu đã trình chiếu rộng rãi trên truyền hình VTV4. Mặc dù đều cùng lò đào tạo Khánh Ký ra cả nhưng anh hai em nhà cụ Phúc Lai hơn người chính là ở cái đầu. Từ hồi còn chăn trâu cắt cỏ ở làng tôi đã nghe đồn đại nhiều giai thoại về đại gia đình này. Mặc dù ít chữ, nhưng gia đình Phúc Lai thời hậu Khánh Ký tại Việt nam là không ai không biết vì có nhiều hiệu ảnh ăn khách nhất ở xứ Đoài – Sơn Tây, ở Hà Nội, ở Hải Phòng, ở Đông Triều – Quảng Yên.

Vốn xuất thân từ nông dân, ít học, vừa làm ruộng vừa làm ảnh. Thoạt đầu ông Phúc Lai ruớc thầy địa lý giỏi về đi khắp nơi tìm long mạch, tìm huyệt đất đắc địa, đặt mộ Tổ. Thấy tiềm lực và tầm cỡ của đại gia đình ông có cơ phát về học vấn, ông bán hết ruộng đất cò con tại làng, không tiếc tiền, đầu tư tất cả cho con cái đi học các trường Tây nổi tiếng nhất, tốn kém nhất. Ông muốn cái nhãn mác Phúc Lai sẽ nổi tiếng khắp nước không chỉ là nghề ảnh mà vươn lên tới những chân trời khoa học, kinh tế lớn phục vụ đắc lực cho quốc kế dân sinh. Ông đã mua một khu trang trại rộng hàng trăm Héc-ta đất đẹp ở Đông Triều – Quảng Yên gần khu trang viên cũ (Lục Yên) cuả Hưng đạo Vương Trần Quốc Tuấn, thành lập đồn điền chăn nuôi các loại thú qúi hiếm, trồng rừng, săn bắn và hướng tới phát triển về du lịch sinh thái hấp dẫn khách thập phương.

Thầy tôi, lúc còn sống người đã từng học và là thợ ảnh kỳ cựu xuất sắc trong các tiệm hình cuả cụ Phúc Lai ở Hà Nội, Sơn Tây và Hải Phòng, cũng có xác nhận phần nào những huyền thoại này. Có lần ông nói nhỏ với tôi: “những người có cái nhìn xa trông rộng như cụ Đính (tên thật của cụ Phúc Lai) mà gặp thời thì phải biết. Ở cái làng mình, chả ai sánh được với cụ. Vụ đánh tư sản, diệt địa chủ khốc liệt năm nào đã phá tan biết bao dự định và ước mơ hoài bão của cụ. Bao nhiêu tài sản gom góp cả đời tiêu tan hết. Những năm cuối đời cụ cũng chẳng dám về làng, mà sống ẩn dật trong căn nhà cấp bốn cùng với một người con trai ở cái xóm lao động nghèo bên hồ Giảng võ lầm lụi ấy. Mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên mà “. Đó là những năm đất nước còn chưa thống nhất, lúc tôi vừa rời làng Lai ra Hà Nội học quay phim trường Điện ảnh. Vào tháng tư, năm 1973.

Mấy năm trở lại đây, qua báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng của đảng và nhà nuớc, tôi thấy nhiều lần nhắc tới tên của các nhà bác học đầu ngành về thiên văn và hoá học cuả Pháp là các giáo sư tiến sỹ Nguyễn Quang Riệu và Nguyễn Qúi Đạo. Đó là các nhà khoa học lớn tầm cỡ thế giới. Hai người anh em cuả họ, không sang Pháp mà học Y khoa trong nước, trong vùng tạm chiếm, sau này cũng thuộc lớp những con chim đầu đàn của ngành y tế nước ta đó là các giáo sư Nguyễn Quang Quyền và Nguyễn Quang Thành (giáo sư Thành là con cụ Phúc Lai Sơn Tây). Ba, bốn nhà khoa học lớn trên đều là con trai hai cụ Phúc Lai, đều do các cụ nuôi nấng chăm sóc nên người.

images654761_HXH.jpg

Cố GS Hoàng Xuân Hãn (phải) và GS Nguyễn Quang Riệu (trái) – Đài Thiên văn Paris – Meudon vào năm 1987-Nguồn: bee.net.vn

Thầy tôi biết khá kỹ cả bốn danh nhân nổi tiếng ấy ngay từ tấm bé, vì thời đó Thầy tôi học, làm ảnh và sống tại gia đình cụ Phúc Lai – Nguyễn Văn Đính thân thuộc như người trong một nhà. Mặt khác bà thím ruột của thầy tôi, cụ Lang Kiệu lại là người chị ruột hai cụ Phúc Lai. Và sau này cô Phạm Thị Qúi con gái rượu của cụ Lang Kiệu (Phạm Văn Khởi) lại là vợ cuả chú Hùng (bác sỹ Thành), một trong bốn nhà khoa học nổi tiếng đã nói ở trên. Ấy thế mà cho đến khi cụ Phúc Lai mất, tôi cũng chưa bao giờ được gặp cụ lần nào. Đơn giản cụ không bao giờ về làng nữa. Thảng hoặc nếu có, mà chốc nhát, đêm hôm (?) thì ai mà trông thấy được. Nghe thầy tôi nói, tướng mạo của cụ quắc thước lắm. Còn tiếng nói của cụ có âm vực vang như tiếng chuông. Đi đứng oai phong lẫm liệt.

Vậy mà:

Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng… đành bó tay!

(Còn nữa)

Gocomay

___________________________

25 bình luận

  1. […] 673 – Quê tôi xứ Đoài, nhiều mây trắng lắm! (1) -https://gocomay.wordpress.com/2011/08/31/673-que-toi-x%E1%BB%A9-doai-nhi%E1%BB%81u-may-tr%E1%BA%AFng-l%E1%BA%AFm-1/ […]

  2. […] 673 – Quê tôi xứ Đoài, nhiều mây trắng lắm! (1)  – https://gocomay.wordpress.com/2011/08/31/673-que-toi-x%E1%BB%A9-doai-nhi%E1%BB%81u-may-tr%E1%BA%AFng-l%E1%BA%AFm-1/ […]

  3. […] Phần 1 ở đây:  673 – Quê tôi xứ Đoài, nhiều mây trắng lắm! (1) […]

  4. […] 673 – Quê tôi xứ Đoài, nhiều mây trắng lắm! (1) – https://gocomay.wordpress.com/2011/08/31/673-que-toi-x%E1%BB%A9-doai-nhi%E1%BB%81u-may-tr%E1%BA%AFng-l%E1%BA%AFm-1/ […]

  5. […] 673 – Quê tôi xứ Đoài, nhiều mây trắng lắm! (1) […]

  6. Ngày bé, đi đồi bị bác đâm chảy máu hết quần đùi! Cứ ngỡ bác là Gốc cỏ may “xứ lạ” , hóa ra bác cũng cùng Xứ Đoài mây tắng! Nhà cháu xin chào bác ợ!

    Hà Thạch Hương!

    • Làm gì có chuyện bị cỏ may đâm chảy máu bao giờ. Cùng lắm là nếu Thạch Hương mà mặc quần dài thì bôm cỏ găm ống quần là cho ống quyền hơi ngứa ngáy chút xíu thôi. Chứ quần đùi thì vô tư đi. Người xứ Đoài mà ngoa thế là mất gốc rồi đó, he he..

  7. Trai Vân Cốc lên dốc bắn cò. Đi lò dò, cười khanh khách!

  8. Núi đội mũ mưa mai, Núi thắt đai mưa tối.
    (Mây ở núi Ba Vì dự báo thời tiết)

  9. […] là tình cảm thật của tôi mỗi khi nhớ về quê hương, nơi ấy xứ Đoài, nhiều mây trắng lắm!. Nhưng buồn thay, tại cơ sở khám chữa to lớn của huyện “Bạn có thể tưởng […]

  10. […] trộn cơm   Đó là tình cảm thật của tôi mỗi khi nhớ về quê hương, nơi ấy xứ Đoài, nhiều mây trắng lắm!. Nhưng buồn thay, tại cơ sở khám chữa to lớn của huyện “Bạn có thể tưởng […]

  11. […] là tình cảm thật của tôi mỗi khi nhớ về quê hương, nơi ấy xứ Đoài, nhiều mây trắng lắm!. Nhưng buồn thay, tại cơ sở khám chữa to lớn của huyện “Bạn có thể tưởng […]

  12. […] lòng mọi người lại háo hức một cách lạ kỳ. Không biết nhà thơ nổi tiếng xứ Đoài – Quang Dũng (quê Đan Phượng) thời ở làng có giống tâm trạng của tôi […]

  13. […] lòng mọi người lại háo hức một cách lạ kỳ. Không biết nhà thơ nổi tiếng xứ Đoài – Quang Dũng (quê Đan Phượng) thời ở làng có giống tâm trạng của tôi […]

  14. […] lòng mọi người lại háo hức một cách lạ kỳ. Không biết nhà thơ nổi tiếng xứ Đoài – Quang Dũng (quê Đan Phượng) thời ở làng có giống tâm trạng của tôi […]

  15. […] lòng mọi người lại háo hức một cách lạ kỳ. Không biết nhà thơ nổi tiếng xứ Đoài – Quang Dũng (quê Đan Phượng) thời ở làng có giống tâm trạng của tôi […]

  16. […] lòng mọi người lại háo hức một cách lạ kỳ. Không biết nhà thơ nổi tiếng xứ Đoài – Quang Dũng (quê Đan Phượng) thời ở làng có giống tâm trạng của tôi […]

  17. […] lòng mọi người lại háo hức một cách lạ kỳ. Không biết nhà thơ nổi tiếng xứ Đoài – Quang Dũng (quê Đan Phượng) thời ở làng có giống tâm trạng của tôi […]

  18. […] lòng mọi người lại háo hức một cách lạ kỳ. Không biết nhà thơ nổi tiếng xứ Đoài – Quang Dũng (quê Đan Phượng) thời ở làng có giống tâm trạng của tôi […]

  19. […] hộ từ xa cả vật chất lẫn tinh thần. Như cô Chiên, vốn là dâu con xứ Đoài quê tôi, hiện là chủ một Restaurant ở Tostedt, hoàn cảnh cũng chẳng xông xênh […]

Bình luận về bài viết này

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ