349 – Bị Lạc, cụ Lý (…) chưa tới được Thăng Long

Tranh minh hoạ – Nguồn: //img292.imageshack.us/

Làm một bộ phim cúng cụ (cách gọi dân trong ngành về thể loại phim kỷ niệm các ngày lễ lớn) thiết nghĩ cũng giống như xây một công trình đền đài lưu niệm. Nếu trình độ và điều kiện thiếu thì phải đi thuê (thợ) và nhân công có tay nghề cao hơn ở nước ngoài… thì cũng là chuyện thường tình. Miễn sao đạt được mục tiêu cuối cùng do người đặt hàng yêu cầu là mọi chuyện ổn thoả. Với phim về Lý Công Uẩn để phục vụ cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long cũng thế! Khi ta chưa có trường quay cũng như dây truyền công nghệ để làm một phim lịch sử tầm cỡ như thế! Phải đi thuê trường quay, thuê đạo cụ, phục trang… và cả đạo diễn hiện trường (để thực hiện những tiêu chí cho đạo diễn chính đặt hàng) thì cũng chả có vấn đề gì phải băn khoăn cả.

Cách đây mấy tháng tôi có tình cờ được xem phần trả lời phỏng vấn của hoạ sỹ Phan Cẩm Thượng (cố vấn văn hóa của bộ phim Lý Công Uẩn-Đường tới thành Thăng Long) với Tạp chí Hồn Việt-số 36! Thấy có đoạn như thế này “… trang phục của vua Đinh và vua Lê, họa sỹ Đoàn Thị Tình không vẽ hình rồng nhưng thợ may bảo thiết kế vương phục không thể không có rồng, nếu ta không đồng ý như vậy thì họ không may. Các nhà làm phim nói, họ có quyền rất lớn nên đạo diễn và các nhà làm phim phải theo họ (trường hợp sáng tạo các mẫu mới không theo truyền thống nữa là chuyện khác). Kết quả, ta thiết kế một đằng nhưng thợ may Trung Quốc vẫn may theo ý họ”. 

lý công uẩn

Phan Hòa (áo vàng) trong vai Hoàng hậu Dương Vân Nga – Nguồn: VNE

 Chỉ đọc mấy dòng như thế tôi đã thấy lạnh hết sống lưng. Vì trước đó mấy hôm trên Tuần Việt Nam Nét có đăng “Giấc mơ hùng vĩ cuả người Trung Quốc do Tác giả Lưu Minh Phúc (Chuẩn tướng-Giảng viên Đại học Quốc phòng Giải phóng quân Trung Quốc-BBC) nêu ra thì thấy tham vọng bá quyền về văn hóa của người Trung Hoa khá công khai, xin trích: “Trung Quốc thế kỷ XXI phải trở thành TQ vương đạo … Giấc mơ TQ không chỉ là giấc mơ kinh tế, giấc mơ quân sự mà gồm cả giấc mơ văn hoá, với quan điểm: “Quốc gia hạng nhất xuất khẩu văn hoá và giá trị; quốc gia hạng hai xuất khẩu công nghệ và quy tắc, quốc gia hạng ba xuất khẩu sản phẩm và sức lao động”.(Trích nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-04-05-phai-dieu-hau-tq-nen-xay-dung-quan-su-manh-nhat-the-gioi-).

Chuẩn tướng TQ Lưu Minh Phúc (Nguồn: tuanvietnam.net/)  

Như vậy rõ ràng đứng đằng sau mấy đám thợ may vô danh tiểu tốt kia phải là những nhà chiến lược văn hóa đầy uy quyền thì họ (thợ may) mới có quyền rất lớn nên đạo diễn và các nhà làm phim phải theo họ”. Đó có lẽ là nguyên nhân chính đưa đến kết quả phim về cụ Lý Công Uẩn sắp trình chiếu lại “tràn ngập không khí Trung Hoa” hay “yếu tố Trung Hoa rõ quá như những người có trách nhiệm trong hội đồng duyệt phim quốc gia đánh giá.

Với con số 200 tỷ của người VN (chưa bàn đến của nhà nước hay tư nhân) đã bỏ ra để làm bộ phim cũng không phải nhỏ (so với nước mình). Nhưng cái mất lớn hơn là đánh mất “cơ hội” ngàn năm một thuở như thế này. Ai là người sẽ phải chịu trách nhiệm về “chuyện đã rồi” đó?

Có lẽ trăm dâu sẽ đổ đầu tằm, cái anh “tay ngang” có cái tên lạ hoắc Trịnh Văn Sơn – Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành kia sẽ nhận “cái rắm của con thay cho những người có chức có quyền bên trên (ngấm ngầm tiếp tay cho người TQ) để sửa chữa “khuyết điểm” (lược bớt các yếu tố Trung Hoa) được tý nào hay tý ấy… cho qua cái dịp đại lễ ầm ĩ này đi… rồi mọi chuyện sẽ đâu lại đóng đấy! Chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi sẽ vẫn cứ lặp đi lặp lại và mãi mãi trường tồn ở cái xứ “biết rồi, khổ lắm, nói mãi này thôi… he he!

Phạm Tiến Lộc trong vai Lý Công Uẩn. (Ảnh: HH-VNE) 

Bị lạc đường mà cụ Lý (bộ phim về Lý Công Uẩn) không đến được Thăng Long vào dịp này thì hy vọng 1000 năm sau nữa (dịp kỷ niệm 2000 năm…), chả nhẽ cụ vẫn cứ lạc đường mãi như vậy hay sao?

Gocomay

*       *       *

PHIM LÝ CÔNG UẨN – ĐƯỜNG TỚI THÀNH THĂNG LONG

Phim Việt sao lai Trung Hoa?

Hội đồng duyệt phim Quốc gia yêu cầu đơn vị sản xuất phải lược bớt những bối cảnh đậm chất Trung Hoa trong phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long

Dự kiến lên sóng trong tháng 9- 2010 nhưng đến thời điểm này, bộ phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long (19 tập, Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành sản xuất) chưa được cấp phép trình chiếu, đang phải đối diện với công việc sửa chữa mà theo những người “biết việc” thì công việc này không thể hoàn thành trong một sớm, một chiều.

Yếu tố Trung Hoa quá rõ

Gần 2 tháng trước, đơn vị sản xuất đã tung đoạn phim giới thiệu lên sóng với mục đích quảng cáo cho dự án, thu hút sự quan tâm của người xem. Lập tức, có nhiều ý kiến cho rằng những hình ảnh trong phim quá giống phim dã sử của Trung Quốc.

Phản hồi ý kiến này, ông Trịnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành,  cho rằng VN chưa có truyền thống làm phim lịch sử, chưa có những phim lịch sử được dư luận ghi nhận… nên cũng chưa có gì để làm đối sánh là phim lịch sử VN phải thế này, thế kia.

Còn tiến sĩ Nguyễn Thị Tình- họa sĩ thiết kế trang phục của phim – là người có hàng chục năm nghiên cứu về trang phục VN, cũng từng có thời gian nghiên cứu trang phục cho dự án phim truyện nhựa Thái tổ Lý Công Uẩn (dự án phim Nhà nước đặt hàng cho Hãng phim Truyện VN sản xuất đang tạm dừng- PV) thì quả quyết: “Dựa trên các tiêu chí như khoa học, dân tộc và đại chúng, tôi đã cố gắng hết sức để trang phục của phim  thực sự là VN”.

Tuy nhiên, những lo lắng của dư luận đã thành hiện thực. Một đạo diễn truyền hình có trách nhiệm xem phim cho biết: “Do bận đi công tác, tôi mới xem 2 tập nên không dám bàn về nội dung. Còn cảm nhận cá nhân thì phim tràn ngập không khí Trung Hoa”. 

Cũng theo đạo diễn này, chính vì bộ phim thiếu chất Việt nên đã phải chuyển cho Hội đồng Duyệt phim Quốc gia thẩm định. Được biết, sau khi xem toàn bộ 19 tập phim, cảm nhận chung của phần lớn các thành viên trong hội đồng cũng là “yếu tố Trung Hoa rõ quá”.

 

lyconguan.jpg
Với bối cảnh kiến trúc của Trung Hoa thì không thể nào biến thành phim Việt. Trong ảnh là một cảnh trong phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long. Ảnh: C.T.V

Cũng có ý kiến cho rằng bộ phim đã không đề cập và  khắc họa rõ nét những chiến công oanh liệt của Lê Hoàn trong giai đoạn lịch sử mà bộ phim đề cập.

Kết cục, thay cho việc lên sóng trong tháng 9 như kế hoạch, bộ phim sẽ phải sửa chữa theo yêu cầu của Hội đồng Duyệt phim.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hội đồng yêu cầu đơn vị sản xuất phải lược bớt những bối cảnh đậm chất Trung Hoa, những bối cảnh có đông quần chúng là người Trung Hoa diễn xuất, những lời thoại không phù hợp… Nghe có vẻ đơn giản nhưng có làm phim mới biết việc sửa chữa một tác phẩm khi đã hoàn thiện không đơn giản chỉ là việc cắt cúp.

Cái giá phải trả

Kịch bản được viết bởi một “tay ngang”- ông Trịnh Văn Sơn – sau đó được nhà biên kịch Trung Quốc Kha Chung Hòa – tác giả kịch bản của những bộ phim nổi tiếng: Võ Tắc Thiên, Vương triều Ung Chính – “chuốt lại”.

Bộ phim được thực hiện với kinh phí khoảng trên 100 tỉ đồng; ê kíp làm phim (phía nước ngoài) là những gương mặt dày dạn kinh nghiệm phim trường ở Trung Quốc: Đạo diễn Cận Đức Mậu- đạo diễn phim Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên, Đại Tống khai quốc và đạo diễn Triệu Lôi; các chuyên gia hóa trang Trung Quốc; thuê trường quay Hoành Điếm Trung Quốc;  thuê Trung Quốc may gần 700 bộ trang phục cổ; thuê diễn viên đóng thế của Trung Quốc và hàng trăm diễn viên quần chúng người Trung Quốc…

Cuộc “chơi sang” của đơn vị sản xuất cũng khiến đơn vị này phải đối diện với không ít thách thức là làm sao để bộ phim làm về lịch sử VN giữ được bản sắc Việt và không khí thuần Việt. Đây cũng chính là điều mà những ai quan tâm đến các dự án phim lịch sử hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội đều lo lắng.

Với tư cách là chuyên gia cố vấn về bối cảnh đạo cụ và văn hóa của phim, họa sĩ Phan Cẩm Thượng  trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên Tạp chí Hồn Việt chia sẻ: “Phim do hãng tư nhân đầu tư nên trang phục nào cần thì may, còn không thì thuê vì nếu tất cả trang phục đều phải may thì kinh phí rất lớn.

Một bộ áo giáp giá 5.000 tệ (khoảng 15 triệu đồng) mà mỗi tướng lĩnh ra trận cần từ 3 đến 4 bộ giáp nên tiền đầu tư sẽ lớn. Phương án chính là thuê trang phục và khi thuê thì y phục giống Trung Quốc là chuyện đương nhiên. Họa sĩ thiết kế của ta dùng rất nhiều tài liệu từ sách Trung Quốc nhưng trong các sách đó, người Trung Quốc không bao giờ vẽ rõ cấu trúc từng lớp và mặt nghiêng, mặt sau y phục nên các bản thiết kế Việt cũng chung chung như vậy.

Hoa văn và trang sức là một vấn đề lớn, nếu ta sáng tác theo ý ta thì phải chi nhiều tiền, họ sẽ làm được hết, chỗ nào không làm được, họ cứ đưa hoa văn Trung Quốc vào. Riêng thiết kế trang sức và tóc đều có một họa sĩ riêng, anh ta hỏi tôi đủ thứ và mỗi thứ đều khó khăn.

Sau đó, anh ta lại gửi bản vẽ về Bắc Kinh để chế tạo với giá rất đắt, ví dụ hơn 1.000 tệ một cái vòng bạc, trong khi giá ở Hàng Bạc (Hà Nội) có lẽ chỉ chừng vài trăm ngàn đồng. Các phim lịch sử của ta bày biện một cách tùy tiện về phục trang, hàng trăm bộ khác nhau, đương nhiên là thời gian cho phục trang và tiền may mặc không nhỏ mà lại rất dễ bị “Trung Hoa hóa”…”.

Ai giám sát?

Làm phim lịch sử là một thách thức ngay cả đối với các hãng phim lớn trong nước và các nhà làm phim chuyên nghiệp VN nên có thể phần nào thông cảm với đơn vị sản xuất phim tư nhân trong việc mời  ê kíp ngoại để làm phim như một giải pháp an toàn cho vấn đề thương mại (được biết ngoài phát sóng tại VN, bộ phim này cũng đang được chào để phát hành tại các nước ASEAN và một số nước châu Âu).

Tuy nhiên, dù thế nào thì đây cũng là phim lịch sử được làm chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Cho dù làm bằng tiền của Nhà nước hay tư nhân, bộ phim vẫn phải là một nén hương thơm.
Như vậy, lẽ ra với các dự án phim lịch sử dù là tư nhân làm vẫn phải cần có sự giám sát chặt chẽ và có những định hướng kịp thời ngay từ khi dự án bắt đầu ở khâu kịch bản.
 
Hải Phương

____

Xem các bài liên quan:

___________________________

2 bình luận

  1. Có vấn đề gì không?

Gửi phản hồi cho gocomay Hủy trả lời

Gocomay's Blog

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ